Những tác phẩm văn học về người phụ nữ

Thân em thời trắng phận em tròn,

Bảy nổi ba chìm mấy nước non.

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,

Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son.  -  Hồ Xuân Hương

Người phụ nữ tượng trưng cho cái đẹp, tính nghệ thuật của cuộc sống. Phải có lý do để mà người phụ nữ trở thành hình tượng đẹp nhất, được chú ý nhiều nhất đối với các độc giả suốt bao thời. Đối với văn học, người phụ nữ thường xuất hiện với chuẩn mực của chân thiện mỹ, mang trong mình cả những khổ đau và bất hạnh, đau đớn và nước mắt. Đặc biệt, trong lịch sử văn học Việt Nam, Nguyễn Du là một trong những nhà thơ luôn đau đáu khôn nguôi về phận đời bất hạnh của người phụ nữ, người phụ nữ là hình ảnh trung tâm trong các tác phẩm của ông.

Những tác phẩm văn học về người phụ nữ

Người phụ nữ mang những chuẩn mực của cái đẹp

Nguyễn Du viết rất nhiều về người phụ nữ. Sáng tác quy mô, đổ sộ nhất của ông – Truyện  Kiều là sáng tác viết về người phụ nữ. Ngoài ra chúng ta còn có thể kể đến các bài ca, bài thơ khác như Long Thành cầm giả ca, Độc Tiểu Thanh kí, Sở kiến hành.. Đặc điểm chung của những tác phẩm này là khắc họa người phụ nữ mang những vẻ đẹp về cả ngoại hình lẫn phẩm chất. Họ là những người tài sắc vẹn toàn, nhan sắc lúc thì chim sa cá lặn, lúc tuy bình thường nhưng vẫn có những dấu ấn riêng, tài năng thì hơn người, đặc biệt phẩm chất trong sáng, hiền lành, chịu thương chịu khó. Đặc biệt được thể hiện rất rõ qua tác phẩm Truyện Kiều: 

Làn thu thủy nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.

Có nhiều biểu hiện của một quan niệm khá mới mẻ về thân xác của con người trong Truyện Kiều. Nhìn chung quan niệm này khác với quan niệm coi thường thân của truyền thống văn hóa và văn học. Nguyễn Du có khuynh hướng đề cao thân xác, coi thân xác là một phạm trù giá trị. Ông luôn trân trọng thân xác của họ, trong sáng tác của mình ông chú trọng đến bản thân nỗi đau đớn, nhục nhã của việc thân xác con người bị giày xéo, chà đạp. Ông viết về ngoại hình của họ với sự trân trọng của một con người, chứ không phải chỉ là sự ngưỡng mộ phàm tục của một nam nhân bình thường. Đặc biệt, Nguyễn Du ca ngợi tài năng của những người phụ nữ chân yếu tay mềm này, vốn không được người đời coi trọng, ví như Thúy Kiều cầm, kì, thi, họa đều xuất sắc; hay nàng tiểu Thanh có tài làm thơ. Khi mà người đời quên mất tài năng của họ, Nguyễn Du vẫn thể hiện sự trân quý từ tận đáy lòng mình cho các nhân vật trong tác phẩm của mình. Nguyễn Du đã xây dựng một Thúy Kiều không chỉ đẹp mà còn rất tài hoa. Cầm, kì, thi, hoạ, môn nào nàng cũng sành, cũng giỏi: .

Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.

Cung thương làu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

Khác với văn học dân gian, trong văn học trung đại không xuất hiện nhiều các kiểu nhân vật xấu người đẹp nết, mà đa phần là đẹp nết đẹp người. Họ mang trong mình những tiêu chuẩn của xã hội đã đặt ra cho người phụ nữ. Tài sắc đều đủ, có thể thấy, ấn tượng đầu tiên khi đến với các tác phẩm của Nguyễn Du là những người phụ nữ trong tác phẩm của ông đều đẹp xuất sắc.

Những người phụ nữ tài hoa bạc mệnh

Có tài mà cậy chi tài

Chữ Tài liền với chữ Tai một vần

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa.

