Orpheus - Nhạc sĩ và nhà thơ vĩ đại

Thời đại mà Friedrich Schinkel1 trưởng thành và sáng tạo đầy rẫy phức tạp, mâu thuẫn. Thất bại của cách mạng Pháp buộc người ta phải xét lại những khẩu hiệu của nó. Sự hoài nghi, thất vọng dần thay thế cho tư tưởng cũng như cao trào cách mạng. Ngày bão táp cách mạng Pháp qua đi cũng là ngày châu Âu và nước Đức mong muốn tạo dựng một đời sống đại chúng đoàn viên. Và, để tìm kiếm cái lẽ đoàn viên ấy, các thiết chế, nhất là văn học nghệ thuật hướng sâu vào thế giới nội tại con người.

Orpheus - Nhạc sĩ và nhà thơ vĩ đại

Tượng đài Friedrich Schinkel trên quảng trường mang tên ông tại Berlin.

Mỗi thời đại, dù ở trạng thái nào cũng đều chất chứa bao phê phán, đầy rẫy kịch tính và còn hơn thế nữa, vật vã trong cõi hỗn mang của vô số cuộc đụng độ giữa các lực lượng xã hội. Tinh thần thời đại luôn dao động giữa một bên là nhu cầu xã hội, và bên kia – niềm tin khắc khoải vào xã hội ấy. Thế nhưng dù vật đổi sao dời ra sao, thời đại vẫn cần có văn hoá trung tâm của mình để duy trì trật tự đất nước con người. Văn hoá trung tâm ấy có khả năng chế ngự thảm hoạ mất trật tự hoàn toàn. Vì, mỗi lần xuất hiện trạng thái mất trật tự là một lần nảy sinh trong lòng xã hội cái đối lập chỉnh lý nó.

Năm 1781 (năm Schinkel chào đời), bộ sách Phê phán trí tuệ thuần tuý của Kant2 ra mắt công chúng, tạo nên bước ngoặt thế giới quan thời đại. Kể từ đó giới triết gia, văn nghệ sĩ Đức bước vào thời kỳ suy tưởng căng thẳng. Liệu cái văn hoá trung tâm mà nước Đức cuối thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 19 cần đến đòi hỏi những gì ở nghệ thuật của Schinkel, người nghệ sĩ danh tiếng vang dội sau này.

Hồi đầu những năm 1800, ở Berlin, Schinkel từng nghe Shlegueli giảng giải mỹ học; ông cũng thường xuyên qua lại với Humboldt; hoặc thỉnh thoảng về Weimar thăm Goethe và hầu như không bỏ sót vở kịch nào của Schiller3. Schinkel thực sự thuộc về giới trí thức tinh hoa cấp tiến nhất; vai trò của ông trong lịch sử nghệ thuật Đức to lớn nhường nào. Sáng tạo của Schinkel hàm chứa tư tưởng Khai sáng, lại quán xuyến cả mỹ học cổ điển lẫn lãng mạn trong hội họa, âm nhạc, kiến trúc.

Tác phẩm của Schinkel vừa khơi lại mối quan tâm đến truyền thống cổ đại, vừa làm sống dậy kiến trúc gothic mà ngày ấy vẫn còn bị coi là “nghệ thuật man rợ”. Có thể giải thích sự tích hợp tưởng chừng phi lý ấy như sau: Tài năng thiên phú của Schinkel cho thấy ông là nghệ sĩ lỗi lạc bứt phá trong bối cảnh tư tưởng khai sáng và chủ nghĩa lãng mạn. Người chung chí hướng với ông có triết gia Shlegueli, đại thi hào Goethe, triết gia kiêm bộ trưởng Giáo dục và nhà ngoại giao Humboldt…Không phải ngẫu nhiên, các nhà viết tiểu sử Schinkel đều ca ngợi tài năng nhiều mặt của ông.

Orpheus - Nhạc sĩ và nhà thơ vĩ đại

Nhà thờ Munich. 1813. Sơn dầu. Hoạ sĩ Schinkel. Bảo tàng Berlin.

