Trâu chửa bao lâu thì đẻ

Thông thường trâu cái được nuôi theo phương pháp chăn thả truyền thống, mất 2 – 3 năm mới sinh được 1 lứa. Nhưng nếu cách chăm sóc trâu đúng kỹ thuật thì chỉ một năm rưỡi, trâu lại sinh sản được 1 lứa nghé con khỏe mạnh, nhanh lớn, hiệu quả kinh tế cao 1,5 – 2 lần so với hình thức nuôi trâu sinh sản thông thường. 

Cách nhận biết trâu có chửa

Có nhiều phương pháp chẩn đoán có thai ở trâu:

1. Quan sát

Để nhận biết trâu có chửa hay không, bà con quan sát ở bụng có to ra bất thường hay không. Hơn nữa, tứ chi sẽ phù lên mỗi ngày. Đặc biệt, ở vú đã xuất hiện tuyến sữa. Quan sát âm đạo cũng là cách giúp bà con chuẩn đoán chính xác.

– Tháng đầu tiên cổ tử cung vẫn còn nhỏ, đóng kín, màu sắc âm đạo nhợt nhạt, khô.

– Tháng thứ hai, âm đạo ra nhiều dịch nhờn nhớt, tử cung vẫn đóng khít.

– Tháng thứ ba, bốn: Âm đạo sưng to, ra nhiều dịch màu trắng đục.

2. Sở nắn

Với những con trâu thành bụng có kích thước mỏng rất dễ nhận ra được đầu, cổ của bào thai. Bà con chỉ cần dùng tay ấn, sở vào chỗ lõm phía dưới thành bụng sẽ biết được. Lưu ý thực hiện vào sáng sớm lúc trâu còn đói để chính xác nhất.

3. Nghe tim thai

Với trâu đã có chửa từ 6 tháng trở lên, người nuôi có thể nghe được tim thai. Vị trí nghe nằm ở dọc lưng hoặc bên hông, thành bụng. Tim thai con đập nhanh hơn tim mẹ gấp 2 lần.

4. Kinh nghiệm dân gian

Theo dõi các trâu cái có chửa thường béo nhanh, ăn nhanh no, một số quan sát bên ngoài để dễ nhận thấy trâu có chửa trong các tháng cuối là bầu vú phát triển, đuôi lệch mép âm hộ, tĩnh mạch bụng to, rõ. Những kinh nghiệm này có tính chất tham khảo và phát hiện trâu chửa giai đoạn cuối hoặc phương pháp này chưa chính xác ta cần phối hợp nhiều biện pháp theo dõi khác để xác định trâu có chửa.

Cách chăm sóc trâu trong giai đoạn chửa

Thời gian mang thai của trâu là khoảng 10 tháng rưỡi và phụ thuộc vào từng loại hình trâu [trâu sông mang thai khoảng 305-307 ngày, trâu đầm lầy 320-325 ngày]. Trong thời gian mang thai trâu cần đủ dinh dưỡng cho duy trì cơ thể, tăng trọng bản thân và nuôi bào thai. Dựa vào sự phát triển của thai, có thể chia làm hai giai đoạn để chăm sóc nuôi dưỡng trâu cái chửa: giai đoạn 1 từ lúc bắt đầu chửa đến 7-8 tháng, giai đoạn 2 từ đó đến khi đẻ [hay gọi là giai đoạn có chửa 2-3 tháng trước khi đẻ]

1. Giai đoạn 7 – 8 tháng đầu tiên

Cần tăng lượng thức ăn cho trâu để đảm bảo cung cấp đủ protein và khoáng cho sự phát triển của bào thai. Khả năng tiêu hoá của trâu trong thời gian này rất tốt, nên cho trâu ăn nhiều thức ăn thô xanh chất lượng tốt. Cho trâu ăn cỏ tươi 21 – 30 kg [trường hợp chăn thả có thể cho ăn ít hơn, tùy thuộc và độ no đói của trâu]. Ngoài ra, mỗi ngày bổ sung 200 – 300 g thức ăn hỗn hợp cho trâu hoặc 1kg củ quả chứa nhiều tinh bột. Cũng có thể sử dụng củ quả tươi thay thế 1 phần cỏ tươi theo tỷ lệ 1 kg củ quả tươi có thể thay thế 1,1 – 1,2 kg cỏ tươi.

2. Trước khi đẻ 2 – 3 tháng

Trong giai đoạn này, thai phát triển nhanh. Trâu thường mệt mỏi, giảm ăn, cần tăng tỷ lệ thức ăn tinh trong khẩu phần, giảm tỷ lệ thức ăn thô xanh và chọn loại thức ăn dễ tiêu hóa. Khẩu phần ăn gồm 30% thức ăn tinh và 70% thức ăn xanh thô [cỏ tươi và cỏ khô, củ quả]. Cho trâu ăn 15 – 20kg cỏ tươi; 2,5 – 3kg cám; 3,5 – 5kg bột ngô; 5 – 10kg củ quả [khoai và sắn], tùy theo trọng lượng của trâu. Bà con nên băm nhỏ các loại thức ăn để trâu dễ dàng tiêu hóa tránh các bệnh về đường ruột.

