Ý nghĩa của việc xây hoàng thành

Chưa thưởng thức ẩm thực hay du lịch quanh phố phường Hà Nội, điểm đến mà cậu em họ tôi muốn tới đầu tiên, lý do thật đơn giản nhưng lại rất có ý nghĩa, đó là tìm hiểu dấu ấn thời gian của các triều đại phong kiến qua những cổ vật.

Tượng đầu chim phượng để trang trí đầu nóc, mái nhà thời Trần

Tài sản vô giá của dân tộc

Được UNESCO ghi vào danh sách di sản thế giới từ năm 2010, Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, minh chứng cho sự phát triển của kinh đô Thăng Long, kinh đô của quốc gia Đại Việt, trải qua hàng nghìn năm lịch sử.

Mặc dù không có vẻ đẹp nguy nga, lộng lẫy bởi bao biến thiên của thời gian và thăng trầm lịch sử, nhưng Hoàng cung Thăng Long vẫn hiện lên lung linh, độc đáo qua các di vật phát lộ từ lòng đất. Đó là quy mô to lớn của các cung điện còn thấy qua các dấu tích nền móng kiến trúc. Đó là sự tinh tế, phong phú, đa dạng của các phù điêu trang trí trên mái kiến trúc, là những hiện vật gốm sứ tinh xảo, đồ ngự dụng của hoàng cung xưa.

Vật dụng và chân tảng bằng đá thời Lê

Sự tài hoa và tinh hoa văn hóa của người xưa thể hiện ở từng kiểu dáng, từng mô típ trang trí, ở sự đa dạng phong phú của các hiện vật được tìm thấy. Hơn nữa, bề dày lịch sử Thăng Long – Hà Nội được minh chứng rõ nét qua các dấu tích kiến trúc trong tầng văn hóa qua các thời kỳ chồng xếp lên nhau, trải dài suốt 13 thế kỷ.

Theo TS.Nguyễn Văn Sơn, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội: Giá trị của di sản không chỉ hiện hữu ở những công trình kiến trúc trên mặt đất hay những di tích, di vật khảo cổ học đã được phát lộ mà tiềm ẩn rất lớn trong lòng đất khu di sản.

Ngói ống tạo hình con rồng thời Lê Sơ

Bằng chứng là từ năm 2011, với việc khai quật mở rộng theo khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới, tại khu vực Kính Thiên – Đoan Môn và Vườn Hồng, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục phát hiện nhiều dấu tích khảo cổ học độc đáo cùng hàng ngàn hiện vật gồm các loại gốm sứ gia dụng và vật liệu kiến trúc thuộc các thời kỳ khác nhau, từ thời Đại La, qua thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng đến thời Nguyễn.

Trong các lớp văn hóa đó, bước đầu xác định các di tích kiến trúc, các di vật chồng xếp lên nhau tương tự như Khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Điều đó nói lên tính thống nhất cao của toàn bộ khu di sản”.

Đánh giá tổng quan tiềm năng các di sản, PGS. TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, nhận định: Hà Nội là Thành phố của những di sản văn hóa quý giá dưới lòng đất. Càng nghiên cứu, chúng ta càng chiêm nghiệm điều này rõ hơn bao giờ hết.

Những phát hiện mới của khảo cổ học trong những năm gần đây tại di sản Hoàng thành Thăng Long càng khẳng định những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản đã được UNESCO vinh danh: chiều dài lịch sử, di tích di vật phong phú, đa dạng và sự tiếp nối lâu dài, liên tục của trung tâm quyền lực quốc gia cho đến tận hôm nay và mai sau.

Di vật nghìn năm từ lòng đất

Các di tích và di vật trong Hoàng cung Thăng Long qua các thời kỳ thật phong phú và đa dạng. Mỗi di tích, di vật đều là những thông điệp lịch sử, văn hóa vô giá của cha ông gửi lại hôm nay và mai sau.

