Review Tôi la một con lừa

Review Tôi la một con lừa

Với chủ nghĩa xê dịch đang lan rộng trong giới trẻ, “Tôi là một con lừa” của Nguyễn Phương Mai xứng đáng là một trong những cuốn sách gối đầu giường. Mặc dù có rất nhiều ý kiến trái chiều về cuốn sách, nhưng đối với số ít những cuốn sách có thể truyền cảm hứng đến người đọc, tôi nghĩ cuốn sách này nên được dành riêng một sự quan tâm đặc biệt. Thường thì người ta sẽ nói, một cô gái chỉ có thể trở nên phi thường khi dám làm điều gì đó khác bình thường.

Danh mục: All

Không thể tin được…

Một cô gái trẻ có sự nghiệp ổn định là giảng viên tại khoa kinh tế, Đại học Amsterdam, Hà Lan, công việc mà nhiều người hằng mơ ước lại đột ngột từ bỏ tất cả chỉ để thỏa cái sự đi đây đi đó, khám phá thế giới của bản thân.

Hơn thế nữa, cô gái này thật sự khiến tôi nghẹt thở, đi hết bất ngờ này đến ngạc nhiên khác với chính những trải nghiệm của cô. Bạn thử tưởng tượng mà xem, chỉ để được ngắm nhìn cá mập trắng – hung thần của biển xanh mà cô gái này sẵn sàng cho mình vào chiếc lồng sắt rồi thả mình xuống Hẻm Cá Mập để làm mồi. Chuyện đấy vẫn chưa thấm tháp gì so với cuộc săn lùng các nghĩa địa tại thành thố Cristobal Colon. Nhưng với tôi, đáng sợ nhất vẫn là cái lần cô thả mình rơi tự do từ độ cao 160 mét xuống thác Maletsunyane tại Queenstown nơi được mệnh danh là xích đu cao nhất thế giới.

“CÁ TÍNH”. Tôi thốt lên như một phản xạ tự nhiên khi nghĩ về cô gái này. Rất chuẩn xác khi dùng 2 từ này để nói về Phương Mai– chính là cô gái mà tôi đang nhắc tới và cô cũng chính là tác giả của cuốn sách “Tôi là một con lừa”.

Cá tính của Phương Mai không thể nhầm lẫn với bất kỳ ai. Vì đấy là cá tính của một con lừa. Ông bà ta hay có câu “Thân lừa ưa nặng”. Quả thật vậy, ở tuổi cô, bình thường các chị em đang ở bên chồng con, cuốn mình vào chăn ấm nệm êm, ngồi thư giãn trên ghế sofa xem tivi hoặc mơ mộng về một kì nghỉ cùng gia đình. Cái phiên bản mang tên Phương Mai thì khác hẳn: Cô lại đâm đầu vào những hành trình kỳ lạ nhất quả đất mà tôi từng biết. Điểm đến đầu tiên của Phương Mai không phải là thành phố xinh đẹp với những món ăn ngon mà là tại thủ đô Johannesburg, Phi Châu được mênh danh “Thủ đô cướp giết hiếp”.

Có thể nhiều người nghĩ rằng cô gái này không bình thường, nặng thì tất nhiên là “ngu như lừa”, nhẹ thì bị cho là “nổi loạn” và “cực đoan”. Riêng tôi, đây mới thật sự là “Cá tính”. Đã không ít lần tôi thèm khát được vượt ra khỏi vòng an toàn của bản thân, bức phá làm những điều mình muốn, tự do thể hiện cá tính. Nhưng mấy ai dũng cảm được như Phương Mai, bỏ lại sau lưng tất cả và “tự do rong chơi”. Trong vòng 1 năm, Phương Mai đã du hí tới 23 đất nước khác nhau trên hành trình khám phá thế giới của mình. Không dừng lại ở đấy, cô lại tiếp tục kéo chiếc balo mười một cân đi tiếp cuộc hành trình khám phá Trung Đông.

