Người mệt mỏi không rõ nguyên nhân

Ở các bệnh viện như Chợ Rẫy, Nhân Dân Gia Định,   Trung tâm Chẩn đoán Medic v.v... các bác sĩ không lạ gì với những bệnh nhân đến khám vì mắc chứng mệt mỏi vô cớ.

Suýt chết vì chủ quan

Người bệnh trong tấm ảnh chúng tôi minh họa cho bài viết này là anh Trần Th. Anh vừa trải qua một cuộc phẫu thuật lồng ngực để chữa bệnh động mạch vành. Anh cao 1,75 m, nặng 76 kg, là một vận động viên quần vợt có sức khỏe để theo đuổi bài tập luyện của môn quần vợt mà không bao giờ cảm thấy mệt mỏi. Nhưng từ sau Tết Nhâm Ngọ, thỉnh thoảng anh lại thấy một cơn mệt mỏi thoáng qua, nhưng anh không mấy quan tâm. Đến khi các cơn mệt mỏi xuất hiện nhiều hơn và giảm sức luyện tập thấy rõ kèm cảm giác nghẹn ở ngực, anh mới đến khám ở Viện Tim. Khi chụp CT hình ảnh tim của anh, các bác sĩ phải chỉ định phẫu thuật cấp cứu gấp vì một trong 3 nhánh của động mạch dẫn máu đến tim đã bị xơ vữa bít tắc hoàn toàn, một nhánh khác bị tắc 70%. Tiến sĩ Phạm Nguyễn Vinh - người trực tiếp phẫu thuật cho anh Th., cho biết đây là một trong những trường hợp bệnh động mạch vành rất nặng mà nếu chậm được điều trị thì nguy cơ đột tử rất cao.

Uống 10 ly cà phê vẫn mệt mỏi

Ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, các bác sĩ còn nhớ rất rõ trường hợp cấp cứu cho cả gia đình chị Đ.H.P.T ở phường Ngô Mây, TP Qui Nhơn vào ngày 5-3-2002. Trước tết 1 tháng, cả hai vợ chồng chị và 2 đứa con đều mắc chứng mệt mỏi không rõ nguyên nhân gì. Diễn biến sau đó là các triệu chứng kèm theo như nhức mỏi cơ thể, sốt nhẹ, nôn ói, da có cảm giác bỏng rát và nhức đầu. Đến khi chứng nhức đầu phát lên dữ dội, vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Qui Nhơn thì bệnh viện này phải chuyển gấp cả gia đình chị vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Tại đây, họ được khẳng định là bị nhiễm ký sinh trùng lên hệ thần kinh. Sau gần chục ngày cấp cứu, người chồng và 2 đứa con mới xuất viện được. Riêng chị vợ dù ở trong tình trạng săn sóc đặc biệt nhưng phải mất cả tháng trời mới thoát khỏi tình trạng mê man.

Ở Bệnh viện Tâm thần, các bác sĩ cũng gặp rất nhiều trường hợp người bệnh khi xuất hiện cảm giác mệt mỏi thì cứ nghĩ là bình thường nên uống cà phê, trà v.v... để duy trì năng suất làm việc. Nhưng thay vì như người bình thường chỉ uống một hai ly/ngày đã đủ tỉnh táo thì với họ chỉ có tác dụng ban đầu, uống 2 đến 3 ly vẫn chưa đủ “tỉnh táo”. Thậm chí, thạc sĩ Đào Trần Thái - quyền Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần Trường Đại học Y Dược TPHCM – cho biết từng gặp một bệnh nhân khai đã dùng 10 ly cà phê/ngày để thử xem có xua được cảm giác mệt mỏi không, thế mà vẫn chịu thua, đành phải đến bệnh viện. Đấy chính là lúc cơ thể đã rơi vào tình trạng suy kiệt.

Chạy lòng vòng không tìm ra bệnh

Những trường hợp trên đây là minh chứng cho rất nhiều trường hợp người bệnh vốn có sức khỏe bình thường, thậm chí tốt, lao động trong môi trường bình thường nhưng đột nhiên xuất hiện chứng mệt mỏi vô cớ. Hầu hết những người này giống nhau ở chỗ không mấy lưu ý đến việc cần phải đi khám bệnh. Đến khi các triệu chứng khác kèm theo xuất hiện và có dấu hiệu mắc bệnh quá rõ, phải đến cơ sở y tế thì mới biết đã mang một số bệnh khó trị, tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng. Rất nhiều bệnh nhân cho biết đã phải chạy lòng vòng qua rất nhiều cơ sở điều trị, mỗi nơi nói một kiểu, xét nghiệm kỹ thuật cao, tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc.

Theo phân tích của các thầy thuốc trên nhiều lĩnh vực thì chứng mệt mỏi vô cớ không trực tiếp gây ra một loại bệnh nào, nhưng là dấu hiệu, có khi là triệu chứng đặc hiệu của một bệnh lý khó trị. Nhưng dù xuất hiện ở trong trường hợp nào thì cũng là dấu hiệu bất thường về sức khỏe rất cần phải được đánh giá đúng mức.

 **

*

Lúc nào cần đi khám, khám ở đâu?

Chứng mệt mỏi xuất hiện ở nhiều loại bệnh khó trị. Nhưng nếu chỉ mệt mỏi không thôi, tất nhiên cũng chưa thể kết luận được là cơ thể đã bị mắc bệnh gì. Vậy khi cơ thể có cảm giác mệt mỏi kéo dài mà không rõ nguyên nhân thì lúc nào cần đi khám? Một số thầy thuốc đã cho ý kiến:

. Thạc sĩ Đào Trần Thái – quyền Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần Trường Đại học Y Dược TPHCM:

Triệu chứng đặc hiệu của 2 loại bệnh

Mệt mỏi không kèm dấu hiệu đau nhức cơ thể, nhất là đã điều trị nhiều cách mà vẫn không giải quyết được, thì cần đến thầy thuốc chuyên khoa tâm thần để xem xét. Bởi mệt mỏi là triệu chứng đặc hiệu của 2 loại bệnh trầm cảm và suy nhược thần kinh. Bị trầm cảm thì dấu hiệu kèm theo mệt mỏi là cảm xúc buồn rầu, mất hứng thú trong công việc. Trong số các bệnh nhân mang hội chứng mệt mỏi mãn tính, chỉ 8,5% xác định được bệnh qua khám thực thể, còn lại 73,5% là xác định qua khám tâm thần. Trong số bệnh nhân tâm thần từng mang hội chứng mệt mỏi kéo dài thì có tới 50% bệnh nhân trầm cảm nặng, 4% rối loạn lo âu, 6% loạn ám ảnh sợ. Đấy là những bệnh mà nếu điều trị muộn thì người bệnh có thể có nhiều hành vi nguy hiểm, thậm chí hủy hoại thân thể mình. Nhưng hầu hết người bệnh ngại đến khám bệnh tâm thần nên cứ để tình trạng mệt mỏi kéo dài, đến lúc cơ thể suy kiệt thì việc điều trị rất khó phục hồi.

. Bác sĩ Nguyễn Thái Thành, Phó Khoa Nội khớp BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM:

Chú ý bệnh Lupus đỏ

Mệt mỏi thường gặp ở bệnh viêm khớp dạng thấp và lupus ban đỏ. Người bệnh viêm khớp dạng thấp thường cảm thấy vừa mệt mỏi, sốt, vừa đau nhức các khớp. Có lúc mệt mỏi xảy ra sớm và là dấu hiệu nổi bật che lấp những biểu hiện của bệnh khớp. Khi ấy, người bệnh cảm thấy luôn mệt mỏi dù không làm công việc gì nặng nhọc, cảm giác lười biếng, không thiết tha làm bất cứ việc gì.

Mệt mỏi cũng là một biểu hiện của bệnh lupus ban đỏ. Bệnh này, ngoài dấu hiệu mệt mỏi còn kèm theo đau khớp, nổi hồng ban trên da. Nguyên nhân gây ra mệt mỏi trong bệnh lupus ban đỏ vẫn chưa được nghiên cứu rõ. Bệnh lupus đỏ nếu không được điều trị sớm dễ gây biến chứng suy thận.

Tốt nhất là khi không làm công việc gì nặng nhọc mà lại luôn thấy mệt mỏi kèm những triệu chứng như trên thì cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được xác định rõ nguyên nhân, điều trị sớm, không nên tự ý mua thuốc điều trị.

. Giáo sư Trần Vinh Hiển – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM:

Nghĩ đến nhiễm ký sinh trùng

Khi nhiễm ký sinh trùng lên hệ thần kinh, người bệnh thường có cảm giác mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân kèm theo sốt, chán ăn, người lừ đừ, nhức đầu v.v... Việc xác định nhiễm ký sinh trùng là một việc hoàn toàn không dễ dàng gì, nhất là với tuyến y tế cơ sở. Vì vậy mới có tình trạng  nhiều bệnh nhân phải lui tới nhiều cơ sở y tế mà vẫn không giải quyết được gì. Bản thân người bệnh cũng ít người có hiểu biết về các bệnh do ký sinh trùng. Hiện ở TPHCM, một số các cơ sở như Bộ môn Ký sinh trùng Trường Đại học Y Dược, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy v.v... đã có khả năng phát hiện khá tốt những bệnh loại này, chi phí không nhiều. Vấn đề là người bệnh phải biết lưu ý tới những triệu chứng đã nêu để đi khám sớm và khám đúng nơi cần thiết.

. TS Phạm Nguyễn Vinh, Phó Giám đốc Viện Tim TPHCM:

3 loại bệnh tim điều trị tốn kém

Các bệnh suy tim, hẹp van tim và bệnh mạch vành thường gây ra triệu chứng mệt mỏi, do lượng máu cung cấp về tim không đầy đủ. Thường khi mệt mỏi, nhiều người tưởng rằng mình bị cảm, ăn không được, nhưng không ngờ đó là dấu hiệu của bệnh tim. Ở bệnh suy tim và van tim, ngoài mệt mỏi còn kèm theo khó thở, còn ở bệnh mạch vành thì kèm theo chứng đau thắt ngực. Bệnh mạch vành thì gặp ở người 50 tuổi trở lên, nhất là những người có tiền căn hút thuốc lá. Bệnh van tim gặp ở người trẻ, thỉnh thoảng người già cũng bị. Ba bệnh trên đều điều trị tốn kém, khó khăn, nhưng đáng cảnh báo nhất vẫn là bệnh mạch vành. Việc phát hiện sớm và can thiệp sớm là điều rất quan trọng trong điều trị những bệnh này.

P.S-T.D-D.C

***

Lưu ý khi dùng thuốc trị mệt mỏi

Uống thuốc bừa bãi có thể nghiện thuốc như nghiện ma túy

Mệt mỏi là dấu hiệu đòi hỏi cơ thể cần phải nghỉ ngơi. Nhưng nếu sau khi nghỉ ngơi mà sức khỏe không hồi phục thì có thể đã bị rối loạn. Tình trạng này nếu kéo dài nhất thiết phải đi khám bệnh vì có khi đã bị một bệnh tiềm ẩn nào đó. Trong cuộc sống hiện nay với bối cảnh đầy biến động, nhịp sống hối hả, có những rối loạn đặc biệt được dịp xuất hiện với tỉ lệ cao hơn so với thời kỳ trước đây. Hiện nay ở các nước công nghiệp phát triển có xảy ra hội chứng được gọi là “hội chứng mệt mỏi kinh niên” (chronic fatigue syndrome) mà nguyên nhân sinh bệnh rất khó xác định. Hội chứng thường xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn, gần như gấp đôi giới đàn ông, với lứa tuổi thường là 25 đến 45. Hội chứng có triệu chứng mệt mỏi là chính (100%) còn kèm theo: nhức đầu, khó tập trung suy nghĩ đau họng, nhức cơ, đau khớp, khó ngủ, sụt cân (có người lại tăng cân) v.v... việc chữa trị hội chứng này có khó khăn. Trước hết, bác sĩ phải khám và loại trừ tất cả các bệnh thực thể có triệu chứng gây mệt mỏi và gần như không tìm được nguyên nhân chủ yếu nào dẫn đến hội chứng này để chỉ có thể gọi là “mệt mỏi vô cớ”. Về thuốc thì thường dùng thuốc bồi dưỡng sức khỏe kèm theo thuốc trị các triệu chứng có liên quan như: Thuốc giảm đau trị đau nhức, thuốc kháng histamin để trị viêm mũi... nhưng thực tế chẳng có tác dụng đối với hội chứng này. Ở nước ta hiện nay, chúng tôi ghi nhận có một số người thường xuyên bị mệt mỏi. Điều đáng quan tâm là những người này không đi khám bệnh mà tự mua thuốc về dùng với hy vọng khắc phục sự rối loạn. Nên lưu ý trước đây đã có tình trạng dùng thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương là amphetamin (biệt dược là maxiton) và một số dẫn chất của nó để trị chứng “mệt mỏi vô cớ” và hậu quả của việc sử dụng thuốc bừa bãi là một số người bị nghiện thuốc (giống như nghiện ma túy và sau đó phải dùng đến ma túy), bị một số tác dụng phụ về tim mạch và nhất là có khuynh hướng tự tử sau khi ngưng thuốc. Hiện nay, nhiều người tự ý dùng thuốc gọi là trị suy nhược chức năng có dạng thuốc uống, hoặc hằng ngày dùng thuốc dạng sủi bọt cung cấp các vitamin và chất khoáng gọi là chống ô-xy hóa, chống stress (như vitamin C, vitamin nhóm B, vitamin E, nguyên tố kẽm, magnesi v.v...). Nên lưu ý, tất cả các thuốc vừa kể chỉ có tác dụng hỗ trợ và nên dùng đúng liều lượng (như vitamin C ngày không nên dùng quá 1 gram, dùng nhiều không có lợi vì có nguy cơ gây sỏi thận). Khi bị mệt mỏi, trước hết hãy xem lại chế độ làm việc, sinh hoạt có quá căng thẳng để sắp xếp lại tạo sự thư giãn cần thiết; chế độ dinh dưỡng có đảm bảo đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng, có thể dùng thêm các thuốc hỗ trợ vừa kể. Nếu rối loạn cứ kéo dài, nhất thiết phải đi khám bệnh để bác sĩ giúp tìm nguyên nhân.

TS.DS Nguyễn Hữu Đức (Trường Đại học Y Dược TPHCM)