Ví dụ về lòng khoan dung trong lịch sử

PD50035231_435_002

Các em thanh niên và thiếu nữ thân mến, Kristen và tôi cảm thấy được vinh dự có mặt với các em vào dịp quan trọng này. Chúng ta nhóm họp vào ngày 11 tháng 9, kỷ niệm 10 năm biến cố đã ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc sống và lối suy nghĩ của chúng ta, và sẽ tiếp tục như vậy trong nhiều năm sắp tới nữa. Biến cố này vĩnh viễn liên kết với Tòa Tháp Đôi.

Buổi tối hôm nay, tôi cảm thấy có ấn tượng phải nói về một cặp đôi khác, cặp khái niệm Lẽ Thật và Lòng Khoan Dung. Những đề tài này không phải được chọn vì chúng là mối quan tâm độc nhất của các em với tư cách là các thành niên trẻ tuổi, như đi chơi hẹn hò, tụ tập tán dóc và hôn nhân là những điều tôi đã mô tả cho cử tọa này cách đây vài năm. Điều tôi bàn luận về lẽ thật và lòng khoan dung sẽ mời các em xem xét và giảng dạy cặp đề tài này vì chúng là thiết yếu cho thế hệ đang vươn lên, và các em chính là các phần tử lớn tuổi trong đó.

Thứ nhất: Lẽ Thật. Chúng ta tin vào lẽ thật tuyệt đối, gồm có sự hiện hữu của Thượng Đế và điều đúng với điều sai được thiết lập qua các lệnh truyền của Ngài. Chúng ta hát:

Cho dù các tầng trời có biến mất và trái đất có bị ngập lụt,

Thì toàn thể lẽ thật sẽ tồn tại qua những tai ương tệ hại nhất,

Đề thành vĩnh cửu, bất biến, mãi mãi.1

Chủ Tịch Joseph F. Smith nói: “Chúng ta tin tất cả lẽ thật, dù lẽ thật đó có thể nói về đề tài nào. Không có giáo phái hay tôn giáo nào trên thế gian có được một nguyên tắc về lẽ thật nào mà chúng ta không chấp nhận hoặc sẽ chối bỏ. Chúng ta sẵn lòng tiếp nhận tất cả lẽ thật, từ bất cứ nguồn gốc nào nảy sinh ra lẽ thật; vì lẽ thật sẽ đứng vững, lẽ thật sẽ tồn tại.”2

Sự hiện hữu và tính chất của lẽ thật là một trong số các câu hỏi cơ bản về cuộc sống trần thế. Chúa Giê Su nói với quan tổng đốc La Mã tên Phi Lát rằng Ngài đến thế gian để “làm chứng cho lẽ thật.” “Lẽ thật đó là cái gì?” kẻ không tin đó đã đáp [xin xemGiăng 18:37–38]. Trước đó, Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống” [Giăng 14:6]. Ngài đã phán trong điều mặc khải hiện đại: “Lẽ thật là sự hiểu biết về những sự vật đúng theo trạng thái của chúng đang có, đã có, và sẽ có” [GLGƯ 93:24].

Các em thanh niên và thiếu nữ thân mến, chúng ta biết rằng sự hiện hữu của Thượng Đế và sự hiện hữu của lẽ thật tuyệt đối là nền tảng cho cuộc sống trên thế gian này, cho dù người ta có tin hay không. Chúng ta cũng biết rằng điều xấu xa hiện hữu và một số điều thì hoàn toàn, thật sự và mãi mãi sai lầm. Tôi xin nói với các em rằng hãy tránh điều xấu xa và tìm kiếm lẽ thật. Tôi khâm phục các em về những hành động và ước muốn ngay chính của các em. Là một Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi tìm cách giúp các em chọn điều đúng trong một thế giới có hai khuynh hướng càng ngày càng đối lập với nhau giữa việc tin với việc không tin, giữa điều tốt với điều xấu.

Những bản báo cáo gây sửng sốt về vụ trộm cắp đại quy mô và thói nói dối trong những xã hội văn minh hai tháng qua cho thấy sự thiếu sót về mặt đạo đức, trong đó có nhiều người có ý thức rất ít về điều đúng với điều sai. Cuộc bạo loạn lan rộng và cướp bóc ở nước Anh trong tháng trước và vụ gian lận gây tai tiếng lan rộng của các giáo viên về các bài thi bắt buộc của nhà nước trong các trường tiểu học và trung học ở Atlanta, Georgia, đã khiến cho nhiều người tự hỏi rằng chúng ta có đang đánh mất nền tảng đạo đức của các quốc gia Tây Phương đã nhận được từ di sản Do Thái Ky Tô Giáo không.3

Chúng ta nên lo lắng về nền tảng đạo đức của mình. Chúng ta sống trong một thế giới càng ngày càng có nhiều người có thế lực đang giảng dạy và hành động theo sự tin tưởng rằng không có gì là đúng và sai hoàn toàn, rằng tất cả thẩm quyền và luật lệ của hành vi đều là những sự lựa chọn của con người đặt ra mà có thể đánh bại các giáo lệnh của Thượng Đế. Nhiều người còn nghi ngờ là có Thượng Đế hay không nữa.

Triết lý về thuyết tương đối đạo đức, mà cho rằng mỗi người đều được tự do lựa chọn cho mình điều đúng và điều sai, đang trở thành tín ngưỡng không chính thức đối với nhiều người ở Mỹ và các quốc gia Tây Phương khác. Ở mức độ cực đoan, các hành động tà ác được sử dụng để ngăn chặn và che đậy như một cái ung nhọt thì giờ đây đã được hợp pháp hóa và phô trương giống như một biểu ngữ. Vì bị triết lý này thuyết phục, nên nhiều người trong thế hệ đang vươn lên—giới trẻ và các thành niên trẻ tuổi—đã sa vào những thú vui tự phục vụ, sơn và xỏ lỗ các bộ phận của cơ thể theo tà giáo, nói lời lẽ thô tục, ăn mặc hở hang, xem hình ảnh sách báo khiêu dâm, bất lương, và say đắm nhục dục suy đồi.

