Đánh giá hồn trương ba, da hàng thịt

Hồn Trương Ba da hàng thịt một tác phẩm được viết vào năm 1981 và công diễn năm 1984 trong không khí đổi mới của đất nước và sự chuyển mình của văn học. Là một trong những vở kịch đặc sắc nhất của nhà viết kịch tài hoa, nhà thơ Lưu Quang Vũ, được công diễn nhiều lần trên sân khấu trong và ngoài nước. Từ một cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành một vở kịch hiện đại có cái nhìn mới mẻ, đặt ra nhiều vấn đề, ý nghĩa tư tưởng, triết lí đầy sâu sắc. Tất cả những triết lí sống nhân văn cao đẹp ấy đều được khắc họa rõ ràng qua tấn bi kịch mang tên: Hồn Trương Ba da hàng thịt.

Đánh giá hồn trương ba, da hàng thịt

Tình huống kịch của Lưu Quang Vũ bắt đầu từ một cốt truyện dân gian. Sau khi bị Nam Tào bắt chết nhầm và phải sống một cuộc đời mới trong thân xác vay mượn của anh hàng thịt mới chết. Hồn Trương Ba đã gặp vô số tình huống éo le, bi đát, những mâu thuẫn gay gắt giữa một tâm hồn thanh khiết và thân thể phạm tục này. Sự mâu thuẫn này đạt đỉnh điểm khi linh hồn cao khiết dần bị xâm phạm và biến chất, nhận thức được điều đó hồn Trương Ba dần trở nên chán ghét kiếp sống nhờ, sống tạm bợ “bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo” này. Bởi ông còn bị chính người vợ, con dâu và cháu gái, bạn bè của mình khước từ và ghê sợ. Sự tuyệt vọng, mệt mỏi đã khiến linh hồn thanh cao của Trương Ba muốn được giải thoát và được sống cuộc đời của chính mình. Ông đã chọn cái chết để bảo vệ tâm hồn mình. Tất cả những điều đó được trích từ cảnh thứ bảy, cảnh cuối cùng của vở kịch.

Xem thêm: Những nhận định hay về các tác phẩm thơ lớp 12

Qua đoạn trích, tấn bi kịch của hồn Trương Ba lần lượt được hiện ra, thức tỉnh người đọc về những giá trị nhân văn sâu sắc triết lí sống cao đẹp mà Lưu Quang Vũ mang đến. Tấn bi kịch đầu tiên của hồn Trương Ba trong thân xác của anh hàng thịt là sự biến chất của tâm hồn, sự thay đổi theo một cách mà chính bản thân Trương Ba, người thân của ông cũng chẳng còn nhận ra ông nữa. Từ những sai lầm của người nhà Trời, Trương Ba cũng được sống lại, nhưng sống trong thân xác của anh hàng thịt. Một thân xác được miêu tả như một biểu tượng đáng ghê sợ được hình thành từ một hoàn cảnh sống dung tục: hình dáng kềnh càng thô lỗ tới cái dạ dày đòi hỏi mỗi bữa ăn tám chín bát cơm, thèm ăn ngon, thèm rượu thịt... cho đến cái những dục vọng xấu xa. Mà tất cả những điều ấy một người chăm sóc cây cảnh, nhẹ nhàng từ tốn trong cử chỉ, một người nâng niu từng nhành cây, nụ hoa cũng dần trở nên tha hóa. Trương Ba không còn là ông của ngày xưa nữa. Một linh hồn thanh khiết giờ đây bị thua lý luận của một thân xác phàm tục này ư? Một người từng được bạn bè yêu quý, con cháu kính nể mà giờ đây lại dựa vào “bàn tay giết lợn” thô bạo này đánh con của mình ư? Không, “tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rồi! Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc !” Nhưng làm sao bây giờ khi ông nhìn đời bằng đôi mắt của thân xác này, cảm nhận thế giới qua những giác quan này. Đó chính là tấn bi kịch mang tên hồn Trương Ba, da hàng thịt. Lưu Quang Vũ đã đặt ra một vấn đề khiến độc giả phải thổn thức và suy ngẫm. Một con người khi muốn sống phải bất chấp mọi giá ư? Dù rằng không được là chính mình như cách hồn Trương Ba đang dần đánh mất đi cái bản tính lương thiện ấy? Sống bằng bất cứ giá nào thì liệu có hạnh phúc không, và con người sẽ trở thành ai, sẽ ra sao khi không được sống theo cách của mình? Cái đẹp cái tốt dù có thế nào thì khi sống lâu cùng sự dung tục cũng có ngày bị mai một, cũng như con người cũng sẽ mất đi cái lương thiện để thỏa mãn những ham muốn tầm thường. Để rồi khi đi sai lệch với đạo đức ta lại đổ lỗi lên thân xác để gột rửa đi sự vấy bẩn trong linh hồn ư? Điều đó cũng được nhà viết kịch tài hoa này đề cập đầy rõ ràng: Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê cho thân xác họ mai khổ sở, nhếch nhác…

Đánh giá hồn trương ba, da hàng thịt

Tấn bi kịch thứ hai trong cuộc đời sống chắp vá, sống nhờ của hồn Trương Ba là bị khước từ và xa lánh. Bởi tới người vợ mà ông trân trọng cũng muốn từ bỏ ông mà đi. Hồn ông đã gây ra đau khổ và mệt mỏi cho chính người thân của mình rồi đấy ư? “Ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa… Có lẽ tôi phải đi… đi biệt…Để ông được thảnh thơi với cô vợ người hàng thịt…Còn hơn là thế này…” Và có phải ngay cái khoảnh khắc mà Trương Ba nằm xuống và được an táng có phải còn tốt hơn là sống lại mà đau khổ cho mọi người như lúc này hay không? Chính cái thể xác thô kệch này đã khiến cho cái Gái gọi người ông đáng kính trọng của nó bằng “lão đồ tể”. Một sự phũ nhận dứt khoát đến nghiệt ngã của trẻ thơ. Ngay cả người con dâu hiếu thảo ngày trước dù có thương cho hoàn cảnh nghiệt ngã bây giờ của thầy mình cũng phải nói thật lòng mình: “Thầy ngày một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả như lệch lạc, nhòa mờ dần đi”. Chỉ còn lại một Trương Ba thô lỗ, phàm tục trong thân xác to bè, trong đôi tay giết lợn này mà thôi. Cả đứa con trai thực dụng cũng chẳng còn tôn trọng ông nữa: “Cha bây giờ không còn là cha trước đây nữa. Cha tôi hồi đó không bao giờ đánh tôi nên tôi rất kính trọng ông. Cha bây giờ cũng gian dối, đang sống nhờ bằng cái ác ăn cắp của người khác đó thôi”. Tất cả nỗi niềm và cảm xúc xuất phát từ tấm chân tình của những người ông thương chính là một bi kịch trong việc tồn tại vô giá trị này. Chỉ còn là đau đớn, bất lực và bị chối bỏ mà thôi. Sự đau khổ ấy của hồn Trương Ba cũng chính là ý thức rõ ràng bi kịch của chính mình. Ông sẽ không quyết định sai lầm nữa. Hồn của ông sẽ không phải sống trong cơ thể tạm bợ của anh hàng thịt hay cu Tị nữa, dù rằng đó đồng nghĩa với việc hồn của ông sẽ không là gì nữa. Còn hơn là “tôi sẽ bơ vơ lạc lòng, hoặc sẽ trở nên thảm hại đáng ghét như kẻ tham lam, một kẻ lí ra phải chết từ lâu mà vẫn cứ sống”. “Không mượn thân xác ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu…” Sự dứt khoát ấy như một lời khẳng định của tác giả: “Có những cái sai không thể sửa được chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm”. Cái kết của cuộc đời Trương Ba là một khúc nhạc ngân vang đầy ý nghĩa và làm đẹp cho đời. Dù mất đi nhưng vẫn được mọi người nhớ đến và kính trọng còn hơn là bất chấp sống mà gây đau khổ và thêm sai lầm.

