Công văn trả lời thanh toán lãi quá hạn

- Vấn đề lãi quá hạn hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về áp dụng pháp luật để xét xử vụ án, từ đó làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự khi có tranh chấp xảy ra. Bài viết đề cập chủ yếu đến vấn đề vướng mắc trong cách tính lãi quá hạn trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng.

Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản đã được BLDS năm 2015 quy định gồm 3 loại lãi: lãi trong hạn, lãi chậm trả và lãi quá hạn phần nào giải quyết được vấn đề về lãi trong hợp đồng vay xảy ra trong thực tiễn hiện nay.

Theo điểm b khoản 5 Điều 466 BLDS năm 2015 quy định:“Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Điểm c khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định: “Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% mức lãi suất vay do các bên thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Mức lãi suất trên nợ gốc quá hạn do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn chưa trả) x (lãi suất do các bên thỏa thuận hoặc 150% lãi suất vay do các bên thỏa thuận) x (thời gian chậm trả nợ gốc)”.

Giả sử: Trường hợp ngày 01/02/2019 A cho B vay số tiền 100.000.000 đồng, thời hạn 5 tháng, lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng là 5%/tháng ngoài ra không có thỏa thuận khác về lãi quá hạn và trong thời gian vay B đã trả lãi cho A được 5 tháng bằng 25.000.000 đồng, hết hạn 5 tháng B không trả tiền gốc 100.000.000 đồng và A cũng không đòi. Ngày 01/02/2021 A khởi kiện ra Tòa yêu cầu Tòa án giải quyết buộc B trả số tiền 100.000.000 đồng và lãi quá hạn theo quy định của pháp luật. Ngày 01/4/2021 Tòa án nhân dân tỉnh TC giải quyết tuyên xử: Buộc B trả cho A số tiền 142.330.000 đồng, trong đó (tiền gốc 1.000.000.000 đồng và lãi quá hạn là 42.330.000 đồng).

Quan điểm thứ nhất:

Do các bên không có thỏa thuận lãi quá hạn là bao nhiêu phần trăm, nên áp dụng khoản 2 Điều 13 Nghị quyết 01/2019 quy định:“Mức lãi suất hai bên thỏa thuận” hướng dẫn tại khoản 1 điều này là mức lãi suất nợ quá hạn các bên thỏa thuận trong hợp đồng hoặc tại Tòa án. Trường hợp, các bên không có thỏa thuận về mức lãi suất nợ quá hạn thì mức lãi suất nợ quá hạn bằng 150% mức lãi suất trong hạn”. Như vậy, lãi suất quá hạn là 2,49%/tháng (lãi trong hạn là 1,66 x 150%).

Quan điểm thứ hai:

Lãi suất quá hạn sẽ được tính bằng 1,66% vì đây hợp đồng vay có lãi các bên đã có thỏa thuận trong hợp đồng vay, mặt dù lãi suất thỏa thuận 5%/tháng là vượt khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015, nhưng trong hợp đồng đã có thỏa thuận nên phải được kéo về lãi thỏa thuận là 1,66%/tháng cũng như cách tính lãi quá hạn của Nghị quyết 01/2019 thì phải là lãi suất thỏa thuận hoặc 150% lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Như vậy, trong trường hợp này các bên đã thỏa thuận lãi vay thì phải áp dụng lãi suất 1,66%/tháng.

Lãi suất = 100.000.000 đồng x 1,66% x 17 tháng = 28.220.000 đồng.

Quan điểm thứ ba:

Trong hợp đồng vay trên các bên có thỏa thuận lãi suất, nhưng chỉ thỏa thuận lãi suất trong hạn cho vay, còn lãi suất quá hạn không có thỏa thuận trong hợp đồng, nên không tính lãi suất quá hạn mà phải tính lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ (lãi 0.83%/tháng) áp dụng khoản 2 Điều 357 BLDS năm 2015.

Khoản 2 Điều 357 BLDS năm 2015 quy định: “Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này”.

Lãi quá hạn = 100.000.000 đồng x 0.83% x 17 tháng = 14.110.000 đồng.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ ba hợp đồng vay mặt dù có thỏa thuận lãi suất, nhưng không có thỏa thuận lãi suất quá hạn thì sẽ tính lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền (lãi 0,83%/tháng). Lãi quá hạn được quy định bằng cụm từ “bằng 150% mức lãi suất vay do các bên thỏa thuận trong hợp đồng” và “trừ trường hợp có thỏa thuận khác” được hiểu là lãi quá hạn các bên được thỏa thuận và thỏa thuận này không được vượt quá 150% lãi suất trong hạn mà các bên thỏa thuận (tức là 2,49%/tháng). Quan điểm thứ nhất và quan điểm thứ hai, tác giả không đồng tình đối với quan điểm thứ nhất tính lãi suất 2,49% áp dụng vào khoản 2 Điều 13 Nghị quyết 01/2019 là không phù hợp, vì Điều 13 Nghị quyết 01/2019 quy định về lãi suất chậm thi hành án của đương sự trong bản án, quyết định của Tòa án trong khi điểm c khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 01/2019 quy định về lãi trong hợp đồng vay. Còn quan điểm thứ hai cũng chưa phù hợp, vì trong hợp đồng các bên chỉ thỏa thuận lãi vay trong hạn và hơn nữa lãi suất 5%/tháng là vượt cũng không có quy định pháp luật nào để tính lãi suất đã thỏa thuận trong hạn làm căn cứ tính cho lãi quá hạn và lãi suất vượt đó được kéo về bằng với lãi suất thỏa thuận 1,66%/tháng để giải quyết vụ án.

Cả ba quan điểm trên, cho thấy việc áp dụng pháp luật để tính lãi suất quá hạn chênh lệch rất lớn làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự trong vụ án. Vì vậy, thiết nghĩ cần thiết phải có văn bản hướng dẫn thống nhất, cụ thể trong công tác xét xử.