Có một sự tương phản đáng ngại giữa các thế hệ lớn tuổi và trẻ tuổi về niềm tin cơ bản vào điều đúng và điều sai. Theo một cuộc khảo sát dữ liệu cách đây hai thập niên, “79 phần trăm những người thành niên Mỹ [đã tin] rằng ‘có những hướng dẫn rõ ràng về điều tốt và điều xấu mà áp dụng cho mọi người thuộc vào bất cứ hoàn cảnh nào.’”4 Trái lại, một cuộc thăm dò gần đây với các sinh viên cao đẳng cho biết rằng “ba phần tư [số họ] tin rằng sự khác biệt giữa điều đúng và điều sai chỉ là tương đối mà thôi.” 5

Nhiều vị lãnh đạo tôn giáo giảng dạy về sự hiện hữu của Thượng Đế như là Đấng Làm Ra Luật Pháp Tối Cao, mà qua hành động của Ngài, có một hành vi nào đó hoàn toàn đúng và chân chính cũng như một hành vi khác thì hoàn toàn sai và không chân chính.6 Các vị tiên tri trong Kinh Thánh và Sách Mặc Môn đã thấy trước thời kỳ này, khi con người thường “ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời” [2 Ti Mô Thê 3:4] và, quả thật, khi con người chối bỏ Thượng Đế [xin xem Giu Đe 1:4; 2 Nê Phi 28:5; Mô Rô Ni 7:17; GLGƯ 29:22].

Trong hoàn cảnh rối loạn này, chúng ta là những người tin Thượng Đế cùng lẽ thật tất yếu của điều đúng và điều sai tuyệt đối đều có thử thách để sống trong một thế giới vô thần và càng ngày càng phi luân. Trong hoàn cảnh này, tất cả chúng ta—và nhất là các em thuộc thế hệ đang vươn lên—có bổn phận phải đứng dậy để lên tiếng khẳng định rằng Thượng Đế hiện hữu và có các lẽ thật tuyệt đối đã được thiết lập nhờ các giáo lệnh của Ngài. Khi làm như vậy, chúng ta là Các Thánh Hữu Ngày Sau, dựa vào lẽ thật mà chúng ta hát trong bài thánh ca tôi vừa trích dẫn lúc nãy:

Trụ cột lẽ thật sẽ tồn tại cho đến cùng,

Và các bức tường thành bám rễ sâu của lẽ thật chống lại mọi điều chống đối

Và những hy vọng sụp đổ của bạo chúa tàn ác.7

Trong khi đứng trước cử tọa này gồm có những người trẻ tuổi đầy lòng cam kết, tôi biết rằng một số các em có thể tự hỏi tại sao tôi lại nói chuyện về điều quá hiển nhiên đối với các em, và điều các em có thể nghĩ là quá hiển nhiên đối với những người khác. Hãy nhớ lại cuộc khảo sát dữ liệu tôi đã đề cập đến lúc nãy, cho thấy rằng khoảng ba phần tư tất cả các sinh viên cao đẳng đều tin rằng sự khác biệt giữa điều đúng và điều sai chỉ là tương đối mà thôi.

Tôi đã chọn để nói về lẽ thật vì giáo viên trong các trường phổ thông và đại học đều đang giảng dạy và thực hành thuyết tương đối về đạo đức. Đây là điều quyết định thái độ của nhiều người Mỹ trẻ tuổi đang thay thế giáo viên của con cái chúng ta và những người quyết định cho thái độ của công chúng qua phương tiện truyền thông và giải trí phổ biến. Triết lý này của thuyết tương đối về đạo đức chối bỏ điều mà hằng triệu người theo Ky Tô giáo, Do Thái giáo và Hồi Giáo xem là nền tảng, và sự chối bỏ này tạo ra những vấn đề nghiêm trọng cho tất cả chúng ta. Điều mà những người tin nên làm về điều này giới thiệu đề tài thứ hai trong cặp đề tài của tôi là: Lòng khoan dung.

Lòng khoan dung được định nghĩa là một thái độ thân thiện và hợp lý đối với những quan điểm và thực hành xa lạ hoặc đối với những người thực hiện hay làm theo các quan điểm này. Vì phương tiện giao thông và truyền thông đã mang tất cả chúng ta đến gần hơn nhiều loại người khác nhau và có ý kiến khác biệt, thì chúng ta cần phải có lòng khoan dung nhiều hơn. Khi tôi còn là thanh niên, cách đây khoảng 60 năm, thì chỉ có qua sách vở và tạp chí mà đa số những người Mỹ được cho thấy những khác biệt lớn về văn hóa, giá trị và con người. Giờ đây, chúng ta trải qua những khác biệt như vậy qua truyền hình và Internet, qua các chuyến du lịch, và thường là qua những tiếp xúc riêng trong xóm giềng của mình và nơi chợ búa.

Sự tiếp xúc rộng rãi hơn này có tính đa dạng làm phong phú hóa lẫn phức tạp hóa cuộc sống chúng ta. Chúng ta được phong phú hóa qua việc giao thiệp với nhiều người khác nhau, điều này nhắc nhở chúng ta nhớ về tính đa dạng tuyệt vời trong các con cái của Thượng Đế. Nhưng tính đa dạng nơi văn hóa và giá trị cũng thách thức chúng ta để nhận ra điều gì thì có thể được chấp nhận vì phù hợp với văn hóa và giá trị phúc âm của mình và điều gì thì không. Trong cách này, tính đa dạng gia tăng tiềm năng xung đột và đòi hỏi chúng ta phải thận trọng hơn về tính chất của lòng khoan dung. Lòng khoan dung là gì, khi nào thì áp dụng lòng khoan dung và khi nào thì không áp dụng lòng khoan dung?

Đây là một câu hỏi khó hơn đối với những người quả quyết về sự hiện hữu của Thượng Đế và lẽ thật tuyệt đối so với những người tin vào thuyết tương đối đạo đức. Niềm tin của một người vào Thượng Đế và vào thuyết tuyệt đối đạo đức càng giảm thì họ càng có ít cơ hội hơn khi những ý nghĩ hoặc thực hành của những người khác khiến họ đối đầu với người có thử thách để khoan dung này. Ví dụ, một người vô thần không cần phải quyết định loại hành vi báng bổ hay xúc phạm nào có thể được khoan dung hoặc đối phó như thế nào. Những người không tin vào Thượng Đế hoặc vào lẽ thật tuyệt đối đạo đức thì có thể tự thấy mình là người khoan dung nhất. Đối với họ, thì hầu như bất cứ điều gì cũng đều được cả. Câu “Anh làm việc của anh và tôi làm việc của tôi” là câu mô tả phổ biến. Lối tin tưởng này có thể khoan dung đối với hầu hết hành vi hay bất cứ người nào. Rủi thay, một số người tin vào thuyết tương đối về đạo đức dường như khó khoan dung đối với những người nhất định tin là có một Thượng Đế là Đấng cần phải được kính trọng và đạo đức tuyệt đối nào đó cần phải được tuân thủ.

Tôi sẽ không nói thêm nữa về lòng khoan dung hay không khoan dung của những người không tin. Tôi đang nói chuyện với một cử tọa Thánh Hữu Ngày Sau là những người tin vào Thượng Đế và vào lẽ thật tuyệt đối. Lòng khoan dung có ý nghĩa gì đối với chúng ta và những người tin khác, và chúng ta có những thử thách đặc biệt nào trong việc áp dụng lòng khoan dung này?

Tôi bắt đầu với ba lẽ thật tuyệt đối. Tôi nói về ba lẽ thật này với tư cách là một Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng tôi tin rằng hầu hết những ý nghĩ này đã được những người tin chia sẻ một cách rộng rãi.

Thứ nhất, tất cả mọi người đều là anh chị em ở dưới Thượng Đế, được giảng dạy trong vòng các tôn giáo khác nhau để yêu thương và làm điều tốt cho nhau. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã bày tỏ ý nghĩ này cho Các Thánh Hữu Ngày Sau: “Mỗi người chúng ta [từ nhiều giáo phái tôn giáo khác nhau] đều tin vào vai trò thiên phụ của Thượng Đế, mặc dù chúng ta có thể có những cách giải thích khác nhau về Ngài. Mỗi người chúng ta là một phần tử trong một đại gia đình, gia đình nhân loại, các con trai và con gái của Thượng Đế, và do đó đều là anh chị em với nhau. Chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn để xây đắp lòng tương kính, và thái độ chịu đựng, với lòng khoan dung đối với nhau dù chúng ta có thể tán thành bất cứ giáo lý và triết lý nào.” 8

Xin lưu ý rằng Chủ Tịch Hinckley đã nói về “sự tương kính” cũng như lòng khoan dung. Một thập niên sau, khi nói chuyện tại trường BYU, một học giả đạo Hồi người Indonesia, Tiến sĩ Alwi Shihab, đã nói thêm về ý nghĩ đó như sau: “Việc có lòng khoan dung đối với một điều gì đó là học cách sống với điều đó, cho dù các anh chị em nghĩ rằng điều đó sai và hoàn toàn xấu xa. … Tôi tin rằng chúng ta cần phải vượt lên trên lòng khoan dung nếu phải đạt được cảnh hòa thuận trong thế giới của chúng ta.”

Dựa vào những điều giảng dạy của Kinh Quran, Tiến sĩ Shihab nói tiếp: “Chúng ta cần phải kính trọng chân giá trị này do Thượng Đế ban cho mỗi người, ngay cả kẻ thù của mình. Vì mục đích của tất cả mối quan hệ của nhân loại—dù đó là mối quan hệ tôn giáo, xã hội, chính trị hay kinh tế—đều cần phải có sự hợp tác và tương kính.”9

Việc sống chung với lòng tương kính đối với những khác biệt của nhau là một thử thách trong thế giới ngày nay. Tuy nhiên—và tôi nói về lẽ thật tuyệt đối thứ haiở đây—lối sống này với những khác biệt chính là điều mà phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô dạy chúng ta phải làm.

Chúa Giê Su dạy rằng vương quốc của Thượng Đế giống như men [xin xemMa Thi Ơ 13:33]. —Men—ẩn trong khối lượng lớn hơn cho đến khi toàn thể khối lượng nổi men, tức là tăng lên nhờ ảnh hưởng của men. Đấng Cứu Rỗi cũng dạy rằng các tín đồ của Ngài sẽ gặp hoạn nạn trên thế gian, rằng con số của họ cũng như quyền thống trị của họ rất nhỏ [xin xem 1 Nê Phi 14:12], và rằng họ sẽ bị ghét bỏ vì họ không thuộc vào thế gian [xin xem Giăng 17:14]. Nhưng đó là vai trò của chúng ta. Chúng ta được kêu gọi để sống với các con cái khác của Thượng Đế là những người không cùng đức tin hoặc cùng giá trị với mình, và không có những bổn phận giao ước chúng ta có. Vậy nên vào lúc kết thúc giáo vụ của Ngài, Chúa Giê Su đã cầu nguyện lên Đức Chúa Cha: “Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ cho khỏi điều ác” [Giăng 17:15]. Chúng ta ở trong thế gian nhưng không thuộc vào thế gian.

