Thoát vị đĩa đệm có nên mổ không

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là hiện tượng nhân nhầy đĩa đệm thoát khỏi vị trí thông thường, chèn ép vào rễ thần kinh, gây đau thắt lưng, lan theo rễ thần kinh xuống chân [đau thần kinh tọa].


Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cơ bản là điều trị nội khoa. Khi điều trị nội khoa trên 06 tuần không cải thiện, không đáp ứng điều trị nội khoa thậm chí với các thuốc giảm đau gây nghiện hay thoát vị đĩa đệm có các tổn thương vận động [liệt một hoặc nhiều nhóm cơ] thì người bệnh sẽ được chỉ định mổ thoát vị đĩa đệm. Chỉ định mổ cấp cứu khi bệnh nhân có rối loạn cơ tròn, tổn thương vận động trong vòng 24-48 giờ.

Có nhiều phương pháp mổ thoát vị đĩa đệm, đó là mổ mở, lấy nhân nhầy giải ép rễ thần kinh; mổ vi phẫu qua ống nong hoặc mổ nội soi. Tuy nhiên, tùy từng bệnh nhân, thể thoát vị mà bác sĩ có chỉ định mổ bằng phương pháp phù hợp nhất.

Các triệu chứng của người bệnh sẽ cải thiện nhiều nhất trong vòng 3 tháng đầu tiên, tuy nhiên dự kiến sẽ cải thiện thêm trong vòng 12 tháng. Cơn đau có xu hướng cải thiện nhanh hơn [chủ yếu trong vòng 2-6 tuần đầu]. Cải thiện tình trạng yếu cơ, tê cứng và kim châm mất nhiều thời gian hơn [vài tháng, thậm chí nhiều năm]. Mặc dù phẫu thuật có thể làm giảm chèn ép lên dây thần kinh nhưng có 10-25% số người không hồi phục hoàn toàn sức mạnh của cơ và khoảng 50% bệnh nhân còn lại cảm giác tê. Điều này do các tổn thương không thể phục hồi đã xảy ra trước khi phẫu thuật.

Khi nào người bệnh sẽ được tái khám sau cuộc phẫu thuật?

Lần tái khám đầu tiên sẽ là 2 tuần sau khi bạn phẫu thuật. Mục đích của lần tái khám này là để kiểm tra sự tiến triển của bạn, đánh giá vết thương, thảo luận về chiến lược trở lại làm việc của bạn và giới thiệu bạn đến bác sĩ vật lý trị liệu để hỗ trợ quá trình này.

Lần thăm khám thứ hai và lần cuối cùng được lên kế hoạch từ 6 đến 8 tuần sau khi phẫu thuật để đảm bảo quá trình hồi phục của bạn vẫn đúng hướng.

Người bệnh nên làm gì trong vài tuần đầu tiên sau khi phẫu thuật?

Ngay sau khi người bệnh thấy thoải mái [đau không ảnh hưởng đến giấc ngủ, sinh hoạt cá nhân ..], người bệnh có thể an toàn trở lại mọi hoạt động bình thường. Tuy nhiên ban đầu bạn nên tránh nâng nặng hoặc chơi các môn thể thao. Đi bộ được khuyến khích và có thể bắt đầu ngay lập tức. Nếu có điều kiện, bạn có thể tập vật lý trị liệu với bác sĩ chuyên khoa sau khi mổ 02 tuần.

Khi nào người bệnh có thể trở lại làm việc?

Người bệnh không nên thụ động chờ đợi sau phẫu thuật đĩa đệm cột sống thắt lưng. Hầu hết những người làm công việc văn phòng có thể trở lại làm việc trong vòng 2-3 tuần, và 4-6 tuần đối với cho những người làm công việc chân tay liên quan đến việc khuân vác nặng.

Khi nào người bệnh có thể trở lại các hoạt động thể thao?

Khoảng 80 - 90% vận động viên trở lại chơi thể thao ở các cấp độ sau khi phẫu thuật đĩa đệm thắt lưng. Các vận động viên giải trí trong các môn thể thao không va chạm có thể quay trở lại thi đấu sau 6 đến 8 tuần. Các môn thể thao như bóng bầu dục hay các môn va chạm khác có thể trở lại trong khoảng từ 8-12 tuần tuy nhiên cần tăng dần mức độ tập luyện từ từ.

Người bệnh cần làm gì khác để tối ưu hóa quá trình hồi phục của mình?

Các nghiên cứu cho thấy rằng béo phì có liên quan đến kết quả xấu hơn hơn sau khi phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Nỗ lực giảm cân rất quan trọng đối với sự phục hồi và sức khỏe của cột sống trong tương lai. Thay đổi chế độ ăn uống nhằm giảm cân là rất quan trọng đối với sự chịu tải của cột sống và quá trình hồi phục. Hút thuốc lá cũng làm hiệu quả phẫu thuật thoát vị đĩa đệm kém hơn.

Những nguy cơ có thể xảy ra thoát vị tái phát là gì?

