Nước lụt thì lút cả làng nghĩa là gì

Mùa lụt đã đến gần. Nếu lụt thì đói. Lụt cũng là một thứ giặc ghê gớm. Người ta thường nói “thuỷ, hoả, đạo, tặc”.

Chúng ta phải ra sức ngǎn giặc lụt cũng như chống giặc ngoại xâm. Chính phủ đã cố gắng sǎn sóc đê điều. Như thế cũng chưa đủ. Toàn thể đồng bào phải hǎng hái giúp Chính phủ trong công việc hộ đê cũng như đang giúp Chính phủ trong công việc kháng chiến.

Tôi tha thiết kêu gọi đồng bào bất kỳ già trẻ, trai gái, mọi người đều phải coi việc canh đê, phòng lụt là việc thiết thân của mình.

“Lụt thì lút cả làng,

Muốn cho khỏi lụt thiếp chàng cùng lo”.

Chúng ta phải thực hành câu ca dao đó. Ai cũng phải tham gia công việc sửa đê, canh đê.

Hễ chỗ nào sạt thì phải dồn tất cả lực lượng đến đó mà sửa chữa ngay. Làng này phải giúp làng khác. Vùng này phải giúp vùng khác.

Mỗi nhà lại cần đan thuyền và bắc sàn ngay. Chớ để nước đến chân mới nhảy.

Các bộ đội, dân quân, tự vệ phải cố gắng giúp đồng bào những công việc đó. Các Uỷ ban kháng chiến, Uỷ ban hành chính, các đoàn thể phải phụ trách tuyên truyền, cổ động, khuyên bảo, nhắc nhủ đồng bào làm những công việc đó.

Các anh em nhân viên Công chánh phải hǎng hái chịu khó, thiết thực hợp tác với các cơ quan, các đoàn thể để bày vẽ và kiểm soát những công việc đó. Nơi nào làm những việc đó xong trước hết, chu đáo hơn hết, thì các cơ quan địa phương phải lập tức báo cáo lên, Chính phủ sẽ có khen thưởng.

Chúng ta phải kiên quyết tranh cho được thắng lợi trong việc chống giặc lụt. Thắng lợi sẽ giúp cho ta thắng lợi trong cuộc đánh giặc ngoại xâm. Mong toàn thể đồng bào gắng sức.

Ngày 20-4-53, Chính phủ đã có lời đôn đốc đồng bào về việc đắp đê, hộ đê (Báo Nhân dân, ngày 20-5-1953). Mỗi năm, mùa mưa đến, thì giặc lụt lại uy hiếp.

GIẶC LỤT là tiên phong của giặc ĐÓI. Nó là đồng minh của giặc NGOẠI XÂM. Nó mong làm cho dân ta đói kém, để giảm bớt sức kháng chiến của chúng ta. Đắp đê giữ đê là để chống giặc lụt và giặc đói, cho nên cũng như một chiến dịch. Vì nếu "Lụt thì lút cả làng", cho nên cần phải động viên tất cả đồng bào ở vùng có đê, hăng hái tham gia chiến dịch đắp đê giữ đê.

Trong việc đắp đê giữ đê, kế hoạch phải rất tỉ mỉ, phân công phải rất rành mạch, chuẩn bị phải rất chu đáo, lãnh đạo phải rất thống nhất.

Cán bộ quân, dân, chính, đảng, những vùng ấy phải xem việc đắp đê giữ đê là việc chính. Phối hợp phải thật chặt chẽ. Chỉ đạo phải thật thiết thực. Tổ chức phải thật đầy đủ. Tuyệt đối chống cách khoán trắng, chống quan liêu, mệnh lệnh.

Đối với đồng bào dân công, phải giải thích, tuyên truyền, cổ động, tổ chức đến nơi đến chốn. Phải làm cho mọi người hiểu rõ: Đắp đê giữ đê là lợi ích chung của địa phương, mà cũng là lợi ích thiết thân của mỗi người. Phải chú ý bồi dưỡng tinh thần và vật chất cho dân công. Phải hết sức tránh lãng phí ngày giờ, nhân lực và vật lực của đồng bào.

