Phân tích tâm trạng của Chí Phèo khi an bát cháo hành

Nam Cao là nhà văn chủ nghĩa hiện thực của văn học Việt Nam giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1945. Tác phẩm kiệt tác để lại tên tuổi của ông là “Chí Phèo” phản ánh nỗi thống khổ, cơ cực của người nông dân trong xã hội cũ. Nhân vật cùng tên truyện để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả đặc biệt là diễn biến tâm trạng của Chí sau khi gặp thị Nở- quãng thời gian hồi sinh ngắn ngủi nhưng giàu giá trị nhân đạo mà nhà văn dành cho nhân vật của mình.

Chí Phèo bản chất vốn là một người hiền lành, chất phác nhưng vô tình bị xã hội đẩy đến mức đường cùng, đại diện cho cường quyền ấy là Bá Kiến vì ghen với Chí được bà Ba “quý mến” mà tìm mọi cách cho hắn đi ở tù. Bảy tám năm đi biệt khi quay trở về làng Vũ Đại Chí là một kẻ mất nhân hình lẫn nhân tính để cho thế lực hắc ám như cụ Bá hoàn thành nốt công đoạn biến thành con quỷ dữ mà mọi người đều ghê sợ và xa lánh, Chí trở thành tay sai đắc lực cho Bá Kiến kể từ đó hắn chỉ chuyên hành nghề rạch mặt ăn vạ, cướp của giết người. Cuộc đời hắn chìm trong men say hết ngày này qua ngày khác chưa bao giờ hắn tỉnh để biết mình còn tồn tại có mặt ở trên đời.

Nam Cao không nhẫn tâm để nhân vật của mình sống mãi là kiếp thú vật nên đã cho thị Nở xuất hiện cùng bát cháo hành tình người và tình cảm chân thành đánh thức lương tri Chí sau những ngày bị vùi lấp. Đoạn văn miêu tả tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp thị Nở chứng tỏ tài năng khám phá và phân tích tâm lí nhân vật của Nam Cao.

Hôm ấy, sau trận nôn mửa lúc nửa đêm khi đã ngủ cùng thị Chí Phèo tỉnh dậy sau một cơn say rất dài “hắn thấy miệng đắng, lòng buồn mơ hồ”. Lần đầu tiên kể từ ngày trở về hắn nghĩ đến rượu mới cảm thấy rùng mình “hắn sợ rượu cũng như những người ốm sợ cơm”. Hắn cảm nhận được âm thanh của cuộc sống “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá”… Những âm thanh ấy ngày nào cũng có nhưng đây là lần đầu tiên Chí tỉnh để nghe thấy và cảm nhận tiếng gọi tha thiết của sự sống.

Chí nhận thức được bản thân mình về quá khứ, hiện tại và tương lai. Tiếng bàn tán của người bán hàng gợi nhớ về quá khứ tươi đẹp của Chí từng ước mơ về một gia đình nho nhỏ “Chồng cuốc mướn, cày thuê vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Đó là ước mơ, là khao khát của anh canh điền hiền lành chất phác. Nhưng éo le thay điều đó không thành hiện thực để rồi giờ đây trong hiện tại “hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc”, “hắn đã tới cái dốc bên kia của đời”, cơ thể đã hư hỏng ít nhiều. Chí phèo cũng đã nghĩ về tương lai và “trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”. Sau những ngày sống như vô thức qua một trận ốm Chí đã tỉnh dậy và suy nghĩ về cuộc đời mình. Như vậy với khả năng nhận thức về ngoại cảnh và nhận thức về chính mình Chí đã tỉnh dậy và hồi sinh trở về với kiếp người.

Thị Nở xuất hiện với bát cháo hành và tình thương yêu dành cho Chí khiến hắn vô cùng ngạc nhiên, xúc động và trỗi dậy mong muốn được làm người lương thiện. Đây là đoạn văn mang nhiều giá trị nhân đạo nhất mà nhà văn dành cho nhân vật của mình. Trưa hôm ấy Chí được săn sóc bởi đôi bàn tay của thị. “Hắn thấy mắt hình như ươn ướt. Bởi vì lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho.” Bởi xưa nay hắn toàn phải cướp giật hoặc dọa nạt chứ nào ai cho không hắn cái gì ấy vậy mà thị lại giàu tình thương, sự cảm thông chia sẻ và quan tâm để làm điều đó cho hắn. Hắn cảm động vô cùng. Giọt nước mắt hạnh phúc được trở lại làm người đã chảy ra, hắn đã thực sự cảm nhận được mùi vị của tình người. Thị chính là hiện thân của tình người với bát cháo hành là liều thuốc giải độc cho cơn sốt bất thường và chữa lành vết thương tâm hồn bị sứt mẻ, bị bóp méo bấy lâu của Chí. Hắn đối với thị hiền lành biết bao “Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người?” Giờ đây hắn khao khát được làm người lương thiện: “Trời ơi hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được.” Nhà văn đã cho ta thấy khao khát hoàn lương một cách khẩn thiết và rõ rệt trong con người Chí, hắn đã đặt tất cả hy vọng và niềm tin vào thị Nở.Thị chính là cầu nối để Chí hòa nhập với mọi người và trở về với xã hội của những tấm lòng lương thiện. Chí muốn quay lại làm một người bình thường sống cuộc sống bình dị như trước đây chấm dứt những tháng ngày đen tối và tội lỗi.