Các thành phần còn lại của đĩa có khả năng bị sa xuống do tổn thương ban đầu ở bao xơ đĩa đệm dẫn đến thoát vị đĩa đệm tái phát. Tỷ lệ thoát vị tái phát là 5-7% trường hợp. Các lựa chọn điều trị nếu tái phát bao gồm phẫu thuật lại hoặc điều trị bảo tồn như thoát vị ban đầu. Điều quan trọng là khả năng thoát vị tái phát không liên quan đến mức độ hoạt động của bạn sau khi phẫu thuật. Vì vậy người bệnh có thể an toàn trở lại làm việc và thực hiệncác hoạt động bình thường của mình theo khung thời gian ở trên.

Người bệnh có cần phẫu thuật lại trong tương lai không?

Lý do phổ biến nhất cho việc phẫu thuật lại là thoát vị đĩa đệm tái phát [xem ở trên].

Mặc dù phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có hiệu quả trong việc giảm đau chân, tuy nhiên nó không thể đảo ngược được tình trạng tổn thương của đĩa đệm. Do đó, một số ít bệnh nhân có thể bị đau thắt lưng trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên hầu hết bệnh nhân đều chấp nhận được tình trạng này mà không có quá nhiều hạn chế trong sinh hoạt. Chỉ khoảng 10% bệnh nhân, cơn đau cần điều trị thêm. Một số ít trong số này cần phẫu thuật kết xương, cố định cột sống.

Tại Bệnh viện TWQĐ 108, các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh triển khai các kỹ thuật mổ thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Các bác sĩ tiếp nhận và phẫu thuật trên 300 ca/năm, kết quả đều rất tốt.

Thực hiện: TS.BS Nguyễn Khắc Hiếu - Khoa Ngoại thần kinh – Bệnh viện TƯQĐ 108

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm thoát ra khỏi bao xơ, hệ thống bảo vệ chèn vào ống tủy hoặc rể thần kinh, bệnh thường xảy ra sau một chấn thương như khuân vác nặng. Thói quen vận động, tư thế làm việc không đúng cũng là nguyên nhân và là yếu tố nguy cơ làm bệnh dễ xảy ra. Tổn thương có thể xuất hiện bất kỳ đoạn nào của cột sống nhưng nhiều nhất là thắt lưng, tiếp đến cổ, đoạn ngực chỉ chiếm khoảng 1%. Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân gây đau thắt lưng thường gặp, gây ảnh hưỡng không ít đến công việc, sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Một câu hỏi thường gặp phải với người bị thoát vị đĩa đệm là có nên mổ không và khi nào thì phải mổ? Tùy vào giai đoạn và kiểu tổn thương thoát vị đĩa đệm mà có các phương pháp điều trị hiệu quả khác nhau.

Điều trị bảo tồn [Không phẫu thuật]: Có 85 - 90% thoát vị đĩa đệm chỉ cần điều trị nội khoa bảo tồn không phải phẫu thuật. Nếu điều trị đúng chỉ định và đúng phương pháp hiệu quả có thể đạt đến 95%. Thường được áp dụng ở giai đoạn mà bao xơ đĩa đệm chưa bị rách [giai đoạn phình hay lồi đĩa đệm]. Với mục đích là giảm đau, hết dị cảm, phục hồi chức năng vận động và tạo điều kiện cho phần đĩa đệm bị lồi co bớt lại làm giảm chèn ép thần kinh. Trong đợt đau cấp bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng hợp lý, điều trị cụ thể thông thường qua từng giai đoạn bệnh:

- Giai đoạn 1: Giảm đau kết hợp chống viêm non-steroid hoặc corticoid đường uống, thuốc chống co cứng cơ có thể kèm an thần nhẹ.

- Giai đoạn 2: Tiêm ngoài màng cứng, tiêm quanh rễ thần kinh.

Có thể kết hợp các biện pháp khác như vật lý trị liệu, xoa bóp, kéo giãn cột sống, đai lưng… Trong một số trường hợp có thể sử dụng thủ thuật phong bế rễ thần kinh chọn lọc hay tiêm ngoài màng để làm giảm đau thần kinh bị chèn ép. Thủ thuật này được thực hiện trong phòng mổ, sử dụng màng tăng sáng. Mỗi lần thực hiện có thể có hiệu quả trong 3 – 4 tháng.

Khi triệu chứng đau cấp cải thiện, tập chương trình phục hồi để dự phòng các tổn thương về sau. Bao gồm các bài tập để điều chỉnh tư thế, làm khỏe các cơ nâng đỡ cho lưng và cải thiện tính mềm dẻo uyển chuyển của cột sống.