Việc thi đua phải tổ chức chu đáo và bền bỉ; phải báo cáo tên những chiến sĩ hoặc những nhóm có thành tích đặc biệt, để Hồ Chủ tịch và Chính phủ khen thưởng. Đắp đê giữ đê là công việc chính. Nhưng đồng thời, phải xếp đặt các công việc khác cho ăn khớp, chứ không phải vì việc chính mà bỏ trôi những công việc khác.

Lời kêu gọi của Chính phủ nói: "Công tác chống lụt năm nay phải đặt dưới khẩu hiệu: "Đề phòng và đấu tranh"". Nghĩa là phải tỉnh táo đề phòng và đấu tranh chống âm mưu địch phá hoại. Đề phòng năm nay nước có thể to hơn mấy năm trước.

Tục ngữ nói: "Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn". Từ kháng chiến đến nay, chúng ta đã thắng giặc lụt, đã thắng giặc ngoại xâm, vì quân và dân ta đoàn kết một lòng. Năm nay, ở những vùng có đê, cán bộ và đồng bào ta nhất định phải đoàn kết một lòng, đưa toàn tâm toàn lực vào việc đắp đê giữ đê thì chúng ta nhất định thắng lợi.

C.B.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 124, từ ngày 16 đến ngày 20-7-1953).

117. Đê điều

Xứ ta từ tháng 6 trở đi thường có lụt.

Giặc lụt là đồng minh của giặc đói.

Muốn chống đói thì phải chống lụt.

Muốn chống lụt, thì phải kịp thời đắp đê, giữ đê.

Muốn đắp đê, giữ đê thì cấp khu, cấp tỉnh nhất định phải thiết thực phụ trách công việc ấy.

Cấp khu, cấp tỉnh cần phải giúp đỡ và hướng dẫn cán bộ kỹ thuật, nghiên cứu và chuẩn bị kế hoạch thật đầy đủ, động viên nhân dân, tổ chức và lãnh đạo nhân dân. Phải luôn luôn đi sát với nhân dân từ lúc khởi công đến ngày hoàn thành.

Đồng bào ta rất tốt. Cán bộ ta khéo giải thích, khéo tổ chức và lãnh đạo, thì việc đắp đê nhất định thành công tốt đẹp.

Đối với nhân dân, đối với Đảng và Chính phủ, các khu ủy và tỉnh ủy phải kiên quyết đảm bảo việc đắp đê năm nay nhanh, tốt và tiết kiệm.

(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7 (1953-1955), tr.532).

118. Phong trào cách mạng ở Đông Dương

(Trích)

Tình hình kinh tế. Xứ Đông Dương bị Ngân hàng Đông Dương, thành lập năm 1875, thống trị về mặt kinh tế. Đến năm 1924, vốn của ngân hàng là 64.400.000 phrăng. Cũng trong thời kỳ này, doanh số lên tới 4.503.000.000 phrăng và thu được 34.000.000 phrăng tiền lãi. Chính Ngân hàng Đông Dương đã chỉ huy tín dụng công nghiệp, thương nghiệp ở Đông Dương, Công ty mỏ than Bắc Kỳ (công ty này hằng năm xuất cảng 1.400.000 tấn than trị giá 12.000.000 đồng hay 201.000.000 phrăng) và Công ty hỏa xa Vân Nam.

Về thương nghiệp nói chung, ở Đông Dương, doanh số hơn 4 tỷ phrăng. Bán thuốc phiện thu được 215.000.000 phrăng và bán rượu thu được khoảng 1 tỷ phrăng tiền lãi. Trong số 1 tỷ phrăng này, Chính phủ thu 200.000.000 phrăng, số còn lại vào túi bọn tư bản độc quyền. Như vậy là chỉ có đầu độc dân bản xứ mà đế quốc Pháp đã thu được 415.000.000 phrăng! Ngân sách toàn Đông Dương là 1.327.000.000 phrăng. Người ta xuất cảng 1.500.000 tấn gạo trị giá 252.000.000 phrăng và 80.000 tạ cao su.