Như một hòn đá lăn, cô lừa Phương Mai đầy cá tính tiếp tục tự do di chuyển để phát hiện ra sự nhỏ bé ngu ngốc của con người trước tự nhiên. Để phá tan những ngộ nhận và định kiến. Và để bản thân luôn tươi mới mỗi ngày.

Đường đời là chiếc thang không hết nấc"(Kalinin). Dù biết bản thân là hữu hạn, chúng ta vẫn dũng cảm dấn bước trên những nấc thang vô hạn ấy, vì loài người chỉ thực sự tồn tại khi khỉ biết đi bằng hai chân - theo như cách nói của đạo diễn Lê Hoàng. Mỗi người có thể chọn cách di chuyển cho riêng mình, và Phương Mai đã chọn trở thành một con lừa - một con lừa cá tính trên hành trình "lên đường với trái tim trần trụi.

Theo như T.S Trần Quang Huy Khanh, hình ảnh con lừa xem như được dùng nhiều trong Thánh Kinh. Nó được nhắc tới trong cuộc hành trình về Belem của Thánh Giuse và Đức Mẹ. Nó được nằm kề bên máng cỏ trong đêm Chúa Giáng Trần, và nó lại được Chúa dùng để vào Thành Thánh Jesus. Khác với sự oai phong của loài hổ chúa tể rừng xanh, hay để phân biệt với tầm vóc lớn lao của những con linh vật như long li quy phượng, con lừa, đặc biệt trong văn hóa phương Tây, được biết đến là sự biểu hiện của sự kiên trì, cam chịu, nhẫn nại, thậm chí lì lợm. Không ồn ào, hào nhoáng, nó tỏa ra vẻ đẹp từ sự kiên tâm và chăm chỉ - không ngừng chăm chỉ.

“Tôi là một con lừa!” – tựa sách cất lên như một lời khẳng định bản ngã cá nhân, là lời quả quyết chắc chắn cho sự thành công của hành trình đi tìm mình. Nó vừa trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai” của chính tác giả, vừa giải đáp thắc mắc “Cô ấy là ai” của bạn đọc. Không phải một Nguyễn Phương Mai – thành viên Hội bút Hương Đầu Mùa của Hoa Học Trò năm nào, càng không phải một giảng viên khoa Kinh tế, ĐH Amsterdam (Hà Lan), thạc sĩ khoa học ngành thiết kế giáo dục, tiến sĩ ngành giao tiếp đa văn hoá... mà là một con lừa – một con lừa đơn độc và xông xáo trên hành trình “lên đường như một tờ giấy trắng, với một niềm khát khao được phủ kín, được lấp đầy, được đổi thay”. Muốn đổi thay, trước hết ta phải là chính mình. Chỉ khi ta biết mình là ai thì mới có thể khiến người khác tin và khẳng định cái tôi cá nhân trước họ. Nguyễn Phương Mai biết được điều này. Chị tin vào mình, và từ những trải nghiệm cá nhân, từ những con chữ được viết ra từ trái tim nóng hổi với bốn phần rõ ràng: Tự bạch - Phiêu lưu - Suy ngẫm - Sẻ chia, chị khiến độc giả cũng làm điều tương tự.

Tôi là một con lừa và tôi chấp nhận thử thách.

Các cụ ta có câu, “thân lừa ưa nặng” - để ám chỉ sự ngu ngốc của ai đó. Nhưng đôi khi, “ngu ngốc” là một bước để trưởng thành. Thừa nhận ngu ngốc đồng nghĩa với mong muốn tiến bộ. Thừa nhận ngu ngốc đồng nghĩa với dũng cảm dấn thân. Như lời giới thiệu ở phần đầu tập du kí, chuyến đi bụi của Phương Mai bắt đầu từ điểm khởi thủy của loài người - vùng đất nhỏ gần thành phố Johannesburg, Nam Phi (nơi mà người bạn đường của chị cảnh báo là "thủ đô cướp - giết - hiếp), qua 23 quốc gia rải rác khắp các khu vực trong vòng hơn 8 tháng . Khởi sự từ cái nôi của nhân loại ở châu Phi, qua châu Úc, châu Á, rồi tới châu Mỹ, mỗi vùng đất chị đặt chân hiện ra qua trang sách với những góc nhìn, cảm nhận mới mẻ. Mở đầu chuyến đi với Nam Phi trong công việc tình nguyện tại một trại trẻ mồ côi, qua Namibia trong sự mê man vì vẻ đẹp lạ lung màu da đất sét của người Himba, tới Boswana đằm mình trong không gian rừng già bí hiểm, gặp thác nước lớn nhất thế giới Victoria ở Zambia, khám phá “hòn đảo bị lãng quên Mozambique…

Không chỉ là thiên nhiên kì vĩ, là những phong tục tập quán, nét văn hóa khác lạ, màu sắc dân tộc được Phương Mai trải nghiệm và thể hiện rõ nét qua từng trang viết. gần gũi hơn với những người lao động ở những miền đất nghèo khó này, chị thấu hiểu, cảm thông, vừa giúp mình, vừa giúp bạn đọc giải thích những câu hỏi không lời đáp – nếu chỉ ngồi nhà. Từ đây, trở về với những vấn đề mang tầm thế giới, như đói nghèo, bình đẳng, dân chủ,.., chị lí giải một cách tường tận, tỉ mỉ, dễ hiểu từ góc độ một người đi nhiều, được mắt thấy tai nghe, được chứng kiến những số phận chỉ mong một bát cơm no thay vì một nền dân chủ. Một chủ nghĩa hay lí tưởng trính trị cuất phá từ mong muốn cải tạo thế giới, nhưng có những người, họ sẽ chết đói ngay hôm nay thay vì đến khi được bàn tay chính trị cứu rỗi. Thâm nhập vào đời sống người dân ở từng vùng đất, gạt bỏ những định kiến, gạt bỏ cảm giác “man rợ” trước những hủ tục mà ở đất nước họ, vẫn đang đang núp dưới hình hài truyền thống văn hóa, chị khám phá và tìm ra vẻ đẹp nơi họ, bày tỏ tình yêu và mong muốn được giúp đỡ và kêu gọi mọi người giúp đỡ - bằng cách tưởng chừng đơn giản nhất mà lại khó khăn nhất: gỡ bỏ định kiến.

Định kiến là sự áp đặt. Nó bao gồm cả những hình dung tốt và xấu về môt nơi ta chưa từng đặt chân. Đặng Hoàng Giang từng phải đặt câu hỏi, từ bao giờ người Việt chỉ biết bức xúc, tự hạ thấp bản thân và không tự tin vào going nòi mình? Người ta tôn thờ các quốc gia phất triển khác như Mĩ mà không nhớ rằng bất cứ xã hội nào cũng có mặt trái. Nguyễn Phương Mai cũng chỉ ra điều này. Chúng ta có quyền bức xúc, lên án những ung nhọt của xã hội ta đang sống, nhưng bằng một thái đọ tích cực, xây dựng chứ không phải bằng sự chán chường cay nghiệt. Cuộc sôsng sẽ tốt đẹp hơn khi chúng ta tốt đẹp hơn và luôn mong muốn nó tốt đẹp hơn. Tôi là một con lừa là một bài học về cách nhìn, cách sống và cách để hạnh phúc. Trên suốt hành trình của mình, nữ tác giả của chúng ta luôn không ngừng quan sát, lắng nghe và "liều mạng" mở rộng trái tim, không định kiến, không phán đoán. Chị đi để trải nghiệm, để ngạc nhiên, hoảng loạn, hạnh phúc và làm đầy bản thân.