Muôn sự tại trời, trời kia bắt mỗi người có một thân phận và người càng có tài thì mệnh càng bạc. Tài - Mệnh luôn tương ứng với nhau. Đây cũng chính là sự mâu thuẫn trong nội tại tâm hồn, tư tưởng của Nguyễn Du: vừa mong giải phóng cho người phụ nữ, đề cao tình yêu và tài sắc của họ, vừa muốn an ủi họ hãy chấp nhận sự nghiệt ngã của số phận (mà thực chất là chấp nhận sự ngang trái do các thế lực cường quyền tạo nên). Bởi vậy, hình tượng người phụ nữ được xây dựng vừa tài sắc, lại vừa truân chuyên. Mà phần truân chuyên còn nhiều hơn tài sắc gấp bội. Họ đều phải trải qua những tháng ngày bất hạnh, tuy là những người ở những thời đại khác nhau, song đều gặp chung ở số phận tài hoa nhưng bạc mệnh:

Son phấn có thần chôn vẫn hận,

Văn chương không mệnh đốt còn vương.

Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,

Cái án phong lưu khách tự mang.

Bằng biện pháp ẩn dụ khi nói về nhan sắc của nàng, Nguyễn Du đã dùng từ “son phấn”. Nhưng cái đẹp ấy lại bị vùi dập không thương tiếc. Chính xã hội phong kiến thối nát ấy đã cướp đi của nàng tuổi thanh xuân, đã mang đến cho nàng biết bao đau thương, hờn trách, để rồi đến những bút tích của nàng cuối đời cũng bị đốt hết đi, lòng dạ ghen tuông của người phụ nữ kia đã lấy đi của nàng cả những dòng trăn trối cuối cùng. Tiểu Thanh nổi tiếng là nhân vật rất tài năng, nhưng lại bị cướp đi sắc đẹp và tài năng khi còn rất trẻ, chịu số mệnh chết yểu, đễn nỗi hóa thành sự căm giận suốt trăm năm vẫn không thể nguôi ngoai. Dường như, ở bất cứ tác phẩm nào, Nguyễn Du cũng nhìn thấy được cuộc đời bất hạnh của họ, những nỗi căm hờn số mạng của những người phụ nữ không làm gì sai nhưng vẫn phải chịu kiếp nạn. Ông xót thương cho những phận đời như vậy, Viết về những người phụ nữ tài hoa mà bạc mệnh, hơn một lần Tố Như không thể giấu những giọt nước mắt đồng cảm, xót thương:

Đau đớn thay phận đàn bà

Mặc dù là một nam nhân, Nguyễn Du vẫn dành sự trân trọng nhất của mình cho họ, khác với những người cùng thời.

Những người phụ nữ luôn mang ý thức bản thân sâu sắc

Văn học trung đại bài trừ cái tôi, đề cao cái ta, văn học mang tính ước lệ tượng trưng cao. Ngay cả cảm xúc cũng phải mang tầm vóc thời đại, nam nhi thì phải chí lớn, báo hiếu, báo nghĩa với đất nước; nữ nhi thì phải hiền lành đức độ, là chỗ dựa vững chắc cho chồng. Vua là thứ nhất, dân là thứ hai. Có thể thấy, văn học trung đại không có chỗ phát triển ý thức cá nhân. Vậy mà các nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Du đều có ý thức cá nhân sâu sắc, thậm chí là nổi loạn và khác biệt. Vừa chịu sự ảnh hưởng của những tiêu chuẩn đương thời, vừa để nhân vật có lối suy nghĩ riêng của mình, rất con người và rất thật. Ví như Thúy Kiều sẵn sàng tự mình đi tìm kiếm tình yêu. Chính nàng đã táo bạo xé rào đêm tối — cũng chính là rào cần ràng buộc tình yêu nam nữ đã ngự trị hàng ngàn năm phong kiến — chủ động sang nhà Kim Trọng để bày tỏ lòng yêu: Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình. Chính nàng, chưa cần đến ưng thuận của cha mẹ đã cùng chàng Kim hẹn thê, đính ước:

Vừng trăng vằng vặc giữa trời,

Định ninh hai miệng một lời song song

Tóc tơ căn vặn tấc lòng,

Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.