Đông Dương thịnh vượng như vậy. Nhưng sự thịnh vượng ấy chỉ làm lợi riêng cho người Pháp mà thiệt hại cho người An Nam. Mỗi ngày, đàn ông chỉ kiếm được 32 xu, đàn bà 28 xu, trẻ con 16 xu. Hơn nữa, họ không được trả lương đều đặn và không phải bao giờ cũng nhận bằng tiền mặt. Công ty mỏ than tổ chức ra những cửa hàng bán thực phẩm và các vật dụng khác. Thợ bắt buộc phải mua hàng ở đấy, giá đắt hơn thị trường 10%. Thường thì người ta trả lương bằng hàng hóa lấy ở các cửa hàng đó, người thợ chỉ được lĩnh một ít tiền mặt và mãi 15 ngày hay một tháng sau mới được lĩnh; chính bằng cách này mà công ty ngăn được thợ thuyền bỏ trốn.

Theo lời thú nhận của toàn quyền Đông Dương thì đời sống của thợ mỏ quá khổ cực và công việc của họ quá nặng nề nên trong số 15.907 thợ mỏ thống kê được vào năm 1906, không ai sống đến 60 tuổi. Và bọn tư bản thuộc địa cũng lại viện cớ đó để từ chối không tổ chức quỹ hưu bổng cho thợ thuyền bản xứ!

Đời sống nông dân cũng chẳng hơn gì. Đất thì xấu, phương pháp canh tác thì lạc hậu, do đó năng suất rất thấp kém. Sản lượng một hécta ở châu Âu là 4.670 kilô thóc, ở Nhật Bản 3.320 kilô, ở Nam Dương 2.150 kilô, còn ở Đông Dương sản lượng chỉ có 1.210 kilô.

Người bản xứ đo ruộng đất bằng "mẫu", chứ không đo bằng hécta. Một mẫu đất tốt sản xuất khoảng 50 thùng thóc trị giá 24đ75. Trong số tiền này, Chính phủ đã trích thu 2đ10, khoảng 10%. Nhưng cày cấy mỗi mẫu ruộng, người nông dân đã phải chi hết 28đ50 về tát nước, phân bón, giống má, thuê trâu bò, nhân công, v.v.. Như vậy là lỗ vốn mất 3đ75. Người ta sẽ hỏi: "Thế thì người nông dân sống thế nào được và lấy gì mà đóng thuế?". Có thể trả lời đơn giản như thế này: Sống thế nào cũng được, nhưng người nông dân vẫn phải sống và phải đóng góp. Một câu tục ngữ An Nam có nói: "Không làm cũng chết, mà làm cũng chết". Tập quán nghìn xưa cũng như sức mạnh của trăm ngàn mối quan hệ khác đã trói chặt người nông dân với ruộng đất. Nếu biết nơi nào thoát thân được thì họ cũng đã rứt bỏ ra đi. Suốt năm, phần lớn những người nông dân phải ăn rau ăn khoai. Rất ít khi họ ăn cơm, chỉ trong những ngày giỗ tết chẳng hạn, thì họ mới dám động tới hạt cơm quý giá ấy.

Ngoài thuế má nặng nề, tăng lên 550% trong khoảng mười năm, người dân bản xứ còn bị khổ sở với trăm nghìn thứ hạch sách. Tờ báo "Khai hóa" của người bản xứ ở Bắc Kỳ mới đây có viết: "Biết bao người đã bị bắt trái phép. Họ bị giam cầm hàng tháng trời... Lính tráng bắt họ đóng tiền này tiền kia, rồi còn hành hạ họ nữa... Có người bị đánh đập tàn nhẫn đến nỗi phải vào nhà thương. Tóm lại, nếu người nào vô phúc bị bắt mà nghèo đói thì đành cam phận, còn kẻ hơi khá giả thì phải bán vợ đợ con để nộp tiền phạt dù có bị bắt oan cũng vậy".

Còn có những trường hợp nghiêm trọng hơn nhiều. Như một tên công sứ ở Cao Miên đã bòn rút tiền thuế của những người dân cùng khổ để xây dựng một lâu đài nghỉ mát tốn 57.600.000 phrăng, tên ấy còn bắt dân đắp thêm một con đường từ nhà ở đến lầu nghỉ mát. Hơn 1.900 người đã thiệt mạng trên con đường này!...