Cũng như bao người khác khi nhận thức được giá trị của bản thân Chí khao khát có một hạnh phúc gia đình “Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?” đây là một lời gợi ý cho một cuộc sống mới cũng là một lời tỏ tình rất bình dị với sự bẽn lẽn của một anh canh điền hiền lành chất phác. Trong con mắt của kẻ say tình những điều xấu xí nhất của người đàn bà xấu xí như thị đối với Chí lại trở nên đáng yêu và có duyên “Xấu mà e lệ thì cũng đáng yêu”. Nam Cao để cho con mắt của một kẻ lưu manh tha hóa biến thành con quỷ dữ nay trở lại làm người lại nhìn thấy vẻ đẹp tiềm ẩn trong thị bị xã hội vùi lấp không nhìn thấy. Người đàn bà ấy tuy vẻ bên ngoài “Xấu ma chê quỷ hờn” bởi dòng giống con nhà mả hủi lại có tấm lòng nhân hậu và tình thương ngập tràn dành cho Chí. Năm ngày bên nhau của đôi lứa ngắn ngủi trôi qua trong những phút giây hạnh phúc, Chí trong khoảng thời gian ấy được sống là chính mình. “Hắn không còn kinh rượu nhưng cố uống thật ít. Để cho khỏi tốn tiền, nhưng nhất là để tỉnh táo để yêu nhau.” Chí đã ý thức được rằng mình có gia đình và cần phải chăm lo cho điều ấy. Đáng tiếc thay thị lại là một người dở hơi đem câu chuyện tình về hỏi ý kiến của bà cô già gây ra bi kịch bị cự tuyệt làm người cho Chí bởi định kiến xã hội.

Như vậy tâm trạng nhân vật chí Phèo sau khi gặp thị Nở đã được nhà văn miêu tả chi tiết tỉ mỉ đi sâu vào ngóc ngách trong tâm hồn để khám phá ra những điều mới mẻ trong nhân vật. Nhưng giá trị nổi bật nhất của Nam Cao làm nên thành công của tác phẩm là ở chỗ: “Khi miêu tả người nông dân bị lưu manh hóa, Nam Cao không hề bôi nhọ người nông dân mà trái lại đã đi sâu vào nội tâm nhân vật để phát hiện và khẳng định nhân phẩm của họ, ngay trong khi họ đã bị xã hội cướp đi cả nhân hình, nhân tính”.

Nam Cao đã khéo lột tả nội tâm nhân vật Chí Phèo trong những ngày hồi sinh khi gặp thị Nở với cách sử dụng ngôn ngữ sinh động, giản dị nồng ấm hơi thở đời sống thường ngày của người nông dân để lại giá trị nhân đạo cao đẹp sống mãi với thời gian. Bản chất lương thiện và khát khao hạnh phúc là bản tính tự nhiên tốt đẹp của con người không bao giờ bị mất đi dù cho bị quỷ dữ tha mất linh hồn nhưng chỉ cần được thắp sáng bởi ngọn lửa tình người nó lại trỗi dậy đòi quyền sống mãnh liệt. Qua đó cũng cho ta bài học nhận thức rằng chỉ có tình thương mới cảm hóa được trái tim sắt đá, cô độc và mỗi chúng ta sống trong cộng đồng người hãy biết yêu thương, chia sẻ cảm thông cho nhau bởi “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương”.