Thúy Kiều là người phụ nữ vừa mang vẻ đẹp truyền thống, vừa mang vẻ đẹp hiện đại, mỗi bên đều vừa đủ mà lại hài hòa. Đồng thời các nhân vật của Nguyễn Du ý thức về bản thân rất rõ, đặc biệt là về thân xác của chính mình. Đã là người ai cũng có thân, Nguyễn Du cảnh tỉnh sự bàng quan, vô cảm đáng sợ của toàn xã hội trước chuyện đánh đạp, giày xéo thân xác. Tôn trọng con người trước hết phải tôn trọng thân xác của họ. Không thể nhân danh đạo đức, luật pháp để chà đạp lăng nhục con người.

Nguyễn Du là một nhà thơ lớn, đại thi hào của dân tộc. Không phải bởi chỉ khối lượng tác phẩm đồ sộ, mà còn bởi tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời của ông. Những nhân vật phụ nữ của Nguyễn Du đã trở thành chuẩn mực để so sánh, vừa chân thực, nhưng vẫn đầy tính nghệ thuật.

Xem thêm:

Thảo Nguyên

Nổi trội hơn cả là Mị trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, nhân vật “Vợ nhặt” trong tác phẩm cùng tên của Kim Lân và người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Các nhân vật đều mang hoàn cảnh, số phận đáng thương nhưng ở họ vẫn toát lên những phẩm chất đáng quý của người phụ nữ Việt Nam.

Mị: Thức tỉnh

“Vợ chồng A phủ” là câu chuyện xoay quanh hai nhân vật Mị và A Phủ. Mị là cô gái Hồng Ngài trẻ đẹp, tài hoa, hiếu thảo. Vì cha mẹ trót vay nợ nặng lãi của nhà thống lí Pá Tra mà Mị đã bị bắt theo tục cướp vợ của người Mèo, về làm vợ A Sử, làm dâu thống lí với thân phận gạt nợ và bị thần quyền trói buộc.

Tô Hoài đã thành công trong việc xây dựng con người thức tỉnh qua nhân vật Mị với những lần trỗi dậy sức sống tiềm tàng.

Lần thức tỉnh thứ nhất, Mị đã trốn về nhà gặp cha với hai tròng mắt đỏ hoe và nắm lá ngón. Sống trong ngôi nhà địa ngục của thống lí Pá Tra thì cuộc sống còn tệ hơn cái chết. Nhưng Mị lại nghĩ đến cha, nếu Mị chết thì cha còn khổ gấp trăm lần thế. Mị đành tồn tại trong nhà thống lí với một cái xác không hồn.

Lần thức tỉnh thứ hai, Tô Hoài miêu tả mùa đông với những chiếc váy hoa được đem ra phơi trên những mỏm đá xòe và những trận gió rét dữ dội. Điều đó đã tác động đến Mị, Mị ngước mắt lên, Mị thấy xuân về, tai thì nghe thấy tiếng sáo văng vẳng. Tác giả đã chọn lựa thanh âm đặc trưng vùng cao để đưa Mị đi từ cõi quên về cõi nhớ, từ hiện tại về quá khứ. Bởi tiếng sáo là một phần tâm hồn Mị, tiếng lòng của Mị. Nghĩ về quá khứ và hiện tại, Mị bỗng nhận thức về thời gian và tuổi tác: “Mị còn trẻ, Mị còn trẻ lắm”. Rất thành công và tài năng, Tô Hoài miêu tả chân thực, rõ nét tâm trạng thức tỉnh để dẫn đến hành động nổi loạn của Mị. Trong cơn say, “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng…”. Nhưng lần này cũng thế, Mị bị thế lực tàn bạo vùi dập. Mị nửa tỉnh nửa mơ, tâm trạng vẫn muốn “vùng bước đi” khi cả cơ thể bị trói chặt vào cột nhà.