(Đăng trên Tập san Inprekorr, tiếng Pháp, số 91, ngày 14-8-1926).

119. Cây xanh bốn mùa

Bác Hồ rất thông cảm với sự vất vả của nhân dân. Tìm hiểu cụ thể đời sống của nhân dân, của những người lao động là một nếp làm việc quen thuộc của Bác. Một hôm, Bác gọi đồng chí phục vụ đến và nói:

- Có những đêm nằm nghỉ nghe thấy tiếng chổi tre quét đường phố rất khuya, Bác nghĩ rằng mùa đông, các cô chú công nhân quét đường vất vả lắm. Chú thử tìm cách điều tra cụ thể rồi nói lại cho Bác biết.

Vâng lời Bác, một đêm nọ, đồng chí phục vụ lững thững dạo theo hè phố từ lúc người công nhân bắt đầu làm việc cho đến lúc dừng tay. Một tối làm việc như vậy họ phải đi đoạn đường khá dài, làm việc thầm lặng và rất vất vả.

Câu chuyện công việc của người công nhân quét đường trong đêm đông được báo cáo lại với Bác rất tỉ mỉ.

Nghe đồng chí phục vụ nói, Bác suy nghĩ hồi lâu rồi bảo:

- Chú nhớ nhắc những cơ quan có trách nhiệm phải có chế độ cấp phát quần áo lao động để bảo vệ sức khỏe cho các cô, các chú ấy, nhắc nhở cán bộ phụ trách các cấp phải quan tâm đúng mức đến anh chị em làm nghề vất vả này.

Thời gian trôi qua...

Lần ấy, Bác có việc đi sang nước bạn. Nước bạn đang mùa đông lạnh giá, hầu hết cây cối đều trụi lá. Người bỗng phát hiện ra một loài cây vẫn xanh. Bác hỏi cán bộ địa phương, được biết đúng là loài cây có sức sống tốt, bốn mùa đều xanh tươi.

Người quyết định xin giống cây ấy mang về Việt Nam. Về nước, Bác trao giống cây đó cho người làm vườn và nói:

- Đây là loại cây mà mùa đông ít rụng lá. Chú trồng thử xem. Nếu chịu được khí hậu nước ta và xanh tốt thì sau này đem trồng dọc các đường phố, mùa đông vừa có cây xanh, vừa đỡ vất vả, đỡ tốn công cho anh chị em công nhân quét đường.

Trong Phủ Chủ tịch, gần nhà sàn của Bác, hiện vẫn còn loại cây trên, không rõ tên khoa học của loài cây ấy là gì, anh chị em vẫn thường gọi là “Cây xanh bốn mùa”.

Nhìn cây xanh bốn mùa ghi nhớ tấm lòng thương yêu nhân dân của Bác. Là Chủ tịch nước Người bận trăm công, nghìn việc lớn. Thế nhưng những việc thường ngày xảy ra chung quanh Bác cũng không bỏ qua. Người quan tâm một cách cụ thể và thiết thực đến điều kiện làm việc của những người công nhân. Việc làm của Bác luôn nhắc nhở chúng ta hãy biết quan tâm chia sẻ với những khó khăn vất vả của người khác, những người cán bộ lãnh đạo càng phải ghi nhớ điều này.

(Trích trong cuốn Bao la nhân ái Hồ Chí Minh, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994).

120. Thư gửi đồng bào trung du và hạ du chống lụt (6-1947)

Hỡi đồng bào yêu quý,

Mùa lụt đã đến gần. Nếu lụt thì đói. Lụt cũng là một thứ giặc ghê gớm. Người ta thường nói “thuỷ, hỏa, đạo, tặc”.

Chúng ta phải ra sức ngǎn giặc lụt cũng như chống giặc ngoại xâm. Chính phủ đã cố gắng săn sóc đê điều. Như thế cũng chưa đủ. Toàn thể đồng bào phải hăng hái giúp Chính phủ trong công việc hộ đê cũng như đang giúp Chính phủ trong công việc kháng chiến.

Tôi tha thiết kêu gọi đồng bào bất kỳ già trẻ, trai gái, mọi người đều phải coi việc canh đê, phòng lụt là việc thiết thân của mình.

“Lụt thì lút cả làng,

Muốn cho khỏi lụt thiếp chàng cùng lo”.

Chúng ta phải thực hành câu ca dao đó. Ai cũng phải tham gia công việc sửa đê, canh đê.

Hễ chỗ nào sạt thì phải dồn tất cả lực lượng đến đó mà sửa chữa ngay. Làng này phải giúp làng khác. Vùng này phải giúp vùng khác.

Mỗi nhà lại cần đan thuyền và bắc sàn ngay. Chớ để nước đến chân mới nhảy.

Các bộ đội, dân quân, tự vệ phải cố gắng giúp đồng bào những công việc đó. Các Ủy ban kháng chiến, Ủy ban hành chính, các đoàn thể phải phụ trách tuyên truyền, cổ động, khuyên bảo, nhắc nhủ đồng bào làm những công việc đó.

Các anh em nhân viên Công chánh phải hăng hái chịu khó, thiết thực hợp tác với các cơ quan, các đoàn thể để bày vẽ và kiểm soát những công việc đó. Nơi nào làm những việc đó xong trước hết, chu đáo hơn hết, thì các cơ quan địa phương phải lập tức báo cáo lên, Chính phủ sẽ có khen thưởng.

Chúng ta phải kiên quyết tranh cho được thắng lợi trong việc chống giặc lụt. Thắng lợi sẽ giúp cho ta thắng lợi trong cuộc đánh giặc ngoại xâm. Mong toàn thể đồng bào gắng sức.

Tháng 6 năm 1947

HỒ CHÍ MINH

(Trích trong cuốn Lời Hồ Chủ tịch)

121. Phải sẵn sàng phòng, chống bão lụt

Vừa qua, trên thế giới nhiều nơi đã bị nạn bão lụt. Ví dụ:

Ở Mỹ, vào đầu tháng 7 vì mưa to, nước sông Mítxuri dâng lên mau chóng và dữ tợn.

Ở vùng gần sông nhiều ruộng vườn bị ngập lụt, nhiều nhà cửa và người đã bị nước cuốn đi.

Ở nước Đại Hồi, lụt đã gây ra nhiều tổn thất về nhà cửa, mùa màng và súc vật.

Ở Nam Tư, tại vùng sông Đanuýp, lụt đã tràn đến cả miền Trung, miền Đông và miền Nam, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập lụt.

Hơn 30.000 hécta cây lương thực bị mất sạch, v.v..

Ở nước ta, vừa rồi cũng bị hai cơn bão số 3 và số 4 đe dọa, cũng may là khi vào đến bờ nước ta, hai cơn bão đều lắng xuống, không gây thiệt hại gì. Nhưng tiếp sau cơn bão số 4 thì có mưa to. Trên nhiều con sông, nước đã lên cao nhanh chóng. Theo dự đoán, thì mùa thu này sẽ có những trận bão lụt đột ngột.

Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng mọi việc để phòng bão, chống lụt. Các ủy ban phòng và chống bão lụt ở trung ương, tỉnh, huyện và xã phải có kế hoạch thật chu đáo, phân công thật rõ ràng, kiểm tra thật kỹ lưỡng.

Nhân dân các địa phương phải tập dượt cho thành thạo việc chống lụt, phải canh gác cẩn thận đê điều.

Các hợp tác xã và các nông hộ cần phải chuẩn bị sẵn sàng các thứ cần thiết, nhất là thuyền, bè.

Người xưa có câu "Thủy, hỏa, đạo, tặc". Nghĩa là phải đề phòng lụt như đề phòng giặc. Chúng ta kịp thời chuẩn bị đầy đủ sẵn sàng, thì dù bão lụt to mấy cũng không sợ.

Tuyệt đối không nên chờ "nước đến chân mới nhảy". Các chi bộ đảng và chi đoàn thanh niên có nhiệm vụ là phải làm tốt việc đôn đốc và giúp đỡ thực hiện chuẩn bị phòng và chống bão lụt ở thôn xóm mình.