 BẠN THAM KHẢO NHA THẤY ĐC THI CHO MIK XIN VOTE 5 SAO NHA

KO ĐC THI THUI

Phân tích tâm trạng của Chí Phèo khi an bát cháo hành

Nam Cao là cây bút hiện thực phê phán xuất sắc, là nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn của nền văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Sáng tác của ông chủ  yếu ở hai mảng đề tài …

Mục Lục bài viết:
1. Bài mẫu số 1
2. Bài mẫu số 2
3. Bài mẫu số 3


Đề bài: Phân tích hình ảnh bát chào hành Thị Nở

3 bài văn mẫu Phân tích hình ảnh bát chào hành Thị Nở

Bài mẫu số 1: Phân tích hình ảnh bát chào hành Thị Nở

Nam cao đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam một tác phẩm mang giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, đó là tác phẩm Chí Phèo. Các nhân vật trong truyện là những con người hiền lành lương thiện nhưng do xã hội xô đẩy khiến họ thành những con người mất hết lương tri. Hình ảnh bát cháo hành trong truyện chính là phần thưởng quý giá mà tác giả ban tặng cho nhân vật, tạo cơ hội cho nhân vật trở về với cuộc sống đời thường.

Hình ảnh Chí Phèo hiện lên trước mắt người đọc trong những trang đầu của tác phẩm là một người ngang ngược, độc ác, xấu xa. Chí cứ sống trong men say và trở thành tay sai đắc lực cho Bá Kiến. Rồi một ngày Chí gặp thị nở, bát cháo hành của thị đã thức tỉnh lương tri đã mất từ lâu của Chí. Nếu như trước đây, Chí chỉ biết uống rượu, chửi bới, dọa nạt, cướp giật, nằm vạ... thì giờ đây khi được ăn bát cháo hành của thị Nở, hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ. Ổi sao mà hắn hiền...? Bát cháo có gì đâu, một chút cháo, vài cọng hành và ba hạt muôi mà hiệu quả thật không ngờ, bát cháo hành quả là liều thuốc giải độc. Nó vừa giúp Chí Phèo thoát ra khỏi cơn Ốm sau khi say rượu vừa khơi dậy bản chất ý thức con người ở Chí. Phải chăng bát cháo hành đơn sơ chân quê đó đã được nấu bằng tất cả tấm lòng yêu thương chân thật của thị Nở? Đúng vậy, "bát cháo hành" tượng hình cho tình cảm của thị Nở với Chí Phèo, một tình cảm dịu dảng, giản dị nhưng đong đầy ân tình, nhân nghĩa... Đó là thứ tình cảm thiêng liêng giữa con người với con người, thứ tình cảm đó có thể cảm hóa được con người, khiến họ từ bỏ những cái xấu xa để sống đúng với bản chất vốn có của một con người.

Từ khi biết làm người đến giờ Chí chưa được ai nấu cho ăn bao giờ, khi nhận được bát cháo của thị Nở, chẳng biết thị nấu ngon dở thế nào nhưng đối với hắn thì đó là bát cháo ngon nhất trong cuộc đời hắn. Chí ăn ngon lành, trong lúc đang húp bát cháo, ta thấy hiện lên trên nét mặt hắn một niềm xúc động, cái thứ từ lâu đã không còn tồn tại trong con người hắn. Đỉnh điểm của sự xúc động ấy đã khiến Chí bật khóc. Hắn đã khóc vì "lần thứ nhật hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay nào hắn có thấy tự nhiên ai cho cái gì... Hắn đã nhìn bát cháo bốc khói mà "bâng khuâng, vừa vui vừa buồn và một cái gì nữa giông như là ăn năn... Tự bao giờ những tình cảm con người đã thức dậy trong tâm can "con vật lạ, con quỷ dữ" của làng Vũ Đại ấy. Bên cạnh Chí, thị Nở múc cháo "nhìn trộm hắn rồi lại cười toe toét. Trông thị thế mà có duyên...". Lần đầu tiên, Chí đã biết đến cái duyên của một con người. Rồi hắn nhớ lại khi xưa, nghĩ về quá khứ của mình khi phải săn sóc cho "bà ba", phải làm những việc xấu xa, hắn đã thấy nhục hơn là thích, rồi hắn thấy sợ. Xưa kia, cũng như bây giờ, hắn thật trong sáng, lương thiện. "Vì vậy bát cháo hành của thị Nở làm hắn suy nghĩ nhiều. Hắn có thể tìm bạn được, sao lại chỉ gây thù?" Thật kì diệu, những sự chăm sóc giản dị đầy ân tình và tình yêu thương mộc mạc chân thành của thị Nở đã đánh thức dậy bản chất lương thiện của người nông dân lao động trong hắn. Đây là một đoạn văn tuyệt bút, đầy chất thơ.

