Cơ giới hóa khâu gieo trồng là gì năm 2024

Ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp đang là một trong những giải pháp quan trọng được các địa phương trong tỉnh và nông dân tích cực triển khai. Qua đó, không những góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất trên cùng một diện tích canh tác, mà còn từng bước hướng tới một nền nông nghiệp phát triển hiện đại, toàn diện và bền vững.

Cơ giới hóa khâu gieo trồng là gì năm 2024
Tham quan mô hình sản xuất lúa hữu cơ ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ tại xã Minh Tân (Vụ Bản).

Trong vụ xuân 2023, huyện Vụ Bản đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chương trình “Xây dựng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ” tại cánh đồng thôn Thượng, xã Minh Tân với quy mô diện tích 3ha, 16 hộ tham gia. Ngoài thực hiện kỹ thuật thâm canh hữu cơ, mô hình còn sử dụng máy trong các khâu làm đất, bón phân, gieo sạ, phun thuốc BVTV và thu hoạch lúa. Việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu đã giúp nông dân tiết kiệm chi phí vật tư như tiền mua lúa giống, thuốc BVTV; nhờ gieo mật độ hợp lý nên lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cứng cây; không phải phun thuốc trừ bệnh khô vằn đợt 1 kèm các đối tượng sâu bệnh khác như các diện tích lúa đại trà. Bên cạnh đó, nông dân còn giảm được các khoản tiền thuê nhân công cấy, chăm sóc, thu hoạch lúa nhờ mô hình hoàn toàn áp dụng cơ giới hóa các khâu. Theo tính toán, hiệu quả kinh tế của mô hình đạt trên 20 triệu đồng/ha, chênh lệch lãi cao hơn 8 triệu đồng/ha với sản xuất đại trà. Thành công từ mô hình, huyện Vụ Bản đã tổ chức hội thảo để đại biểu các xã, thị trấn trong huyện tham quan; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa theo hướng hữu cơ và ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ đó đã giúp nhân rộng mô hình ra toàn huyện trong vụ mùa 2023 để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, hướng tới phương thức sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững, phù hợp với xu thế hiện nay.

Mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều. Trong lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh đã xây dựng thành công trên 450 cánh đồng lớn và 11 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản. Việc hoàn thiện hạ tầng nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống tiêu, thoát nước và tích tụ ruộng đất, kiến thiết lại đồng ruộng, hình thành các cánh đồng lớn, vùng sản xuất hàng hóa đã thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ gắn với chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Một số doanh nghiệp đã đầu tư thiết bị, máy móc, công nghệ mới, xây dựng nhà máy chế biến và thực hiện mô hình liên kết với các vùng nguyên liệu ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất từ gieo cấy, chăm sóc, phun thuốc BVTV, thu hoạch đến chế biến nông sản. Các xã, thị trấn khuyến khích các hộ dân mạnh dạn đầu tư mua các loại máy móc phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương với cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp. Đồng thời chỉ đạo các hợp tác xã thực hiện tốt việc “phân phối” cơ giới hóa đồng bộ các khâu. Qua đó, đưa mức cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt tỷ lệ cao và tăng nhanh về số lượng, chủng loại máy móc, thiết bị.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Xuân Kiên (Xuân Trường) đã mở rộng hệ thống đường giao thông nội đồng với bề mặt 3m được rải đá cấp phối và bê tông hóa 60% kênh cấp III để hình thành 2 cánh đồng lớn “liền bờ, liền thửa”; đồng thời đẩy mạnh tỷ lệ cơ giới hóa các khâu từ làm đất, gieo sạ, điều tiết nguồn nước, chăm sóc, thu hoạch lúa cơ bản đạt 100% diện tích đất canh tác. Việc đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất ở 2 vụ lúa là chìa khóa để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất trên đồng ruộng (bình quân năng suất lúa của xã đạt 130 tạ/ha/năm) và giúp các hộ dân vừa có thể duy trì diện tích cấy lúa, vừa chuyển đổi ngành nghề để nâng cao thu nhập.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp hiện nay của tỉnh là 2,5HP/ha đất canh tác với 5.450 máy kéo, 300 máy cấy lúa mạ khay, trên 1.068 máy gặt đập liên hợp, 100 lò sấy lúa đã giúp tỷ lệ cơ giới hóa các khâu làm đất trong sản xuất lúa tăng 100% diện tích; gieo cấy bằng máy đạt 20% diện tích; thu hoạch 96% diện tích; phun thuốc BVTV 95%, mức độ tổn thất sau thu hoạch đối với lúa gạo 7%… Nhiều giải pháp, chương trình hỗ trợ đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như: hỗ trợ kinh phí cho bà con nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; tổ chức cho các công ty sản xuất, cung cấp thiết bị tổ chức trình diễn ngay trên đồng ruộng giúp nông dân các địa phương tiếp cận những máy móc, thiết bị tốt, phù hợp với điều kiện sản xuất. Căn cứ nhu cầu máy và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các huyện, thành phố, xây dựng kế hoạch và triển khai các mô hình khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn đáp ứng các yêu cầu và điều kiện quy định... Thường xuyên giám sát, đôn đốc phát triển lĩnh vực cơ điện nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hóa nông nghiệp. Nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giảm khâu lao động nặng nhọc, nguy hiểm cho người nông dân mà đặc biệt quan trọng là đảm bảo tính thời vụ khi thực hiện thâm canh, tăng vụ, xoay vòng nhanh, đảm bảo độ đồng đều của sản phẩm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản, thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn. Cơ giới hóa góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung toàn ngành sản xuất. Những năm qua, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục tăng đạt mục tiêu đề ra (2,5-3%/năm).

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp máy móc, thiết bị cơ giới hóa; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao máy móc sản xuất nông nghiệp; xây dựng các liên kết theo chuỗi giữa doanh nghiệp với nông dân; đồng thời phát triển nguồn nhân lực phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp… Từ đó thúc đẩy quá trình chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa, tạo tiền đề quan trọng xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao./.