Nhớ lại, nghệ thuật Hy Lạp cổ là sự thiết lập trật tự lý tưởng, song nhận thức lịch sử về nó thì các môn đệ cổ điển và lãng mạn có khác nhau. Ngày xưa, các nguyên lão từng cố tạo ra hình thức nhịp nhàng cho những lời giáo huấn, răn đe sao cho mọi công dân đến với pháp luật giống như tín đồ đến thánh đường thành tâm cầu nguyện. Kỳ vọng lớn nhất của các nguyên lão là làm sao để lý lẽ luật pháp và đạo đức được như lời ca, tiếng nhạc của thần Orpheus4. Đại thể, nghệ thuật cổ đại không khác chi khải huyền về một thế giới vĩnh hằng được sắp đặt sẵn, gồm toàn những hình thức mẫu mực. Còn cái lãng mạn thì luôn mô phỏng sự hấp dẫn bí ẩn đến cồn cào tâm trí con người. Bề ngoài, cái lãng mạn có thể náu mình sau hình thức ngẫu hứng; có điều nội dung ngầm ẩn của nó vượt ra ngoài tác phẩm, làm đơm hoa kết trái bao điều kỳ diệu mãnh liệt chưa từng có. Khác với những người theo chủ nghĩa cổ điển thuần tuý, Schinkel và những nghệ sĩ Đức cùng chí hướng gạn tìm trong di sản Hy Lạp cái chính tắc bền vững, cái thực chất bất biến, kể cả những kinh điển của Platon, Aristoteles, Vitruvius. Bấy giờ, giới văn nghệ sĩ gắng tìm đến “cái hỗn loạn đang sinh thành sự sống” như lựa chọn cho mình một giải pháp lý tưởng điều hòa các sơ đồ cổ điển. Mối quan tâm nghệ thuật Hy Lạp cổ thôi thúc Schinkel chiêm nghiệm lịch sử nước Đức, văn hóa dân tộc và các di tích văn hóa.

Nhà thơ Novalis5 từng cho rằng: Nếu như chủ nghĩa cổ điển hướng cái đẹp vào chân lý, vào các chuẩn mực có chung ý nghĩa tồn tại, thì ở chủ nghĩa lãng mạn chân lý đó là cái đẹp không hơn không kém. Càng mơ mộng vấn vương càng tốt. Blondelle6 từng trích dẫn Giáo trình kiến trúc của ông: “Chúng ta hài lòng ngắm nhìn những công trình gothic mà vẻ đẹp nổi bật bởi tỷ lệ và những dàn dựng đối xứng từ tổng thể đến hết thảy các bộ phận kiến trúc trong ngoài nhà, bất chấp những trang trí quái gở che lấp”. Năm 1823, bàn về nghệ thuật Đức, Goethe7 có đề cập tới ảnh hưởng mạnh mẽ từ phía kiến trúc gothic: “Trên toàn nước Đức, sự ưa thích loại hình nghệ thuật này được thức tỉnh. Nó làm hài lòng người đương thời, những người cảm thấy mình như đang kế nghiệp tổ tiên”. Goethe nhiều lần chỉ ra nguyên nhân ảnh hưởng phức tạp của kiến trúc gothic đối với thi ca, hội hoạ, điêu khắc, kịch trường Đức và châu Âu. Goethe gọi kiến trúc gothic là giai điệu đẹp của sự im lặng và nhắc lại huyền thọai về chàng Orpheus gợi tình mê hoặc, như phép thần có thể thổi hồn sống cho những tảng đá vô tri. Chính giai điệu của im lặng mới là thứ âm nhạc du dương nhất khi mọi âm thanh đều tắt lịm. Goethe còn nói về ảnh hưởng đạo đức của âm nhạc khi dẫn trước tác “Nhà nước” của Platon. Về phần mình, Schinkel gần như cùng lúc với Goethe, đã viết trong Giáo khoa kiến trúc của ông như sau: “Không nghi ngờ gì, cái hoàn mỹ bao giờ cũng gây ảnh hưởng ngược trở lại cái đạo đức”. Có thể coi đây là cách Schinkel cập nhật tư tưởng thời đại vào hội họa, kiến trúc, trong đó có công trình chấn hưng gothic tuyệt vời của ông.

