Sinh hoạt chuyên môn tiếng Anh là gì

CHUYÊN ĐỀ:  ĐỔI MỚI SINH HOẠT TỔ CHUYÊN MÔN

I. Mục tiêu:

          - Nâng cao năng lực quản lí và năng lực chuyên môn cho GV và CBQL;

          - Giúp cho CBQL, GV biết chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng các chuyên đề dạy học trong mỗi môn học và các chuyên đề tích hợp, liên môn phù hợp với việc tổ chức hoạt động học tích cực, tự lực, sáng tạo của học sinh;

          - Đổi mới nhận thức về mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng dạy học tích cực, hướng vào hoạt động học của học sinh. Đảm bảo cơ hội học tập, góp phần phát triển năng lực cho mọi học sinh;

          - Bồi dưỡng giúp giáo viên nắm vững quan điểm, phương pháp, kĩ thuật dạy học, chủ động điều chỉnh nội dung SGK, tài liệu hướng dẫn học tập/hướng dẫn hoạt động giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh, vùng miền và quá trình tổ chức hoạt động học tập;

          - Xây dựng và phát triển quan hệ đồng nghiệp thân thiện, tôn trọng theo hướng hợp tác, hỗ trợ và dân chủ; đảm bảo cơ  hội phát triển chuyên môn cho mọi giáo viên;

          - Phát triển quan hệ giữa nhà trường với gia đình và cộng đồng. Tạo điều kiện cho gia đình và cộng đồng tham gia vào quá trình học tập của học sinh trong  nhà trường.

II. Nội dung sinh hoạt chuyên môn :

          Nội dung sinh hoạt TCM bao gồm: SHCM thường xuyên và sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề

          1. Sinh hoạt chuyên môn thường xuyên: Được tổ chức định kì 2 lần/tháng, bao gồm các nội dung sau:

          - Thảo luận các nội dung chuyên môn có liên quan giữa 2 lần SHCM định kì [nội dung SHCM phải cụ thể, thiết thực do giáo viên, CBQL đề xuất, thống nhất và thực hiện];

          - Thảo luận các bài học trong SGK, tài liệu hướng dẫn học, hướng dẫn hoạt động giáo dục, thống nhất nội dung cần điều chỉnh, làm cho bài học trong SGK, tài liệu học tập cập nhật, phù hợp với đối tượng học sinh, phù hợp với vùng miền, nâng cao năng lực sư phạm, năng lực nghề nghiệp cho GV;

          - Thảo luận về việc hướng dẫn học sinh sắp xếp các dụng cụ học tập [có sẵn/tự làm] để bổ sung hoặc thay thế các dụng cụ học tập; trang trí sắp xếp các góc học tập [nếu có];

          - Trao đổi kinh nghiệm tổ chức các hoạt động phát huy vai trò chủ động, tích cực của học sinh;

          - Trao đổi kinh nghiệm đánh giá quá trình và kết quả của học sinh;

          - Các hoạt động hành chính, sự vụ khác trong nội dung sinh hoạt của tổ chuyên môn theo quy định của điều lệ/ quy chế của nhà trường;

          2. Sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề

          2.1. Nội dung sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề

          - Thảo luận việc xây dựng các chuyên đề dạy học [căn cứ vào chương trình, SGK hiện hành, lựa chọn nội dung để xây dựng các chuyên đề dạy học phù hợp với việc sử dụng PPDH tích cực trong điều kiện thực tế của nhà trường].

          - Xây dựng kế hoạch và chuẩn bị bài dạy; tổ chức dạy học và dự giờ; phân tích thảo luận và đánh giá bài dạy minh họa của giáo viên theo hướng phân tích  hoạt động học tập của học sinh; cùng suy ngẫm và vận dụng để hướng dẫn hoạt động học tập của học sinh.

