Con tàu đầu tiên bay vào vũ trụ

Ngày 12/4/1961, nhà du hành vũ trụ người Nga Yuri Alekseyevich Gagarin bay vào vũ trụ trên con tàu Vostok I (Phương Đông I), đánh dấu sự mở đầu của kỉ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người. Đây là lần đầu tiên giấc mơ chinh phục không gian của loài người trở thành hiện thực.

Con tàu đầu tiên bay vào vũ trụ

Yuri Gagarin trên đường tới bệ phóng trong chuyến bay ngày 12/4/1961.

Năm 1959, Yuri Gararin chính thức được chấp nhận tham gia khóa đào tạo để trở thành nhà du hành vũ trụ. Sau nhiều tháng tập luyện tại trung tâm huấn luyện Zvezdny Gorodok, Gagarin tuyên bố đã sẵn sàng cho chuyến bay lịch sử.

Sáng 12/4/1961, Thiếu tá Yuri Alekseyevich Gagarin kiểm tra kỹ lại bộ đồ du hành, gồm hai mảnh áo phao, các dây chằng... và mũ bảo hiểm. Gagarin lên khoang tên lửa Vostok I, xem xét lại toàn bộ các nút điều khiển. Sau đó, anh ngồi vào khoang lái và thư giãn chờ lệnh.

Con tàu đầu tiên bay vào vũ trụ

Báo Mỹ viết về chuyến bay lịch sử của Yuri Gagarin.


Con tàu vũ trụ Vostok I có trọng lượng 4,73 tấn trong tổng trọng lượng với tên lửa đẩy là 6,17 tấn; bay với vận tốc 28.000 km/h, trên một quỹ đạo hình bầu dục với điểm gần nhất Trái đất là 181 km và điểm xa nhất là 327 km.

Đúng 9 giờ 07 (giờ Mátxcơva), một tiếng nổ kinh khủng, năm tên lửa đồng thời phát hỏa, “Vostok I” lao vút lên khoảng không, mang theo Yuri Gagarin. Lần đầu tiên một con người được thử sức với với một gia tốc lớn khủng khiếp: Tên lửa tăng tốc đều đặn tới 8 km/s, khi tới độ cao trên 300 km. Sau 108 phút bay (trong đó có 90 phút bay trên quỹ đạo Trái đất), đúng 10 giờ 55, tàu vũ trụ Vostok I đã hạ cánh an toàn xuống một cánh đồng bên bờ sông Volga ở vùng Xaratốp, cách Mátxcơva gần 600 km về phía đông nam.

Sau này, Gagarin đã kể lại về chuyến bay lịch sử trong cuốn hồi kí “Đường vào vũ trụ” như sau:

“Đồng chí chỉ huy chuyến bay ra lệnh khởi hành. Tôi nhìn đồng hồ: 9 giờ 07, giờ Mátxcơva. Tên lửa rú ầm vang, mang theo tầu vũ trụ, rung lên, rồi từ từ rời bệ phóng. Sự mất trọng lượng tăng nhanh. Một sức mạnh vô hình ngày càng tàn nhẫn ép chặt tôi xuống ghế tựa. Tay chân nặng như chì, không thể nào cử động được. Nhưng tôi đã biết tình trạng này không kéo dài, chỉ 10 phút, khi con tàu đi vào quỹ đạo là hết.

“Mặt đất” thông báo: “Đã xuất phát được 70 giây”. Tôi trả lời: “Rõ, cảm giác tốt. Tiếp tục bay. Sự mất trọng lượng tăng nhanh. Mọi việc đều tốt”. Trả lời vậy nhưng tôi nghĩ: “Chẳng lẽ mới có 70 giây ư? Giây có cảm tưởng như phút!”. “Mặt đất” lại hỏi: “Cảm giác thế nào?”. Tôi trả lời: “Tốt”.

Con tàu đầu tiên bay vào vũ trụ

Tượng đài Yuri Gagarin ở Mátxcơva.

Lúc này tàu đã bay qua con sông Siberia rộng lớn. “Ôi, đẹp làm sao!” Tôi thốt lên. Nhưng tôi lại nghĩ ngay tới nhiệm vụ phải thông báo mọi diễn biến của cuộc hành trình về Trái đất. Sự mất trọng lượng ngày một tăng. Tôi không còn ngồi trên ghế được nữa mà treo lơ lửng giữa trần và nền của cabin. Tất cả bỗng nhiên nhẹ hẳn lên. Tay, chân và mọi bộ phận cơ thể không còn của tôi nữa. Tất cả đồ đạc cũng bay, cả bút chì, tạp chí… Suốt thời gian đó, tôi vẫn làm việc, theo dõi các trang thiết bị của con tàu, ghi chép mọi nhận xét vào cuốn sổ. Có lúc tôi quên mình đang ở đâu, đặt bút chì xuống cạnh người và lập tức nó bay khỏi tôi.

“Mặt đất” muốn biết tôi nhìn thấy gì phía dưới. Tôi nói là tôi nhìn thấy núi, các sông lớn, rừng, bờ biển. “Vostok I” đang bay trên lãnh thổ tổ quốc và tôi cảm thấy một tình yêu cháy bỏng với đất nước. Tôi nhìn thấy những đám mây và những dải mây nhẹ nhàng trôi trên Trái đất thân yêu xa xôi. Trên bầu trời đen có những ngôi sao sáng rực. Mặt trời cũng đỏ rực khác thường, so với nhìn từ Trái đất thì rực rỡ hơn nhiều lần. Khi tôi nhìn xuống chân trời, tôi thấy sự chuyển tiếp từ bề mặt Trái đất đang sáng chuyển sang hoàn toàn tối đen. Bước chuyển giao thật đẹp.

Con tàu đầu tiên bay vào vũ trụ
Yuri Gagarin sinh ngày 9/3/1934, tại một ngôi làng nhỏ ở ngoại ô thành phố Gzhatsk (nay được đổi thành Gagarin), cách Mátxcơva khoảng 180 km, trong một gia đình có bố là thợ mộc. Yuri Gagarin có những đức tính khiến người ta phải kinh ngạc, đó là sự cao thượng, lòng say mê, nhiệt huyết, sự can đảm, tính tự chủ, sự giản dị, thường xuyên tự tu dưỡng bản thân, đặc biệt là rèn luyện thể lực. Yuri Gagarin được phong Anh hùng Liên Xô năm 1961 và cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam, Tiệp Khắc, Bungari. Ông là đại biểu Xô viết tối cao Liên Xô khóa VI, VII; Viện sĩ Viện hàn lâm quốc tế về bay trong vũ trụ và nghiên cứu khoảng không vũ trụ. Yuri Gagarin hy sinh ngày 27/3/1968 trong một chuyến bay thử nghiệm. Nhưng trong trái tim của hàng triệu người dân Nga, Gagarin mãi mãi là người thanh niên trẻ trung, đầy sức sống, đã mang lại niềm tự hào cho đất nước.

Trong cabin đang vang lên bản nhạc thân yêu. Ở trên vũ trụ, tôi không đơn độc. Đài phát thanh đã nối liền Mặt đất với tôi. Suốt thời gian theo dõi sự vận hành của máy móc, tôi thấy “Vostok I” đi theo một quỹ đạo đã xác định, sắp bay qua phần mặt đất chưa được mặt trời chiếu sáng. Bóng tối đến rất nhanh. Tất cả theo kế hoạch. “Vostok I” bay với vận tốc 28.000 km/h. Giai đoạn cuối của chuyến bay trở về Trái đất sắp bắt đầu, có thể sẽ là giai đoạn khó khăn hơn so với khi bay lên và vòng quanh quỹ đạo. Tôi đã sẵn sàng. Sự mất trọng lượng mới có thể còn vất vả hơn và có sự đốt cháy bề mặt con tàu khi đi vào tầng lớp khí quyển.

10 giờ 25, hệ thống giảm tốc tự động bắt đầu làm việc. Tất cả máy móc làm việc bình thường. “Vostok I” giảm tốc độ. Bắt đầu giai đoạn cuối của chuyến bay. Con tàu đi vào tầng khí quyển. Bề mặt con tàu bị đốt cháy, tôi nhìn thấy những đám lửa đỏ rực xung quanh con tàu. Nhưng trong cabin vẫn là 20 độ dương. Sự không trọng lượng biến mất, tình trạng quá tải tăng nhanh. Sau đó mọi việc trở lại bình thường. Độ cao giảm dần: Tôi chuẩn bị hạ cánh. 10.000 mét, 9.000 mét… Tôi đã nhìn thấy sông Volga và đôi bờ của nó. Tất cả đã trở nên quen thuộc

10 giờ 55, “Vostok I” đã hạ cánh an toàn”.