Bên cạnh đó, bước vào thế giới mang tên "Tôi là một con lừa", người đọc sẽ được đắm chìm trong những cảm xúc chân thực, sống động như chính tác giả. Đó là khi bạn vừa sợ hãi, vừa phấn khích khi rơi tự do từ độ cao 160m, là khoảnh khắc ngộp thở, bất lực và quy phục trước ánh nhìn trần trụi "đến tận nơi mơ hồ nhất của bản ngã loài người" của sinh vật chúa tể đại dương - cá mập, hay còn là cảm giác rùng rợn dựng tóc gáy trước hàng trăm linh hồn Do Thái trong nghĩa địa Beith Hajama (Cộng hòa Séc).

Mỗi cảm giác có thể chỉ diễn ra trong chớp nhoáng nhưng kí ức mà nó để lại không hề có hạn sử dụng. Không đơn thuần là những cái rùng mình sượt qua, vô thưởng vô phạt, mỗi phút giây ấy gợi về một lần dám liều lĩnh, một trải nghiệm khi cận kề cái chết, một nhận thức để thấy mình nhỏ bé, một cú đập để ta nhận ra giới hạn của bản thân hay của cả loài người.

Khi cụm từ “nhân tạo” xuất hiện có lẽ chính là lúc người ta bắt đầu vảo tưởng về vị trí của mình trong thiên nhiên, vũ trụ, xây dựng nên nhận thức chúng ta có thể thay thế bàn tay tạo hóa, thậm chí chống lại Mẹ thiên nhiên. Nhưng khi đứng trước cái chết, trước độ cao 160m hay một hàm răng cá mập không phân biệt bạn là tiến sĩ hay một tay nhà báo quèn, ta sẽ nhận ra con người cũng chỉ là một sinh vật hèn nhát và dễ tổn thương.

Sống hòa hợp với vũ trụ là điều ta nên làm và phải làm – nếu muốn tồn tại. Không chỉ là cảm giác, không chỉ là di chuyển đơn thuần, Phương Mai còn không ngừng suy ngẫm và tư duy. Hàng loạt những vấn đề nóng bỏng của xã hội nơi chị đi qua được gài gắm một cách khéo léo, khoa học mà không hề khô khan. Phương Mai lật lai lịch sử, lí giải và dự đoán lịch sử. Những con chữ của chị không còn nằm trơ trọi trên giấy, vô tri vô giác mà sống dậy, nhảy múa, mở ra những miền đất hứa và cả những miền đất còn đang oằn mình gánh trên lưng nó những vấn đề nan giải.

Vì sao hàng loạt sự viện trợ bằng cả tiền và người đổ vào Nam Phi không hề mang lại hiệu quả? Vì sao cuộc chiến ngầm dành ảnh hưởng xã hội giữa người da trắng và người bản địa ở Mexico chưa bao giờ kết thúc? Cái giá mà Cuba đang phải trả cho ước mơ “thiên đường chủ nghĩa “ là gì? Mỗi vấn đề đặt ra không hoàn toàn mới, nhưng nó được mổ xẻ, phân tích dưới nhiều góc độ, trong nhiều khía cạnh. Phương Mai trong vai một người khách du lịch bình thường, hoặc một nhà giáo dục, một nhà báo,… Ở mỗi vai trò xã hội độc lập, chị đưa ra những nhận định riêng, dù có thể chưa mang tính định hướng hay mang tính chất một phát kiến chính trị, nhưng nó thể hiện sự thay đổi và mong muốn thay đổi của chính người viết qua từng bước đi. Trong số đó, tôi thực sự hào hứng và cảm thấy mình như sáng lạng trước cái cách con lừa ấy đề cập đến định kiến văn minh.

"Văn minh và mông muội luôn tồn tại ngay sát sạt bên nhau, trong bất kì xã hội nào, bất kì đất nước nào."