Di tích Đoan Môn trong Hoàng thành Thăng Long

Theo lời giới thiệu của anh Nguyễn Khắc Văn, hướng dẫn viên của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, trong lớp văn hóa Đại La, cùng với các móng trụ kiến trúc là hàng nghìn di vật, trong đó nhiều nhất là gạch, ngói. Gạch xây thời Đại La hình khối chữ nhật dẹt, màu xám nhạt hoặc màu đỏ nhạt ngả sang sắc tím. Đến thời Đinh Tiền Lê, mặc dù không giữ vai trò Kinh đô của đất nước, nhưng những dấu ấn của miền Kinh phủ thời Đinh – Tiền Lê cũng được tìm thấy ở khu di tích.

Tiêu biểu là viên gạch khắc chữ Hán “Đại Việt quốc quân thành chuyên” [gạch xây quân thành nước Việt]. Đây là quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam thời độc lập tự chủ thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc rất cao của Việt Nam khi mới thoát khỏi đêm trường nghìn năm Bắc thuộc chưa lâu. Việc xuất hiện loại gạch này cho thấy các vua Đinh – Tiền Lê đã đặc biệt coi trọng vị trí của Thăng Long tương lai.

Từ nền tảng của nghệ thuật Đinh – Tiền Lê, nghệ thuật Việt Nam thời Lý ở Thăng Long bùng nổ và phát triển rực rỡ. Theo lời hướng dẫn viên: Đồ đất nung thời Lý đạt trình độ kỹ thuật cao. Chất liệu lọc kỹ, khuôn hình gọn, dáng vẻ thanh thoát, độ nung cao, các hình tượng nghệ thuật được thể hiện vô cùng trau chuốt, nuột nà.

Gạch lát nền hình vuông được trang trí hoa sen, hoa cúc với hàng chục biến thể khác nhau. Đề tài trang trí trên bộ mái vô cùng phong phú: rồng, phượng, uyên ương, sử tử, hoa sen, hoa cúc với các hình thức tượng tròng, phù điêu, các lá đề lệch, lá đề cân xứng, đầu ngói hình tròn… tạo nên những bộ mái kiến trúc đặc sắc có một không hai trong trang trí hoàng cung cùng thời trên thế giới…

Đến thời Trần kiến trúc lại phát triển loại ngói có đầu mũi hình mũi sen được hớt cong mềm mại. Loại ngói lợp kiểu này trên thế giới duy nhất thấy ở Việt Nam được thời Trần phát triển thành hướng chủ đạo trong nghệ thuật kiến trúc cung đình…

Trong thời Trần còn phát hiện nhiều di vật đặc sắc khác: thanh đao sắt nghi trượng được cẩn tam khí thời Trần, phản ánh kỹ thuật rèn sắt nghệ thuật rất cao duy nhất hiện thấy trong thời Đại Việt. Di vật gỗ “Sắc mệnh chi bảo”, ván gỗ chạm 3 con rồng cuộn trong hình tròn mới phát hiện chứng minh rõ tính trung tâm và tính cung đình trong các di tích của khu di sản. Các di vật tiêu biểu này đều có giá trị đạt tầm cỡ bảo vật quốc gia của Thăng Long.

Đến thời Lê sơ, phát hiện quan trọng, phản ánh đời sống cao cấp của Hoàng cung Thăng Long lại là những sưu tập đồ gốm sứ được sản xuất tại lò Thăng Long. Sự hoàn hảo và tinh mỹ của các loại gốm trắng mỏng, đồ gốm hoa lam cao cấp trang trí rồng chân có 5 móng, in chữ Quan hay Kính, đồ ngự dụng dành cho nhà vua.

