Vùng chuyên canh nông nghiệp là gì

Thực hiện chủ trương chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh, ngay từ những năm đầu tái lập, tỉnh ta đã tiến hành quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sau nhiều năm thực hiện quy hoạch, thu hút đầu tư, đến nay, tỉnh ta đã hình thành những vùng chuyên canh cây trồng và vật nuôi. Việc hình thành các vùng chuyên canh cây trồng và vật nuôi, nhất là chuyên canh cây công nghiệp như cao su, cà phê, mía… không những phân bố lại lao động, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn mà còn góp phần quan trọng vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn…

Vùng chuyên canh nông nghiệp là gì

Cây cao su đang được phát triển mạnh ở huyện Ngọc Hồi

Để hình thành và phát triển vùng chuyên canh cây trồng và vật nuôi, ngay từ những năm đầu tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng quy hoạch tổng thể nông nghiệp, đến năm 2001 rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể nông nghiệp, nông thôn cho phù hợp với thực tế địa phương. Có quy hoạch, có chủ trương đúng đắn trong việc thu hút các nhà đầu tư, có cơ chế cho người dân và doanh nghiệp vay vốn, thu hút lao động, từ một vùng đất hoang sơ, bị tác động nhiều của cuộc chiến tranh, đến nay, tỉnh ta đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng có quy mô như: cà phê ở huyện Đăk Hà; cao su ở thành phố Kon Tum, Đăk Hà, Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Kon Rẫy; rừng nguyên liệu giấy ở huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Đăk Hà, Tu Mơ Tông; cây mía ở thành phố Kon Tum; cây lúa nước ở các vùng trũng, ven các con sông, suối lớn ở các huyện; nuôi cá ở các ao, hồ chứa...

Theo Sở NN&PTNT tỉnh, tính đến năm 2012, toàn tỉnh đã phát triển 6.897 ha lúa đông-xuân, 7.151ha ngô, 39.707 ha sắn, 1.823 ha mía, 12.752 ha cà phê, 67.598 ha cao su; đang phát triển rau, hoa xứ lạnh ở huyện Kon Plông; sâm Ngọc Linh ở Tu Mơ Rông. Đàn trâu 20.482 con, đàn bò 62.941 con; nuôi cá trên 1.200 ao, hồ ở các địa phương. Việc hình thành các vùng chuyên canh cây trồng và vật nuôi, cùng với việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi không ngừng được nâng lên. Theo đó, một bộ phận dân cư ở các vùng chuyên canh, nhất là chuyên canh cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, mía... đã giúp cho một bộ phận dân cư có thu nhập tương đối cao, đời sống ổn định, nhà cửa được xây dựng khang trang. Điển hình là một bộ phận dân cư ở vùng chuyên canh mía, cao su, cà phê... ở thành phố Kon Tum, Đăk Hà, Đăk Tô... có thu nhập từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.  

Chăn nuôi gia súc, gia cầm tuy chưa phát triển mạnh, giá trị thu được còn thấp hơn nhiều so với trồng trọt, bởi lẽ việc phát triển chăn nuôi còn nhỏ lẻ ở các hộ gia đình, thiếu những cơ chế, chính sách cho người dân đầu tư xây dựng những trang trại quy mô lớn và để giúp họ học tập, nhân ra diện rộng; việc phát triển chăn nuôi thủy sản, nhất là ở các lòng hồ thủy điện Plei Krông, Ya Ly... còn có hạn. Song, nếu có cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, xây dựng những mô hình chăn nuôi có quy mô để nhân ra diện rộng thì chăn nuôi có thể phát triển.   

Để tiếp tục tạo ra những bước phát triển mới cho nông nghiệp, năm 2012, tỉnh ta thông qua Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2025. Mục của việc quy hoạch lần này là tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng của ngành chăn nuôi và dịch vụ; phấn đấu cơ bản định hình quy mô sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực (cao su, cà phê, đàn trâu, bò…) để phát triển nông nghiệp theo chiều sâu. Theo quy hoạch này, tỉnh tập trung tiếp tục phát triển cây cao su ở diện tích đất chưa sử dụng, đất trồng sắn bạc màu, đất trồng cây hàng năm, đất lâm nghiệp kém hiệu quả và tiến hành trồng thử nghiệm một số giống cao su chịu lạnh ở huyện Kon Plông và huyện Tu Mơ Rông… Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 90.000 ha cao su. Ngoài việc quy hoạch, tỉnh có chủ trương, chính sách huy động nguồn lực để nâng cấp các nhà máy chế biến cao su hiện có trên cơ sở đầu tư, thay thế thiết bị cũ, lạc hậu bằng các công nghệ chế biến cao su tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường hơn. Đối với cây cà phê, tập trung đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất ở diện tích có, chuyển đổi những vườn cà phê già cỗi và mở rộng diện tích cà phê chè vùng Đông Trường sơn (huyện Đăk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông). Tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất, thu hoạch và chế biến cà phê đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Đối với cây mía, rà soát chi tiết quỹ đất để lập quy hoạch chi tiết vùng chuyên canh và có các cơ chế chính sách để nâng diện tích ổn định khoảng 2.500 ha. Cây sắn giảm dần diện tích xuống còn khoảng 20.000 ha và tập trung vào chuyên canh sắn cao sản. Đối với rau, hoa xứ lạnh, tập trung nghiên cứu, phát triển khoảng 2.000 ha tại huyện Kon Plông. Cây sâm Ngọc Linh dự kiến phát triển khoảng 1.000 ha Tu Mơ Rông, Đăk Glei. Chăn nuôi bò phát triển ở tiểu vùng khí hậu núi thấp và tiểu vùng khí hậu máng trũng ở các huyện, thành phố. Hình thức chăn nuôi: bán thâm canh ở những nơi thuận lợi về bãi chăn thả, nguồn nước; thâm canh ở các vùng hạn chế về bãi chăn thả nhưng có lợi thế về nguồn lao động và trình độ người lao động. Chăn nuôi trâu được chú ý phát triển ở các xã vùng Đông Trường Sơn như ở các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Chăn nuôi lơn, gia cầm thì chú ý phát triển theo hướng trang trại, công nghiệp, đảm bảo an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Về lâm nghiệp, phấn đấu trồng khoảng 50.000 ha rừng; khoanh nuôi tái sinh rừng 15.000 ha; khai thác rừng tự nhiên một cách bền vững với sản lượng ổn định 30.000 m3 gỗ tròn/năm; khai thác rừng trồng phục vụ chế biến gỗ và sản xuất bột giấy với sản lượng 600.000 m3. Về thủy sản, tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển nuôi cá ở hồ chứa trên các lòng hồ thủy điện, thủy lợi hiện có ở các địa phương và thu hút đầu tư nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) ở huyện Kon Plông.

Với việc hình thành quy hoạch và có các cơ chế, chính sách tiếp tục thu hút mạnh đầu tư phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi,  đây là cơ sở để tỉnh Kon Tum đẩy nhanh tiến trình công hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.