TTTL

Chia sẻ:

Cách đây 60 năm, phi hành gia Liên Xô Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên hoàn thành chuyến bay một vòng quanh quỹ đạo Trái đất và tận mắt nhìn thấy toàn bộ "Ngôi nhà Xanh" của loài người từ vũ trụ.

Đức là nước đầu tiên nghĩ về tên lửa đẩy vũ trụ trong thập niên 1940, song Mỹ và Liên Xô lại là những nước hiện thực hoá ý tưởng đó để thay đổi lịch sử. Năm 1957, Liên Xô khiến cả thế giới "choáng váng" khi phóng thành công một vệ tinh nhân tạo vào không gian trên tên lửa đẩy R7.

Con tàu đầu tiên bay vào vũ trụ
Khoảnh khắc tàu Vostok 1 cùng Gagarin rời bệ phóng. Ảnh: AP

Không chịu thua kém, năm 1958, Mỹ cũng đưa thành công vệ tinh Explorer 1 lên quỹ đạo. Sau giai đoạn này, hai bên bước vào cuộc đua chinh phục không gian quyết liệt, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên có thể đưa con người lên không gian.

Cuối cùng, Liên Xô là nước về đích sớm hơn, với chuyến bay của phi hành gia Yuri Gagarin lên quỹ đạo cách đây đúng 60 năm, ngày 12/4/1961 – chuyến bay đi vào lịch sử và được đánh giá là đã thay đổi thế giới.

Theo RBTH, Yuri Gagarin sinh ngày 9/3/1934 trong một gia đình thợ mộc bình dị ở Smolensk. Năm 16 tuổi, ông chuyển tới thủ đô Moscow và sau đó nhập học một trường kĩ thuật ở Saratov. Gagarin đã mơ ước về bầu trời từ thời niên thiếu. Một trong những bức ảnh đầu tiên của Gagarin mà gia đình ông còn giữ được là hình ảnh chàng thanh niên đứng bên cánh máy bay, giơ tay tỏ vẻ phấn khích.

Con tàu đầu tiên bay vào vũ trụ
Hình ảnh Gagarin ngồi trên tàu vũ trụ Vostok 1. Ảnh: ITN

Khi còn là sinh viên ở Saratov, Gagarin đã tình nguyện xin tham gia một câu lạc bộ hàng không. Nhờ tài năng và nỗ lực không ngừng, đến năm 1955, ở tuổi 21, Gagarin được cử tới trường đào tạo Phi công Không quân Thứ nhất Chkalov ở Orenburg và tốt nghiệp với thành tích xuất sắc sau 2 năm.

Tháng 11/1957, ông chính thức trở thành phi công quân sự với hàm Trung úy Không quân Liên Xô. Cùng thời điểm đó, Liên Xô đã phóng vệ tinh nhân tạo đưa chú chó Laica lên không gian. Đến đầu những năm 1960, ông đăng kí tham gia chương trình bí mật lựa chọn phi hành gia cho chuyến bay lên vũ trụ và trở thành một trong nhóm 20 ứng cử viên sáng giá nhất.

Con tàu đầu tiên bay vào vũ trụ
Yuri Gagarin. Ảnh: ITN

Sau gần một năm khổ luyện, Gagarin đã chứng minh những tố chất cho thấy ông chính là người phù hợp nhất, vượt qua mọi bài kiểm tra khắt khe về thể chất và tinh thần – yếu tố quan trọng hàng đầu với một phi hành gia vũ trụ.

Ngày 8/4/1961, thiếu tá phi công Gagarin chính thức được lựa chọn trở thành người đầu tiên bay vào không gian. Người dự bị ông không ai khác chính là phi hành gia Gherman Titov, người sau này bay lên không gian trên tàu vũ trụ Vostok 2 vào ngày 6/8/1961.

Đêm trước chuyến bay, ngày 11/4/1961, Gagarin và Titov qua đêm tại một căn nhà gỗ nhỏ ở Baikonur. "Tôi sẽ ra đi vào ngày mai và tôi thậm chí không thể tin được đó sẽ là mình", Gagarin nói với đồng nghiệp. 5h sáng 12/4/1961, hai phi hành gia được đánh thức và đưa đến sân bay Baikonur.

Con tàu đầu tiên bay vào vũ trụ
Đoàn xe chở Gagarin khi ông trở về Moscow ngày 14/4/1961. Ảnh: TASS

Sau khi hoàn tất những thủ tục cuối cùng, Gagarin bước lên tàu Vostok 1, Titov ở lại cho nhiệm vụ tiếp theo. Lúc 9h07, con tàu cùng Gagarin rời bệ phóng. Sau 10 phút, tàu đi vào quỹ đạo với tốc độ 29.000 km/giờ, đạt độ cao tối đa 327 km. Gagarin trở thành người đầu tiên thấy ngôi nhà chung của loài từ ngoài vũ trụ. 

"Tôi thấy Trái đất, nó đẹp tuyệt", ông nói từ không gian trong sự vỡ òa của đồng nghiệp dưới mặt đất.

Sau khi kết thúc hành trình bay vòng quanh Trái đất trong 108 phút, Gagarin cùng thiết bị hạ cánh của mình đã tiếp đất an toàn bằng dù xuống một cánh đồng tại bang Saratov. Do hạ cánh cách khu vực dự kiến vài cây số, hai người đầu tiên thấy ông là một bà lão nông dân và một em bé gái. Gagarin từng dành nhiều phút để giải thích với họ ông … không phải một gián điệp phương Tây, theo WION.

Con tàu đầu tiên bay vào vũ trụ
Thiết bị hạ cánh của Gagarin đáp xuống một cánh đồng ở Saratov. Ảnh: ITN

Đến khi đồng nghiệp xuất hiện, ông được chào đón trong sự hân hoan. Ông nghỉ ngơi vài ngày và được đưa về Moscow hôm 14/4/1961 trên chuyên cơ. Hàng trăm ngàn người dân Liên Xô đã đổ đầy đường phố Moscow khi đó để chào mừng người hùng của đất nước.

Theo truyền thông Nga, vì tính chất nguy hiểm và bí mật của nhiệm vụ bay lên không gian, sau khi được lựa chọn làm phi hành gia đầu tiên, Yuri Gagarin thậm chí đã viết sẵn một bức thư tuyệt mệnh. Nếu tình huống xấu nhất xảy ra, bức thư sẽ được chuyển đến gia đình ông.

Ngoài ra, do chưa từng có ai lên không gian trước Gagarin, các nhà khoa học Liên Xô không thể dự báo được mọi tình huống xảy ra với phi hành gia. Do đó, con tàu Vostok được điều khiển từ mặt đất và Yuri Gagarin chỉ có thể can thiệp trong trường hợp khẩn cấp.

Kể về khoảnh khắc ngoài không gian, Gagari nói thấy Trái đất màu xanh dịu, bên cạnh là bầu trời tối nhưng được điểm rất nhiều ngôi sao sáng. Gagarin không nhìn thấy Mặt trăng nhưng Mặt trời thì rất sáng, sáng gấp nhiều lần so với nhìn từ Trái đất.

Con tàu đầu tiên bay vào vũ trụ
Gagarin tới thăm London năm 1961. Ảnh: DSQ Nga tại London

Sau chuyến bay huyền thoại, Gagarin tham gia các hoạt động huấn luyện, nghiên cứu vũ trụ của Liên Xô. Ông cũng dành nhiều thời gian đi khắp nơi trên Thế giới để truyền cảm hứng về chuyến đi của mình và từng gặp nhiều người nổi tiếng. 

Năm 1967, sau khi chứng kiến người bạn thân, phi hành gia Vladimir Komarov thiệt mạng khi nhiệm vụ kết nối hai tàu vũ trụ trên quỹ đạo thất bại, ông đã suy sụp.

Ngày 27/3/1968, tức hơn một năm sau cái chết của người bạn thân, Yuri Gagarin trở lại đường bay với nhiệm vụ huấn luyện một phi công lái thử trên chiếc tiêm kích phản lực thế hệ thứ nhất MiG-15. Tuy nhiên, chiếc MiG-15 đã lao xuống đất không lâu sau khi cất cánh, khiến ông thiệt mạng.

Con tàu đầu tiên bay vào vũ trụ
Gagarin trước chuyến bay định mệnh năm 1968. Ảnh: ITN

Thời điểm đó, Liên Xô quyết định không công bố thông tin cụ thể về nguyên nhân cái chết của Gagarin, tạo ra nhiều lời đồn đoán. Năm 2011, 50 năm sau ngày Gagarin bay vào vũ trụ, Chính phủ Nga công bố hơn 700 trang tài liệu về Gagarin, trong đó tiết lộ rằng, thời tiết trong ngày 27/3/1968 rất phức tạp và động tác bổ nhào mà Gagarin hoặc phi công bay phụ thực hiện đã đưa phi cơ vào tình thế nguy hiểm.

Thiện Nhân