Đặc sắc là loại gốm “ngói ống hình con rồng”, hình tượng hóa các con rồng có thân và vây lưng nằm trải dài theo dốc mái. Đây là loại ngói duy nhất có ở Thăng Long, thể hiện sự sáng tạo, độc đáo trong nghệ thuật trang trí kiến trúc Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ. Có thể nói một sưu tập đồ gốm dùng trong cung Trường Lạc, có in chữ Trường Lạc, Trường Lạc cung, Trường Lạc khố…

Khác với thời Mạc, vật liệu kiến trúc thời Lê Trung hưng rất phong phú, đa dạng, có rất nhiều loại: gạch, ngói, chân tảng, thềm bậc, tượng linh thú… nhiều và phổ biến là các loại gạch và ngói. Những viên gạch vồ màu xám kích thước nhỏ rát phổ biến. Ngói lợp tồn tại 2 dòng chính: Dòng ngói mũi sen và ngói mũi lá đều được tạo mũi ngói hớt cong nhẹ kiểu cánh sen song hành bên dòng ngói Âm – Dương…

Các đồ gốm thời Nguyễn được tìm thấy chủ yếu là gốm hoa lam, gốm men trắng ngả vàng và gốm men nâu. Trong đó, gốm Bát Tràng tìm thấy khá nhiều, chủ yếu là các loại âu, liễn có nắp, bình vôi, các loại chén nhỏ và các loại bát, đĩa lòng rộng vẽ cành trúc, khóm trúc hay hoa cúc…

… Hơi thở mùa xuân đã lan tỏa khắp phố phường, ngõ ngách ở Thủ đô. Tết đang gõ cửa từng nhà. Khi mà ai ai cũng đang tất bật sắm tết thì cũng có không ít người như chúng tôi, vẫn dành chút thời gian để tham quan Hoàng thành Thăng Long, tận mắt ngắm nhìn những di tích, di vật của Thăng Long.

Để từ đó, lắng đọng, chiêm nghiệm, nghĩ về chiều dài lịch sử hào hùng của dân tộc, với những bảo vật của Thăng Long, trung tâm quyền lực quốc gia cho đến tận hôm nay và mai sau.

Tổng thể di tích, di vật của Hoàng thành Thăng Long dù mới chỉ nghiên cứu bước đầu nhưng đã được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới. Để minh chứng sinh động hơn cho nhận thức các giá trị của Di sản, xin dẫn lại đánh giá của một số học giả quốc tế năm 2004 về giá trị to lớn của khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau khi họ đến thăm cuộc khai quật lớn của Viện Khảo cổ Việt Nam tại 18 Hoàng Diệu đã được công bố.

PGS. TS. Nishimura Masanari [Đại học Kan sai, Osaka, Nhật Bản]: Chắc chắn đây là trường hợp lâu dài nhất trong khu vực châu Á và có lẽ chỉ La Mã [thủ đô nước Ý] mới so sánh được.

GS. Philippe Papin [Viện Cao học thực hành Sorbonne, Cộng hòa Pháp]: Trên thế giới có nhiều di tích cổ hơn và hiện trạng của chúng tốt hơn, nhưng liệu chúng ta có thể tìm thấy nơi nào đó đã tồn tại và tiếp nối trong suốt hơn một thiên niên kỷ.

GS. Kunikazu [Đại học nữ Nara, Nhật Bản]: Khu khai quật di tích Ba Đình cho thấy lịch sử Hà Nội hơn 1.000 năm, tức là thể hiện hơn 1.000 năm lịch sử Việt nam. So với các kinh thành trên thế giới hầu như không có khu di tích nào, những vết tích kiến trúc công điện bảo tồn trong lòng đất khá tốt như vậy.

TS. Orio Manabu [Cục Di sản Văn hóa Fukuoka, Nhật Bản]: Tôi tin chắc rằng, di tích này sẽ làm ngạc nhiên với những người yêu thích lịch sử và di tích Ba Đình không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả các nước châu Á và thế giới… Đừng sợ nhấn mạnh giá trị của di tích này đối với cả thế giới.

Võ Thu Trang

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề