Con vật nào có trong bài lục súc tranh công

Truyện thơ Nôm ngụ ngôn khuyết danh, gồm 453 câu có vần điệu theo lối văn tuồng theo kiểu tuồng đổ, một thể loại văn học dân gian. ực sức có nghĩa là 6 loài gia súc, còn rơnh công ở đây có thể hiểu là kể công trạng của mình giúp chủ nhà như thế nào ? Truyện kể về cuộc cãi vã của 6 vật nuôi đã được thuần dưỡng trong nhà là trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn. Thoạt đầu, trâu kêu ca rằng mình phải kéo cày, kéo bừa, làm lụng cực nhọc quanh năm mà vẫn bị chủ đối xử tàn tệ. Nghe thấy thế, chó liền cãi lại : trời sinh ra loài vật, mỗi con có một phận riêng, trâu to khỏe thì lo cày bừa, còn chó nhỏ hơn nhưng tỉnh khôn thì lo giữ cửa nhà, của cải, công việc vì thế cũng chẳng kém phần cực nhọc. Chủ nhà thấy trâu, chó cãi nhau không phân phải trái, liền đứng ra khuyên nên hòa thuận với nhau, không nên tranh hơn thiệt. Trâu và chó không cãi nhau nhưng lại quay ra kiện chủ về việc ngựa chỉ ăn báo hại. Nghe có kẻ nói xấu mình, ngựa chạy đến liền kể công lao của mình đã giúp chủ như thế nào ? Được chủ vỗ về, ngựa lại kiện dê. Và cứ thế, hết dê lại đến gà, lợn. Chúng đều cãi nhau, kể lể công lao của mình và cuối cùng nghe chủ khuyên bảo chúng đều bằng lòng với chức phận riêng của chúng. Còn người chủ, trước sau chỉ khuyên nhủ các con vật đừng cãi nhau, sống với nhau hòa thuận, mỗi con mỗi việc thì mới giúp cho chủ mình ăn nên làm ra, phát triển sản nghiệp. Có người cho rằng : truyện phản ánh những bất công xã hội dưới thời phong kiến. Hình ảnh con trâu ám chỉ người nông dân phải làm việc vất vả, nhọc nhằn mà vẫn bị khinh rẻ, chưa được hưởng những đãi ngộ tương ứng. Còn những con vật như chó, ngựa, dê, gà, lợn ám chỉ lũ người đầy tớ tay sai cúc cung tận tụy đối với giai cấp địa chủ phong kiến bóc lột. Những con vật đó nịnh bợ chủ, đồng thời lại cắn xé lẫn nhau, tranh công, đổ lỗi cho kẻ khác. Trong số lục súc, chỉ có trâu là dám tố cáo những bất công ngang trái, nhưng rốt cuộc cũng lại ngoan ngoãn vâng theo lời chủ. Truyện thể hiện rõ khuynh hướng điều hòa mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ nhằm bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị. Tuy vậy, về mặt khách quan, ở chừng mực nào đó, truyện vẫn là một tiếng nói bênh vực những người lao động làm ra của cải vật chất nuôi sống xã hội, đồng thời tỏ thái độ khinh bỉ những kẻ hèn hạ, đầy tớ tay sai chỉ biết cúi đầu vâng lời chủ.

Sự giải nghĩa như trên dù sao cũng chỉ là một trong những cách hiểu về thiên ngụ ngôn này. Ngoài ra truyện cũng là dịp trình làng, trình nghề của 6 loài vật nuôi rất quen thuộc của nhân dân ta. Xét về khía cạnh sân khấu tuồng đồ, truyện có tính chất như một màn diễn xuất hài hước rất thường gặp trong các lễ hội dân gian truyền thống.

Câu văn vần, văn xuôi trong Lục súc tranh công khá trau chuốt, chứng tỏ tác giả khuyết danh của truyện là một người thuộc tầng lớp nho sĩ có học hành, thi cử. Đáng lưu ý là kể từ thời Tự Đức, văn bản tuồng thường dùng nhiều từ Hán, còn tác phẩm Lục súc tranh công lại dùng toàn thơ văn Nôm.

Truyện có thể ra đời vào khoảng nửa đầu TK XIX khi mà chế độ phong kiến triều Nguyễn mới thiết lập, xu thế điều hòa mâu thuẫn tạm hòa hoãn giai cấp ở trong cả nước là một xu thế đang nổi trội. Truyện còn được xem như một truyện ngụ ngôn dân gian rất gần gũi với tâm thức của người bình dân.

Lục Súc Tranh Công là truyện Nôm khuyết danh của Việt Nam. Sáu con vật nuôi trong nhà: trâu, chó, ngựa, dê, gà và heo tranh nhau công trạng của mình, người chủ phải can thiệp vào, dàn hòa mới yên… Tác phẩm này được lưu hành từ rất lâu (trước năm 1923), đã trở thành truyện ngụ ngôn Việt Nam; đã từng là một trong những đề tài giáo khoa môn Văn trong các trường Trung Học Đệ II cấp trước năm 1975. Hiện nay không bị khống chế bởi luật bản quyền (theo thông lệ thế giới) vì tác giả đã qua đời hơn 100 năm. BBT.TV/GĐPT.

Trời hóa sinh muôn vật Đất dung dưỡng mọi loài, Giống nào là giống chẳng có tài; Người đâu dễ không nhờ vật. Long chức quản bổ thiên, dục nhật. Lân quyền tư giúp thánh, phò thần. Quy thông hay thành bại, kiết hung. Phụng lảu biết thạnh suy, bĩ thái. Trong trời đất ba ngàn thế giái Đều xưng rằng tứ vật chí linh. Nhẫn đến loài lục súc hi sinh, Trời cho xuống hộ người dương thế.

Trâu mỏi nhọc, trâu liền năn nỉ: “Một mình trâu ghe nỗi gian nan, Lóng canh gà vừa mới gáy tan, Chủ đã gọi thằng chăn vội vã. Dạy rằng: đuổi trâu ra thảo dã, Cho nó ăn ba miếng đỡ lòng. Chưa bao lâu thoắt đã rạng đông; Vừa đến buổi cày bừa bua việc. Trước cổ đã mang hai cái niệt Sau đuôi thêm kéo một cái cày; Miệng đã dàm, mũi lại dòng dây, Trên lưng ruồi bâu, dưới chân đỉa cắn. Trâu mệt đà thở dài, thở vắn, Người còn hầm hét, mắng ngược mắng xuôi. Liệu vừa đứng bóng mới thôi, Đói hòa mệt, bước khôn dời bước. Ai thong thả, trâu nào ben đặng ? Trâu nhọc nhằn, ai dễ thế cho? Cày ruộng sâu, ruộng cạn cho no, Lại vườn đậu, vườn mè khiến chở

Làm không kịp thở, Ăn không kịp nhai. Tắm mưa, trải gió chi nài ! Đạp tuyết, giày sương bao sá !

Có trâu, sẵn tằm tơ, lúa má, Không trâu, không hoa quả, đậu mè, Lúa gặt cất lên đà có trâu xe, Lúa chất trữ, lại để dành trâu đạp. Từ tháng giêng cho đến tháng chạp, Kể xuân, hè, nhẫn đến thu, đông, Việc cày bừa, nông vụ vừa xong, Lại xe gỗ, dầm công liên khói , Bất luận xe rào, xe củi. Nhẫn đến loài phân bổi , tranh che Hễ bao nhiêu nhất thiết của chi, Thì đã phú mặc trâu chuyên chở.

Bao quản núi non hiểm trở ? Chi nài khe suối dầm dề ? Cong lưng chịu việc nặng nề, Cay đắng những lời dức lác!

Ăn thì những rơm khô, cỏ rác, Ở quản chi ràn lấm, tráp nè. Trâu dựng nên nông nọ, nỗi kia; Trâu làm đặng căn trên, bồ dưới. Nghĩ suy lại công trâu cho phải, Lẽ cho trâu thao lụa mặc dày. Không chi thì quần vải, dải gai, Không chi thì khố lưỡi cày cũng khá> Ăn cho phải những cơm với cá, Không nữa thì rau cháo cũng nên Đến mai sau già cả sức hèn, Cũng bảo dưỡng bổ công lao lý. Khi mạng một chẳng đơm, chẳng tế; Lẽ “sinh cử, tử táng”, mới ưng. Thủa sống đà không dạ yêu đương, Khi thác lại đoạn tình siêu độ. Bảo nhau sắm con dao, cái rổ, Khiến nhau vơ mớ củi, nắm nè. Rằng: Trâu này cốt Phật xưa kia, Phát đình liệu cho hồn thăng thiên giái. Còn hình tích giống chi để lại, Người người đều bàn bạc với nhau: Kẻ thì rằng: Tôi lãnh cái đầu, Người lại nói: Phần tôi cái nọng. Kẻ giành lòng bóng ép gối mà kê, Còn sừng đem về ép thoi làm lược. Kẻ thì chuốc hoa tai, làm bầu liều. Làm tù và mà thổi cũng kêu, Tiện con cờ mà đánh cũng tốt. Kẻ thì làm cái mõ, cáo hộp, Người lại tỉa cán quạt, cán dao.

Còn giò chia nhau, Làm nham, làm thấu.

Trâu gẫm lại là loài cầm thú, Phận sau chịu vậy, dám nài ! Trâu thác đã công nghiệp phủi rồi, Trâu sống lại kiện nài với chủ: Không nhớ thủa bôi chuông đường hạ Ơn Tề vương vô tội kiến tha Tưởng chưng khi sức mọn tuổi già, Cám Điền tử dạy con chớ bán.

Lời cổ nhân còn dặn, Sao ông chủ vội quên ?

Chẳng nhớ câu “Dĩ đức hành nhân”. Lại lấy chữ “Báo ân dĩ oán !” Nói chi nữa cho dài chuyện vãn ? Thưa chủ xin nói thép một lời: Nhưng loài muông, vô tướng, vô tài, Nuôi giống ấy làm chi cho nhọc ? Ăn cho lớn, dưỡng vai, dưỡng vóc, Giỡn với nhau vạch cửa, vạch sân, Một ngày ba bữa chực ăn, Thấy đến việc lén mình lét lét. Chưa rét đã phô rằng rét, Xo ro đuôi quít vào trôn, Vấy bếp người, tro trấu chẳng còn, Ba ông táo lộn đầu, lộn óc, Chưa sốt đà nằm dài thở dốc. Le lưỡi ra phỏng ước dư gang. Lại thấy người lơ đĩnh lơ hoang Tài ăn vụng thôi thì hơn chúng. Nhưng muông biết cày nương, bừa ruộng, Thì muông kể biết mấy công ơn ? Muông, người cho ăn cháo, ăn cơm, Trâu, người bắt nhai rơm, nhai cỏ. Khi muông thác tống chung, an thổ, Có gạo tiền cấp táng toàn thân, Trách một lòng chủ ở bất công, Hậu ư bạc, bạc đem làm hậu”.

Muông nghe nói, giận đau phế phổ, Liền chạy ra sủa mắng vang tai: “Trời đã sinh các hữu kỳ tài, Lớn việc nặng, bé thì việc nhẹ. Bởi vì đó lớn vai, lớn vế, Thì chuyên lo nông bổn cày bừa, Vốn như đây ốm yếu chân tay, Cũng hết sức gia trung xem xét. Trách sao khéo thổi lông tìm vết ? Giận thày lay vạch lá tìm sâu. Ai ai đều phận thủ như nhau; Khắn khắn cũng một lòng phò chủ. Kẻ đầu kia, người việc nọ, Đứa coi ngoài có đứa giữ trong. Đêm năm canh con mắt như chong: Đứa đạo tặc nép oai khủng động. Ngày sáu khắc, lỗ tai bằng trống, Đứa gian tham thấy bóng cũng kinh. Lại đến ngày kỵ lạp tiên sinh, Cũng ra sức săn chồn, đuổi sóc. Bao quản chui gai, lước góc, Chi này múa mỏ, lòn hang. Anh trâu sao chẳng biết thương, Nỡ lại tra lời sanh nạnh. Ăn thì cơm thừa, canh cặn, Ăn thì môn sượng, khoai sùng Tới bữa ăn chẳng luận ít nhiều, Có cũng rằng, không cũng chớ. Trâu rằng: trâu ăn rơm với cỏ Mà còn có một thằng chăn, Tốn áo quần cùng tốn cơm ăn, Nỗi lại tới gạo tiền đằng khác; Tính chắt lót một năm hai đạc, Về thằng chăn đã hết một trâu. Cũng mạnh cày, mạnh kéo nên giàu, Hãy cho nhẹm mình trâu là quí. Vốn như đây gia tài ủy ký, Mà chủ không tốn kém đồng nào. Nếu không muông coi trước giữ sau, Thì của ấy về tay kẻ trộm. Trâu biết nói, trâu không biết xét, Suy mình muông công nghiệp đã dày, Khi sống thì giữ gìn của đời, Khi thác xuống giữ cầu âm giái, Người có phước, muông đưa ra khỏi, Ai vô nhân, qua chẳng đặng đâu ! Chủ có lòng suy trước,xét sau, Khi lâm tử gạo tiền tống táng. Chủ đã có công dày ngãi rộng, Muông dễ không tiếp rước đãi đưa, Thấy anh trâu chưa biết căn do, Nó (Nói ?) vài chuyện, kẻo chê muông dại”.

..............