Đúc kết sách Tôi tự học

Nhìn vào bề ngoài của quyển sách này cộng thêm độ lâu đời xuất bản của nó, tôi có phần hơi nghi ngại vì cho rằng sách thuộc những giai đoạn cũ, mà có khi đến nay đã không còn thức thời và cập nhật như trước. Thế nhưng tôi đã lầm, quyển sách Tôi Tự Học của nhà văn Thu Giang & Nguyễn Duy Cần là tổng hợp những kinh nghiệm quý báu nhất từ các bậc tiền nhân về phương pháp tự học, tự nâng cao kiến thức và trí lực cho từng cá nhân thông qua những trang viết tuyệt đẹp cả về ngôn từ lẫn những thí dụ minh họa. Sau khi đọc xong tập sách này (trải qua 1 ngày đọc ngấu nghiến không ngừng), tôi đã tự đúc kết ra cho mình những bài học quý báu sẽ được đề cập dưới đây và cùng chia sẻ với những ai ghé đến trang blog nhỏ này.

Cùng lên đường!

Đúc kết sách Tôi tự học
Tôi tự học

Mở đầu tác phẩm là phần đề tựa khá hấp dẫn mà bất cứ bạn trẻ nào khi cầm trên tay cuốn sách này đều nên đọc thử để thấy hết cái hay và hấp dẫn mà 2 nhà văn này truyền đạt và khơi gợi sự học nơi cá nhân mỗi người. Không khô khan và giáo điều, tác giả đưa ra câu chuyện từ xa xưa được Anatole France kể lại với nhân vật chính là một vị vua lười đọc sách nhưng muốn nắm bắt được tất cả các tinh hoa trong cuộc sống. Vị vua này đưa ra chỉ thị đến nhà thông thái rằng “Hãy tóm tắt tất cả những cái hay của các cuốn sách vào một câu hay nhất” để nhà vua có thể học được tất cả các tinh hoa mà không phải tốn thời gian”.  Nhà thông thái trở về và sau 1 tháng, ông cầm theo câu tư tưởng chứa đựng tinh hoa tất cả sự hiểu biết của con người, viết trên 1 tấm lụa ngà:

Con người sinh ra, yếu đuối, trần truồng. Càng ngày càng lớn hơn, về sức mạnh cũng như về dục vọng, nhưng lòng tham muốn lại không bao giờ thỏa mãn. Rồi tàn tạ, rồi tiêu vong.

Câu chuyện này muốn nói đến cái lẽ rằng: “Văn hóa là điều không thể truyền được mà cũng không thể tóm tắt lại được. Nhưng văn hóa có thể khơi gợi và giúp cho người ta đi đến chỗ hay, hoàn thiện bản thân mình. Cũng giống như người dạy vẽ không thể truyền cho học trò cái thiên tài của họa sĩ nhưng cũng giúp người đó có thể có được những lề lối làm việc để trở thành một họa sĩ chân tài”. Quả là một câu chuyện hay và dẫn nhập đẹp cho một phương pháp mà bất kỳ một bạn trẻ trưởng thành nào cũng phải trang bị cho mình: “Phương pháp tự học”.

Các bạn thấy đấy, chỉ là phần lời mở đầu sách ngắn và đơn giản để dẫn nhập vào sách mà ta có thể thấy những sách kĩ năng hiện nay có khi đã bỏ qua nhưng tác giả Thu Giang & Nguyễn Duy Cần đã đầu tư không biết bao nhiêu câu chữ và điển tích hay để kích thích lòng ham học từ người đọc. Chính từ đoạn tựa đầu sách nho nhỏ này đã kéo tôi đọc ngấu nghiến cuốn sách này không ngừng. Nội dung cuốn sách đi sâu vào việc định nghĩa sự học như thế nào gọi là đúng mực và hữu ích. Không phải là kiểu học gạo, học cho có mà để đào sâu nghiên cứu và làm giàu thêm kiến thức của mỗi người. Từ việc đào sâu vào định nghĩa sự học, tác giả nêu lên những yếu tố cần thiết của một người tự học và điều kiện thuận lợi để giúp cho sự tự học được tiến triển tốt hơn: môi trường học tập, cách sắp xếp thời gian, tinh thần sẵn sàng khi học, rèn luyện sự tập trung khi học, các yếu tố về tư duy tổng quan, tư duy nhân quả, tư duy phản biện cần có ở một cá nhân tự học. Đó là những điều mà ta hay cho là “sẵn có” thế nhưng thực chất chưa được tôi luyện thành một thói quen đúng đắn và hữu ích cho việc tự học của mình. Đọc phần này để củng cố thêm cho ta những chứng minh hữu ích của việc sắp xếp việc học sao cho thông minh và hiệu quả nhất. Đây là tiền đề cho tất cả những điều chúng ta muốn học, một bước chuẩn bị dung nạp kiến thức cho bản thân.

Đúc kết sách Tôi tự học
Sách luôn là món ăn tình thần bổ dưỡng cho trí não

Tác giả còn giới thiệu thêm cho người đọc những loại sách bổ ích và cách đọc từng kiểu sách như thế nào cho hợp lý và thực sự mang đến kiến thức. Từ những trang tiểu thuyết đến những tài liệu sử học, thiên văn, toán học và cả những tư liệu báo chí. Không phải cứ đọc là có thể học được mà quan trọng là phương pháp đọc và tư thế chuẩn bị đọc đối với từng loại sách kể trên mới là điều đáng lưu tâm. Viết đến đây, tôi sẽ giới thiệu thêm đến các bạn trẻ cũng thích đọc sách như tôi 1 quyển sách gối đầu giường của bản thân về phương pháp đọc sách sao cho khoa học và hữu ích. Đó là quyển “Đọc sách như một nghệ thuật” hay tựa đề điều chỉnh hiện nay có tên “Phương pháp đọc sách hiệu quả” của Mortimer J.Adler & Charles Van Doren do Alpha books phát hành. Đọc quyển này kết hợp với phần viết của cuốn “Tôi tự học” sẽ thủ sẵn cho các bạn ham đọc sách những vũ khí siêu hạng để chinh phục bất kỳ một quyển sách nào.

Đúc kết sách Tôi tự học

Tiếp tục nói đến cuốn “Tôi tự học”, sau khi tác giả đã chuyển tải những kinh nghiệm về việc đọc sách và chọn sách sao cho phù hợp với bản thân. Họ đi sâu hơn vào vấn đề chính của tác phẩm (câu hỏi lớn nhất): HỌC NHỮNG GÌ?.

Và không phụ lòng tôi, 2 tác giả đã đưa ra những lời khuyên không những hay mà còn rất chi tiết, cụ thể cho người học. Những điều mà 1 người tự học cần nắm bắt và rèn dũa cho mình:

1. HỌC VIẾT VĂN: để biết suy nghĩ lại vấn đề, phân tích tinh tế tình cảm của mình, tâm tư của mình. Trong quá trình viết cũng là lúc ta luyện cách dùng chữ nghĩa để thể hiện bản thân mình, để nhìn lại mình qua từng con chữ. Bạn không thể viết quá những gì bạn sống và cảm nhận. Thế nên khi viết ra cũng là lúc chính mình soi lại mình để sống tốt hơn ngày hộm qua. Vậy muốn viết văn được hay mà mọi người hiểu được và cảm được thì phải như thế nào? Tác giả đưa ngay ra cho chúng ta lời khuyên thẳng thắng: “VIẾT CHO THƯỜNG“. Có thường rèn dũa mới thành anh thợ rèn giỏi, có thường viết, người viết văn mới thành nhà văn. Bài học xưa vẫn luôn đúng cho đến hiện tại. Tác giả còn giới thiệu một số đầu sách hay để người học tập viết sao cho đúng, cho hay, điển hình là cuốn “Luyện văn” của Nguyễn Hiến Lê. Thật quá đã phải không các bạn? Chúng ta vừa được học điều hay qua những kinh nghiệm, lời khuyên bổ ích, lại có thêm những đầu sách được gợi ý để tìm hiểu thêm. Quả là nhà văn phải chu đáo và tâm huyết lắm khi chắt lọc những tinh hoa văn hóa hay nhất cho người đọc.

