Thế nào là tình tiết định khung hình phạt

Theo điều 53 BLHS quy định “Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

Tái phạm nguy hiểm là “đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý” hoặc “đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý”

Tuy niên để xác định tiền án của người thực hiện hành vi phạm tội là yếu tố định tội danh, hay là là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Tái phạm, tái phạm nguy hiểm”, hay là tình tiết định khung hình phạt “tái phạm nguy hiểm” trong một số trường hợp vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau. Tôi xin nêu một ví dụ dưới đây: Ngày 22/11/2019 Nguyễn Văn A có hành vi trộm cắp 01 chiếc xe đạp điện trị giá 1,680,000 đồng của gia đình bà H. Qua xác minh ban đầu xác định A đang có 3 tiền án như sau: - Ngày 20/7/2011 bị xử phạt 6 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 điều 138 BLHS năm 1999 - Ngày 27/2/2014 bị xử phạt 15 tháng tù về tội “Đánh bạc” theo khoản 1 điều 248 BLHS năm 1999 - Ngày 09/9/2015 bị xử phạt 42 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ” theo điểm đ khoản 2 điều 257 BLHS năm 1999 Để định tội danh đối với A, có 2 luồng quan điểm như sau: - Quan điểm thứ nhất cho rằng: Khi thực hiện hành vi trộm cắp chiếc xe đạp điện, tuy giá trị tài sản dưới 2.000.000 đồng nhưng do A đang có 03 tiền án chưa được xoá án tích trong đó có 1 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản” nên hành vi lần này của A đã phạm vào tội “Trộm cắp tài sản” với tình tiết định khung là “tái phạm nguy hiểm” theo điểm g khoản 2 điều 173 BLHS năm 2015. Nghĩa là vì hành vi trộm cắp lần này của A dưới 2.000.000 đồng nên tiền án “trộm cắp tài sản” được sử dụng làm tình tiết định tội đối với A, còn hai tiền án về tội “Đánh bạc” và “Chống người thi hành công vụ” được dùng để định khung hình phạt tái phạm, tái phạm nghuy hiểm.

- Quan điểm thứ 2 cho rằng: Hành vi trộm cắp chiếc xe đạp trị giá 1.680.000 đồng của A chỉ cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 điều 173 BLHS năm 2015 và không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm, tái phạm nguy hiểm” vì: Theo điều 53 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm thì chỉ khi người thực hiện hành vi thoả mãn dấu hiệu cấu thành cơ bản của một tội phạm mới đặt ra việc xem xét người đó có tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm hay không. Nói một cách khác chỉ khi người thực hiện một hành vi thoả mãn dấu hiệu cấu thành cơ bản của một tội phạm thì các tiền án của người đó mới được dùng để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Trong vụ án này A trộm cắp tài sản giá trị dưới 2.000.000 đồng là chưa thoả mãn dấu hiệu cấu thành cơ bản về giá trị tài sản quy định tại khoản 1 điều 173 BLHS. Hai tiền án về tội “Đánh bạc” và “Chống người thi hành công vụ” đã được dùng vào việc tính thời hạn để xác định A chưa được xoá án tích về tội “Trộm cắp tài sản” nên không được sử dụng để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. Theo cá nhân tôi, việc định tội danh đối với A theo quan điểm thứ nhất là chính xác và phù hợp hơn bởi vì: Theo hướng dẫn tại điểm b, tiết 7.3, mục 7 của Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau: “Trường hợp các tiền án của bị cáo không được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm “đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” vì hành vi phạm tội của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các tiền án của bị cáo phải tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm. … Ví dụ 2: K có hai tiền án về tội “Cố ý gây thương tích” và tội “Cướp tài sản”, đều chưa được xoá án tích mà lại trộm cắp tài sản có giá trị ba trăm năm mươi ngàn đồng. Trong trường hợp này tiền án về tội “cướp tài sản” được xem xét là dấu hiệu “đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” để xác định cấu thành tội phạm của lần trộm cắp tài sản. Còn tiền án về tội “Cố ý gây thương tích” phải tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đối với K”

Tuy Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP nêu trên hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự năm 2003, đến nay Bộ luật hình sự năm 2015 đã có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018 nhưng vẫn chưa có nghị quyết nào thay thế Nghị quyết số 01, mặt khác về cơ bản cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 điều 173 BLHS năm 2015 không khác so với cầu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 điều 138 BLHS năm 2003 nên trên thực thế vẫn phải vận dụng tinh thần của Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP để giải quyết các vụ án cụ thể. Như vậy theo tinh thần hướng dẫn của Nghị quyết số 01 nêu trên thì trong trường hợp này do A trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng nên tiền án về tội “Trộm cắp tài sản” năm 2011 được xem xét là dấu hiệu “đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” để cấu thành tội “trộm cắp tài sản” theo khoản 1 điều 173 BLHS năm 2015; còn tiền án về tội “đánh bạc” năm 2014 và tiền án về tội “Chống người thi hành công vụ” năm 2015 (bản án này A đã bị xác định là tái phạm chưa được xoá án tích nay lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý) được xác định là tình tiết định khung tái phạm nguy hiểm theo điểm g khoản 2 điều 173 BLHS năm 2015.

Như vậy, có thể thấy cùng một nội dung vụ án nhưng lại có rất nhiều quan điểm đánh giá khác nhau, việc xác định tiền án là tình tiết định tội hay định khung hình phạt trong trường hợp này có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng đến việc quyết định hình phạt đối với bị cáo. Thiết nghĩ Bộ luật hình sự năm 2015 đã hiệu lực thi hành gần 3 năm nay nhưng vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn thi hành, vì vậy các cơ quan tiến hành tố tụng cần sớm có hướng dẫn cụ thể để tránh những quan điểm trái chiều trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự; bảo đảm cho các vụ án được giải quyết một cách khách quan, toàn diện và đúng quy định của pháp luật.

Định khung hình phạt như thế nào?

Định khung hình phạt là gì? Định khung hình phạt là Xác định khung hình phạt phải áp dụng cho hành vi phạm tội đã được định tội danh. Là một hoạt động trong quá trình áp dụng luật hình sự, được thực hiện trên cơ sở kết quả của hoạt động định tội và là cơ sở cho việc quyết định hình phạt.

Thế nào là tình tiết định tội?

Tình tiết định tội là những tình tiết nêu lên những dấu hiệu cơ bản, đặc trưng nhất cho phép xác định một tội phạm cụ thể và phân biệt tội phạm đó với tội phạm khác.

Khái niệm hình phạt là gì?

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.

Tình tiết định khung hình phạt tăng nặng là gì?

Tình tiết định khung tăng nặng là tình tiết phản ánh mức độ tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm táng lên so với trường hợp bình thường (cấu thành tội phạm cơ bản) trong phạm vi một tội phạm cụ thể, vì vậy tình tiết định khung tăng nặng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm tăng nặng của tội phạm đó.