Vì các tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô được truyền lệnh phải là men—không phải được cất ra khỏi thế gian, mà phải ở lại thế gian—nên chúng ta cần phải tìm kiếm lòng khoan dung từ những người ghét mình vì chúng ta không thuộc vào thế gian. Là một phần của điều này, đôi khi chúng ta sẽ cần thách thức luật pháp mà sẽ làm giảm tự do của chúng ta để thực hành tín ngưỡng của mình, dựa theo các quyền hiến pháp về sự tự do tôn giáo để làm như vậy. Như đã được một luật sư là người ủng hộ một trường học đạo Lutheran trong một vụ kiện hiện nay trước Tòa Án Tối Cao, mô tả mối quan tâm lớn là “khả năng của những người thuộc mọi tín ngưỡng để cố gắng trong mối quan hệ của họ với Thượng Đế và với nhau mà không cần chính quyền can thiệp vào.” 10 Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải thông cảm và hỗ trợ—kể cả sự thông cảm và hỗ trợ của các em—khi chúng ta phải đấu tranh cho sự tự do tín ngưỡng.

Chúng ta cũng cần phải thực hành lòng khoan dung và kính trọng đối với những người khác. Như Sứ Đồ Phao Lô đã dạy, Những Ky Tô hữu nên “tìm cách làm nên hòa thuận” [Rô Ma 14:19] và “nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người” [Rô Ma 12:18]. Do đó, chúng ta nên nhanh chóng kính trọng điều tốt lành chúng ta thấy ở tất cả mọi người và ở nhiều quan điểm cũng như lối thực hành khác với chúng ta. Như Sách Mặc Môn dạy:

“Tất cả những gì tốt lành đều từ Thượng Đế mà ra. …

“… Vậy nên, tất cả những gì để mời mọc và thuyết phục loài người làm điều thiện, cùng yêu mến Thượng Đế và phục vụ Ngài đều do Thượng Đế soi dẫn cả.

“Vậy nên, hãy thận trọng … để các người không xét đoán … rằng những điều gì tốt lành và của Thượng Đế lại thuộc quỷ dữ” [Mô Rô Ni 7:12–14].

Phương pháp đó đối với những điểm dị biệt sẽ sinh ra lòng khoan dung cũng như tôn trọng.

Lòng khoan dung và tôn trọng của chúng ta đối với những người khácniềm tin của họ không làm cho chúng ta phải từ bỏ cam kết của mình đối với các lẽ thật mà chúng ta hiểu và các giao ước mà chúng ta đã lập. Đó là lẽ thật tuyệt đối thứ ba: Chúng ta không từ bỏ lẽ thật và các giao ước của mình. Vai trò của chúng ta là chiến đấu trong trận chiến giữa lẽ thật và điều sai lầm. Không có lưng chừng ở giữa. Chúng ta cần phải đứng lên bênh vực lẽ thật, ngay cả trong khi khoan dung và tôn trọng những niềm tin và ý nghĩ khác biệt với niềm tin và ý nghĩ của chúng ta cũng như bênh vực cho những người có cùng niềm tin và ý nghĩ giống như mình.

Mặc dù chúng ta cần phải tập khoan dung và tôn trọng đối với những người khácniềm tin của họ, kể cả sự tự do của họ do hiến pháp quy định để giải thích và biện hộ cho lập trường của họ, nhưng chúng ta không cần phải tôn trọng và khoan dung đối với hành visai trái.Bổn phận của chúng ta đối với lẽ thật đòi hỏi chúng ta phải tìm cách sửa chĩnh một hành vi sai trái nào đó. Điều này rất dễ thấy khi có những hành vi quá đáng mà hầu hết những người tin và người không tin nhận ra là sai hoặc không thể chấp nhận được. Ví dụ, chúng ta đều cần phải lên tiếng về tội giết người hoặc hành vi khủng bố khác, ngay cả khi điều đó do những kẻ quá khích thực hiện trong danh nghĩa tôn giáo. Và chúng ta đều cần phải chống lại bạo lực và nạn trộm cắp.

Đối với các hành vi ít cực đoan hơn, ngay cả khi những người tin không đồng ý rằng các hành vi này có sai hay không, thì tính chất và phạm vi của điều chúng ta cần phải khoan dung là rất khó để định nghĩa. Vì vậy, một phụ nữ Thánh Hữu Ngày Sau có suy nghĩ đã viết cho tôi về mối quan tâm của người ấy rằng: “định nghĩa của thế gian về ‘lòng khoan dung’ dường như được sử dụng ngày càng nhiều hơn đối với lối sống tà ác được khoan dung.” Người ấy hỏi Chúa sẽ định nghĩa “khoan dung” như thế nào.11

Chủ Tịch Boyd K. Packer đưa ra một lời giới thiệu đầy cảm ứng về đề tài này. Khi ngỏ lời với một cử tọa gồm có các sinh viên Viện Giáo Lý cách đây ba năm, ông nói: “Từ khoan dung không đứng một mình đâu. Từ này đòi hỏi một đối tượng và sự đáp ứng để có đủ điều kiện là một đức tính tốt. … Lòng khoan dung thường được đòi hỏi nhưng ít khi được đền trả. Hãy cẩn thận với từ khoan dung. Đó là một đức tính tốt rất dễ hiểu sai.”12

Lời cảnh báo đầy cảm ứng này nhắc chúng ta nhớ rằng, đối với những người tin vào lẽ thật tuyệt đối, thì lòng khoan dung đối với hành vi giống như đồng xu có hai mặt. Lòng khoan dung hay tôn trọng là ở một mặt của đồng xu, nhưng lẽ thật thì luôn luôn ở mặt bên kia. Các em không thể có được hay sử dụng đồng xu của lòng khoan dung nếu không biết cả hai mặt.

Đấng Cứu Rỗi đã áp dụng nguyên tắc này. Khi Ngài đối diện với người đàn bà bị bắt vì tội ngoại tình, Chúa Giê Su phán những lời an ủi đầy khoan dung: “Ta cũng không định tội người.” Rồi, khi Ngài bảo bà hãy đi đi, thì Ngài phán lời đầy uy nghi về lẽ thật: “Hãy đi, đừng phạm tội nữa.” [Giăng 8:11]. Chúng ta đều cần phải được gây dựng và củng cố bởi tấm gương về lòng khoan dung lẫn lẽ thật này: tử tế trong khi giao thiệp nhưng kiên quyết trong lẽ thật.

Chúng ta hãy xem xét cách áp dụng tấm gương đó vào hành vi của vài người khác. Một Thánh Hữu Ngày Sau khác đầy quan tâm đã viết:

“Trong Mô Si A 18:9 An Ma bảo chúng ta rằng khi chịu phép báp têm thì chúng ta đã giao ước ‘đứng lên làm “nhân chứng” cho Thượng Đế bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu mà các người hiện diện. ‘ … Câu thánh thư này có nghĩa gì đối với thời kỳ chúng ta và Các Thánh Hữu Ngày Sau có thể áp dụng câu ấy như thế nào?

“Khi sống ở nơi phục vụ truyền giáo, tôi thường nghe người ta lấy danh của Chúa làm chơi, và cũng có những người quen biết nói với tôi rằng họ đang sống với bạn trai của họ. Tôi thấy rằng việc tuân thủ ngày Sa Bát gần như đã lỗi thời. Làm thế nào tôi có thể giữ giao ước của mình để đứng lên làm một nhân chứng và không làm tổn thương những người này?” 13

Lời báng bổ, việc sống chung như vợ chồng, và vi phạm ngày Sa Bát—là những ví dụ tuyệt hảo để minh họa cách Các Thánh Hữu Ngày Sau có thể cân bằng những bổn phận đầy mâu thuẫn của họ với lẽ thật và lòng khoan dung trong cuộc sống của họ vào những hoàn cảnh khó khăn này.

Tôi bắt đầu với hạnh kiểm của cá nhân chúng ta, kể cả việc dạy dỗ con cái. Khi áp dụng những đòi hỏi đôi khi đầy mâu thuẫn của lẽ thật và lòng khoan dung trong ba hành vi này và nhiều hành vi khác nữa, chúng ta không nên khoan dung đối với bản thân mình. Chúng ta cần phải được những đòi hỏi của lẽ thật chế ngự. Chúng ta cần phải vững mạnh trong việc tuân giữ các lệnh truyền và các giao ước của mình, và chúng ta cần phải hối cải và tiến bộ khi làm điều lầm lỗi.

Như Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy chúng ta trong đại hội khi ông được tán trợ với tư cách là vị tiên tri của chúng ta: “Các bạn trẻ thân mến của tôi, hãy vững mạnh. … Tội lỗi ngày nay thường khoác lên bộ mặt khoan dung. Đừng để bị lừa gạt; ở đằng sau bộ mặt đó là nỗi đau buồn, khổ sở và đau đớn. Các em biết điều gì là đúng và điều gì là sai và không có điều giả dối, tuy nhiên sự cám dỗ có thể thay đổi điều đó. Tính chất của sự phạm giới thì vẫn như vậy. Nếu có những người được gọi là bạn mà thúc giục các em làm bất cứ điều gì các em biết là sai, thì các em phải là người đứng lên bênh vực cho lẽ phải, cho dù các em có làm điều đó đơn độc một mình đi nữa.” 14

Tương tự như vậy, với con cái và những người khác, chúng ta có bổn phận giảng dạy—chẳng hạn như trong những sự kêu gọi của chúng ta trong Giáo Hội—bổn phận của chúng ta đối với lẽ thật là tối quan trọng. Dĩ nhiên, các nỗ lực giảng dạy chỉ mang đến kết quả qua quyền tự quyết của những người khác, vậy các nỗ lực này phải luôn luôn được thực hiện với tình yêu thương, lòng kiên nhẫn và lời thuyết phục.

Giờ đây, tôi hướng đến các bổn phận của lẽ thật và lòng khoan dung trong mối quan hệ cá nhân của chúng ta với những người cộng sự sử dụng lời lẽ báng bổ khi chúng ta có mặt, những người chung sống với bồ bịch, hoặc những người không tuân thủ ngày Sa Bát một cách thích hợp. Chúng ta phải phản ứng và giao thiệp với họ như thế nào?

Bổn phận của chúng ta để khoan dung có nghĩa là không một hành vi nào trong các hành vi này—hoặc những hành vi khác mà chúng ta xem như là rời xa lẽ thật—lại khiến chúng ta phải phản ứng với hành động ghét bỏ hoặc không tử tế. Nhưng bổn phận của chúng ta với lẽ thật có những đòi hỏi riêng và các phước lành riêng. Khi “nói thật với kẻ lân cận mình” [Ê Phê Sô 4:25], và khi chúng ta “lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật,” [Ê Phê Sô 4:15] như Sứ Đồ Phao Lô dạy, thì chúng ta đang hành động với tư cách là tôi tớ của Chúa Giê Su Ky Tô, làm công việc của Ngài. Các thiên sứ sẽ đứng với chúng ta và Ngài sẽ gửi Thánh Linh của Ngài đến hướng dẫn chúng ta.