Ngay tại một thành phố hoa lệ của Brazil, những tòa nhà sang trọng và khu ổ chuột chỉ cách nhau một rặng cây. Nằm trong lòng thủ đô Windhoek (Namibia) vẫn tồn tại hình ảnh những người phụ nữ bộ lạc Himba cởi trần với vẻ đẹp quyến rũ nhưng hoang dã. Đây là biểu hiện của truyền thống hay hủ tục tàn dư? Mỗi người sẽ có những lí luận riêng, nhưng điều đặc biệt, người viết, trong mọi tình huống tương tự, không hề dung danh tính cá nhân, ích kỉ cá nhân để đánh giá, phê phán mà luôn giữ được sự khách quan trong ngòi bút.

Chị nhận ra sự khác biệt trong văn hóa và chấp nhận khác biệt. Họ khác ta không có nghĩa là họ xấu. Họ khác ta không đồng nghĩa với việc họ lập dị, đáng bị cười cợt. Cái tôi quá lớn của một con người luôn ngăn cản ta nhìn nhận thế giới một cách khách quan. Ai cũng cho rằng vũ trụ xoay quanh mình và đặt ra mọi luôn luật, tiêu chuẩn, hệ quy chiếu cho người khác, thậm chí một dân tộc khác. Thực tế, chúng ta không có quyền đánh giá, chê trách mà chỉ nên so sánh, đối chiếu, bày tỏ suy nghĩ một cách thiện chí, tích cực.

Phương Mai suy ngẫm, Phương Mai gợi mở cho chúng ta suy ngẫm. Đó mới là một kẻ lữ hành văn minh. Bằng cách đi du lịch chứ không phải đi nghỉ mát, Phương Mai tái hiện, cung cấp, dãi bày, và quan trọng hơn, chị truyền cảm hứng, đốt lửa trong mỗi chúng ta. Mỗi mảnh đất chị đi qua không đơn thuần là một chuyến viếng thăm mà là một lần tìm về bản ngã dân tộc, một chuyến phiêu lưu để tìm thấy chính mình, làm đầy mình. Mỗi bức ảnh chị chụp không đơn thuần để đăng tải trên mạng xã hội mà nó mang theo cả một tàn dư lịch sử, một hiện tạisống động hay một tương lai có thể đoán trước.

Hành trình trong trang sách của chị là sự thể hiện rõ nét cuộc đời của một kẻ lữ hành: Tự bạch - khẳng định mình trước độc giả, trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai? Tôi đang làm gì?”. Phiêu lưu - viết về những trải nghiệm với sự hứng khởi và đầy hào hứng . Suy ngẫm - tư duy, nhận thức bằng cả trái tim và khối óc. Và Sẻ chia - đốt lên ngọn lửa khám phá cho cộng đồng.

Kết thúc "Tôi là một con lừa" là bài chia sẻ "Gửi những người bạn trẻ", những bạn đọc tuổi mười tám. Đó là những lời tâm sự từ trái tim đến trái tim, với hi vọng khơi dậy ở những người trẻ như mình sự tự tin, dũng cảm, dám sống, dám dấn thân, dám đốt cháy mình để tỏa sáng. Những kết quả mà ta đạt được, dù là trai đắng hay quả ngọt, cùng với sự tự nhận thức về bản thân sẽ là những bài học, trải nghiệm giúp ta nhận ra những thiếu sót cũng như tìm ra giải pháp cho tương lai. Chỉ những người thực sự bản lĩnh mới dám khẳng định midnh trước cộng đồng, xã hội. Sự mạnh mẽ, tự tin giúp ta dám dấn thân “đi một ngày đàng” để “học một sang khôn”, vươn khơi ra biển lớn. Bởi lẽ, “con thuyền đậu ở cảng thì an toàn nhưng người ta không đóng thuyền để chỉ làm việc đó”. Mùa xuân năm mười tám tuổi, bạn chọn cách nào để lên đường?

Tác giả: Đặng Ngọc Huyền - Bookademy

----------------------------------

Bài viết cộng tác cùng Bookademy xin gửi về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn