Đại học Tây Bắc ở đầu

TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC

Địa chỉ: Tổ 2 - phường Quyết Tâm - thành phố Sơn La -  tỉnh Sơn LaĐiện thoại: 022.751.700 - Fax: 022.751.701E-mail:  Website: http://www.taybacuniversity.edu.vn

 Hiệu trưởng: Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Đặng Quang Việt

Trường Đại học Tây Bắc là trường đại học vùng đa ngành, đa cấp, đa lĩnh vực trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo được thành lập trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng đồng thời nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ cho 7 tỉnh Tây Bắc và các tỉnh lân cận, góp phần triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi.

Quá trình xây dựng và phát triển của Trường Đại học Tây Bắc (trước đây là Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc) là chặng đường đầy gian nan thử thách nhưng vô cùng vẻ vang.  45 năm qua (1960-2005) dưới sự lãnh đạo của các cấp Uỷ Đảng, Chính quyền, các thế hệ giáo viên, cán bộ và anh chị em sinh viên đã nỗ lực cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách từng bước đưa nhà trường phát triển đi lên và giành được những thành tựu rực rỡ về tất cả các mặt.

Về công tác đào tạo:

Đây là nhiệm vụ chính trị trung tâm của nhà trường. 45 năm qua, Đảng uỷ- Ban giám hiệu đã tập trung chỉ đạo các đơn vị phòng, ban, khoa trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua “Dạy tốt và Học tốt” duy trì và giữ vững nhiệm vụ đào tạo. 

Năm 1960 khi mới thành lập toàn trường chỉ có một hệ đào tạo ngắn hạn 7+2, với 150 giáo sinh; sau 45 năm xây dựng và phát triển, quy mô đào tạo của nhà trường không ngừng được mở rộng, địa bàn tuyển sinh rộng lớn bao gồm hầu hết các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, số lượng thí sinh dự thi năm sau cao hơn năm trước. Đến năm học 2005 -2006, toàn trường đã có trên 100 lớp, tổng số 5.225 sinh viên thuộc các hệ đào tạo từ Thạc sĩ, Đại học chính quy tập trung, Chuyên tu, Tại chức đến Cao đẳng, bao gồm 19 ngành học khác nhau: Sư phạm Toán, Sư phạm Tin, Sư phạm Vật Lí, Sư phạm Hoá, Sư phạm Sinh, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa Lý, Sư phạm Chính trị, Sư phạm Tiểu học, Sư phạm Mầm Non, Tiếng Anh, Lâm Sinh, Kế toán, Nông học; Cao đẳng Sư phạm gồm có các ngành như: Văn - Sử, Văn - Công tác đội, Văn - Giáo dục công dân, Sử - Địa, Sinh - Hoá, Toán - Lí, Toán - Tin,… 

Có thể nói thành tựu nổi bật nhất của nhà trường trong 45 năm qua là đã đào tạo được trên 10.000 giáo viên các cấp có trình độ Cao đẳng và Đại học Sư phạm; trong đó có gần 3.000 giáo viên thuộc thành phần dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, 4 giáo viên dân tộc Tây Nguyên và 10 giáo viên cho Nước cộng hoà dân chủ nhân dân Lào…Tất cả những giáo viên mà nhà trường đào tạo đều có trình độ chuyên môn vững vàng, nhiều người đã trở thành giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua và có không ít người trở thành cán bộ cốt cán trong các Ban, Ngành của hai tỉnh Sơn La, Lai Châu và khu vực Tây Bắc… Đóng góp lớn nhất của các thế hệ cán bộ, giáo viên, sinh viên nhà trường trong 45 năm qua là đã trực tiếp mang ánh sáng văn hoá của Đảng đến tận các bản làng Tây Bắc xa xôi, thắp lên ngọn đèn văn hoá, góp phần xoá đi những tăm tối nghèo nàn ở vùng đất được coi là “địa đầu” của Tổ quốc.