          - Xây dựng kế hoạch kiểm tra đánh giá quá trình và kết quả học tập của học sinh; thảo luận và biên soạn các phiếu đánh giá, hồ sơ kiểm tra đánh giá học sinh; xây dựng các ma trận đề kiểm tra, đề kiểm tra; mô tả các câu hỏi và bài tập theo 4 mức độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

          Thảo luận trao  đổi về SKKN, kết quả NCKHSP ứng dụng  của GV và CBQL.

          - Tổ chức tham quan và tìm hiểu thực tế dạy học  ở các trường trên phạm vi huyện, tỉnh, cả nước.

          - Tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể về các chủ đề liên quan tới chuyên môn nghiệp vụ.

          2.2. Quy trình triển khai sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề:  3 bước

          - Bước 1: Công tác chuẩn bị [dự kiến nội dung công việc, tiến trình hoạt động, phương tiện cần cho hoạt động, giao cho ai làm, thời gian hoàn thành là bao lâu, trao đổi, kết nối thông tin như thế nào, TT/nhóm trưởng làm gì]

          - Bước 2: Điều hành buổi sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề

          + Lựa chọn thời gian  và tiến hành đúng thời gian đã chọn;

          + Tổ trưởng nêu mục tiêu buổi SH, công bố chương trình, cách triển khai, định hướng thảo luận rõ ràng; nêu rõ nguyên tắc làm việc.

          + Các thành viên được phân công  viết các chủ đề báo cáo nội dung.

          + TTCM tổ chức cho các thành viên thảo luận [TTCM  phải biết khêu gợi các ý kiến phát biểu, biết chẻ nhỏ các vấn đề thảo luận,  biết lắng nghe, tôn trọng các ý kiến phát biểu].

          - Bước 3: Kết thúc buổi sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề

          + Kết thúc buổi sinh hoạt chuyên môn theo chủ để phải đưa ra được các kết luận cần thiết, phương hướng triển khai vận dụng kết quả của chủ  đề trong thực tế giảng dạy.

          + Đối với các trường quy mô nhỏ, giáo viên mỗi bộ môn ít nên đẩy mạnh hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề với quy mô cụm trường để trao đổi học thuật, nâng cao năng lực chuyên môn theo yêu cầu.

          2.3. Hình thức sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề

          Sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề có thể thực hiện theo các hình thức khác nhau như: sinh hoạt theo môn học, theo nhóm môn học, sinh hoạt trong nhà trường; sinh hoạt theo cụm trường; sinh hoạt trên "Trường học kết nối" tại địa chỉ website: //truongtructuyen.edu.vn.

     NỘI DUNG SINH HOẠT TỔ CHUYÊN MÔN

“ Tổ chức các hoạt động phát triển năng lực học sinh”

          - Nội  dung thảo luận dựa trên phân tích hoạt động học tập của học sinh là tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến người học như: Học sinh học như thế nào? Học sinh đang gặp khó khăn gì trong học tập? Nội dung và phương pháp dạy có phù hợp, có gây hứng thú cho học sinh không? Kết quả học tập của học sinh có được cải thiện không? Cần điều chỉnh gì và điều chỉnh như thế nào?...

           - Tập trung phân tích hoạt động học tập của học sinh không chú trọng vào quan sát việc giảng dạy của giáo viên để đánh giá giờ học, xếp loại GV mà  khuyến khích giáo viên tìm ra nguyên nhân vì sao học sinh học chưa đạt kết quả như mong muốn, đặt biệt đối với những học sinh có khó khăn về học. Từ đó giúp giáo viên chủ động điều chỉnh nội dung, tìm phương pháp dạy học phù hợp tạo cơ hội cho mọi học sinh tham gia vào quá trình học tập để nâng cao chất lượng dạy học.

          - Phân tích hoạt động học tập của học sinh tạo cơ hội cho tất cả giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm và phát huy khả năng sáng tạo trong việc áp dụng các phương pháp dạy học thông qua việc dự giờ, trao đổi, thảo luận, chia sẻ sau khi dự giờ. Qua đó góp phần làm thay đổi văn hóa ứng xử trong nhà trường.