Đúc kết sách Tôi tự học

2. Không chỉ học viết, tác giả còn khuyên người tự học nên HỌC DỊCH VĂN. Dịch văn để rèn luyện cái sự hiểu của mình thông qua một ngôn ngữ khác, tăng thêm khả năng tư duy ngôn ngữ cho người học. Ta bị bắt buộc phải thật hiểu ý của tác giả và những danh từ, trạng từ, tính từ cùng động từ mà tác giả đã dùng. Đó là cách bắt buộc ta phải diễn đạt cho thật đúng một ý tưởng, không được miễn cưỡng dùng sai, dùng tạm. Muốn dịch văn hay tác giả Thu Giang & Nguyễn Duy Cần đưa ra những gợi ý như sau:

+ Đi từ cái chung đến cái riêng, đi từ cái ý chính của đoạn văn mà tìm hiểu ý nghĩa chi tiết. Đừng lật đật tìm đến từ điển quá vội mà phải lo đọc trước cho thật kỹ bài văn, đọc đôi ba lần cho đến khi thoáng hiểu được cái thâm ý của tác giả. Bấy giờ mới đi sâu vào tìm hiểu ngữ nghĩa của từng từ, từng chữ trong câu.

+ Chú ý về những từ nhiều nghĩa, tương đồng ý nghĩa nhưng vào 1 câu văn, đoạn văn lại mang 1 ý nghĩa khác. Thể nên phải dựa theo cái lý mà dịch chứ không căn cứ và sự tương đồng về hình thức câu văn. Phải đọc thật nhiều và tìm tòi ngữ nghĩa để dịch được suông sẻ và hợp lý.

Học viết và học đọc đã xong, việc kế đến là đề ra cho bản thân những nguyên tắc riêng để tạo điều kiện cho bản thân có môi trường học tập tốt nhất. Tác giả đưa ra vài gợi ý để người đọc có thể linh hoạt áp dụng và thay đổi sau cho phù hợp với từng cá nhân:

– Nguyên tắc 1: Đi từ cái dễ đến cái khó, và phải tin vào sự thành công

– Nguyên tắc 2: Làm việc đều đều, không nên để gián đoạn

– Nguyên tắc 3: Bất kỳ môn học nào cũng phải khởi đầu bằng những yếu tố đầu tiên của môn học ấy, nghĩa là khởi học lại những căn bản sơ đẳng và đừng bao giờ đốt giai đoạn.

– Nguyên tắc 4: Biết lựa chọn. Chọn sách để đọc, chọn việc để làm và chọn điều hay để học.

– Nguyên tắc 5 & 6 : Phải biết quý thời giờ làm việc của ta và đặt cho nó thành một kỷ luật. Tiết kiệm từng phút giây của bản thân.

– Nguyên tắc 7: Hễ làm việc gì thì phải làm cho hoàn thành, đừng phải trở lại một lần thứ 2.

– Nguyên tắc 8: Muốn làm việc, học tập cho hiệu quả thì phải có một sức khỏe dồi dào

8 nguyên tắc trên có thể phù hợp với bạn hoặc không, có thể vừa đủ hoặc thiếu tùy vào cá nhân mỗi người. Bạn có thể tự điều chỉnh sao cho phù hợp với bản thân.

Người thực học là người biết chuyển hóa những cái học của người thành cái học của riêng mình để vận dụng trong công việc của mình sao cho hiệu quả nhất.

Kết thúc quyển sách quý này là biết bao bài học đọng lại trong trí óc tôi và làm hành trang cho sự học của tôi về sau. Cái học quan trọng ở “phẩm” chứ không phải là “lượng”, học đến đâu, chắc đến đó. “Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”, đó là bài học không bao giờ xưa cũ dành cho những người trẻ như tôi và bạn.

Mong là những gạn lọc của cá nhân tôi về quyển sách này sẽ phần nào giúp bạn có chút hứng thú để đọc và tìm hiểu cuốn “Tôi tự học” này và phát triển cái học của cá nhân mình. Tuy cho là đã biết về cuốn sách nay nhưng tôi tin rằng bản thân còn phải đọc lại đôi lần để thấu đáo hơn nữa. Như đầu đề sách tác giả có đăng những dòng quý giá từ luận ngữ:

Biết thì biết là mình biết
Không biết thì cũng biết rõ là mình không biết
Đó mới thực sự là người biết.

Bể học là mênh mông và vô tận. Những người trẻ như tôi và bạn có nhiệm vụ phải khai phá và tìm tòi, chinh phục những cái bể kiến thức như thế để làm tròn bổn phận của mình.

———————————————-
Zeal’s
Viết để trân trọng một cuốn sách hay
14/12/2013