Tại sao bài hát lại phải có bản quyền

Tin mới Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam BP - Hiện nay, dư luận xã hội đang có nhiều ý kiến và thắc mắc việc hát các ca khúc trong quán karaoke, hát trong quán cà phê, các buổi dã ngoại, sinh hoạt tập thể... có phải trả tiền bản quyền hay không?

Theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009, những trường hợp sử dụng tác phẩm âm nhạc đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 25 của luật này có quy định như sau: Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm: Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân; Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình; Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu; Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại; Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu; Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào; Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy; Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó; Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị; Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.

Tại sao bài hát lại phải có bản quyền
Hát karaoke trong buổi sinh hoạt tập thể như vậy (ảnh) sẽ phải trả tiền bản quyền? - Ảnh: S.H

Theo quy định nêu trên thì việc sử dụng các ca khúc nổi tiếng như “Nối vòng tay lớn”, “Anh em ta về”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, hay những bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Giữa mạc Tư Khoa”... trong các buổi sinh hoạt tập thể đoàn, hội... hoặc phục vụ quần chúng thì sẽ không phải trả tiền. Và vấn đề đặt ra ở đây là tại Khoản 1, Điều 26 của luật này có quy định như sau: Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. Mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác và phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật. Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, theo quy định tại Khoản 1, Điều 26 nêu trên thì trong trường hợp cơ quan, đơn vị tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng và việc tổ chức này có tài trợ, hay có quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. Mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác và phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận. Trường hợp không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào thì phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ.

Như vậy trường hợp việc các quán karaoke sử dụng ca khúc cho khách hàng “biểu diễn” thì có phải trả thù lao hay không? Câu trả lời là có, vì các chủ quán karaoke đã sử dụng tác phẩm, mà cụ thể là các bài hát đã được công bố vào việc kinh doanh dịch vụ karaoke để thu lợi. Chưa hết, thực tế cho thấy, tất cả cơ sở kinh doanh karaoke hiện nay đều mua các đầu karaoke kỹ thuật số từ công ty phát hành nổi tiếng, như: Arirang, California... Và đây cũng  là những đơn vị trực tiếp bán đĩa hát karaoke, nếu như trong trường hợp các đơn vị này đã chi trả một khoản tiền tác quyền cho tác giả của ca khúc được in trong bộ nhớ của đầu máy karaoke, vậy thì các chủ quán karaoke có phải trả thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả nữa không? Và cho đến nay, câu hỏi này vẫn chưa có câu trả lời cụ thể, chính xác từ các cơ quan chức năng.

Thế nhưng, cũng theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009, thì câu trả lời cho câu hỏi trên là các chủ quán karaoke vẫn phải trả thù lao cho tác giả của bài hát. Vì tại Khoản 11, Điều 4 của luật này có quy định như sau: Phát sóng là việc truyền âm thanh hoặc hình ảnh hoặc cả âm thanh và hình ảnh của tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đến công chúng bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả việc truyền qua vệ tinh để công chúng có thể tiếp nhận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn.

Theo quy định nêu trên và với công nghệ mới không dây, tất cả quán karaoke đều sử dụng việc truyền âm thanh từ đầu máy karaoke đến tivi và từ micro trên tay người hát đến máy karaoke đều qua sóng. Do đó, các chủ quán karaoke vẫn phải trả thù lao cho tác giả hoặc người sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Ở đây còn một bất cập nữa là mức thỏa thuận này do các bên tự thương lượng hoặc do cơ quan quản lý nhà nước quy định, nhưng để làm được việc này không phải là dễ. Bởi hầu hết tác giả của những ca khúc nổi tiếng đều đã qua đời hoặc nếu còn sống thì không biết địa chỉ ở đâu để thực hiện giao dịch?

Vì vậy, để Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 đi vào cuộc sống thì những bất cập nêu trên cần sớm được các cơ quan chức năng có giải pháp khắc phục trước khi trình cấp thẩm quyền điều chỉnh lại nội dung của luật này.

N.V

Tại sao bài hát lại phải có bản quyền

Ý kiến ()

Tại sao bài hát lại phải có bản quyền