Đoạn văn tả cảnh ăn cháo của Chí khiến Chí thành con người thật đáng trân trọng. Bao ngày tăm tối của Chí giờ đã qua, Chí được trở thành một con người bình thường, được hưởng những điều kiện tối thiểu của con người. Khi thị Nở bê cháo đến bên hắn, hắn nhận bát cháo và ăn, "hắn càng ăn mồ hôi lại càng nhiều", và tât nhiên với một người cảm gió, mồ hôi ra được nhiều là sẽ khỏi. Hắn cũng thế, đỡ khỏi bệnh. Hắn đã cảm nhận được vị ngon của cháo: "Trời ơi! Cháo mới thơm làm sao... những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo ăn rất ngon... Nhưng tại sao mãi đến bây giờ hắn mới nếm vị mùi cháo". "Hắn tự hỏi rồi lại tự trả lời... Đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một tay đàn bà..." Bát cháo hàng đã nói lên tình cảm mà thị dành cho hắn, Một tình cảm ngàn vàng giữa hai con người cùng cảnh ngộ khốn cùng. Phải nói rằng tác giả đã dành rất nhiều tình cảm cho Chí, mới có thể lột tả được nội tâm của Chí chi tiết đến như vậy. Nam Cao đã cho người đọc hình dung được bản chất tốt đẹp, rất đời thường vẫn luôn thường trực trong con người Chí, nó cần có cơ hội mới có thể bộc lộ được.

Thị Nở xuất hiện đúng lúc cuộc đòi Chí không còn một lối thoát, bát cháo hành của thị đến khi Chí thèm được ăn. Chính những điều này đã làm sống lại bản chất lương thiện trong con người hắn. Xây dựng lên hình ảnh thị Nở với bát cháo hành chính là tấm lòng nhân đạo của nhà văn đối với nhân vật của mình. Tác giả muốn chứng minh với người đọc rằng, những con người xấu xa, độc ác, mất hết tính người không phải do tự bản thân họ như thế mà do xã hội đã cướp mất quyền làm người của họ, đẩy họ thành quỷ dữ rồi ghét bỏ họ.

Sau khi đã Phân tích hình ảnh bát chào hành Thị Nở các em có thể đi vào Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao qua Chí Phèo hoặc tham khảo Phân tích đề tài người nông dân và Chí Phèo nhằm củng cố kiến thức của mình.

Bài mẫu số 2: Phân tích hình ảnh bát chào hành Thị Nở

Nếu như anh cu Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân đã đãi người vợ nhặt của mình một chập bốn bát bánh đúc và một bữa ăn thật no nê trước khi "rước nàng về dinh" thì thị Nở của Nam Cao trong Chí Phèo lại đãi Chí một bát cháo hành thơm phức do chính tay mình nấu. Không cầu kỳ hoa mỹ, cũng không cao sang giàu có, bát cháo hành thấm đượm tình người, tình yêu và sự thiện lương trong sáng mà một người đàn bà dở hơi, xấu xí dành cho kẻ tội đồ cùng quẫn đang chìm trong cơn say u mê giữa cuộc đời cô độc.

Chí cô độc vì Chí không cha không mẹ, không người thân thích. Chí bị nhà Bá Kiến đẩy vào tù trong nỗi oan ức, căm hận. Ra tù, Chí từ một người hiền lành tử tế trở thành một thằng săng đá khiến cả làng Vũ Đại khinh sợ. Chí ngập ngụa trong những cơn say rượu triền miên. Chí rạch mặt ăn vạ, rồi vô tình làm tay sai chuyên đi đòi nợ thuê cho Bá Kiến để có tiền uống rượu. Cũng trong cơn say ấy, Chí đã gặp thị. Hai con người bần cùng nhất của làng Vũ Đại, của xã hội quấn vào nhau. Để rồi, sau trận ấy, Chí lên cơn sốt hừ hừ. Thị thương tình nấu cho "người yêu" bát cháo hành để giải sốt. Đang ốm thế thì chỉ có ăn cháo hành, ra được mồ hôi thì là nhẹ nhõm người ngay đó mà... Thế là vừa sáng thị đã chạy đi tìm gạo. Hành thì nhà thị may lại còn. Thị nấu bỏ vào cái rổ, mang ra chi Chí Phèo. Bát cháo ấy làm Chí hết sức ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì. Hắn vẫn phải dọa nạt hay là giật cướp. Hắn phải làm cho người ta sợ. Hắn nhìn bát cháo bốc khói mà bâng khuâng.

