Tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với du lịch

Rào cản ngoại ngữ đối với ngành du lịch


Đó là kết quả khảo sát gần đây về trình độ ngoại ngữ của hướng dẫn viên du lịch Việt Nam do Trường đại học quốc tế TP Hồ Chí Minh thực hiện và đây cũng là lý do để ngành du lịch Việt Nam có những kế hoạch mới nhằm nâng cao trình độ tiếng Anh của cán bộ công nhân viên, tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp quan trọng này.

Ông Nguyễn Văn Lưu, Vụ trưởng Vụ tổ chức (Tổng cục Du lịch) cho biết. "Chúng tôi đang phối hợp với Toeic Việt Nam để thực hiện áp dụng chuẩn TOIEC đánh giá trình độ tiếng Anh cho lao động ngành du lịch một cách hiệu quả, hỗ trợ công tác quản lý, đánh giá, tuyển dụng lao động".

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, ngành du lịch có khoảng 23 vạn lao động trực tiếp và hơn 500 nghìn lao động gián tiếp, chiếm 2,5% lao động toàn quốc. Chất lượng lao động của du lịch Việt Nam được các nước trong khu vực đánh giá khá tốt, đặc biệt trong lĩnh vực khách sạn. Trong các cuộc thi nghề ASEAN, học sinh Việt Nam đã từng đoạt huy chương vàng đối với cả chế biến món ăn và phục vụ nhà hàng. Tuy nhiên, trên phương diện ngoại ngữ, các thành tích còn rất khiêm tốn, 32% lao động trong ngành biết tiếng Anh; 3,2% biết tiếng Pháp, 3,6% biết tiếng Trung Quốc ở các mức độ khác nhau. Số người sử dụng tiếng Anh giao tiếp tốt, có thể trả lời chính xác tất cả các câu hỏi của khách nước ngoài rất ít, chỉ chiếm khoảng... 10%. Trong khi ngành du lịch Việt Nam đang là điểm nóng với tốc độ tăng trưởng hơn 20%/năm, doanh thu từ ngành này năm 2004 đạt 1,5 tỷ USD thì rõ ràng vốn ngoại ngữ ở trình độ như trên là chưa đáp ứng được yêu cầu và sẽ trở thành rào cản lớn khiến sự tăng trưởng của ngành du lịch trở nên không bền vững.

Đào tạo hướng dẫn viên du lịch đáp ứng được yêu cầu công việc thực tế, cũng như giúp các doanh nghiệp du lịch có thể tuyển chọn và bố trí lao động đúng người, đúng việc là điều rất cần thiết. Kế hoạch mà Tổng cục Du lịch Việt Nam đặt ra là việc tiêu chuẩn hóa lao động ngành du lịch theo chuẩn quốc tế, trong đó tiêu chuẩn hóa khả năng sử dụng tiếng Anh có ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Ông Lưu nhận xét: "Ngay trong khuôn khổ các nước ASEAN, việc công nhận các tiêu chuẩn sẽ là điều kiện thúc đẩy khả năng di chuyển lao động giữa các quốc gia. Nhưng sẽ không thể thực hiện được nếu gặp rào cản ngôn ngữ".

Với những ưu điểm nổi trội như có khung đánh giá rộng (tới 990 điểm); khả năng đánh giá tiếng Anh cho tuyển dụng các vị trí lao động từ cán bộ quản lý cấp cao đến lao động giản đơn, không quá "học thuật" như các chương trình kiểm tra tiếng Anh của TOEFL, IELTS; liên tục được cập nhật và được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới, Toeic của Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS) đã được lựa chọn như chương trình để chuẩn hóa trình độ tiếng Anh cho ngành du lịch.

Ông Nguyễn Văn Mười, Chủ nhiệm khoa Anh, Đại học quốc tế Việt Nam cho biết: "Vấn đề là hiện chưa có một giáo trình nào về văn hóa và thắng cảnh Việt Nam bằng tiếng Anh được xuất bản để sử dụng cho việc đào tạo hướng dẫn viên du lịch".

Trường đại học này cũng đã làm một khảo sát nhỏ khoảng 70% số câu hỏi của khách du lịch nước ngoài, về đời sống hằng ngày và chiến tranh. Các câu hỏi của khách cũng không "bác học" như một số sách hướng dẫn về văn hóa Việt Nam đã được xuất bản. Các chuyên gia về ngoại ngữ cho rằng, các giáo trình chuẩn theo tiêu chuẩn Toeic phải cung cấp được cho người học các nội dung liên quan đến văn hóa Việt Nam, nâng cao các kỹ năng kết hợp đọc - nói - nghe liên quan đến du lịch và khả năng thuyết minh tốt tại các điểm du lịch.

Theo Tổng cục Du lịch, các đơn vị du lịch lữ hành, đặc biệt là các khách sạn có thể áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn Toeic. "Tuy nhiên, để áp dụng hiệu quả chương trình TOEIC, mỗi cơ quan, đơn vị cần phối hợp với TOEIC Việt Nam nghiên cứu yêu cầu năng lực tiếng Anh cần thiết cho mỗi vị trí lao động của đơn vị mình, xác định những yêu cầu ngôn ngữ cá biệt để tuyển dụng lao động hoặc tổ chức đào tạo", ông Lưu khuyến cáo.