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm: Khoảng 10 – 15% bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng có chỉ định can thiệp phẫu thuật. Phẫu thuật được xem là phương pháp cuối cùng trong điều trị thoát vị đĩa đệm, mục đích là lấy đi phần đĩa đệm thoát vị gây chèn ép tuỷ rể thần kinh. Thông thường chỉ định phẫu thuật thoát vị đĩa đệm được áp dụng khi bao xơ đĩa đệm bị rách, nhân nhầy thoát ra ngoài chèn ép thần kinh tuỷ, rể. Hoặc nhân nhầy khối thoát vị di trú xa trong tuỷ sống gây chèn ép [trường hợp này chỉ định phẫu thuật gần như bắt buộc]. Và việc chỉ định phẫu thuật sẽ có 2 tình huống sau:

- Chỉ định phẫu thuật cấp cứu: Nghĩa là bệnh nhân được chỉ định mổ ngay để giải quyết phần thoát vị gây chèn ép thần kinh. + Nếu bệnh nhân có biểu hiện chèn ép gây yếu liệt cấp thường sau một sang chấn như khuân vác nặng [Có thể ban đầu không yếu liệt đang điều trị nội khoa bệnh nhân có diễn tiến gây yếu liệt cấp]. + Hoặc hội chứng chùm đuôi ngựa [Đau thắt lưng, thiếu hụt cảm giác vận động 2 chân, rối loạn chức năng sinh dục, rối loạn đại tiểu tiện như tiểu khó, bí tiểu hoặc tiểu không tự chủ…].

+ Hoặc đau quá mức không thể chịu được, dùng các thuốc giảm đau không đáp ứng [thậm chí cả tiêm Morphine].

- Chỉ định mổ trì hoãn [theo chương trình]: Tất cả các trường hợp còn lại được chỉ định khi điều trị nội khoa tích cực từ 6 đến 8 tuần nhưng thất bại hoặc tái phát sớm ngay khi dừng thuốc hoặc xuất hiện dấu hiệu phải phẫu thuật cấp cứu như trên. Cũng có thể do bệnh nhân không dung nạp được điều trị nội khoa như có bệnh lý kết hợp viêm loét dạ dày…không thể tiếp tục điều trị bảo tồn.


Hình ảnh MRI thoát vị đĩa đệm

Hình ảnh trên của một trường hợp thoát vị đĩa đệm thắt lưng đã được phẫu thuật tại Bệnh viện 199 - Khởi phát bệnh cách 2 năm sau khi khuân vác gỗ, do ngại phẫu thuật nên đã điều trị rất nhiều nơi bằng nhiều phương pháp nhưng không đỡ. Vào Bệnh viện 199 trong tình trạng teo cơ mông đùi cẳng chân, kèm đau nhiều đi lại khó khăn. Sau phẫu thuật lấy nhân đệm đơn thuần 2 ngày, bệnh nhân gần như hết đau chân, có thể tự vận động sinh hoạt cá nhân. Chỉ còn biểu hiện tê bì và teo cơ yếu chân [thường do điều trị muộn] bệnh nhân tiếp tục được tham gia chương trình tập phục hồi chức năng tại viện-Phục hồi chức năng hiện nay cũng là một thế mạnh của Bệnh viện 199.

Như vậy thoát vị đĩa đệm có trên 85% đáp ứng tốt với điều trị nội khoa đúng cách, đúng giai đoạn bệnh. Chỉ dưới 15% phải can thiệp phẫu thuật đây được xem là phương pháp cuối cùng để lấy bỏ chèn ép cơ học lên thần kinh tuỷ sống. Mỗi khi đã chỉ định, người thầy thuốc đã gắn lên đó tâm tư, trách nhiệm, cùng với cả kinh nghiệm và bằng chứng khoa học. Vậy nên bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm khi có chỉ định can thiệp phẫu thuật cũng nên để ý cân nhắc, rất nhiều trường hợp muốn níu kéo điều trị bảo tồn quá lâu khi đã có chỉ định làm cho bệnh biến chứng nặng và rất khó hồi phục. Và một điều nữa cũng cần lưu ý là rất nhiều người bỏ qua triệu chứng giai đoạn sớm, không được khám và tư vấn hợp lý, theo đuổi những phương pháp điều trị không đúng, không thay đổi thoái quen vận động xấu làm cho bệnh càng ngày càng nặng. Để có thể yên tâm và đạt được kết quả điều trị tốt nhất người bệnh có thể tìm đến các cơ sở khám chửa bệnh đủ uy tính để khám và tư vấn.

Được sự hổ trợ của các chuyên gia đầu ngành về thần kinh cột sống trên cả nước, hiện nay Bệnh viện 199 đã triển khai phẫu thuật các bệnh lý cột sống như thoát vị đĩa đệm, trượt, hẹp và chấn thương cột sống...Bệnh viện 199 được trang bị các phương tiện máy móc hiện đại hổ trợ hiệu quả cho khám phát hiện và điều trị các bệnh lý cột sống, một thế mạnh nữa của bệnh viện là chế độ tập luyện, phục hồi chức năng trước và sau phẫu thuật. Bệnh nhân được thăm khám tập luyện tại giường từ ngay sau phẫu thuật cho đến giai đoạn hồi phục bằng các trang thiết bị hổ trợ tiên tiến. Với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, nhiệt tình khi đến với Bệnh viện 199 bệnh nhân sẽ được khám tư vấn và điều trị các bệnh lý về thần kinh cột sống đạt hiệu quả tốt nhất.

BS CKI. Nguyễn Văn Quốc
[Bàì viết có tham khảo tư liệu của quý thầy cô và đồng nghiệp]

Video liên quan

Chủ Đề