Xem thêm: Tổng hợp những câu nói, nhận định văn học hay nhất

Tóm lại, đoạn trích hồn Trương Ba da hàng thịt mang đậm những triết lí nhân văn sâu sắc. Bi kịch của nhân vật gần gũi với những vấn đề của xã hội ngày nay. Một người vì quyền và lợi ích của mình mà bất chấp tất cả thì đến cuối cùng những điều đó có thật sự gọi là hạnh phúc hay không? Con người nếu bất chấp mà sống vì mục tiêu không đúng đắn rồi cũng phải tự trả giá cho lựa chọn của chính mình.

Viết bởi Thể Hồng

Lưu Quang Vũ được đánh giá là nhà viết kịch xuất sắc trong thời kỳ hiện đại. Đương thời khi còn sống, kịch của anh luôn có mặt trên sàn diễn của nhiều đoàn nghệ thuật trong cả nước. Trong lịch sử sân khấu nước ta, thời kỳ kịch của Lưu Quang Vũ có lẽ là thời kỳ sôi động, giàu sức sống nhất. Những năm 80, kịch của Lưu Quang Vũ xuất hiện đã làm thay đổi tư duy của người biểu diễn cũng như của công chúng yêu sân khấu. Nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu phê bình đã đánh giá cao tài năng, tâm huyết và những đóng góp của Lưu Quang Vũ đối với nền sân khấu nói riêng và với nền văn học nói chung. Anh cũng là một trong những “người đi trước” trong phong trào đổi mới văn hoá văn nghệ, dùng ngòi bút của mình góp phần đem lại những điều tốt đẹp cho con người và xã hội. Trong đó không thể không kể đến vở kịch Hồn trương Ba, da hàng thịt. Ngay từ nhan đề đã gây ấn tượng không nhỏ đối với người đọc.

Kịch bản của Lưu Quang Vũ dù được sáng tác nhanh với một số lượng lớn: hơn 50 vở kịch trong khoảng thời gian chưa đầy 10 năm, nhưng hầu hết đều đạt đến một chất lượng nghệ thuật nhất định. Ngay cả những vở được coi là không thành công khi đã lên sàn diễn cũng có một giá trị văn học không thể phủ nhận. Chúng ta đều biết rằng vở diễn nếu tách rời khỏi hoạt động sân khấu sẽ mất đi phần “động” chỉ còn lại phần “tĩnh”. Sân khấu đem đến cho kịch một đời sống thứ hai, sống động, hấp dẫn và sân khấu cũng quy định cho kịch những đặc tính nhất định, nên kịch có những đặc trưng riêng khác hẳn với thơ và tiểu thuyết. Trước khi đến với sân khấu Lưu Quang Vũ đã là người làm thơ, viết văn có phong cách riêng. Anh đã kết hợp và phát huy được những thế mạnh của mình khi đến với loại hình nghệ thuật có ý nghĩa tổng hợp như sân khấu. Từ thơ và chất thơ trong văn xuôi, rồi từ chất văn xuôi của đời sống, Lưu Quang Vũ đã chuyển sang viết kịch và đã gặt hái được những thành công rực rỡ. Ở đó vẫn tiếp tục những nguồn mạch được khai mở từ khá sớm nhưng Lưu Quang Vũ đã chín chắn, tỉnh táo hơn. Kịch là nơi Lưu Quang Vũ có thể bộc lộ trực tiếp hơn những khám phá và nhận thức của anh, là nơi anh có thể đóng góp tích cực hơn cho đời sống. Lưu Quang Vũ đã nói lên những suy nghĩ của mình trong lời tự bạch, trước khi mất: “Trong quan niệm của tôi, thơ và kịch rất gần nhau. Đó là hai thể loại lớn của văn học, là cuộc sống và thế giới tinh thần của con người được biểu hiện ở dạng tinh chất nhất, mạnh mẽ nhất, tuy ngôn ngữ nghệ thuật của chúng có những điểm khác biệt. Tôi say mê sân khấu từ nhỏ và làm thơ cũng từ nhỏ, nhưng chỉ mãi đến khi hơn ba mươi tuổi, tôi mới dám cầm bút viết vở kịch đầu tiên. Tôi cho rằng nghề viết kịch đòi hỏi người ta phải có sự từng trải khá dày dạn về đời sống và một sự am tường nhất định về sân khấu. Đã có khá nhiều thi sĩ thành đạt từ thuở thiếu niên nhưng hình như khó có ai thành công về viết kịch khi chưa đến 30 tuổi… Động lực xui giục tôi viết kịch cũng là những động lực khiến tôi làm thơ, đó là khát vọng muốn được bày tỏ, muốn được thể hiện tâm hồn mình và thế giới xung quanh, muốn được tham dự vào dòng chảy mãnh liệt của đời sống, được trao gửi và dâng hiến”.

Xem thêm:  Giải thích ý nghĩa câu ca dao: Ta về ta tắm ao ta, Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn – Văn mẫu lớp 8

Kịch của Lưu Quang Vũ khai thác nhiều đề tài, đi vào khám phá mọi mặt của đời sống xã hội và con người. Có thể phân chia, sắp xếp kịch Lưu Quang Vũ ra làm nhiều loại căn cứ vào cốt truyện của kịch bản. Cha ông ta có câu “có tích mới dịch nên trò”. Có thể hiểu nôm na “tích” chính là cốt truyện, phải có cốt truyện mới tạo dựng thành tác phẩm, sân khấu mới có kịch để diễn. Kịch của Lưu Quang Vũ thường được xây dựng trên một cốt truyện chắc chắn, chủ yếu tập trung vào các vấn đề, các sự kiện quan trọng trong đời sống. Việc khai thác các mô típ dân gian, dựa vào đó để viết kịch bản mang đậm dấu ấn cá nhân và phong cách của mình đã tạo cho kịch Lưu Quang Vũ một chiều sâu đáng kể. Nó tạo cho kịch của anh sự phong phú về đề tài, hấp dẫn ở cốt truyện, lôi cuốn ở nghệ thuật xây dựng nhân vật.

Trong số kịch bản của Lưu Quang Vũ, khối lượng những vở khai thác trực tiếp từ cốt truyện dân gian không nhiều, nhưng hầu hết những vở kịch đó đều đạt tới hiệu quả nghệ thuật tương đối cao. Tiêu biểu nhất là vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Vở kịch này được viết từ năm 1984, nhưng cho đến năm 1987, trong không khí đổi mới dân chủ, mới được ra mắt công chúng. Giới nghiên cứu phê bình cho rằng đây là một trong những vở kịch hay nhất của Lưu Quang Vũ. Ngay khi mới công diễn, vở kịch đã gây chấn động dư luận, tạo ra một không khí tranh luận sôi nổi trên báo chí và trong giới sân khấu. Những rắc rối đổ vỡ bắt nguồn từ sự sống vay mượn của Trương Ba trong xác anh hàng thịt đã khiến cho chúng ta thấy: Cuộc sống thật là đáng quý nhưng không phải sống thế nào cũng được. Sống vay mượn, chắp vá, không có sự hài hoà giữa hồn và xác chỉ đem lại bi kịch cho con người. Cuộc sống chỉ có giá trị khi con người được sống đúng là mình, được sống trong một thể thống nhất. Vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt không chỉ đề cập đến đời sống một cá nhân mà còn đặt ra những vấn đề của xã hội. Thói quan liêu, vô trách nhiệm của Nam Tào Bắc Đẩu đã tước đi mạng sống của người dân vô tội và gây nên bao nhiêu chuyện rắc rối. Sự sửa sai chắp vá của Đế Thích lại là tiền đề bất hạnh cho cuộc đời hồn nọ xác kia không hoàn chỉnh của ông Trương Ba. Mọi sự sửa sai không đúng chỗ đều chứa trong nó nhiều bi kịch hơn là niềm vui. Quyết định vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống vay mượn giả tạo của Trương Ba ở phần kết là một sự phản kháng mãnh liệt và đau đớn.