Máy băm nghiền đa năng 3A2,2Kw

Giai đoạn trâu có chửa cần nhốt riêng để tiện chăm sóc. Cần giữ yên tĩnh, tránh làm trâu bị kích thích hay hoảng sợ. Trước khi trâu đẻ vài hôm, tắm cho trâu sạch sẽ, dọn chuồng, chuẩn bị một số dụng cụ đỡ đẻ.

Chăm sóc cho trâu đẻ

Khi trâu có hiện tượng đẻ, dùng nước muối ấm hoặc thuốc tím rửa bộ phận sinh dục và bầu vú, lau khô. Lót nền chuồng bằng rơm cỏ khô chuẩn bị chỗ đẻ. Phải theo dõi những biểu hiện của trâu để có kế hoạch sẵn sàng hỗ trợ. Trâu cái thường đẻ đứng nên cần đỡ nghé khi lọt lòng, tránh để nghé rơi. Nghé vừa sinh phải được móc sạch nước rãi ở miệng, mũi và lau khô sạch toàn thân, vuốt mạch máu và chất nhờn ở cuống rốn từ trong ra ngoài, cắt rốn để dài khoảng 10cm, dùng cồn rửa sạch nhờn bẩn của cuống rốn và sát trùng. Giữ nghé ở nơi sạch, khô và hàng ngày kiểm tra, sát trùng, theo dõi cho đến khi rốn khô và rụng.

Sau khi trâu đẻ, cho trâu uống nước muối ấm 1%, dùng nước muối ấm hoặc thuốc tím rửa lại bộ phận sinh dục sạch sẽ, rồi cho trâu nghỉ. Sau khi đẻ 1 – 2 giờ, phải cho nghé bú sữa đầu do có lượng protein cao hơn 5 lần so với sữa thường, Vitamin A và D cao gấp 5 lần, khoáng cao gấp 2 lần, đặc biệt hàm lượng gamma-globulin [kháng thể] cao có thế giúp nghé có sức đề kháng cao. Nếu nuôi nghé theo mẹ thì để nghé bú trực tiếp liên tục, còn nếu nuôi nghé tách mẹ thì thời gian bú sữa đầu là 1 tuần.

Kỹ thuật nuôi trâu giai đoạn nuôi con

Ở giai đoạn này, cho trâu mẹ ăn lượng thức ăn tinh và củ quả giống như nuôi trâu mang thai trước khi đẻ 2 – 3 tháng, nhưng tăng lượng thức xanh lên 20 – 25kg cỏ tươi; 3,5 – 4kg bột cám, 3,5 – 5kg bột ngô; 5 – 10kg củ quả.

Trường hợp trâu đang nuôi con theo mẹ thì khi nghé đã cứng cáp có thể cho theo mẹ, để nghé con luôn được bú sữa mẹ, nhưng nếu là trâu vắt sữa phải nuôi tách hoàn toàn, trường hợp những trâu khó vắt sữa cần sự có mặt của nghé, thì cho nghé đứng cạnh khi vắt sữa hoặc khi cần thúc vú để kích thích xuống sữa.

Tắm chải cho trâu cái hàng ngày để tăng cường tuần hoàn máu, trao đổi chất, mùa nóng tắm hàng ngày, mùa lạnh tắm những ngày trời ấm. Đặc biệt chú ý giữ vệ sinh bầu vú, núm vú vì trong thời gian này lỗ núm vú luôn mở, rất dễ cho vi trùng xâm nhập gây viêm vú. Sau khi vắt sữa xong, rửa vú sạch bằng nước sạch và lau khô.

Xuất phát từ một đất nước nông nghiệp, người dân Việt Nam không phải xa lạ gì với con trâu con bò nữa nên kỹ thuật chăn nuôi trâu bò đối với dân ta hầu như không gặp khó khăn gì. Cách chăm sóc trâu sinh sản quan trọng là giữ cho cả mẹ và con an toàn từ khi bắt đầu mang thai cho tới khi sinh nghé ra ngoài. Chúc bà con chăn nuôi thành công!

​Ở tỉnh ta, mặc dù số lượng đàn trâu không nhiều bằng đàn bò, nhưng đối với các xã vùng Đông Trường Sơn ở các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông có khí hậu lạnh, việc phát triển chăn nuôi trâu thường thuận lợi hơn bò. Bên cạnh đó, nuôi trâu có giá trị kinh tế cao hơn nuôi bò, dễ giúp cho người dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, để việc nuôi trâu hiệu quả, bà con nuôi trâu cần nắm vững kỹ thuật chăn  nuôi.

Trước hết, về khâu chọn giống, nếu chọn trâu cày kéo, bà con chọn trâu vạm vỡ, chân cao [bốn chân chắc khoẻ], đầu to vừa phải và hơi dài. Mặt trâu gân guốc, cổ mập và ngắn. Tai trâu rộng [tai lá mít], mắt ốc nhồi, hàm răng trắng đều. U vai trâu phát triển mạnh, ngực và vai nở nang, bụng tròn phát triển cân đối. Bên cạnh ngoại hình như trên, bà con cần chọn những con trâu hiền lành, dễ điều khiển và có khả năng làm việc tốt.

Nuôi trâu ở xã Đăk Blô. Ảnh: V.N

Đối với việc chọn trâu nuôi lấy thịt, bà con cần dựa vào ngoại hình, khả năng tận nguồn dụng thức ăn và khả năng tăng trọng. Đối với việc chọn trâu nuôi sinh sản, bà con chọn những con cái do con mẹ và con bố giống tốt đẻ ra. Trâu cái phải có thân hình cân đối, bốn chân chắc khoẻ, vú đều, mông nở. Trâu cái hiền lành, có chu kỳ động dục rõ ràng, trâu sinh sản tốt là trâu 3 năm đẻ 2 lứa.  Khi chọn trâu đực phối giống, cần chọn những con có đời bố mẹ, ông bà tốt.

Về làm chuồng trâu, bà con không làm chuồng trâu dưới gầm nhà sàn; phải làm chuồng nơi cao ráo, tránh hướng gió. Chuồng làm theo hướng đông nam hoặc nam là tốt nhất, đảm bảo ấm đông, mát hè. Nguyên vật liệu có thể sử dụng các loại tranh, tre, nứa, lá, gỗ hoặc xây bằng gạch... Diện tích chuồng trâu trưởng thành từ 7 - 8 m2/con; trâu nghé từ 3 - 6 m2/con.

Nền chuồng cao hơn mặt đất khoảng 20 - 30cm, mặt nền chuồng bằng xi măng, lát gạch hoặc nền đất nén chặt. Nền chuồng tạo độ nhám để tránh trơn trượt, nhưng phẳng, không đọng nước, độ dốc 2-3%. Mái chuồng, bà con nên làm mái cao, dốc để hạn chế ảnh hưởng của mưa, bão. Máng ăn, máng uống đặt cố định ở phía trước, dọc theo chuồng nuôi, lòng máng nhẵn, trong lòng máng có lỗ thoát nước khi rửa máng. Hố chứa phân và nước thải đặt ở phía sau hoặc cạnh chuồng, ở cuối hướng gió, có nắp đậy.

Thức ăn của trâu là các loại cây cỏ xanh [thức ăn thô xanh], cây cỏ rơm khô [thức ăn thô khô]; các loại phụ phẩm nông nghiệp [cám gạo, cám bắp, rỉ mật và bột cá]. Việc nuôi trâu, bà con luân phiên thả trâu trên đồng cỏ. Đối với trâu có chửa và đẻ, bà con không nên chăn xa, cần được bồi dưỡng thêm bằng các loại cỏ trồng. Hiện nay, có các giống cỏ trồng làm thức ăn tốt cho trâu nuôi như cỏ voi, cỏ sả. Bên cạnh đó, hàng năm khi đến mùa thu hoạch lúa, bà con nên lấy thân lúa phơi khô để dành cho trâu ăn.

Trâu cũng như bò là loại gia súc đơn thai. Tuổi động dục lần đầu khoảng 2 - 2,5 năm. Ở trâu việc động dục có chu kỳ không ổn định, có chu kỳ 5 - 7 ngày, có chu kỳ 31- 60 ngày và cũng có chu kỳ 60 - 90 ngày... Biểu hiện động dục ở trâu là thường bỏ ăn, kêu la, hay đái vặt, nhảy lên lưng con khác, nhưng con khác nhảy lên thì không chịu, âm hộ sưng, có dịch trong suốt chảy ra [giai đoạn này kéo dài 24 giờ]. Tiếp đến là giai đoạn dịch từ âm hộ chảy ra có màu trắng đục và độ kết dính cao, chịu cho con khác nhảy lên [thời gian này kéo dài 12 - 45 giờ]  đây là thời điểm phối giống thích hợp nhất. Thời gian mang thai của trâu 315 – 335 ngày, trung bình 330 ngày [11 tháng]  và động dục trở lại sau đẻ khoảng 2 - 3 tháng.

Trong việc nuôi trâu, bà con phải thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống, phân, nước tiểu. Khi dọn phân rác trong chuồng nên gom vào hố ủ và ủ với vôi bột để dùng làm phân bón cho cây trồng. Để đề phòng chướng hơi dạ cỏ do ăn thức ăn non, nhiều nước, vào những ngày mưa phùn, bà con nên cho trâu ăn rơm rạ trước khi chăn thả. Trâu cũng hay bị bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Để phòng bệnh, bà con nên cho trâu tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng theo hướng dẫn của thú y cơ sở.

                                                                             Văn  Nhiên

Video liên quan

Chủ Đề