          * Các bước thực hiện một buổi sinh hoạt chuyên môn dựa trên phân tích hoạt động học của học sinh

          Bước 1:   Chuẩn bị nội dung bài dạy minh họa

          - GV tự nguyện đăng kí  hoặc Hiệu trưởng/tổ trưởng phân công giáo viên dạy minh họa à GV dạy minh họa chuẩn bị bài dạy à  tổ CM tổ chức họp, thảo luận lấy ý kiến từ các GV trong tổ CM để cùng nhau thiết kế, trao đổi, đầu tư thời gian chuẩn bị bài học .

[ Lưu ý: bài dạy minh họa phải thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo, không phụ thuộc quá nhiều vào  nội dung trong SGK, các quy trình, các bước dạy trong SGV; GV có thể lựa chọn các ngữ liệu gần gủi với các em để đạt MT bài học].

Bước 2: Tổ chức dạy minh họa-Dự giờ [khâu quan trọng nhất trong sinh hoạt CM]

          a] Dạy minh họa

          - GV tiến hành dạy minh họa trên HS của lớp mình. Yêu cầu không được luyện tập trước khi dạy minh họa.

          - Chuẩn bị không gian, bàn ghế thuận tiện cho người dự dễ dàng quan sát các hoạt động học tập của học sinh.

          - Các hoạt động thiết kế đảm bảo thời lượng 1 tiết dạy minh họa không nên kéo dài quá so với quy định 1 tiết học.

          b] Dự giờ

          - BGH và các GV trong trường cùng dự [số lượng GV dự không quá 25 người, đảm bảo học sinh có thể học bình thường].

          - Người dự giờ cần đứng vị trí thuận lợi để có thể quan sát được nét mặt, hành động, thao tác,  sản phẩm của học sinh [đứng ở hai bên hoặc phía trước]

          - Người dự giờ cần vẽ sơ đồ chỗ ngồi, quan sát, nghe nhìn, suy nghĩ, ghi chép diễn biến hoạt động của học sinh trong giờ học hay những biểu hiện tâm lí của học sinh thể hiện trong các hoạt động/ tình huống cụ thể.

          - Người dự giờ có thể chụp ảnh, quay phim các hoạt động của học sinh.

          -Tập trung quan sát sự tương tác giữa học sinh - GV, HS- HS [thường xuyên đặt  câu hỏi: học sinh học được cái gì? Học sinh có hứng thú không? Tại sao có? Tại sao không? Hoạt động nhóm có thực sự đảm bảo cơ hội cho tất cả học sinh tham gia ? có học sinh nào bị "bỏ quên" không?]

          - Có thể ghi chép, ghi âm câu hỏi của giáo viên, câu trả lời của HS, các biểu hiện trên nét mặt thi thực hiện nhiệm vụ, Kết quả sản phẩm…. Từ đó suy nghĩ, phân tích, tìm nguyên nhân và đưa ra các giải pháp tích cực hơn

          VD:  Vì sao HS A và nhiều HS khác không trả lời được? HS không hiểu câu hỏi hay câu hỏi quá khó? Cần thay đổi câu hỏi như thế nào?

          Vì sao HS B không tham gia hoạt động?  chưa rõ nhiệm vụ hay nhiệm vụ quá khó? Làm thế nào để HS tham gia hoạt động này

          Trong hoạt động thực hành chỉ có một số HS làm đúng, phần đông HS làm sai? Do đâu?

          Bước 3. Thảo luận về giờ học

          a] Địa điểm thảo luận:

          - Đủ rộng, đủ chỗ ngồi, có các phương tiện hỗ trợ [máy chiếu, máy tính…]

          - Sắp xếp bàn ghế để người tham gia thảo luận ngồi đối diện nhau

          b] Tiến trình buổi thảo luận

          - Bước 1: Người chủ trì nêu mục đích buổi thảo luận.