Trích đoạn Hồn Trương Ba da hàng thịt là một phần thuộc Cảnh VII – cũng là cảnh cuối cùng của vở kịch, được đặt tên là Thoát ra nghịch cảnh. Trọng tâm của lớp kịch là cuộc đối thoại giữa Hồn và Xác Trương Ba. Do đó lời thoại ở đây vừa có thể coi là độc thoại vừa có thể coi là đối thoại. Nó là một lời thoại đặc biệt, vừa chứa đựng mâu thuẫn vừa mang tính hành động, thúc đẩy tình huống kịch phát triển đến mức cao nhất. Cuộc đối thoại giữa Hồn và Xác là đỉnh cao tư tưởng triết lý của vở kịch. Cuộc đối thoại đó cùng với thái độ và những lời đối thoại của những người ruột thịt thân yêu nhất đã dẫn đến hành động quyết liệt – kiên quyết chối từ một cuộc sống chắp vá hồn nọ xác kia của Trương Ba. Lưu Quang Vũ đã để cho nhân vật của mình chọn một con đường tưởng như tiêu cực nhưng hết sức cần thiết và đúng đắn: Rời bỏ cõi đời này để được đúng là mình, để giữ trong ký ức những người thân kỷ niệm tốt đẹp về mình. Có nhà nghiên cứu cho rằng “cuộc vật lộn giữa “Hồn Trương Ba” và “Da Hàng thịt” thực chất là cuộc giao tranh giữa hai linh hồn trong một thân xác”.

Xem thêm:  Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Tác giả đặt nhan đề như vậy để nói về Trương Ba một tâm hồn thanh cao, hồn hậu nhân từ giản dị,lại phải trú ngụ trong thân xác hàng thịt tầm thường bị chi phối, điều khiển. Trong khi xác hàng thịt thô lỗ, kềnh càng, âm u, đù mù, có sức mạnh. Qua nhan đề, tác giả muốn nói rằng được sống là một điều đáng trân trọng nhưng sự sống của Trương Ba thì đó là một cuộc sống đáng hổ thẹn vì anh ta phải sống nhờ vào thân xác người khác, phải sống chung với sự dung tục, tầm thường, và bị nó sai khiến, đồng hóa. Bài học rút ra: khi con người phải sống trong sự dung tục và bị lệ thuộc vào nó, thì tất yếu sẽ bị nó chi phối, ngự trị và dần dần tàn phá những gì trong sạch, thanh cao, đáng quý của con người.

Lưu Quang Vũ đã kế thừa tư tưởng của truyện cổ dân gian. Anh cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng hơn của linh hồn so với thể xác. Hàng loạt nhân vật phụ được hư cấu đã phát ngôn cho tư tưởng đó của tác giả. Trong khi tất cả những người thân, kể cả người vợ, phủ nhận, xa lánh Trương Ba trong xác anh hàng thịt, thì cô con dâu lại càng thông cảm với ông hơn. Mặc dù cô cũng nhận ra bao nhiêu điều ngang trái xuất hiện nơi con người Trương Ba. Bằng những lời mộc mạc, giản dị, cô đã nói khá đúng, khá cơ bản về linh hồn: “Thày vẫn dạy chúng con: cái bề ngoài có quan trọng gì, chỉ có tấm lòng yêu thương và trí tuệ cao sáng của con người ta là đáng kể”; “Đã gọi là hồn làm sao có hình thù, bởi nó không là vuông hay tròn, mà là vui, buồn, mừng, giận, yêu, ghét…”. Qua hàng loạt lời thoại của các nhân vật, nhà viết kịch đã thể hiện một cái nhìn biện chứng đối với mối quan hệ Hồn – Xác. Người sống mượn hồn hay xác của kẻ khác thì cũng đều bất ổn như nhau, đều không còn là mình nữa. Một linh hồn dù tốt đẹp khi trú ngụ trong thân xác khác cũng sẽ bị biến dạng, bởi nó bị chi phối theo thói quen và bản năng của thân xác đó, hơn nữa nó luôn bị dằn vặt trong mặc cảm giả dối và ích kỉ. Chưa kể còn hàng loạt những hệ lụy, rắc rối khác như đã xảy ra ở các màn kịch trước. Cuộc đấu tranh này cũng cảnh báo khả năng lấn át của thể xác, của những nhu cầu tầm thường đối với khát vọng sống cao đẹp.

Cuộc sống chắp vá hồn nọ xác kia là một bi kịch cho Trương Ba và càng đau đớn hơn nữa khi ông ý thức được rằng sự vay mượn này còn đem lại bao đau khổ cho những người thân của mình. Nó còn đáng sợ hơn cả cái chết. Hồn Trương Ba đã nói với cô con dâu: “Thầy đã làm u khổ. Có lẽ cái ngày u chôn xác thày xuống đất, tưởng thày đã chết hẳn, u cũng không khổ bằng bây giờ”. Có lẽ đây cũng là một nguyên nhân khiến Trương Ba đi đến chấp nhận cái chết, trả lại xác anh hàng thịt. Từ tư tưởng triết lý đúng về quan hệ giữa hồn và xác, Lưu Quang Vũ đã đi đến một quan niệm đẹp về cách sống: sống chân thật đúng là mình, sống vì mọi người, vì hạnh phúc và sự tốt đẹp của con người. Trương Ba chết nhưng ông vẫn sống, sống trong tình cảm, trong “cõi nhớ” của mọi người, sống trong Sự sống, không cần phải mượn đến thân xác của người khác. Đó là suy nghĩ vừa biện chứng vừa lạc quan và cao thượng. Ý tưởng sâu sắc đó, sau này lại được Lưu Quang Vũ thể hiện đậm nét trong vở Người trong cõi nhớ – một vở diễn đạt Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985. Kịch bản này có một lối kết cấu khá độc đáo. Các nhân vật xuất hiện đồng thời theo các bình diện không gian khác nhau. Những người đang sống và những người đã chết. Đã chết như chỉ là mất đi cái phần thân xác, những tư tưởng, tinh thần, những khát vọng, ước mơ cao đẹp của họ vẫn sống. Sống trong sự nghiệp, trong nỗi nhớ thường ngày của những người đang sống hôm nay. Qua lời của một nhân vật kịch, Lưu Quang Vũ đã bộc lộ quan niệm của anh về sự sống chết: Con người tồn tại ở ba cõi. Đó là thế giới của những người đang sống và cõi lặng im. Cõi thứ ba: Cõi của những người đang sống TRONG TRÍ NHỚ CỦA NGƯỜI KHÁC, những người không bị lãng quên… Và có thể nói quan niệm này đã chi phối hàng loạt các vở kịch khác của anh.

Xem thêm:  Phân tích bài thơ Ông Đồ của Vũ Đinh Liên

Hồn Trương Ba da hàng thịt là một tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Lưu Quang Vũ. Năm 1990, tại Liên hoan Sân khấu Quốc tế lần I tổ chức tại Mátxcơva, lần đầu tiên xuất ngoại, vở diễn đã được đánh giá xuất sắc nhất Liên hoan. Năm 1998 vở Hồn Trương Ba da hàng thịt đã đi lưu diễn tại Mỹ trong chương trình giao lưu sân khấu Việt – Mỹ (V.A.T.E.I) được đánh giá là sự kiện văn hoá lớn. Nhà văn Hồ Anh Thái – người được chứng kiến không khí sôi động của đêm diễn trên đất Mỹ sau này đã tái hiện lại qua bài viết Đêm không ngủ ở Seattle (mượn tên một bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Mỹ).

Tác giả Phan Ngọc cũng đã có những lời đánh giá cao đối với tác giả vở diễn này: “Theo tôi nghĩ, Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch lớn nhất thế kỷ này của Việt Nam, là một nhà văn hóa… Có một Kịch pháp Lưu Quang Vũ mà cả Đông Nam Á có thể tiếp thu: “Vũ là một Prôtê, vị thần trong thần thoại có thể thay hình đổi dạng tuỳ theo sở thích… Không ai bằng Vũ trong biệt tài nêu lên cái muôn đời trong cái bình thường, biến cổ tích, huyền thoại thành chuyện thời sự, dùng cái hư để nói cái thực, dùng cái thô lỗ để khẳng định cái cao quý”