Lần thức tỉnh thứ ba, Tô Hoài đã để Mị đối diện với tình cảnh của A Phủ. Sự chai sạn và vô cảm đã khiến Mị “thản nhiên” mấy ngày liền. Nhưng “khi nhìn thấy dòng nước mắt A Phủ bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”, Mị đồng cảm người cùng cảnh ngộ và hình dung tình cảnh sắp tới của A Phủ. Mị cũng nhận thức sự bất công, tàn độc của giai cấp thống trị. Những suy nghĩ đó đã đưa Mị đi tới một hành động quyết liệt, táo bạo: “Cắt dây trói cho A Phủ”. Và khi A Phủ chạy, Mị đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, giữa sự tự do và nô lệ. Cuối cùng, “Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi”.

Để khắc họa nhân vật thức tỉnh, tác giả đã vận dụng thành công nghệ thuật miêu tả tâm lí và hành động, nghệ thuật xây dựng tình tiết truyện hợp lí nhằm khẳng định sự đồng tình với tinh thần phản kháng, đấu tranh của những người bị áp bức và vạch ra con đường để họ tự giải phóng chính mình.

Người vợ nhặt: Khát sống

Nếu như Mị hiện lên dưới cái nhìn của Tô Hoài là một người phụ nữ với số phận đầy bi kịch nhưng từ sâu thẳm tâm hồn là sức sống tiềm tàng, mãnh liệt thì khi đến với nhân vật người “vợ nhặt” trong tác phẩm của Kim Lân, ta sẽ cảm nhận được cái niềm khao khát được sống của một người phụ nữ không tên.

Cô “vợ nhặt” là một người đàn bà bị cái đói xô đẩy đến tình cảnh éo le và thương tâm, bị dồn nén đến mức đối diện với nguy cơ chết đói nên có lúc bên ngoài thành ra trâng tráo, trơ trẽn. Nhưng đó không phải là bản chất vốn có của chị. Trên đường theo Tràng về nhà, chị không khỏi cảm thấy ngượng ngùng xấu hổ, (có phần tủi nhục) và lo lắng phấp phổng vì không biết điều gì đang chờ đợi phía trước. Nhà văn dường như đã hiểu thấu đến tận cùng nỗi lòng của chị nên thể hiện một cách thật tinh tế những gì đang xảy ra trong lòng người đàn bà kể từ khi chị đặt bước trên con đường xa lạ về nhà chồng.

Chị rơi vào tình cảnh bất đắc dĩ phải theo không Tràng để tìm một nơi nương tựa qua ngày, hi vọng có thể tránh được cái chết đói. Vì thế, khi tận mắt chứng kiến gia cảnh của Tràng, đó là một cái nhà rúm ró, trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những bụi cỏ dại thì chị không nén nỗi một tiếng thở dài. Nhưng trước sự cảm thông, yêu thương đùm bọc của gia đình Tràng, chị đã cùng với mẹ chồng xăm xắn quét dọn, thu vén lại nhà cửa, vườn tược như một cô con dâu thực sự vào sáng hôm sau. Hình ảnh cờ đỏ bay phấp phới trong câu chuyện của chị gợi ra trong bữa ăn sáng cũng là một dụng ý nghệ thuật, nhằm khẳng định khát vọng và sức sống mạnh mẽ của những con người như chị.

Nhà văn Kim Lân đã đặt tấm lòng nhân đạo vào cái nhìn đầy cảm thông, yêu thương của bà cụ Tứ dành cho cô vợ nhặt. Đó cũng là lời khẳng định đối với những số phận đáng thương nhưng có một tâm hồn đáng quý: “Dù kề bên cái chết, họ vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và hi vọng ở hiện tại, vẫn muốn sống, sống cho ra người”.