Bát cháo hành đã làm cho Chí tỉnh thức sau cơn say dài triền miên, sau những tháng ngày ngập chìm trong bóng tối. Lúc này, Chí không còn ngật ngưỡng vừa đi vừa chửi với chai rượu ôm trong tay nữa. Tình người đang nhen nhóm trong Chí. Hắn cầm lấy bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới thơm làm sao ! Chỉ khói xông vào mĩ cũng đủ làm người nhẹ nhóm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng : những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành ăn rất ngon. Nhưng tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm mùi vị cháo ? Có thể lúc này Chí đang rất đói vì đó là biểu hiện thông thường của những kẻ say rượu khi tỉnh. Lúc đói ăn gì cũng thấy ngon. Nhưng với Chí thì khác, Chí không những say rượu mà còn say trong cơn say tội lỗi, tối tăm. Hương cháo hành đã làm Chí tỉnh thức. Và bây giờ Chí đang say thị. Một cơn say thánh thiện, một cơn say tình yêu. Lần đầu tiên Chí được săn sóc bởi một bàn tay "đàn bà". Dẫu thị có là người dở hơi, xấu xí tới mức ma chê quỷ hờn nhưng không ai có thể phủ nhận tấm lòng của thị khi tình nguyện nấu cho Chí một bát cháo hành ngon lành đến thế. Chí bắt đầu cảm nhận được những hương vị của cuộc sống giản đơn xung quanh mình. Tiếng mái chèo gõ cá, tiếng chim hót, tiếng người nói lao xao... Những thứ ấy ngày nào cũng có nhưng bị khỏa lấp trong men rượu nên Chí chẳng thể nào cảm nhận được. Chí nghĩ đến những tháng ngày ở nhà Bá Kiến, bị bà ba sai khiến. Chí hiểu rằng sự ham mê của bà ba không phải là tình yêu mà chỉ là một điều nhục nhã, dơ bẩn. Hắn chưa được một người đàn bà nào yêu cả, vì thế mà bát cháo hành của thị Nở làm hắn suy nghĩ nhiều. Hắn có thể tìm bạn được, sao lại chỉ gây kẻ thù ? Dường như phần người trong Chí đang dần tỉnh dậy. Chí nhận ra rằng mình vẫn còn cơ hội làm lại từ đầu, làm hòa với mọi người và chính thị sẽ là cầu nối cho hắn.

Bát cháo hành tình nghĩa đã làm thay đổi cuộc đời Chí. Lúc này trông Chí rất hiền. Một người đàn bà dở hơi như thị cũng dễ dàng nhận ra điều đó. Dù trên khuôn mặt Chí đã hằn in bao vết sẹo dài sau mỗi lần rạch mặt ăn vạ, nhưng từ trong sâu thẳm đôi mắt ăn năn, Chí đang khát khao được quay trở lại làm người lương thiện. Nếu như bát cháo ấy cũng do Chí giành giật mà có được, hẳn nó sẽ không mang lại nhiều thay đổi cho Chí như vậy. Bởi bát cháo được nấu lên từ tình yêu chân thành, từ tấm lòng lương thiện của thị Nở, từ chính lòng đồng cảm, xót thương của nhà văn Nam Cao. Yêu nhau, người ta chăm sóc cho nhau là chuyện bình thường. Nhưng với Chí, điều ấy đáng quý, đáng trân trọng hơn bao giờ hết. Bởi lúc gặp thị, Chí đang ở tận cùng, tận đáy của nỗi đau, nỗi tuyệt vọng. Không một ai nhìn nhận Chí là một con người nữa. Vậy mà thị không những làm quen với Chí mà còn yêu Chí, thương Chí bằng một tình yêu rất thật, rất tự nhiên. Hoặc cũng có thể tình yêu là mù quáng. Nhưng rõ ràng, bát cháo hành vẫn ẩn chứa tình người thiêng liêng vô cùng. Một người chưa từng được ăn cháo hành sẽ thấy nó rất ngon, nhưng với Chí, nó không những ngon mà còn rất ý nghĩa. Nó làm cho Chí tỉnh. Lúc tỉnh táo, hắn cười nghe thật hiền. Thị Nở lấy làm bằng lòng lắm. Bây giờ thì mấy bát cháo ý chừng đã ngấm. Hắn thấy lòng rất vui.

Bát cháo ấy còn là hiện thân của lòng đồng cảm và sự xót thương của chính nhà văn dành cho đứa con đẻ Chí Phèo của mình. Đồng thời đó cũng là tình cảm dành cho những người nông dân đang cùng quẫn như Chí, đang sống lay lắt dưới chế độ phong kiến tàn ác, bất nhân. Giữa xã hội ấy, họ phải dành lấy mà ăn, kẻ nào mạnh sẽ sống, kẻ yếu sẽ chết dần chết mòn. Và trong lúc Chí đang dần đi vào cõi chết một cách tội lỗi thì bát cháo hành của thị đã làm Chí bừng tỉnh. Chí quay đầu lại, làm lại từ đầu.

Mặc dù sau đó, thị đã cự tuyệt tình yêu của Chí, đã bỏ rơi Chí giữa những tuyệt vọng phũ phàng. Dù Chí lại tìm đến rượu nhưng lần này hơi cháo hành đã lấn át men rượu, làm Chí càng uống càng tỉnh. Chí tỉnh nên tất nhiên Chí biết mình phải làm gì. Chí đã đến giết Bá Kiến rồi tự vẫn. Không còn một anh Chí hiền lành hay một con quỷ dữ mang tên Chí Phèo nữa.

Nhưng sau câu chuyện, hình ảnh bát cháo hành vẫn gợi lên cho người đọc bao nghĩ suy. Bát cháo hành là sự nhân đạo, thể hiện tình người cao quý thiêng liêng, làm thay đổi cái nhìn của người khác về một kẻ tội đồ. Ai cũng nhìn Chí bằng con mắt khinh sợ. Nhưng sau khi nhận được ân huệ là một bát cháo của thị Nở, được nấu bằng tình yêu thương thực sự, Chí đã trở lại con người của chính mình. Đó là một ý nghĩa rất nhân văn. Rằng những kẻ tội lỗi rất cần được sự quan tâm của mọi người xung quanh. Đừng hắt hủi họ. Có thể họ đang cảm thấy tự ti, xấu hổ, đang muốn dấn sâu thêm vào tội lỗi, nhưng khi nhận được tình cảm thật sự, tâm hồn họ sẽ được cảm hóa. Trong xã hội ngày nay, có biết bao người đang sống trong lầm lỗi. Đừng chỉ nhìn họ bằng ánh mắt khinh thường, ghét bỏ, bởi phía sau những tội ác họ gây ra, hẳn vẫn còn trắc ẩn chút ít lòng lương thiện. Vậy hãy dùng lòng lương thiện của mình để làm sống lại lòng lương thiện của họ. Thị Nở chỉ là một người đàn bà dở hơi, sở hữu "nhan sắc trời cho" dẫu xấu tới mức ma chê quỷ hờn, thị cũng chẳng giàu có nhưng thị vẫn dành cho Chí một tình yêu thương thánh thiện. Còn chúng ta thì sao ? Hãy nghĩ tới bát cháo hành, nghĩ tới những điều đã thay đổi trong cuộc đời Chí sau khi được tận hưởng bát cháo ấy.

Nhà văn Nam Cao đã rất khéo léo khi xây dựng nên hình ảnh bát cháo hành để người đọc thấy rằng tình người mới là thứ đáng quý nhất, đáng trân trọng nhất. Và tình người là khi không phân biệt giàu nghèo, sang hèn... người tội lỗi lại càng cần có tình người hơn. Giống như bát cháo hành đã xoa dịu cuộc đời Chí, giúp Chí lấy lại được phần người trong con người của mình. Chỉ tiếc rằng, trong xã hội ấy, Chí vẫn chỉ là một người nông dân mang thân phận thấp hèn, vẫn bị chế độ phong kiến vùi dập, và Chí đã chọn cái chết để hương cháo hành không bị phôi phai bởi hương rượu nữa...

Bài mẫu số 3: Phân tích hình ảnh bát chào hành Thị Nở

Đề tài người nông dân có thể coi là mảnh đất màu mỡ mà các nhà văn hiện thực 1930 -1945 đã gieo hạt nghệ thuật và gặt hái được những mùa bội thu. Nam Cao là người đến sau khi mà mảnh đất ấy đã được khai vỡ, nhưng bằng tất cả tâm huyết, tình cảm của mình đối với những con người nghèo khổ - những kẻ dưới đáy của xã hội, Nam Cao đã tìm được cho mình một chỗ đứng riêng. Tác phẩm Chí Phèo - đứa con sinh sau đẻ muộn nhưng không chịu thua kém "anh chị" mình vươn mình lên hàng kiệt tác - đỉnh cao của văn học 1930 - 1945. Chí Phèo có được vị trí ấy là bởi giá trị tư tưởng mới mẻ, độc đáo, bởi nghệ thuật viết truyện lôi cuốn, hấp dẫn của ngòi bút Nam Cao. Và một điều không thể không kể đến đó là bởi Nam Cao đã xây dựng thành công những chi tiết nghệ thuật độc đáo: bát cháo hành của Thị Nở.

Bát cháo hành xuất hiện ở gần cuối thiên truyện. Chí Phèo sau khi uống rượu nhà Tự Lãng không về túp lều của mình mà ra thẳng bờ sông. Ở đó bắt gặp Thị Nở - người đàn bà ngớ ngẩn, xấu ma chê quỷ hờn, đi kín nước nhưng ngủ quên ở bờ sông. Khung cảnh hữu tình: trăng lấp lánh trên mặt sông, gió thổi mát rượi và những tàu chuối "giãy đành đạch như hứng tình", cùng với hơi men của rượu đã đưa đến mối tình Chí Phèo - Thị Nở. Sau đêm trăng gió với Thị, Chí bị cảm, Thị Nở thương tình, sau một đêm trằn trọc suy nghĩ, Thị chạy đi tìm gạo và nấu cháo hành mang sang cho Chí.

Bát cháo hành - biểu tượng của tình người ấm nóng duy nhất còn sót lại nơi làng Vũ Đại khô khát yêu thương. Bát cháo hành có lẽ đối với mỗi người nó chỉ là những thứ vặt vãnh, vụn vặt, nhất là khi cháo lại được nấu bởi bàn tay Thị Nở. Cháo ấy có ngon không? Chúng ta không biết, chỉ biết một điều nó chan chứa tình người. Một tình người rất thật, rất hồn nhiên, vô tư, không vụ lợi mà Thị Nở dành cho Chí. Nó chỉ đơn giản là bởi Thị thấy Chí bị "thổ một trận nhọc" mà không có người chăm sóc, bởi Thị nghĩ ốm như thế thì chỉ có ăn cháo hành. Và rất hồn nhiên Thị nấu cháo hành mang sang.

Bát cháo hành - vị thuốc giải cảm cho Chí. Sau khi bị thổ, lần đầu tiên Chí tỉnh, lần đầu tiên cảm nhận được cuộc sống, nghe thấy được những âm thanh xung quanh: "tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá", "tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá", "tiếng những người đi chợ trò chuyện... Một ước mơ xa xăm của một thời nào Chí thấy như xa lắm. Hắn đã từng mơ có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ vốn nuôi một con lợn. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm". Trận ốm đã làm cho hắn thoát khỏi cơn say triền miên mà nhận thức được mình, thấy mình đang ở cái dốc bên kia của cuộc đời, biết sợ tuổi già, ốm rét và cô độc. Trận ốm đã làm cho hắn biết sợ - cái mà có lẽ trước giờ chưa bao giờ hắn nghĩ tới. Thị Nở sang cùng bát cháo hành đưa cho hắn. Nhận bát cháo từ tay Thị mà hắn "ngạc nhiên". Ngạc nhiên cũng đúng thôi vì "từ trước đến giờ đã ai cho hắn cái gì. Muốn cái gì hắn phải dọa nạt hay cướp giật". Một cảm xúc khác thay cho cái ngạc nhiên ban đầu "hắn thấy mắt ươn ướt, một chút gì như là ăn năn". Chí ăn năn về những gì mình đã gây ra, có thể là như lời nhà văn "người ta thường ăn năn về những việc mình làm khi người ta không ác được nữa" nhưng dẫu sao điều ấy là không muộn. Chí ăn cháo hành và thấy "cháo hành ăn rất ngon". Tình người đầu tiên Chí nhận được sao không ngon cho được. Sự chăm sóc đầy ân tình dẫu chăng còn thô vụng của Thị Nở nhưng vẫn đáng quý biết bao. Còn gì quí giá hơn khi người ta ốm còng queo một mình mà lại được một bàn tay chăm sóc. Chí đã khao khát biết bao một bàn tay chăm sóc như thế. Bát cháo hành - sự chăm sóc, quan tâm vô tư của Thị Nở làm Chí nghĩ tới bà Ba Bá Kiến. Hai người đàn bà quan tâm tới Chí nhưng một người mặt hoa da phấn, áo quần là lượt nhưng tâm địa tà dâm chỉ cốt thỏa mình, còn một người xấu ma chê quỷ hờn nhưng tâm địa tốt, quan tâm Chí thật lòng. Bát cháo hành trên tay hơi nghi ngút làm cho Chí "vã mồ hôi ra như tắm". Bát cháo tưởng vặt vãnh đã trở thành liều thuốc giải cảm hữu hiệu cho Chí.