          - Bước 2:  GV dạy minh họa đại diện nhóm thiết kế nêu mục tiêu cần đạt của bài học, những ý tưởng thay đổi về nội dung, phương pháp, đồ dùng dạy học để phù hợp với đối tượng học sinh, cảm nhận khi dạy bài học [hài lòng, băn khoăn, khó khăn….].

          - Bước 3:  Giáo viên dự giờ chia sẻ ý kiến về  giờ học [ VD:  những điều mình học được qua bài dạy minh họa; Tại sao HS A có biểu hiện khó khăn trong giờ học;  nguyên nhân của những khó khăn; Bài học có gì mới, sáng tạo so với SGK, SGV;  nội dung /hoạt động học tập có  phù hợp với khả năng nhận thức của HS không? Các phương pháp, kỹ thuật dạy học có làm học sinh hứng thú mang lại hiệu quả không? Tại sao? Học sinh được quan tâm, hỗ trợ như thế nào? Học sinh có cơ hội liên hệ kiến thức đã biết để hình thành kiến thức mới như thế nào?]

Lưu ý: Khi thảo luận cần lưu ý 3 vấn đề

          + Mối quan hệ giữa GV - HS; giữa HS- HS.

          + HS học được gì qua hoạt động đó.

          + Hoạt động đó tác động đến quá trình lĩnh hội kiến thức, sự tham gia của học sinh  như thế nào?

          Trong điều hành thảo luận người chủ trì cần lắng nghe tích cực và khéo léo hướng buổi thảo  luận đi đúng trọng tâm tập trung đi vào phân tích hoạt động học của học sinh để đạt mục đích, không để người dự mổ xẻ, phân tích, xoi mói những hạn chế của người dạy minh họa.

          Người góp ý cần căn cứ vào mục tiêu bài học để hiến kế đưa ra các giải pháp giúp người dạy khắc phục hạn chế và tự tìm ra các yếu tố tích cực xem mình đã học được gì qua bài học này.

          Trong quá trình thảo luận không áp đặt ý kiến, kinh nghiệm chủ quan cá nhân, không quá chú trọng đến các quy trình truyền thống của  một giờ dạy. Đặc biệt không đánh giá giáo viên, không xếp loại giờ học và không kết luận phải thay đổi theo cách nào. Tuy nhiên mỗi giáo viên sẽ tự suy nghĩ và lựa chọn giải pháp phù hợp với học sinh và điều kiện học tập của lớp mình.

          Thời gian cho một buổi sinh hoạt chuyên môn nên kéo dài khoảng từ một tiếng rưỡi đến hai tiếng để đảm bảo mọi GV đều có thể trao đổi ý kiến của mình.

          c] Định hướng phân tích bài học

          Việc phân tích bài học có thể căn cứ vào các tiêu chí cụ thể như sau

Nội dung

Tiêu chí

1. Kế hoạch và tài liệu dạy học

 Mức độ phù hợp của chuỗi hoạt động với mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học được sử dụng

 Mức độ rõ ràng của mục tiêu, nội dung, kĩ thuật tổ chức và sản phẩm cần đạt được của mỗi nhiệm vụ học tập

 Mức độ phù hợp  của thiết bị dạy học và học liệu được sử dụng để tổ chức các hoạt động học của học sinh

 Mức độ hợp lí của phương án kiểm tra, đánh giá trong quá trình tổ chức hoạt động học của học sinh

2. Tổ chức hoạt động học cho học sinh

 Mức độ sinh động, hấp dẫn học sinh của phương pháp và hình thức chuyển giao nhiệm vụ học tập

 Khả năng theo dõi, quan sát, phát hiện kịp  thời những khó khăn của học sinh

 Mức độ phù hợp, hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ và khuyến khích học sinh hợp tác giúp đỡ nhau khi thực hiện nhiệm vụ học tập

 Mức độ hiệu quả hoạt động của giáo viên trong việc tổng hợp, phân tích đánh giá kết quả hoạt động và quá trình thảo luận của học sinh

3. Hoạt động của học sinh

 Khả năng tiếp nhận và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ học tập của tất cả học sinh trong lớp

 Mức độ tích cực, chủ động, sáng tạo, hợp tác của học sinh trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập

Mức độ tham gia tích cực của học sinh trong trình bày, trao đổi, thảo luận về kết quả thực hiện nhiện vụ học tập

 Mức độ đúng đắn, chính xác, phù hợp của các kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh

NỘI DUNG SINH HOẠT TỔ CHUYÊN MÔN TIẾNG ANH- TIN HỌC

I / THỜI GIAN-ĐỊA ĐIỂM:

        - Cuộc họp bắt đầu lúc … giờ ….. ngày … tháng …..năm 2017

        - Địa điểm: phòng Tin học

        - Thành phần tham dự: giáo viên tổ Tiếng Anh, Tin học

        - Chủ trì cuộc họp : Nguyễn Thị Anh Thư

        - Thư kí: Huỳnh Thị Bạch Yến

II / HOẠT ĐỘNG THÁNG 3:

* Sinh hoạt công văn:            

1. Đánh giá hoạt động 2 tuần qua:

2. Kế hoạch hoạt động:

3. Thảo luận hoạt động chuyên môn:

“ Tổ chức các hoạt động phát triển năng lực học sinh”

          Tổ tiếng Anh xây dựng tiết dạy lớp 9 bài 9 phần “Getting started and read” theo hướng phát triển năng lực học sinh.[ Có giáo án đã soạn]

          *Các nội dung cần thảo luận: [tổ trưởng đưa ra]

          - Mục tiêu bài học: Xác định rõ nhiệm vụ GV phải làm [dẫn dắt HS tìm hiểu vận dụng kiến thức kĩ năng nào? Giáo dục HS những bài học gì?

          - Nội dung bài học: Chính xác, đầy đủ chưa? Tính logic của  bài học? Thái độ cơ bản nào cần hình thành và phát triển ở HS?

          - Xác định khả năng đáp ứng các nhiệm vụ nhận thức của HS: Xác định những kiến thức kĩ năng mà HS đã có và cần có, dự kiến những khó khăn đối với HS và phương án giải quyết.

          - Lựa chọn phương pháp dạy học, phương tiện dạy học, hình thức tổ chức dạy học vá cách thức đánh giá thích hợp nhằm giúp HS học tập tích cực, chủ động, sáng tạo.[ Chọn ra câu hỏi nâng cao để đánh giá và cho điểm HS]

          Bài học này có thể lồng ghép môn Địa về các loại bão, động đất, lốc xoáy, sóng thần.

          * Ý kiến thảo luận:

`        1/ Cô Loan:

 -Trình bày mục tiêu bài học:

+ Vận dụng 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, GV giúp HS nắm được những quá trình hình thành những thiên tai: Động đất, sóng thần, bão, núi lửa, lốc xoáy.

+ Qua bài học, HS hiểu được hậu quả của thiên tai và có ý thức phòng chống chúng.

[Bổ sung ý kiến: cô Phương, ….]

          2/ Cô Phương: Đóng góp nội dung bài học:

          - Phần Warm up: cho HS tìm ra 5 thiên tai mà GV sắp sửa dạy

- Từ mới: dạy 8 từ: Pacific Rim, tidal wave, typhoon, abrupt, hurricane, erupt, tornado, funnel.

 - Nội dung truyền đạt:

          + Động đất: xác định vị trí động đất thường xảy ra

          + Sóng thần: Cách hình thành

          + Bão: phân biệt 3 loại bão: typhoon, hurricane, cyclone

          + Núi lửa: Cho ví dụ

          + Lốc xoáy: Cách hình thành

          - Phần While-Reading: cho HS điền từ để hoàn thành câu. GV không áp đặt HS phải điền đúng với nội dung bài học. Các em có thể điền theo thông tin và sự kiện chính xác mà các em nắm bắt được qua báo đài. Từ đó hình thành nên thái độ chủ động và sáng tạo trong học tập của các em.

Bổ sung ý kiến: cô Yến …

          3/ Cô Yến: Lựa chọn phương pháp dạy học, phương tiện dạy học, hình thức tổ chức dạy học.

          a/ Phương pháp dạy học:

          - Dùng kĩ thuật “Brainstorming” cho phần Warm up để giới thiệu 5 thiên tai mà GV sắp dạy.

          - True or false cho phần Pre-Reading

          - Complete the sentences cho phần While-Reading

          - Luyện tập tự do [Nói về thiên tai thường gặp ở quê chúng ta và chúng ta nên làm gì để phòng chống chúng, dạy ở phần Post-Reading].

          - HS làm việc theo nhóm:

          + Phần warm up: làm việc theo đội [chia lớp thành 2 đội]

          + Phần While-Reading: mỗi nhóm 4 HS

          + Phần luyện tập tự do: Chọn 5 HS giỏi đi xung quanh lớp hỏi đáp với các HS khác, sau đó tường thuật lại cho GV những việc làm của bạn mà các em vừa hỏi đáp.

          b/ Phương tiện dạy học:

          - Sử dụng bảng phụ, cassette, máy chiếu….

          GV có thể cho điểm học sinh ở phần luyện tập tự do

Bổ sung ý kiến: cô Thư

          4/ Cô Thư: Dự kiến những khó khăn HS gặp phải, tình huống nảy sinh và hướng giải quyết.

          - Phần nội dung chính của bài học,HS giỏi có khả năng tiếp thu bài tốt, nhưng đối với HS yếu, GV chỉ cần cung cấp các cụm từ có liên quan đến bài học để các em khắc sâu bài. [ Lưu ý những cụm từ này thường liên quan đến các bài kiểm tra dạng trắc nghiệm]. Ví dụ:

          + Earthquake: Pacific Rim

          + Tidal wave: an abrupt shift in the underwater

          + Typhoon: hurricane, cyclone

          + Volcano: erupt

          + Tornado: funnel-shaped storm

          + Typhoon:Asia; Hurricane: America; Cyclone: Australia

          - Khi HS luyện tập tự do, GV nên gợi ý những thiên tai thường xảy ra ở vùng quê để HS trình bày đúng theo thực tế. VD: lũ lụt, bão…

- GV sưu tầm những tranh ảnh minh họa về lũ lụt, bão… Học sinh nhìn tranh để trình bày nội dung theo yêu cầu của GV.

- Nếu HS nhìn tranh không thể thực hiện được, GV có thể đưa ra một số câu hỏi để giúp HS giỏi hỏi đáp với HS yếu. VD:

          + In which months can the disasters occur?

          + How do people do when the disaster occurs?

          + What are disadvantages of disasters in your home village?

          - Ở phần này, GV cho điểm HS. [ GV quan sát lớp khi HS thực hành và cho điểm HS trong quá trình tương tác bài học giữa các em].

Bổ sung ý kiến: cô Loan…..

          Sau mỗi ý kiến, tổ trưởng chốt lại và cả tổ thống nhất.

          * Các công việc cần thực hiện:

          -Tổ thống nhất dạy 2 tiết dạy [Tiếng Anh, Tin học] ở phòng chiếu, sử dụng giáo án điện tử.

          - Giáo viên soạn giáo án điện tử môn Tiếng Anh: cô Thư, cô Phương

          - Giáo viên soạn giáo án điện tử môn Tiếng Tin học: thầy Dũng, thầy Hải

- Giáo viên phụ trách dạy : cô Yến, cô Tú

          - Lớp được chọn dạy: 9/4 [ Môn Tiếng Anh], 8/1 [ môn Tin học]

          - Thời gian dạy:……………….

Video liên quan

Chủ Đề