Nguyên nhân gây ra cận thị

CẬN THỊ - NGUYÊN NHÂN VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

Theo thống kê mới nhất ở Việt Nam hiện nay có hơn 3 triệu trẻ em mắc tật khúc xạ ở lứa tuổi 6 đến 15 tuổi. Trong đó tỉ lệ tật cận thị chiếm khoảng 2/3. Tỷ lệ cận thị ở Thành phố lên đến hơn 50%, các vùng ven và nông thôn thì tỷ lệ này chiếm khoảng 10-15%. Cận thị đang có xu hướng gia tăng theo từng năm và theo từng độ tuổi ở lứa tuổi học đường. Tình trạng suy giảm thị lực do cận thị ở lứa tuổi học sinh đang ở mức báo động.

Thông thường, người ta chia cận thị ra 3 loại theo mức độ cận như sau:

- Cận thị ở mức độ nhẹ dưới -3,00 Diop;

- Cận thị ở mức độ trung bình là từ -3,00 Diop đến -6,00 Diop;

- Cận thị từ -6,00 Diop trở lên gọi là bệnh cận thị.

I. Nguyên nhân và các yếu tố thúc đẩy tiến triển cận thị

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tật cận thị ở lứa tuổi dưới 18. Sinh hoạt và học tập thiếu khoa học là nguyên nhân chính dẫn đến trình trạng gia tăng cận thị. Ở trường các em học với cường độ cao, môi trường ánh sáng không đảm bảo, tư thế ngồi học và bàn học không phù hợp, nhìn cự ly gần trong thời gian dài. Khi ở nhà thời gian sử dụng tivi, vi tính nhiều giờ liên tục với cự ly rất gần hoặc đọc sách trong tư thế nằm. Những yếu tố này làm mắt của trẻ phải điều tiết nhiều trong thời gian kéo dài, điều này khiến cho mắt dễ bị cận và tiến triển nhanh hơn.

Yếu tố di truyền cũng hết sức quan trọng. Cha hoặc mẹ có độ cận cao trên 6 Diop thì gần như 100% sẽ di truyền sang con.

Do trẻ sinh thiếu tháng và trẻ sinh ra nhẹ ký cũng là yếu tố nguy cơ khiến cho trẻ bị cận thị.

II. Các phương pháp điều trị cận thị

1. Đeo kính gọng  

Đây là phương pháp thông dụng nhất, rẻ tiền, an toàn và dễ áp dụng. Tùy theo mức độ cận thị, bệnh nhân cần đeo kính thường xuyên hay chỉ cần đeo kính khi nhìn xa.

2. Sử dụng kính ORTHO-K

Là cách điều trị cận khá mới ở Việt Nam hiện nay. Thực hiện bằng việc đeo kính áp tròng cứng vào ban đêm, đeo vào khi đi ngủ và lấy ra vào buổi sáng. Thực hiện khá đơn giản và tốn ít thời gian. Ortho-K giúp chỉnh hình Giác mạc tạm thời, làm thay đổi độ khúc xạ của Giác mạc mà không làm thay đổi cấu trúc giải phẫu của Giác mạc. Đây là phương pháp điều trị cận không xâm lấn mà vẫn đạt được hiệu quả điều trị tốt.

3. Các phương pháp phẫu thuật điều trị cận thị

Áp dụng đối với bệnh nhân trên 18 tuổi và đạt đủ các tiêu chuẩn về độ dày Giác mạc (khi bác sĩ thăm khám sẽ kết luận bệnh nhân có đủ điều kiện phẫu thuật hay không). Phẫu thuật hiện nay khá phổ biến, chính xác và có hiệu quả cao với nhiều phương pháp khác nhau.

3.1. Phẫu thuật PRK

Đây là phương pháp khởi đầu cho kỷ nguyên phẫu thuật khúc xạ bằng Laser. Phương pháp này bóc lớp biểu mô trên cùng của Giác mạc và bỏ đi, sau đó dùng Laser Excimer gọt trực tiếp lên bề mặt Giác mạc và nhu mô bên dưới. Lớp biểu mô này sẽ tự tái tạo hoàn toàn sau khoảng 3-5 ngày. Tuy nhiên thời gian phục hồi thị lực thường kéo dài, hậu phẫu nặng nề do bệnh nhân bị kích thích và đau nhức nhiều. Hiện phương pháp này ít được sử dụng.

3.2. Phẫu thuật LASIK

Phương pháp phẫu thuật khúc xạ khá phổ biến hiện nay, một vạt mỏng sẽ được tạo ra trên bề mặt của Giác mạc, Laser sẽ loại bỏ một số mô Giác mạc và sau đó, vạt Giác mạc được đặt lại vị trí ban đầu.

3.3. phẫu thuật Femto LASIK

 Là phương pháp tạo vạt Giác mạc không cần dao mổ mà sử dụng tia Laser femtosecond. Ưu điểm của phương pháp này là vạt giác mạc được tạo ra có độ dày ổn định và đồng đều, loại bỏ hoàn toàn biến chứng thông thường như trong phương pháp cắt vạt bằng dao thường.

3.4. Phẫu thuật ReLEx SMILE

Là phẫu thuật điều chỉnh tật khúc xạ không lật vạt giác mạc, không sử dụng dao vi phẫu cơ học, có thể điều trị tật khúc xạ cho bệnh nhân có độ cận và độ loạn thị cao. Phương pháp này có độ an toàn và chính xác gần như tuyệt đối.

Ưu điểm của phương pháp ReLEx SMILE là ít gây ra tổn thương hệ thần kinh ở giác mạc, đảm bảo được sự vững chắc cơ học tự nhiên của giác mạc. Bệnh nhân sau khi phẫu thuật có kết quả tốt, có tính ổn định cao, ít khả năng tái cận.

3.5. Phẫu thuật PHAKIC (ICL)

Giải pháp tối ưu cho bệnh nhân có độ cận thị cao, độ loạn thị lớn, độ dày giác mạc mỏng mà ReLEx SMILE cũng không thể can thiệp được. Kỹ thuật được hiểu là đặt một thấu kính vào sau mống mắt, trước thủy tinh thể, do đó không can thiệp vào cấu trúc mắt, không ảnh hưởng tới hệ mô giác mạc. Phương pháp này đặc biệt dành riêng cho bệnh nhân có độ cận thị cao, độ loạn thị lớn mà LASIK không thể can thiệp được. Phakic hoạt động tương tự như kính áp tròng, chỉ khác là được đặt bên trong mắt và kính thường nằm vĩnh viễn. Không giống như kính nội nhãn trong phẫu thuật đục thủy tinh thể, ICL không thay thế thể thủy tinh của mắt và thể thủy tinh vẫn còn nguyên vẹn.

3.6. Phương pháp đặt thủy tinh thể nhân tạo

Được sử dụng khi bị cận nặng, có kèm bệnh đục thủy tinh thể./.

                                                Thượng úy BSCKI Chu Sỹ Nghĩa