Bát cháo hành - vị thuốc giải độc cho cuộc đời Chí. Không chỉ giải cảm, bát cháo hành - tình người duy nhất đã gợi thức phần lương tri ngủ quên trong lốt "con quỷ dữ Chí Phèo". Từ ăn năn, hối hận, Chí bỗng thấy thèm lương thiện, thèm trở về cuộc sống ngày trước. Bát cháo hành đã dẫn đường cho hi vọng hoàn lương: Thị Nở có thể làm hòa với hắn thì mọi người cũng có thể làm hòa với hắn. Khát khao lương thiện bùng dậy mãnh liệt đã khiến Chí dồn hết hi vọng vào Thị Nở - về cây cầu đưa hắn về với cuộc đời lương thiện. Bát cháo hành đã hoàn thành thiên chức gọi chất người, khơi hòn than đỏ vùi trong lớp tro tàn đang âm ỉ, nó đưa Chí qua một cuộc lột xác để về với sự lương thiện.

Nhưng bát cháo hành cũng chính là chi tiết đẩy bi kịch của Chí lên tới đỉnh điểm, dẫn tới một kết thúc thảm thương đầy đau đớn. Sau năm ngày ở với Chí Phèo, Thị Nở "bỗng nhớ ra mình còn một bà cô trên đời" và quyết định "dừng yêu" để xin ý kiến bà cô. Thị bị bà cô xỉa xói vào mặt và khi quay lại nhà Chí Phèo, Thị chửi Chí bằng tất cả những lời của bà cô và vùng vằng quay về. Chí "ngẩn người ra" và chạy vội ra níu tay Thị nhưng bị Thị dúi cho một cái rồi bỏ về. Chí rơi xuống hố sâu của tuyệt vọng. Thị Nở đã phụ bạc hắn, hắn không còn cơ hội để quay về với cuộc sống lương thiện. Tuyệt vọng, hắn uống rượu nhưng càng uống càng tỉnh và thoang thoảng cứ thấy "hơi cháo hành". Đó là biến thể của "bát cháo hành". Hắn không say, vị ngọt tình người cứ thoang thoảng để hắn đau khổ "khóc rưng rức". Cuối cùng Chí lựa chọn cầm dao đến nhà Bá Kiến, đâm Bá Kiến và tự sát. Hơi cháo hành đã không cho phép hắn trở lại cuộc sống con quỷ một lần nữa. Hắn để trở về lương thiện chỉ còn cách duy nhất là tự sát. Bát cháo hành đã gọi dậy con người trong Chí để nó thức dậy mặc dù chỉ để khổ đau, để phải bi kịch. Nhưng dẫu thế nó cũng không chấp nhận chết đi mãi mãi. Và bát cháo hành chính là cánh cửa đưa nó thoát khỏi kiếp đọa đày.

Bát cháo hành - một chi tiết nghệ thuật mang đầy dụng công của Nam Cao. Nó góp phần thể hiện tư tưởng nghệ thuật của nhà văn: Điều mà chúng ta thiếu đó chính là lòng tốt - một lòng tốt rất bình thường cũng có thể cứu rỗi con người. Và kết cục của Chí Phèo thể hiện một niềm tin của nhà văn: dẫu có bị bầm dập về nhân hình lẫn nhân tính, lương thiện trong con người đặc biệt là những người nông dân cũng không mất đi, nó chỉ cần đợi có cơ hội là sẽ bùng lên mạnh mẽ.

Qua chi tiết nó cũng cho ta thấy một hiện thực mà nhà văn đau đáu: đó là những định kiến làng xã nông thôn đã tước đi quyền được sống của con người... Qua đó nhà văn cũng gióng lên một hồi chuông khẩn thiết đòi thay máu cho xã hội để ít nhất con người được sống lương thiện.

Bát cháo hành - chi tiết đặc sắc đã góp phần làm nên "nhà văn lớn" Nam Cao. Tác phẩm khép lại nhưng dư âm của tình người trong chi tiết nghệ thuật ấy vẫn còn mãi.

Bát cháo hành là một chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng đã cảm hóa, cứu rỗi linh hồn của cả một con quỷ dữ làng Vũ Đại, các em Phân tích hình ảnh bát chào hành Thị Nở trong truyện Chí Phèo để hiểu hơn về dụng ý nghệ thuật của Nam Cao trong việc xây dựng chi tiết đặc sắc này.

Trình bày cảm nhận về âm thanh sự sống trong truyện ngắn Chí Phèo Phân tích nhân vật Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo Phân tích quá trình hồi sinh của Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở Phân tích tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở Cảm nhận về hình ảnh bát cháo hành trong truyện Chí Phèo và hình ảnh bát cháo cám trong Vợ nhặt Phân tích đoạn thơ: "Năm nay đào lại nở... Hồn ở đâu bây giờ ?" trong bài thơ Ông đồ