Tại sao trong kinh tế tri thức, vốn đầu tư chủ yếu đánh cho khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo

Theo xu thế quốc tế về phát triển chương trình giáo dục và xem xét những vấn đề cụ thể về phát triển chương trình giáo dục phổ thông của một số nước, có thể thấy các quốc gia trên thế giới đã có nhiều điểm chung về quan điểm tiếp cận và cách thức phát triển chương trình, mặt khác, mỗi quốc gia lại có những đặc điểm riêng trong quá trình xây dựng và triển khai chương trình phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội. Từ xu thế chung về phát triển chương trình giáo dục phổ thông của thế giới và kinh nghiệm phát triển chương trình của một số nước, có thể rút ra những kinh nghiệm, những định hướng phát triển chương trình giáo dục phổ thông cho Việt Nam. Đồng thời khi tiến hành xây dựng chương trình tổng thể và chương trình môn học của Việt Nam, cần tiếp tục phân tích từng vấn đề để thấy những nội dung nào có thể vận dụng được và vận dụng như thế nào cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam trong giai đoạn tới.

Khi tìm hiểu về định hướng phát triển chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam trước hết cần phân tích về bối cảnh kinh tế xã hội của quốc tế và nước ta cũng như các yêu cầu đặt ra đối với giáo dục phổ thông.

Có thể xem xét tình hình kinh tế xã hội trên thế giới hiện nay theo nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, ở đây, chúng ta chỉ xem xét các yếu tố kinh tế xã hội có tác động lớn tới sự phát triển giáo dục ở từng nước. Chẳng hạn các yếu tố liên quan đến quan niệm của Chính phủ, của xã hội về tầm quan trọng của giáo dục, các chính sách lớn khuyến khích phát triển giáo dục, tiềm năng đầu tư tài chính, kinh tế cho giáo dục...

Sự phát triển của khoa học và công nghệ đã tạo điều kiện để từng bước hình thành một nền kinh tế tri thức [Knowledge Economy]. Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế học hỏi, bởi ở bất kỳ trình độ phát triển nào của nền kinh tế thế giới thì con người có tri thức khoa học, có năng lực sáng tạo vẫn là nhân tố quyết định sự phát triển. Sự không cập nhật tri thức mới, sự bất cập với công nghệ mới, công nghệ cao là yếu tố hàng đầu của sự phân hoá phát triển - kém phát triển.

Trong nền kinh tế tri thức, tri thức, trí tuệ của con người và kỹ năng lao động trở thành lợi thế phát triển lớn nhất, quyết định nhất. Phát triển kinh tế tri thức sẽ tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm bớt nặng nhọc trong lao động. Vì vậy, hiện nay, các nước đều dành sự quan tâm hàng đầu cho việc xây dựng và thực hiện chiến lược quốc gia về tri thức và phát triển đội ngũ trí thức. Ở đâu có nhiều tri thức hơn, ở đó có nền kinh tế phát triển hơn; những công ty, đơn vị nào có nhiều tri thức sẽ phát triển mạnh hơn; những cá nhân nào có tri thức, có trình độ sẽ nhận được việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn. Phát triển kinh tế tri thức là xu thế tất yếu của mọi nền kinh tế, phù hợp với quy luật vận động và phát triển của xã hội. Ngày nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có chiến luợc phát triển kinh tế tri thức theo những cách thức riêng phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nước. Các nước phát triển tập hợp thu hút lao động trí tuệ, thành tựu khoa học công nghệ ở nhiều nước, nghiên cứu sâu vào lĩnh vực năng lượng mới, vật liệu mới, hoá sinh học, khám phá vũ trụ... để phát triển nền kinh tế. Các nước đang phát triển chọn hướng đi tắt, tạo động lực phát triển nhanh nhằm rút ngắn khoảng cách đối với các nước phát triển.

Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế sử dụng có hiệu quả tri thức cho phát triển và tăng trưởng kinh tế xã hội, bao gồm truy cập vào kho tri thức toàn cầu đồng thời làm chủ và sáng tạo tri thức mới cần thiết cho riêng mình [WB, UNDP, 2004].

Nền kinh tế tri thức trở thành một mục tiêu then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia. Đó là nền kinh tế dựa trực tiếp vào việc sản xuất, phân tích và sử dụng các tri thức thông tin. Kinh tế tri thức bao gồm nhiều ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin [CNTT] và truyền thông, các khu vực sử dụng lao động có kĩ năng cao như tài chính, giáo dục. Sự tăng trưởng trong các ngành công nghiệp dựa vào tri thức đòi hỏi đầu tư không chỉ vào tài sản cố định mà còn cả vào việc tạo ra tri thức. Nền kinh tế tri thức khuyến khích con người thu thập, sáng tạo, truyền bá và sử dụng tri thức có hiệu quả tạo tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Đặc trưng nổi bật nhất của nền kinh tế tri thức là nhân tố tri thức trong nền kinh tế đã trở thành nhân tố quan trọng nhất tạo nên sự tăng trưởng và phát triển của xã hội. Toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế yêu cầu Việt Nam phải quan tâm đặc biệt tới phát triển những cơ sở ban đầu để phát triển kinh tế tri thức.

Giáo dục có trách nhiệm tạo ra nền tảng tri thức, đào tạo nguồn nhân lực, tức là trực tiếp tạo ra vốn con người. Trong bối cảnh kinh tế tri thức, dịch chuyển kinh tế toàn cầu, sự cạnh tranh giữa các nước sẽ là cạnh tranh về giáo dục.

Có thể thấy rằng, giáo dục, đào tạo có vai trò thúc đẩy kinh tế tri thức phát triển, vì nền giáo dục trực tiếp tác động đến việc nâng cao trí tuệ sự hiểu biết và vận dụng những tri thức khoa học vào sản xuất. Trong thời đại ngày nay việc nâng cao chất lượng giáo dục là con đường tốt nhất để con người có những tri thức cơ bản cần thiết, có năng lực học suốt đời, tiếp cận kịp thời những thông tin mới nhất cập nhật làm giàu thêm nguồn tri thức của mình. Thông qua giáo dục, đào tạo mới tạo dựng, động viên và phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực mà trước hết là nguồn lực của con người cho sự phát triển kinh tế xã hội không những thế giáo dục còn là động lực cho sự phát triển của kinh tế tri thức, giáo dục giúp người lao động nâng cao trình độ học vấn ứng dụng và sáng tạo khoa học công nghệ tốt hơn. Chính vì vậy, giáo dục là yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển kinh tế xã hội bền vững. Đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội bền vững cũng chính là động lực cho sự phát triển kinh tế tri thức. Trong kinh tế tri thức, tri thức là yếu tố chủ yếu của sản xuất, so với các yếu tố khác tri thức khi tham gia vào quá trình sản xuất không những không bị hao mòn, cạn kiệt mà còn luôn được nâng cao. Khi chuyển giao và chia sẻ tri thức cho người khác người sở hữu tri thức vẫn giữ nguyên tri thức của mình. Theo đó nguồn vốn tri thức được tăng lên gấp bội và sử dụng có hiệu quả là nhờ giáo dục. Với tư cách là động lực cho sự phát triển, giáo dục chuẩn bị cho con người phát triển cả về trí tuệ, tay nghề, kĩ năng. Hơn nữa, giáo dục bảo đảm phát triển dân trí, góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ học vấn của mọi người lao động. Hàm lượng trí tuệ trong lao động do giáo dục mang lại là cái làm cho con người trở thành nguồn lực đặc biệt trong sản xuất, nguồn lực duy nhất tạo ra lợi thế so sánh dài hạn. Tri thức là xương cốt của nền kinh tế hiện đại, xong tri thức chỉ được thực hiện thông qua kĩ năng của cá nhân. Giáo dục là yếu tố đầu vào của sản xuất, tầm nhìn xa cho đất nước cho dân tộc là giáo dục, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển.

Tuy nhiên, kinh tế tri thức cũng có tác động tích cực tới giáo dục. Nền kinh tế tri thức đòi hỏi mỗi người phải luôn bổ sung tri thức mới. Trong thời đại thông tin kinh tế tri thức tạo ra những biến đổi rất sâu sắc và nhanh chóng cho nên giáo dục phải nhằm mục tiêu phát triển toàn diện con người một cách bền vững. Nền kinh tế tri thức đòi hỏi và tạo điều kiện cho con người phát triển, coi trọng cá tính và bản lĩnh, phát huy tiềm năng cực kì phong phú của con người.

Đồng thời, quá trình toàn cầu hoá cũng là quá trình chuyển sang nền kinh tế tri thức, toàn cầu hoá và kinh tế tri thức thúc đẩy nhau, gắn quyện với nhau, là hai anh em sinh đôi của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại. Việc chuyển giao, học tập kinh nghiệm về quy trình công nghệ, về sử dụng công cụ lao động mới, cập nhật tri thức mới... trở nên ngày càng thường xuyên hơn cho mỗi quốc gia. Trong lĩnh vực giáo dục và khoa học công nghệ cũng vậy, việc vận dụng các kinh nghiệm tốt, tiên tiến trong giáo dục và khoa học công nghệ vào điều kiện cụ thể của Việt Nam là một yêu cầu tất yếu, nó giúp đất nước không bị tụt hậu trong cuộc cạnh tranh quyết liệt ở phạm vi toàn cầu. Việc nghiên cứu kinh nghiệm tiên tiến trên thế giới sẽ tạo cơ hội lớn để nắm bắt vận dụng tri thức mới, phát triển kinh tế tri thức, rút ngắn khoảng cách với các nước.

Hội nhập là hợp tác và đấu tranh, phải biết tận dụng cơ hội, phát huy lợi thế của nước đi sau, hạn chế tối đa sự thua thiệt. Hội nhập để tiếp nhận tri thức mới, phát triển kinh tế tri thức, rút ngắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa [CNH, HĐH]. Hội nhập để hợp tác cùng các nước, các khối nước đấu tranh chống lại sự bất bình đẳng của toàn cầu hoá.

Phát triển kinh tế tri thức ở nước ta là một chuyển biến chiến lược trọng đại: chuyển nền kinh tế từ dựa vào tài nguyên sang dựa chủ yếu vào tri thức và năng lực sáng tạo của con người. Với những nguồn lực sẵn có, sử dụng tri thức mới, công nghệ mới để làm ra được nhiều hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn.

Tạo ra của cải và nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ là nhờ tối ưu hoá và hoàn thiện cái đã có, mà chủ yếu là do sáng tạo ra công nghệ mới, sản phẩm mới, cách làm mới. Đổi mới sáng tạo là động lực trực tiếp của sự phát triển.

Vốn người, vốn tri thức xã hội là nguồn lực cơ bản của phát triển kinh tế. Cạnh tranh kinh tế là cạnh tranh về giáo dục. Kinh tế tri thức là nền kinh tế học hỏi [leaning economy]. Xã hội học tập là tiền đề cho nền kinh tế tri thức, ở đó, người lao động phải học tập suốt đời, không ngừng nâng cao kiến thức và kĩ năng, năng lực.

Kinh tế tri thức cho ta cơ hội nắm bắt và vận dụng sáng tạo những tri thức mới, cách thức kinh doanh mới để đổi mới nền kinh tế nước ta. Kinh nghiệm thành công của các nước phát triển cho thấy, việc đầu tư cho giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một nhiệm vụ tất yếu của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế [OECD], sự phân hoá giữa các nước phát triển và chậm phát triển ngày càng gia tăng. Tại diễn đàn kinh tế OECD năm 2001, Ban Thư kí OECD đã có một báo cáo, trong đó nói rằng, những quốc gia có chính sách phát triển kinh tế tri thức đã tăng trưởng rất nhanh, còn những quốc gia khác đã tụt hậu ngày càng rõ rệt hơn.

Có thể xem xét chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thông qua so sánh năng suất lao động với một số nước Á Đông. Dựa trên chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới, năm 2009 - 2010, Việt Nam xếp thứ 75/133 quốc gia về năng suất lao động, trong khi đó vị trí của Singapore là 3, Malaysia là 24, Thái Lan là 36... Báo cáo Chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2013 xếp Việt Nam đứng thứ 70 trong số 148 quốc gia xếp hạng. Năng suất lao động của Việt Nam cũng ở hàng thấp nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đánh giá về chất lượng lao động Việt Nam thông qua năng suất lao động, tổ chức ILO đã so sánh: "năng suất lao động của lao động Việt Nam hiện thấp hơn Thái Lan 4 lần, Singapore 15 lần và Hàn Quốc tới 30 lần". Năng suất lao động thấp có nguyên nhân là chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kém, và một phần không nhỏ do chất lượng giáo dục phổ thông chưa cao. Nghiêm khắc mà nói, có thể thấy chất lượng giáo dục phổ thông đang là vấn đề thách thức từ các góc nhìn khác nhau.

Có khoảng cách lớn giữa giáo dục phổ thông với yêu cầu lao động sản xuất, đào tạo nghề, đào tạo ở đại học, cao đẳng, không chỉ về kiến thức, kĩ năng, mà còn về các yếu tố năng lực khác.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, những nước đầu tư cho giáo dục, biết học tập những kinh nghiệm từ những nền giáo dục tiên tiến, biết vận dụng và luôn sáng tạo hợp lí trong điều kiện cụ thể của nước mình thì sẽ tạo ra được một nền giáo dục hiệu quả, cung cấp được nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng thời kì. Việc cải cách giáo dục phải trên cơ sở bảo tồn và phát huy truyền thống dân tộc là một điểm đặc sắc trong sự thành công của cải cách giáo dục Hàn Quốc dưới thời kì công nghiệp hoá.

Rõ ràng rằng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phát triển nền kinh tế tri thức, Việt Nam cần thiết phải đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới giáo dục phổ thông nói riêng để góp phần nhanh chóng phát triển kinh tế xã hội, đưa Việt Nam tiến lên theo kịp các nước phát triển trên thế giới và trong khu vực.

Video liên quan

Chủ Đề