Những tác phẩm văn học về người phụ nữ

“Vợ chồng A Phủ”, “Vợ nhặt” và “Chiếc thuyền ngoài xa” được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn 12. Ảnh minh họa

Người đàn bà hàng chài: Đầy ám ảnh

Bước vào thế giới nhân vật của Nguyễn Minh Châu, không hiểu sao, đôi mắt và trái tim ta như bị hút theo người đàn bà hàng chài không tên, không nhan sắc. Nói chính xác hơn, những trận đòn và cuộc sống lao động khắc nghiệt đã bẻ gãy những nét duyên của một người phụ nữ. Chị trạc ngoài bốn mươi, khuôn mặt thô kệch, mặt rỗ. Lúc nào cũng xuất hiện với gương mặt mệt mỏi, người đàn bà ấy đã trải qua một cuộc đời nhọc nhằn lam lũ. Số phận lận đận của chị dường như đã được báo hiệu ngay ở cái tuổi thanh xuân: “Từ nhỏ tôi đã là một đứa con gái xấu xí, lại rỗ mặt, sau một bận lên đậu mùa…”. Những dòng tâm tư được nói ra với giọng điệu bằng bằng như một tiếng thở dài, kìm nén bao cảm xúc. Người đàn bà ấy chầm chậm kể ra bất hạnh của đời mình. Giá như có nhan sắc, số phận đã không đưa đẩy chị đến với người chồng miền biển này; giá như không quá khổ cực trong cuộc sống, ghe thuyền chật hẹp vất vả, chồng chị đã không đến nỗi dữ dằn, hung tợn…

Cuộc đời quá cơ cực của chị luôn phải đối mặt với hai cơn bão táp: Bão táp từ biển khơi lạnh lùng và bão táp từ người chồng vũ phu, thô bạo. Người đàn bà ấy khốn khổ và chật vật để lo từng bữa cơm, manh áo cho gia đình. Đói khổ đã trở thành nỗi ám ảnh luôn thường trực trong cuộc sống của chị. Chị đã phải oằn mình chịu đựng những bi kịch, chịu đựng những trận đòn roi chỉ để mong có được niềm hạnh phúc thật bình dị, thật nhỏ nhoi: “Vui nhất là lúc nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”. Phải chăng, đó chính là cái thứ ánh sáng lấp lánh của hạt ngọc tình mẫu tử, tấm lòng bao dung vị tha và đức hi sinh của những người phụ nữ lao động với nhiều cơ cực tối tăm. Tuy nhiên, những hạt ngọc đó còn quá lấm láp và nhiều tì vết bởi nó còn lẩn trong bùn đất, trong cát bụi của sự nghèo đói, lạc hậu…

Hình ảnh người đàn bà hàng chài đã để lại nhiều ám ảnh trong lòng người đọc. Đó là những ám ảnh về nhân quyền, về những cuộc chiến còn ngấm ngầm diễn ra, về cái đẹp bị che khuất sau những lo toan nhọc nhằn đời thường, về cách nhìn cuộc đời và về mối quan hệ giữa đời sống và nghệ thuật chân chính.

*   *  *

Như vậy, Tô Hoài với “Vợ chồng A Phủ”, Kim Lân với “Vợ nhặt” và Nguyễn Minh Châu với “Chiếc thuyền ngoài xa” đã góp thêm một sức sống tiềm tàng mãnh liệt, một niềm khao khát sống, một niềm tin yêu và đức hi sinh cao cả đến mức ám ảnh. Ba tác giả không những thể hiện sự quan tâm, đồng cảm với những số phận bất hạnh mà họ còn trân trọng, ngợi ca những phẩm chất cao quý của người phụ nữ.

Hình tượng người phụ nữ trong giai đoạn 1945 đến hết thế kỷ XX đã trở thành tượng đài văn học bất tử, trường tồn trong tâm thức người đọc. Bởi họ là những con người đáng thương nhưng đáng trọng, không bao giờ chịu khuất phục trước hoàn cảnh, luôn đi tìm, hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống; như nhà văn Nguyễn Khải đã từng viết: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những gian khổ, hi sinh, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”.

Hình tượng người phụ nữ trong giai đoạn 1945 đến hết thế kỷ XX đã trở thành tượng đài văn học trường tồn trong tâm thức người đọc. Bởi họ là những con người đáng thương nhưng đáng trọng, không bao giờ chịu khuất phục trước hoàn cảnh, luôn đi tìm, hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống; như nhà văn Nguyễn Khải từng viết: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những gian khổ, hi sinh, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy.”