Về công tác xây dựng đội ngũ và nghiên cứu khoa học:

Khi mới thành lập (1960), cả trường chỉ có 15 giáo viên thuộc những trình độ khác nhau, trải qua 45 năm phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ - Ban giám hiệu nhà trường và sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ giáo viên, cán bộ của nhà trường không ngừng được củng cố tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Tính đến năm học 2005-2006, toàn trường đã có 260 giáo viên, cán bộ; trong đó có 4 Tiến sĩ, 53 Thạc sĩ, 17 nghiên cứu sinh; hiện nay nhà trường đang gửi đi đào tạo tại các trường đại học ở trong và ngoài nước 72 cán bộ, giáo viên... Đến năm 2010, nhà trường phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy có 10% đạt trình độ Tiến sĩ…

Từ năm 2001-2005, nhà trường đã triển khai và thực hiện 7 đề tài cấp Bộ; 3 đề tài cấp Tỉnh, 135 đề tài cấp Trường của cán bộ, giáo viên và 326 đề tài của sinh viên trong đó 2 đề tài đạt giải Ba, 4 đề tài đạt giải khuyến khích trong cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học”. Bên cạnh các đề tài về Khoa học cơ bản, Khoa học Xã hội và Nhân văn, nghiên cứu ứng dụng KHKT trong nông nghiệp, lâm nghiệp, nhà trường còn chú trọng đến việc nghiên cứu, cải tiến đổi mới phương pháp, tăng cường giờ dạy của giáo viên và giờ học của sinh viên. Tất cả các thành tựu trên thực sự là cơ sở nền tảng để nhà trường tham gia các đề tài, dự án trong và ngoài nước liên quan đến vấn đề đào tạo, nghiên cứu…

Về công tác xây dựng cơ sở vật chất:

Là một trường đại học đa ngành, Trung tâm nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ hàng đầu của khu vực Tây Bắc, đòi hỏi nhà trường phải có một cơ sở vất chất, trang thiết bị tương ứng với nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhận thức được vấn đề này, hàng năm Đảng Uỷ - Ban giám hiệu đã dành nguồn kinh phí đáng kể và đề xuất với Bộ để xin kinh phí đầu tư mua sắm các trang thiết bị.

Đến năm học 2005-2006, nhà trường đã có: 1 Trung tâm thông tin với 4.511 đầu sách, 100.498 cuốn sách, 56 đầu báo, tạp chí chính trị - xã hội và chuyên ngành đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu khoa học của giáo viên và sinh viên. Toàn trường có 250 dàn máy vi tính nối mạng LAN, lập Website riêng, bước đầu khai thác Internet phục vụ công tác quản lí đào tạo; 1 phòng đọc điện tử, 2 phòng máy đa chức năng, 1 phòng học ngoại ngữ. Các khoa Toán - Lí, Sinh - Hoá, các lớp Nông - Lâm đều có phòng thí nghiệm với những tiện nghi hiện đại; Ban ngoại ngữ, tin học đều có phòng máy phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập… Trong điều kiện chưa chuyển về cơ sở mới, hàng năm nhà trường còn dành nguồn kinh phí đáng kể để tu bổ các phòng học, nhà ở, văn phòng của các phòng, ban, khoa, đảm bảo nhu cầu giảng dạy học tập và công tác,... Riêng về công tác xây dựng cơ sở vật chất ở địa điểm mới, nhà trường đã thành lập Ban chỉ đạo Dự án chuyên về xây dựng và phát triển nhà trường.

 Với sự nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ, giáo viên, sinh viên nhà trường 45 năm qua, Trường Đại học Tây Bắc đã được Chính phủ tặng thưởng 5 Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; 35 Bằng khen của Chính phủ, gần 300 cờ, bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an, Đài Truyền hình, Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội phụ nữ, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam.cùng 60 Huân, Huy chương kháng chiến (trong nước và nước bạn Lào) cho tập thể và cá nhân nhà trường.

Để góp phần trực tiếp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Bắc, nhanh chóng đưa Tây Bắc thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, tiến kịp các địa phương trong cả nước, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho các tỉnh Tây Bắc được đặt ra hết sức bức thiết. Quán triệt Nghị quyết Trung ương 02 Ban chấp hành Trung ương Đảng về Giáo dục và Đào tạo; trên cơ sở nhu cầu sự phát triển kinh tế - xã hội của Tây Bắc, Đảng uỷ - Ban giám hiệu nhà trường đã vạch ra phương hướng phát triển Nhà trường đến năm 2010 là: Tiếp tục mở rộng qui mô, loại hình đào tạo; chú trọng hơn nữa đến nhân tố có tính chất quyết định chất lượng đào tạo của nhà trường đó là vấn đề xây dựng đội ngũ; nâng tỷ lệ đội ngũ cán bộ giảng dạy của nhà trường có trình độ trên đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ) lên trên 50%, trong đó có 10% giảng viên đạt trình độ Tiến sĩ.

(Theo "Lịch sử phát triển trường Đại học Tây Bắc" - TS. Phạm Văn Lực)Trường THPT Tam Giang