Tổ Trinh sát là gì

Hoạt động quân báo - trinh sát trong tác chiến nói chung, tác chiến phòng thủ tỉnh, thành phố biên giới nói riêng có vai trò hết sức quan trọng, bảo đảm cho cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự địa phương luôn nắm chắc tình hình địch và các mặt liên quan, làm cơ sở để xác định, điều chỉnh quyết tâm tác chiến phòng thủ và kịp thời xử trí các tình huống, giữ vững địa bàn.

Hoạt động nắm địch của quân báo - trinh sát trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố biên giới có đặc điểm địa bàn rộng, đối tượng đa dạng, phức tạp, cùng thời điểm có nhiều lực lượng tham gia kể cả của ta và của địch. Riêng lực lượng nắm địch của ta, gồm: trinh sát của trung đoàn bộ binh trực thuộc tỉnh, quân báo - trinh sát của các huyện, trinh sát của lực lượng Dân quân tự vệ, Công an, Biên phòng, của trên và đơn vị bạn. Nhiệm vụ của lực lượng quân báo - trinh sát không chỉ nắm đối tượng địch có ý đồ xâm lược từ bên ngoài biên giới, lãnh thổ, mà còn phải nắm cả đối tượng nội địa, tình hình địa bàn, hoạt động của đơn vị bạn, địa phương có liên quan; sẵn sàng tập kích phá hủy, tiêu diệt các mục tiêu quan trọng của địch ở phía trước khu vực phòng thủ và thực hiện các nhiệm vụ khác được giao. Đây là vấn đề rất quan trọng, góp phần quyết định tới chất lượng, hiệu quả của tác chiến phòng thủ, nhất là đối với các tỉnh, thành phố biên giới, bởi lẽ chỉ trên cơ sở nắm chắc đối tượng, ý đồ, âm mưu, thủ đoạn,... của địch, chúng ta mới có cơ sở xây dựng, điều chỉnh, kế hoạch, quyết tâm tác chiến phù hợp để giành thắng lợi.

Đặc biệt, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc [nếu xảy ra], nhất là trong thời kỳ đầu, khi ý đồ, đối tượng và âm mưu, thủ đoạn của địch còn trong vòng bí mật, chưa xác định rõ ràng, thì hoạt động của lực lượng quân báo - trinh sát càng có ý nghĩa quan trọng. Vì thế, nghiên cứu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quân báo - trinh sát trong tác chiến nói chung, tác chiến phòng thủ tỉnh, thành phố biên giới nói riêng, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Phạm vi bài viết đề xuất mấy giải pháp đối với hoạt động này để cùng nghiên cứu, trao đổi.

1. Chuẩn bị đầy đủ, chu đáo về lực lượng ngay từ thời bình, trước khi nhận nhiệm vụ và trong suốt quá trình tác chiến phòng thủ. Đặc điểm tổ chức, biên chế của lực lượng quân báo - trinh sát tỉnh, thành phố gồm nhiều thành phần, mỗi bộ phận có chức năng, nhiệm vụ khác nhau; trong đó, quân báo nhân dân, điệp báo chiến dịch tổ chức hoạt động nắm địch thường xuyên cả thời bình và thời chiến; trinh sát bộ đội tập trung nắm địch khi có chiến tranh xảy ra; trinh sát đặc nhiệm thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt, quan trọng của tỉnh, thành phố. Theo đó, người chỉ huy phải căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể để có ý định, kế hoạch chuẩn bị lực lượng, đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng, phù hợp với tổ chức, biên chế, đặc điểm địa bàn, khả năng bộ đội, phát huy thế mạnh, sở trường của từng chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trinh sát.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, cấp ủy, chỉ huy đơn vị quân báo - trinh sát phải kết hợp chặt chẽ giữa thường xuyên kiện toàn đầy đủ tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh với tổ chức giáo dục chính trị, huấn luyện chiến đấu, nâng cao trình độ, năng lực toàn diện cho bộ đội; trong đó, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ các chuyên ngành: quân báo nhân dân, điệp báo chiến dịch, trinh sát bộ đội, trinh sát đặc nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Do tác chiến phòng thủ tỉnh, thành phố biên giới, lực lượng quân báo - trinh sát thường tổ chức thành các tổ, phân đội nhỏ lẻ, hoạt động tương đối độc lập, xa sự chỉ huy, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị, nên cần chú trọng tuyển chọn kỹ lưỡng về lai lịch chính trị, tổ chức giáo dục, bồi dưỡng xây dựng bản lĩnh, lập trường kiên định, vững vàng; bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, tập trung giáo dục nâng cao tinh thần tự giác, vượt khó, vượt khổ, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Người chỉ huy, cán bộ chính trị phải tổ chức quán triệt, giao nhiệm vụ, hiệp đồng cụ thể, rõ ràng; làm tốt công tác đảng, công tác chính trị trước, trong và sau mỗi nhiệm vụ, trận đánh; kịp thời nắm bắt, động viên tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

2. Tăng cường công tác chỉ huy, chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và cơ quan quân báo - trinh sát. Xuất phát từ đặc điểm, tính chất nhiệm vụ của lực lượng quân báo - trinh sát tác chiến trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố biên giới phải đảm nhiệm nhiều mục tiêu, nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nguy hiểm nên phải tăng cường công tác chỉ huy, chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và cơ quan quân báo - trinh sát cấp trên. Đối với người chỉ huy cơ quan quân sự tỉnh, thành phố, phải chỉ thị nhiệm vụ cho chủ nhiệm quân báo tăng cường xác định mục tiêu, nhiệm vụ cho các bộ phận; thường xuyên kiện toàn tổ chức biên chế; xác định ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc tổ chức thực hiện kế hoạch công tác trinh sát của đơn vị; dự kiến các tình huống, khả năng, hành động của địch trong quá trình tiến công vào khu vực phòng thủ, phòng ngự, v.v. Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, chỉ đạo chủ nhiệm quân báo đôn đốc đơn vị thực hiện nhiệm vụ, nhất là lực lượng đang trực tiếp nắm địch ở phía trước. Duy trì chế độ báo cáo tình hình địch với cơ quan quân báo cấp trên, thông báo cho cơ quan, đơn vị có liên quan.

Đối với chủ nhiệm cơ quan quân báo - trinh sát tỉnh, trên cơ sở nhiệm vụ, quyết tâm tác chiến phòng thủ, tổ chức quán triệt nhiệm vụ và chỉ đạo lực lượng quân báo - trinh sát tiến hành nội dung, biện pháp nắm địch ngoại biên, địch nội địa; tổng hợp tình hình địch báo cáo người chỉ huy; chuẩn bị và báo cáo kế hoạch trinh sát với trên, triển khai lực lượng thực hiện theo kế hoạch; soạn thảo chỉ lệnh quân báo - trinh sát thông qua tham mưu trưởng và gửi các đơn vị, soạn thảo kế hoạch hiệp đồng trinh sát với các huyện, đơn vị bạn và cấp trên. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác bảo đảm vũ khí, trang bị, lương thực, thực phẩm. Đối với nhiệm vụ trinh sát quan trọng, phải tăng cường vai trò điều hành, chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp của cơ quan quân báo tỉnh. Muốn vậy, người chỉ huy, chủ nhiệm quân báo - trinh sát phải nắm chắc quyết tâm tác chiến phòng thủ; tăng cường đôn đốc, kiểm tra phát hiện những sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, kịp thời điều chỉnh, bổ sung lực lượng, phương tiện trinh sát để duy trì các hoạt động nắm địch một cách hiệu quả nhất.

3. Hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng quân báo - trinh sát trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố tạo mạng trinh sát nắm địch toàn diện, rộng khắp theo kế hoạch thống nhất, bổ sung tin tức cần thiết cho nhau, không bỏ sót mục tiêu. Hoạt động trinh sát - quân báo trong tác chiến khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố biên giới thường diễn ra trên không gian rộng, có nhiều lực lượng cùng tham gia nắm địch, như: lực lượng quân báo - trinh sát của Bộ, Quân khu, trinh sát các đơn vị đứng chân trên địa bàn, của lực lượng Dân quân tự vệ, v.v. Vì vậy, người chỉ huy phải xác định được các thành phần, nội dung hiệp đồng, phạm vi, mục tiêu, nhiệm vụ nắm địch của từng lực lượng, hình thức và biện pháp hoạt động của trinh sát; khu vực hoạt động các lực lượng, phương pháp báo cáo, trao đổi thông tin liên lạc, ký, tín hiệu nhận nhau,… tạo thành mạng trinh sát nắm địch toàn diện, rộng khắp, thống nhất. Ngoài ra, phải hiệp đồng một số mặt bảo đảm khác, như: điểm giao nộp tù, hàng binh, tài liệu, giấy tờ thu được của địch, nơi cất giấu thương binh, tử sĩ trong quá trình hoạt động, v.v. Chủ nhiệm quân báo - trinh sát phải căn cứ vào tình hình địch, phương pháp tác chiến của lực lượng vũ trang địa phương và thời gian cụ thể để vận dụng phương pháp hiệp đồng cho phù hợp, có thể bằng hội nghị trên bản đồ, sa bàn hoặc tại thực địa; trong thời gian gấp có thể hiệp đồng bằng văn bản hoặc cử cán bộ xuống trực tiếp đến từng phân đội, cũng có thể hiệp đồng qua các phương tiện thông tin liên lạc. Vận dụng linh hoạt các phương pháp: chỉ thị hiệp đồng, nêu tình huống hoặc kết hợp cả hai phương pháp; ngoài ra, các lực lượng trinh sát hoạt động gần nhau có thể chủ động phối hợp, hiệp đồng với nhau trong quá trình nắm địch.

4. Bảo đảm tốt các mặt phục vụ lực lượng quân báo - trinh sát hoạt động. Người chỉ huy phải quán triệt, duy trì nghiêm quy định về phòng gian, bảo mật đối với cán bộ, chiến sĩ, tuyệt đối giữ bí mật ý định tác chiến, thời gian, khu vực hoạt động; khi hoạt động phải kiểm tra kỹ lưỡng công tác chuẩn bị, chỉ mang theo những vật dụng cần thiết; tích cực ngụy trang, nghi binh xóa dấu vết cho người và vũ khí, trang bị. Đối với lực lượng trinh sát đặc nhiệm, quân báo nhân dân, điệp báo chiến dịch khi hoạt động trong vùng địch kiểm soát phải cải trang tạo vỏ bọc, bình phong để hoạt động bí mật, an toàn, hiệu quả.

Tác chiến phòng thủ tỉnh, thành phố biên giới có thể sẽ diễn ra dài ngày, ác liệt, địch sử dụng tác chiến điện tử ở cường độ cao, công suất lớn gây khó khăn cho thông tin liên lạc của ta, trong khi trang bị, phương tiện thông tin của lực lượng quân báo - trinh sát tỉnh còn hạn chế. Do vậy, chỉ huy và các đơn vị quân báo - trinh sát phải phối hợp với lực lượng thông tin liên lạc có biện pháp khắc phục, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt giữa cấp trên với cấp dưới, giữa các bộ phận với nhau và với các lực lượng liên quan trong các tình huống, nhiệm vụ. Cán bộ, chiến sĩ phải nắm chắc tính năng, kỹ chiến thuật các phương tiện thông tin liên lạc, nhất là phương tiện thông tin vô tuyến điện của ta, thủ đoạn hoạt động tác chiến điện tử của địch, đặc điểm hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang địa phương trong thế trận chiến tranh nhân dân phát triển cao, ảnh hưởng của địa hình, thời tiết tỉnh, thành phố biên giới để khai thác, tận dụng, phát huy thế mạnh, khắc phục yếu điểm thông tin liên lạc, hoàn thành tốt nhiệm vụ dược giao. Ngoài ra, phải bảo đảm đầy đủ hậu cần, kỹ thuật, hóa học,… cho các bộ phận hoạt động; làm tốt công tác bảo quản, khai thác hiệu quả các trang bị, khí tài được biên chế. Chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường đầu tư kinh phí, nâng cao khả năng tổ chức, xây dựng và hoạt động của các cơ sở quân báo nhân dân; trang bị cho lực lượng trinh sát bộ đội, trinh sát đặc nhiệm các phương tiện, khí tài, vũ khí chuyên dụng hiện đại, phù hợp với nhiệm vụ cụ thể của từng bộ phận, để nâng cao khả năng nắm địch.

Hoạt động nắm địch của lực lượng quân báo - trinh sát có vai trò hết sức quan trọng trong tác chiến phòng thủ tỉnh, thành phố biên giới đất liền - yếu tố quyết định sự thành, bại của nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ địa bàn. Vì vậy, nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng này trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là vấn đề cấp thiết, xin được trao đổi cùng bạn đọc.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 4

Chủ Đề