Trong vấn đề tế nhị này, trước hết chúng ta cần phải cân nhắc xem chúng ta có nên nói với những người cộng sự của mình điều chúng ta biết là chân chính về hành vi của họ không. Trong đa số trường hợp, quyết định này có thể tùy thuộc vào cá nhân của chúng ta bị ảnh hưởng trực tiếp bởi điều đó như thế nào.

Lời báng bổ thường được sử dụng khi chúng ta có mặt là một nguyên nhân thích hợp để chúng ta nói rằng việc này xúc phạm đến bản thân mình. Lời báng bổ được những kẻ không tin sử dụng khi chúng ta không có mặt có lẽ không phải là dịp để chúng ta đối chất với người xúc phạm.

Chúng ta biết việc sống chung như vợ chồng là một tội nghiêm trọng, mà Các Thánh Hữu chớ nên dự vào, dù cho hoàn cảnh là gì đi nữa. Khi điều đó được những người xung quanh chúng ta thực hành, thì đó có thể là hành vi riêng tư hoặc một điều mà chúng ta được yêu cầu nên bỏ qua, ủng hộ hay giúp đỡ. Trong sự cân bằng giữa lẽ thật và lòng khoan dung, thì lòng khoan dung có thể chiếm ưu thế khi hành vi đó không dính líu gì đến cá nhân chúng ta. Nếu việc sống chung như vợ chồng có dính líu đến cá nhân chúng ta, thì chúng ta cần phải được chi phối bởi bổn phận của mình đối với lẽ thật. Ví dụ, một điều là các tội nghiêm trọng được bỏ qua khi thuộc vấn đề riêng tư; một điều khác nữa là được yêu cầu ủng hộ hay gián tiếp tán thành những tội lỗi này, chẳng hạn như cho họ sống ở trong nhà chúng ta.

Về việc tuân thủ ngày Sa Bát, Các Thánh Hữu Ngày Sau biết rằng chúng ta được dạy phải tuân thủ ngày Sa Bát trong một cách thức khác hơn nhiều Ky Tô hữu khác. Hầu hết chúng ta đều khó chịu khi thấy các trung tâm thương mại đầy người và các sinh hoạt thương mại khác vào ngày Sa Bát. Có lẽ chúng ta nên giải thích về niềm tin của mình rằng việc chúng ta tuân thủ ngày Sa Bát gồm có việc dự phần Tiệc Thánh, phục hồi phần thuộc linh của mình, và làm cho chúng ta thành người tốt hơn trong những ngày còn lại của tuần lễ. Rồi, đối với những người tin khác, chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn về sự thật là chúng ta chia sẻ quan điểm chung về điều thiết yếu nhất vì mỗi chúng ta đều tin nơi Thượng Đế và nơi sự hiện hữu của lẽ thật tuyệt đối, mặc dù chúng ta khác nhau về định nghĩa của các nguyên tắc cơ bản này. Ngoài ra, chúng ta nên nhớ tới lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi rằng chúng ta cần phải tránh tranh luận [xin xem 3 Nê Phi 11:29–30] và tấm gương cùng lời thuyết giảng của chúng ta cần phải “thành tiếng cảnh cáo, mọi người hãy làm như vậy với người lân cận của mình, bằng sự êm ái và nhu mì” [GLGƯ 38:41].

Trong tất cả những điều này, chúng ta không nên lợi dụng để phê phán những người lân cận hoặc cộng sự của mình về ảnh hưởng tột cùng của hành vi của họ. Lời phán xét đó là của Chúa chứ không phải của chúng ta. Ngài còn kiềm lại không đưa ra lời phán xét nguy hại cuối cùng về người phụ nữ bị bắt vì phạm tội ngoại tình. Lòng khoan dung đòi hỏi một sự kiềm chế tương tự trong việc chúng ta xét đoán người khác.

Sau khi đã thảo luận về cách cân bằng lẽ thật và lòng khoan dung trong hành vi của cá nhân và trong mối quan hệ của chúng ta với những người cộng sự, tôi chuyển sang một hoàn cảnh khác và khó khăn hơn. Khi những người tin thảo luận công khai để cố gắng ảnh hưởng đến việc làm hay thi hành luật pháp do tín ngưỡng của họ thúc đẩy, họ cần phải áp dụng một số nguyên tắc khác.

Là các thành niên trẻ tuổi, các em có thể tự hỏi tại sao tôi nói chuyện với các em về các nguyên tắc mà chúng ta nên tuân theo khi tìm kiếm hành động của chính quyền, chẳng hạn qua cơ quan lập pháp. Các em có thể nói: “Đó là vấn đề dành cho các vị thẩm quyền thâm niên trong Giáo Hội giải quyết.” Tôi mô tả các nguyên tắc này cho các em là các thành niên trẻ tuổi vì các em hiện là các tín hữu và các vị lãnh đạo tương lai của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, và các em sẽ cần quyết định những loại thắc mắc này sớm hơn các em nghĩ. Các em sẽ cần phải hiểu nỗ lực của chúng ta về vấn đề công cộng được hướng dẫn như thế nào bởi sự cân bằng giữa lẽ thật và lòng khoan dung.

Việc chúng ta có thể tìm cách có được luật pháp để bắt buộc hay ảnh hưởng đến hành vi dường như chúng ta mong muốn vì sự tin tưởng của mình nơi Thượng Đế và các giáo lệnh của Ngài là một đề tài quá rộng lớn để có cách giải quyết thích hợp trong một vài phút khi kết thúc bài nói chuyện của tôi. Do đó tôi sẽ tự giới hạn trong việc mô tả bốn nguyên tắc tối quan trọng mà sẽ chi phối một nỗ lực như vậy.

Thứ nhất, khi những người tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô mang quan điểm của họ về lẽ thật trong các vấn đề công cộng, thì họ cần phải tìm kiếm sự soi dẫn của Chúa để được khôn ngoan và sáng suốt khi chọn lựa các nguyên tắc chân chính nào họ tìm kiếm nhằm đẩy mạnh bằng luật pháp hoặc bằng biện pháp. Thường thường, họ cần phải kiềm chế không tìm kiếm luật pháp hoặc biện pháp nhằm giúp đỡ các tín ngưỡng khác với những người tin, chẳng hạn như thi hành các hành động thờ phượng, ngay cả bằng cách suy luận. Những người tin có thể ít thận trọng hơn trong việc tìm kiếm hành động của chính quyền mà sẽ phục vụ các nguyên tắc rộng rãi hơn là chỉ giúp đỡ lối thực hành của tín ngưỡng của họ, chẳng hạn như luật pháp về y tế, an toàn và đạo đức công cộng.

Trong bất cứ sự kiện nào, với tư cách là những người bênh vực cho đức tin, những người tin có thể và cần phải tìm kiếm luật pháp dùng để bảo tồn tự do tín ngưỡng. Cùng với uy thế của thuyết tương đối về đạo đức, Hoa Kỳ đang trải qua tình trạng giảm bớt đáng lo ngại trong sự quý trọng của toàn thể công chúng đối với tôn giáo. Tôn giáo hiện là một mối hoài nghi trong tâm trí của nhiều người khi đã từng được chấp nhận là một phần cuộc sống của người Mỹ. Đối với họ, tôn giáo đã trở thành một điều cần phải chứng tỏ tính hợp pháp, tức là một phần của cuộc sống công cộng. Một số tiếng nói có thế lực còn thắc mắc về mức độ mà hiến pháp của chúng ta cần phải bảo vệ sự tự do tín ngưỡng, kể cả quyền thực hành và thuyết giảng các nguyên tắc tôn giáo.

Đây là một vấn đề thiết yếu mà chúng ta là những người tin nơi Thượng Đế là Đấng đã thiết lập điều đúng và sai tuyệt đối trong hành vi của con người. Cần phải đoàn kết để khẳng định rằng chúng ta có được các quyền hiến pháp, mà đã được kính chuộng từ lâu đời, để thực hành tôn giáo, để bỏ phiếu theo lương tâm của chúng ta về các vấn đề chung, cũng như để tham gia trong những cuộc bầu cử và tranh luận trước công chúng và trước tòa công lý. Khi làm như vậy, chúng ta cùng đứng chung với các thiên sứ. Chúng ta cũng phải sát cánh với những người tin khác để bảo tồn và củng cố sự tự do nhằm biện hộ và thực hành niềm tin nơi tôn giáo của chúng ta, dù đó là điều gì đi nữa. Vì mục đích này, chúng ta cần phải cùng đi trên một lối đi giống nhau để bảo đảm nền tự do của mình nhằm theo đuổi những con đường khác biệt khi cần tùy theo tín ngưỡng khác biệt của chúng ta. Những lời nói của chúng ta sẽ dịu dàng và được những người khác chấp nhận khi được Chúa hướng dẫn trong chính nghĩa ngay chính này.

Thứ hai, khi những người tin tìm cách đẩy mạnh vị thế của họ trước công chúng, phương pháp cũng như lời biện hộ của họ cần phải luôn luôn khoan dung đối với những quan điểm và lập trường của những người không cùng tín ngưỡng với họ. Chúng ta đừng trở nên quá cực đoan đến đỗi làm chia rẽ xã hội của mình. Là những người tin, chúng ta cần phải luôn luôn nói với tình yêu thương và cho thấy lòng kiên nhẫn, sự thông cảm và lòng trắc ẩn đối với kẻ thù của mình. Những người tin vào Ky Tô giáo đều được truyền lệnh phải yêu thương người lân cận của mình [xin xem Lu Ca 10:27], phải tha thứ [xin xem Ma Thi Ơ 18:21–35], và làm điều tốt cho những người ghét họ [xin xem Ma Thi Ơ 5:44]. Họ cần phải luôn luôn nhớ tới lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi rằng chúng ta “hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ [chúng ta]” [Ma Thi Ơ 5:44].

Vì là những người tin, chúng ta cũng cần phải bày tỏ những lý lẽ và quan điểm của mình theo cách nhằm góp phần vào cuộc thảo luận hợp lý cũng như sự hòa giải thiết yếu cho chính quyền dân chủ trong một xã hội đa nguyên. Qua phương tiện này, chúng ta sẽ đóng góp vào tác phong lịch sự là điều thiết yếu để bảo tồn cho nền văn minh của mình.

