Đánh giá tinh giản biên chế

Tổng kinh phí thực hiện chi trả cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ theo chính sách tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2022 hơn 89 tỷ đồng.

Đánh giá tinh giản biên chế

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

TTXVN - Tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021 tuy đạt về chỉ tiêu số lượng nhưng chưa thật sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đó là nhận định của ông Châu Việt Tha, Giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021; triển khai Kế hoạch quản lý, sử dụng biên chế giai đoạn 2022 - 2026 và công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2026 diễn ra ngày 4/10 do UBND thành phố tổ chức.

Ông Châu Việt Tha cho biết, qua 8 năm triển khai tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo chủ trương Nghị quyết số 39-NQ/TW và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021, thành phố Cần Thơ đã nghiêm túc thực hiện và đạt được một số kết quả.

Thành phố đã đạt và vượt lộ trình tinh giản, cắt giảm biên chế của giai đoạn 2015 - 2021. Tổng kinh phí thực hiện chi trả cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ theo chính sách tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2022 hơn 89 tỷ đồng.Kinh phí giảm chi ngân sách do sắp xếp tổ chức bộ máy và chuyển đổi loại hình đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2016 - 2021 hơn 146 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện chính sách tinh giản biên chế ở Cần Thơ còn một số hạn chế: Công tác triển khai, quán triệt thực hiện chính sách tinh giản biên chế ở một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt, thiếu kế hoạch cụ thể để thực hiện; người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa làm hết thẩm quyền, trách nhiệm đối với công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đánh giá tinh giản biên chế

Ông Châu Việt Tha, Giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ, phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ, việc cắt giảm biên chế công chức chủ yếu là số lượng biên chế chưa sử dụng hoặc công chức về hưu, cắt giảm biên chế sự nghiệp qua lộ trình đẩy mạnh tự chủ tài chính chưa gắn với việc tinh giản thông qua đánh giá để cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Hầu hết các trường hợp tinh giản biên chế tập trung ở hai ngành Giáo dục và Y tế; các cơ quan, đơn vị còn lại, số lượng cán bộ, công chức, viên chức được đề nghị tinh giản biên chế còn rất thấp.

"Giai đoạn 2015 - 2021 đã cắt giảm 10% biên chế, giai đoạn 2022 - 2026 lại tiếp tục cắt giảm theo quy định là 5% biên chế công chức, dẫn đến việc bố trí công chức nhằm đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, chức năng nhiệm vụ và yêu cầu thực tế càng khó khăn hơn", Giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ đánh giá.

Trước những khó khăn trên, để việc thực hiện đạt kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026 là 2.272 người, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả, đạt lộ trình các chủ trương, chính sách và quy định pháp luật trong công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Các sở, ngành, địa phương cần xây dựng cơ cấu công chức, viên chức chặt chẽ, gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, khối lượng công việc, phạm vi, tính chất phức tạp của công việc để xác định đúng đối tượng cần tinh giản, tránh mọi sự tùy tiện trong cắt giảm, tinh giản biên chế. Các đơn vị đẩy mạnh lộ trình thực hiện tự chủ, nâng cao mức độ tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tăng số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.

Đánh giá tinh giản biên chế

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Nhận định tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một mục tiêu dài hạn, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị người đứng đầu cơ quan cần nhận thức đúng về tinh giản biên chế để có kế hoạch, giải pháp phù hợp, khắc phục khuynh hướng chỉ giải quyết một cách thụ động, theo nguyện vọng mà thiếu sự chủ động và chuẩn bị một cách tích cực.

Để công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 có hiệu quả, ông Trần Việt Trường yêu cầu thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kết luận của Bộ Chính trị, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành có liên quan, văn bản chỉ đạo của của Ban Thường vụ Thành ủy về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai nhiệm vụ, công việc liên quan đến thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được giao tại Kế hoạch số 179/KH-UBND ngày 25/8/2023 của UBND thành phố về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

Các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ trong thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp với thực tiễn địa phương; hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc, bất cập nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hợp lý, khoa học, để đơn vị hành chính mới hình thành sau khi sắp xếp hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả.