Tại sao camera iPhone 12MP

Hiện đã gần cuối năm 2019 nhưng các ông lớn Apple, Samsung và Google vẫn đang sử dụng cảm biến 12 MP trên những thiết bị hàng đầu của mình. Trong khi đó, một số hãng đã tích hợp cảm biến 48 MP, thậm chí Xiaomi còn trang bị cảm biến 108 MP lên chiếc Mi Note 10 mới ra mắt của mình. Những cảm biến có độ phân giải lớn để làm gì, có cần thiết không? Hay một cảm biến 12 MP là quá đủ?

Có một số lý do cho vấn đề này, bao gồm không gian lưu trữ, thời gian xử lý và chất lượng hình ảnh, độ phân giải video, thiết bị xem và phát video. Sau đó là các ảnh hưởng gián tiếp đến điện thoại như thời lượng pin và hiệu suất của ứng dụng chụp ảnh.

Chúng ta hãy đi phân tích sâu vào từng phía cạnh để xem tại sao điện thoại tích hợp cảm biến 12 MP là quá đủ.

Càng nhiều pixel, ảnh và video chiếm càng nhiều dữ liệu lưu trữ

Bức ảnh có lượng pixel càng nhiều đồng nghĩa với điện thoại cũng phải xử lý nhiều dữ liệu hơn, dẫn đến thời gian xử lý tác vụ chậm và tiêu tốn pin. Điều này đặc biệt đúng khi người dùng chụp ảnh bằng chế độ Night Mode hay Portrait Mode, vì những chế độ này đòi hỏi quá trình xử lý phức tạp hơn.

Độ phân giải cao hơn không chỉ ảnh hưởng đến khả năng xử lý mà còn ảnh hưởng đến dung lượng lưu trữ. Ngày nay, các nhà sản xuất điện thoại đang có xu hướng tích hợp bộ nhớ lưu trữ trực tiếp vào điện thoại và dần bỏ đi khe cắm thẻ SD. Lúc này, lưu trữ đám mây là phương thức tốt để lưu dữ liệu nhanh và an toàn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ các dịch vụ lưu trữ đám mây cần tốc độ dữ liệu di động cao hoặc WiFi để sao lưu ảnh. Hơn nữa, người dùng cần phải trả tiền để mua thêm các gói lưu trữ nếu có nhiều ảnh và video.

Thiết bị xuất hình ảnh chỉ hiển thị đủ bức ảnh 12 MP

Có một sự thật phũ phàng ở đây: Hầu hết người dùng đều xuất hình ảnh hay video chụp được từ điện thoại lên màn hình Ultra HD, thực chất màn hình này chỉ có khoảng 8.3 triệu [hay 8.3 MP] điểm ảnh.

Vì vậy, độ phân giải 12 MP là quá đủ để hầu hết mọi màn hình đều hiển thị sắc nét, bao gồm cả màn hình điện thoại, máy ảnh chuyên dụng, máy tính, TV và thậm chí cả máy chiếu. Bạn có để ý không? Hầu hết cảm biến tele trang bị trên smartphone của những ông lớn ngành điện thoại đều có độ phân giải 12 MP hoặc thậm chí thấp hơn.

Quay video chỉ giới hạn ở mức 4K hay 8.3 triệu điểm ảnh

Quay video độ phân giải Ultra HD 4K đã trở thành tiêu chuẩn của ngành công nghiệp điện thoại năm 2019. Nghe có vẻ cao siêu nhưng thực chất bạn chỉ cần smartphone tích hợp camera 10 MP là có thể quay video độ phân giải Ultra HD 4K. Và chắc chắn rồi, cảm biến 12 MP là quá dư thừa để làm điều này, miễn là CPU và chip xử lý ảnh [IPS] có hỗ trợ quay video 4K.

Mới đây, Qualcomm đã trình làng chip Snapdragon 865 với khả năng quay video độ phân giải 8K. Để quay được video độ phân giải này, smartphone cần trang bị cảm biến lớn hơn 33 MP. Tuy nhiên, dù bạn quay được video chất lượng tốt, độ phân giải cao, nhưng các thiết bị màn hình hỗ trợ hiển thị video độ phân giải 8K có mức giá rất đắt và cũng không đủ phổ biến để bạn có thể chia sẻ video cho nhiều người. Hơn nữa, bạn có chắc rằng mình có đủ ổ cứng để lưu trữ video 8K chứ? Hay video 4K là đủ?

Độ phân giải không phải thứ quyết định hoàn toàn chất lượng ảnh

Độ phân giải [hay pixel] không phải là thứ duy nhất quyết định chất lượng ảnh chụp. Để chụp được một bức ảnh tốt còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như dải động rộng, độ chính xác của màu sắc, chất lượng phần cứng [ống kính], phần mềm xử lý...Câu trả lời cho nhận định này có thể tìm thấy ở Pixel 4, iPhone 11 Pro và Samsung Galaxy Note 10+.

So sánh hình ảnh của cảm biến 12 MP từ năm 2016 với một cảm biến 12 MP của năm 2019 là cách tốt nhất để minh họa các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng ảnh. Dưới đây là hình ảnh được chụp từ Pixel đời đầu và Pixel 4. Cả hai chiếc điện thoại này đều được trang bị cảm biến độ phân giải 12 MP, tuy nhiên ống kính của Pixel 4 thu được nhiều thông tin màu sắc và có dải động rộng tốt hơn so với Pixel đời đầu. Do phần cứng của Pixel 4 có nhiều cải tiến hơn, cũng như thuật toán được xây dựng tốt hơn so với những năm 2016.

Bên trái: Hình ảnh chụp từ Pixel 1, bên phải: Hình chụp được từ pixel 4

Trong khi Google dựa vào thuật toán để tạo được bức ảnh đẹp thì các nhà sản xuất Android lại có xu hướng tích hợp cảm biến độ phân giải lớn lên điện thoại của mình. Các nhà sản xuất này sử dụng công nghệ có tên là pixel binning, chi tiết về kỹ thuật xử lý ảnh này, các bạn có thể xem thêm tại đây. Tuy nhiên, hiểu đơn giản thì kỹ thuật này thực chất là công nghệ gộp điểm ảnh. Tức các hãng sẽ gộp 4 pixel đơn lẻ lại thành 1 pixel lớn, biến bức ảnh 40 MP thành 10 MP.

Nếu bạn muốn chụp ảnh với độ phân giải đầy đủ, bạn sẽ phải hy sinh dynamic range [dải động rộng] và khả năng thu sáng. Giả thuyết này cho chúng ta kết luận: Cảm biến 12 MP thông thường sẽ giảm được đáng kể thời gian xử lý, vì nó không cần trải qua quá trình gộp điểm ảnh, cho người dùng trải nghiệm chụp ảnh mượt và tốt hơn.

Phần mềm xử lý đang trở nên quan trọng hơn

Cách đây vài tuần, mình đã làm rõ vấn đề này qua bài viết: ‘’Apple và Google đã chứng minh phần mềm chụp ảnh quan trọng hơn nhiều so với độ phân giải cao’’ bạn có thể đọc lại để hiểu rõ hơn về vai trò của thuật toán trong việc xử lý, tạo dựng một bức ảnh đẹp.

‘’Máy ảnh AI” là thuật ngữ mà các hãng sản xuất điện thoại giới thiệu đến người dùng. Cho dù là phần mềm xử lý ảnh đến từ Google, Huawei, Apple, Samsung hay bất kỳ nhà sản xuất điện thoại nào khác, xử lý ảnh là thứ sẽ quyết định chất lượng ảnh chụp cuối cùng.

Giả thuyết này liệu có thuyết phục bạn? Hãy kiểm tra ví dụ dưới đây. Bên dưới là hai hình ảnh được chụp bằng OnePlus 7 Pro. Tuy nhiên, bên trái là hình ảnh được chụp bằng phần mềm gốc của OnePlus 7 Pro, còn hình bên phải được chụp bằng phần mềm APK Google Camera. Bạn có thể thấy màu sắc, độ sắc nét và dải động rộng của hai bức hình khác nhau như thế nào. Hình ảnh chụp được từ phần mềm của Google có dải động rộng lớn hơn rất nhiều, rõ nhất ở nửa bên trái, màu sắc của hình ảnh cũng có phần thực hơn. Trong khi đó, phần mềm chụp ảnh của OnePlus có độ tương phản và bão hòa nhiều hơn, nhưng cuối cùng hình ảnh lại thiếu đi nhiều chi tiết.

Bên trái: Hình chụp bằng phần mềm gốc của OnePlus, bên phải: Hình chụp qua phần mềm Google Camera

Ánh sáng thấp và kích thước pixel

Độ phân giải thấp hơn giúp mỗi điểm ảnh riêng lẻ lớn hơn, cho phép thu được nhiều ánh sáng hơn. Vì vậy, cảm biến 12 MP sẽ tạo ra những bức ảnh trong môi trường thiếu sáng tốt hơn so với cảm biến 48 MP. Dưới đây là ví dụ về Chế độ chụp tự động và chế độ chụp 48 MP trên Xiaomi Mi 9. Kết quả thật bất ngờ! Bởi chế độ chụp 48 MP bị mất khá nhiều thông tin về màu sắc và dải động rộng.

Bên trái: Hình chụp bằng chế độ chụp 48 MP, bên phải: Hình chụp bằng Chế độ chụp tự động

Kích thước cảm biến càng lớn, khả năng thu được ánh sáng càng cao. Đó là lý do Huawei sử dụng cảm biến lớn hơn đáng kể so với cảm biến của Apple và Samsung. Cảm biến lớn hơn đồng nghĩa với việc hứng được nhiều ánh sáng hơn, từ đó cho bức ảnh sáng hơn khi chụp trong môi trường tối.

Cảm biến 12 MP là đủ?

Ở thời điểm hiện hiện tại, với những hạn chế về phần cứng như không gian lưu trữ và chất lượng ống kính...thực sự các nhà sản xuất điện thoại không cần trang bị cảm biến có độ phân giải lớn lên smartphone của mình. Thay vào đó, các nhà sản xuất điện thoại nên tập trung vào việc phát triển thuật toán để tối ưu hóa với phần cứng, tạo hình ảnh tốt và trải nghiệm mượn mà cho người dùng.

Xiaomi Mi Note 10 được trang bị camera 108 MP

Khi các thiết bị màn hình hỗ trợ độ phân giải cao trở lên phổ biến hơn, bộ xử lý CPU mạnh hơn và người dùng có nhiều không gian lưu trữ hơn, lúc đó mới là thời cơ thích hợp để trang bị cảm biến 40 MP lên smartphone. Còn hiện tại, cảm biểm 12 MP là quá đủ để xử lý được hầu hết tác vụ cơ bản của người dùng.

Giả thuyết trên có thuyết phục bạn? Mời trao đổi dưới phần bình luận.

Nguồn: Android Authority

Xem thêm:Nhờ đâu mà smartphone ngày càng chụp được bức ảnh đẹp hơn trong môi trường thiếu sáng?

Video liên quan

Chủ Đề