Thứ ba, những người tin đừng để bị nản lòng bởi lời buộc tội quen thuộc rằng họ đang cố gắng làm luật về đạo đức. Nhiều lãnh vực của luật pháp được dựa theo đạo đức của Đạo Do Thái Ky Tô Giáo và đã có từ nhiều thế kỷ. Nền văn minh của chúng ta dựa trên đạo đức và không thể hiện hữu nếu không có đạo đức. Như John Adams đã nói: “Hiến Pháp của chúng ta được lập ra chỉ dành cho một dân tộc đạo đức và sùng tín. Hiến pháp này sẽ hoàn toàn không thích hợp để lãnh đạo những người không đạo đức và sùng tín.”15

Thứ tư, những người tin đừng sợ phải tìm kiếm luật pháp để duy trì những tình trạng hay chính sách chung là những điều phụ giúp họ trong việc thực hành những đòi hỏi đức tin của họ. Những tình trạng và chính sách đó cũng có ích cho vấn đề y tế, an toàn và đạo đức chung. Ví dụ, mặc dù niềm tin tôn giáo là nền tảng của nhiều bộ luật hình sự, và một vài bộ luật gia đình, nhưng các luật đó có một lịch sử lâu đời thích hợp trong các xã hội dân chủ. Nhưng dù ở đâu những người tin là đa số, thì họ cũng phải luôn luôn nhạy cảm với quan điểm của thiểu số.

Chúng ta là Các Thánh Hữu Ngày Sau đôi khi bị buộc tội là tự cho mình là đúng đắn và không khoan dung đối với những người khác, nhất là ở nơi nào chúng ta là đa số hoặc nơi nào những người khác là đa số và niềm tin của chúng ta làm cho bản thân mình đối lập với họ. Chắc chắn là Các Thánh Hữu Ngày Sau thật sự cần phải khôn ngoan và khéo léo hơn trong việc giải thích và theo đuổi những quan điểm của mình cũng như trong việc sử dụng ảnh hưởng của mình khi có ảnh hưởng đó.

Đó là nguyên tắc cơ bản của đồng xu hai mặt của lẽ thật và lòng khoan dung. Chủ Tịch Thomas S. Monson đã cung ứng một tấm gương toàn hảo về việc thực hành hai đức tính này. Trong suốt cuộc đời của ông, ông đã từng là tấm gương về việc tìm đến cứu giúp và làm việc với các tín hữu cùng các vị lãnh đạo của các tôn giáo khác, trong nỗ lực hợp tác đối với các vấn đề về quyền lợi chung, cũng như trong mối giao hảo và quan tâm của Ky Tô hữu mà không dựa vào các giáo phái tôn giáo.16

Cuối cùng, ý nghĩa của việc cân bằng lẽ thật và lòng khoan dung được áp dụng trong những lời này của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, trích dẫn: “Chúng ta hãy tìm đến những người trong cộng đồng mình mà không cùng tín ngưỡng với chúng ta. Chúng ta hãy là những người láng giềng tốt, tử tế, rộng lượng và hòa nhã. Chúng ta hãy tham gia vào chính nghĩa tốt của cộng đồng. Có thể có nhiều tình huống, sẽ có nhiều tình huống, nơi có những vấn đề nghiêm trọng về đạo đức, thì chúng ta không thể thỏa hiệp với các vấn đề của nguyên tắc. Nhưng trong những trường hợp như vậy, chúng ta có thể lịch sự không đồng ý mà không khó chịu. Chúng ta có thể nhìn nhận lòng chân thành của những người ở trong vị thế mà chúng ta không thể chấp nhận. Chúng ta có thể nói về các nguyên tắc thay vì chỉ trích tính tình.”17

Tôi kết thúc với lòng tin chắc và chứng ngôn này:

Kinh Thánh dạy rằng một trong các nhiệm vụ của một vị tiên tri là làm “người canh giữ” để cảnh báo Y Sơ Ra Ên [xin xem Ê Xê Chi Ên 3:17; 33:7]. Trong điều mặc khải Chúa đã thêm vào chuyện ngụ ngôn này cho Si Ôn cận đại: “Đặt … người canh gác ở trên cái tháp,” là người sẽ “[thấy được] kẻ thù khi kẻ đó còn ở xa” và đưa ra lời cảnh cáo để cứu “vườn nho khỏi bàn tay của kẻ hủy diệt” [GLGƯ 101:45, 54].

Tôi đã nói chuyện với các em với tư cách là một trong số những người canh giữ đó, về đề tài mà Thánh Linh đã chỉ định cho tôi. Tôi cam đoan với các em rằng sứ điệp của tôi là chân chính. Nếu các em có nghi ngờ về sứ điệp này hoặc có những thắc mắc về cách áp dụng các nguyên tắc này trong cuộc sống của các em, thì tôi khuyến khích các em hãy tìm kiếm sự hướng dẫn từ cùng nguồn gốc đó.

Về vấn đề rộng lớn hơn mà đã bị nhiều kẻ vô thần tranh cãi trong thời kỳ chúng ta, tôi tuyên bố sự hiểu biết của mình rằng Thượng Đế hằng sống! Các tạo vật của Ngài làm chứng cho sự hiện hữu của Ngài và các tôi tớ của Ngài nghe và rao giảng tiếng Ngài. Điều mặc khải cận đại dạy rằng một số người có được ân tứ “để biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế, … đã bị đóng đinh vì tội lỗi của thế gian,” và rằng ân tứ đó được ban cho những người khác “để tin vào lời của họ” [GLGƯ 46:13–14]. Với tư cách là một người biết rất rõ, tôi mời các em hãy tin vào lời của tôi.

Tôi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, Chúa của vườn nho. Ngài là Đấng Cứu Rỗi, và Ngài tìm đến mỗi người chúng ta với lời mời gọi đúng lúc để tiếp nhận sự bình an của Ngài bằng cách học về Ngài và bước theo lối Ngài [xin xem GLGƯ 19:23]:

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.

“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.

“Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng” [Ma Thi Ơ 11:28–30].

Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Cho Thấy Các Câu Tham Khảo

Video liên quan

Chủ Đề