Orpheus - Nhạc sĩ và nhà thơ vĩ đại

Thánh đường gothic. Sơn dầu. Bảo tàng Berlin

Mối liên quan kiến trúc với âm nhạc cứng đờ có lịch sử của nó: Trong “Triết học về nghệ thuật”, Schelling8 nhận xét, đại ý: Nhạc điệu của kiến trúc, nếu có, cũng chỉ là nhạc điệu không gian, khác nào thứ âm nhạc cứng đờ. Người ta cũng gán sự diễn tả này cho Goeth, nhà tư tưởng lãng mạn danh tiếng. Hay như Brentano9 cũng cho rằng kiến trúc là thứ âm nhạc cứng đờ, nó định ra khuôn phép, chừng mực cho một kiểu tỉ lệ mà trên đó chẳng hề có làn điệu du dương nào. Đó chẳng qua là cung cách tự tưởng thưởng một cách ngốc nghếch của đám tiểu thị dân. Brentano viết những lời này kèm theo bài thơ “Đến với Schinkel”. Rõ ràng, tên người nhận không phải ngẫu nhiên. Cho thấy, nhà thơ Brentano vẫn chưa xếp kiến trúc ngang hàng với các nghệ thuật thuần tuý. Hậu thế hoàn toàn có thể cảm thông với Brentano, bởi lẽ, để đạt tới nhạc điệu cao vút người nhạc sĩ chỉ cần vượt vài mấy phím đàn; trong khi cũng để đạt tới nhạc điệu ấy của kiến trúc thì nhà xây dựng phải cần đến hàng thập kỷ, thậm chí thế kỷ để vượt qua những rào cản kỹ thuật. Và ngay cả khi công trình kiến trúc gọi là có nhạc điệu, thì vẫn không khỏi lộ ra những cứng nhắc vật lý của cấu trúc, chất liệu. Bài thơ “Đến với Schinkel” Brentano viết năm 1876, là khi những chuyển hoá lãng mạn, chấn hưng gothic cùng hội họa danh giá của kiến trúc sư Schinkel thu hút công chúng châu Âu chính bởi sự có mặt kín đáo của âm nhạc trong đó.

Về phần mình, Schinkel đến với âm nhạc trước hội họa, kiến trúc. Thuở thiếu thời ông đã không xa lạ với bản chất âm thanh – nền tảng của sự đệm nhạc cho lời ca hoặc giai điệu không lời được hiểu như ngôn ngữ của “hàng loạt những tiếng gõ đập” có, không có, hoặc rất ít nhịp điệu nhưng hệ thống cao độ trường độ của nó vẫn đủ diễn đạt một nội dung, ít ra là bố cục, hình khối kiến trúc. Âm luật là một hình thức độc đáo, xét theo khía cạnh “độ dài” thì “kích thước” thơ ca, tiết tấu âm điệu hay “mét” kiến trúc đều có chung nền tảng bố cục thuộc về một tác phẩm nghệ thuật thể loại tương ứng với phong cách, kiểu dáng riêng, thậm chí độc nhất vô nhị. Đó là sự dịch chuyển nhịp nhàng thời gian của đề tài nào đó trong không gian âm nhạc, thi ca, tạo hình. Sau khi trở về Berlin từ chuyến đi đầu tiên đến Ý năm 1805, Schinkel bắt đầu kiếm sống bằng nghề họa sĩ. Thế nhưng, khi nhìn thấy bức tranh Kẻ lang thang trên biển sương mù của Caspar David Friedrich tại triển lãm nghệ thuật Berlin 1810, ông hiểu rằng mình sẽ không bao giờ đạt tới trình độ hội họa như vậy và chuyển sang lĩnh vực kiến trúc. Thiên tài của Schinkel ở chỗ, ông đã cập nhật cấu trúc kiến trúc tương tự như đối với không gian âm thanh và biến hóa nó thành thứ âm nhạc có tiết tấu liên tục với đầy đủ cung bậc, chuyển nhịp, ngắt nhịp mới mẻ. Mọi khoảnh khắc âm thanh, làn điệu đều được Schinkel nhấn mạnh; từ đó không gian – thời gian âm thanh được chuyển hóa thành không gian – thời gian kiến trúc ngọt ngào. Đó chính là những tác phẩm tân cổ điển – khai sáng của kiến trúc sư Schinkel mà ta hằng ngưỡng mộ.

Nghệ thuật của Schinkel đạt đến tinh hoa nhờ ở tài nghệ bố cục, dàn dựng văn cảnh. Chẳng hạn, tranh ông luôn lồng ghép các mô – típ cung điện, pháo đài cổ hay đống hoang tàn, nhất là đất trời nước Phổ còn lại tự bao giờ; nguyên vẹn, đoàn viên! Thêm vào đó, cũng có thể hiểu các đối chiếu kiến trúc – âm nhạc của Schinkel như một sự tiếp diễn đời sống thiên nhiên hài hoà không thể khác; giống như lặp đi lặp lại những biểu hiện đền đài Hy Lạp cổ đại hay gothic tiền trung cổ. Tất cả chung một đặc trưng, tương tự như nhận xét của các nhà lãng mạn về kiến trúc và âm nhạc. Đó là, hai nghệ thuật này có khả năng thay thế biểu trưng của nhau trong mỗi bố cục kiến trúc hay ngược lại, trong mỗi nhạc phẩm. Khi ấy, nhạc điệu kiến trúc, nếu có, chắc chắn sẽ không phải là thứ âm nhạc cứng nhắc. Nhớ lại, sinh thời Schinkel là chỗ thâm giao của nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng nước Phổ và châu Âu. Người ta thích thú tìm hiểu đời sống âm nhạc của Schinkel, vì biết cả âm nhạc lẫn hội họa, sân khấu, tôn giáo đều gắn kết mật thiết với sáng tác kiến trúc của ông trên cơ sở thống nhất các mặt đối lập. Cũng xin nói thêm, di sản hội họa của Schikel gồm hầu hết những bức phối cảnh kiến trúc sơn dầu, màu nước hay sơ phác chì hoàn hảo cả về nghệ thuật lẫn biểu hiện kỹ thuật xây dựng. Trước khi trở thành kiến trúc sư số 1 của nước Phổ, ngày ấy Schinkel đã là họa sĩ đại tài. Tranh ông thường bắt đầu từ toàn cảnh đến cận cảnh thành phố cổ. Triển lãm tranh in lito khiến Schinkel trở nên nổi tiếng. Ông đã trở thành kiến trúc sư kiêm hoạ sĩ hàng tiêu biểu của nước Phổ. Ngày nay, tranh Schinkel vẫn hiện hữu trong các bảo tàng, “bằng vai phải lứa” với những kiệt tác hội họa lãng mạn của châu Âu.

Đời sống nghệ thuật chuyên ngành khác nhau thường rất khác nhau, thế nhưng điều đó không hề cản trở những nghệ sĩ đa tài. Ở họ có điểm chung: Phong cách chuyên nghiệp đồng thời quán xuyến cả nghệ thuật khác mà họ thể nghiệm. Kiến trúc sư Schinkel vừa rành âm nhạc cổ điển và là tay chơi piano có hạng, lại là họa sĩ lãng mạn tài ba. Tranh ông làm người ta thán phục bởi bút pháp bậc thầy, không hề thua kém Altdorfer, Constable, Benjamin, Gainboraugh, George Stubbs. Ánh sáng trong tranh Schinkel cũng tuyệt vời như ở hội họa của người đồng hương của ông – Họa sĩ Johannes Vermeer10 danh tiếng. Nhà thờ Rock – Sea (xây dựng 1815) là kiến trúc hòa trộn tân cổ điển – gothic của Schinkel, được xem như công trình khai sinh trào lưu chấn hưng gothic Đức. Kiến trúc của Schinkel có hơi thở tân cổ điển, lãng mạn của hội họa, âm nhạc, thi ca. Tất cả mãnh liệt theo bản năng tự do, và đương nhiên nghệ thuật trữ tình của Schinkel không có ngôi vị ngự trị cho bất kỳ logic nào ngoài logic cái đẹp.

Suy cho cùng, kiến trúc của Schinkel rập theo theo phong cách hội họa, âm nhạc và đức tin thiên chúa của ông. Mặt khác, bản năng sống tự do mãnh liệt của người nghệ sĩ khiến tác phẩm của Schinkel ngập tràn hơi thở lãng mạn; cái trữ tình của kiến trúc, hội hoạ không hề bị ràng buộc, vượt ra ngoài ý nghĩa nghề nghiệp sang sơ đồ của vũ trụ toàn năng. Trong đó, âm nhạc được hình dung như sức mạnh tinh thần tối cao của con người, làm người ta cảm thụ sâu sắc hơn sự hài hòa vũ trụ có thể dẫn tới Thượng đế. Chính đại thi hào Goeth từng đã nói về tính siêu nghiệm của âm nhạc như một con đường đức tin dẫn tới thượng đế. Đành rằng, âm nhạc không phải là cái gì khác ngoài hiện tượng nhịp điệu và hài hòa của bản thân vũ trụ. Có điều kiến trúc sư có trách nhiệm hướng tới những cội nguồn của ý tưởng bằng sự hiểu biết vật thể không gian, tỷ lệ và “quãng cách nhạc điệu” thuộc về truyền thống Pittacos, Platon. Harmonia11 hoàn toàn có khả năng biểu hiện hình tượng không thời gian chỉ bằng sự tổng hợp đoạn thẳng, đường thẳng đứng và nằm ngang. Đối với người Hy Lạp nền tảng của sự hài hòa là đường trục thẳng đứng, quy tụ tất cả các bộ phận order – “âm nhạc của sự tồn tại”, và vòm cupola – “âm nhạc của những mặt cầu” Pittacos. Đó là sự khác biệt nguyên tắc giữa sự hài hòa của kiến trúc Hy Lạp với khoa âm nhạc thuần tuý.

Orpheus - Nhạc sĩ và nhà thơ vĩ đại

Bảo tàng Altes trên đảo Bảo tàng – TP Berlin 1823-1830.

Có thể coi âm nhạc là một bộ môn logic. Nó cũng tồn tại bởi sự dung hợp các khía cạnh đối lập, hệt như thực tại sớm muộn cũng biến đổi theo thời gian và có thể dự báo được. Schinkel cho rằng: “Dù âm nhạc mô tả sự vô định hình và dù có hỗn loạn thì bản thân nó vẫn thóat thai từ một hình thức ổn định ban đầu. Có điều, âm nhạc không dừng lại ở đó mà luôn tiến tới hệ thống logic âm thanh mãnh liệt”. Cùng một hoàn cảnh, nhà thơ thì “đâm đầu” vào thi pháp, ngôn từ, ngữ nghĩa; còn kiến trúc sư thì lao tâm khổ tứ với những biến đổi nhịp điệu trong sự tương phản giữa cái vĩnh cửu tĩnh tại với cái chuyển động tất yếu của bố cục, hình khối không gian. Sự cảm thụ hình tượng kiến trúc tuyệt nhiên không phải ứng xử như với “đồ vật” mà là cảm xúc dạt dào trước “sự kiện” chưa từng thấy, đầy bất ngờ. Sự tiếp nối có tính quy luật của các biểu trưng kiến trúc diễn ra liên tục, không dễ xác định và tạo thành nhịp điệu tương tự như âm nhạc, nhưng với biểu hiện ngược lại vì âm nhạc là bến đỗ của giai điệu đúng luật, ấn định dòng thời gian, còn kiến trúc là sự triển khai những hình khối không gian theo luật lệ thời gian.

Orpheus - Nhạc sĩ và nhà thơ vĩ đại

Bảo tàng Altes trên đảo Bảo tàng –Tp Berlin. 1823-1830

Orpheus - Nhạc sĩ và nhà thơ vĩ đại

Phong cảnh. Sơn dầu (1200 x 897). Hoạ sĩ Shinkel. Bảo tàng Berlin.

Orpheus - Nhạc sĩ và nhà thơ vĩ đại

Nhà hát kịch Berlin. 1825. Kts Schinkel.

Nhạc sĩ Mozart12 thật đúng khi bảo rằng ông luôn “nhìn thấy trước cái toàn vẹn có sẵn”. Thế nhưng khác với nhạc sĩ, kiến trúc sư cần có khái niệm rõ ràng không chỉ về tương lai của công trình theo lẽ tự nhiên, mà còn về toàn bộ sự thay thế tính liên tục gắn kết các không gian siêu hình riêng rẽ như ở một bản nhạc không lời giữa dòng thời gian muôn màu muôn vẻ. Phải chăng vì thế có người xếp kiến trúc vào thứ bậc sang trọng không kém âm nhạc; khiến Booz13 bất bình, gọi kiến trúc ấy là thứ nhạc tàn tật, phản lại âm vang sâu lắng của dàn đại phong cầm thiên nhiên. Song không phải lúc nào Booz cũng đúng, vì lâu đài cổ kính, hồ nước mơ màng, con người vui thú, vạn vật điền viên là nguồn cảm hứng dạt dào đâu riêng của âm nhạc mà còn của cả kiến trúc, hội hoạ, điêu khắc, thi ca, sân khấu, nhạc kịch… Cái trữ tình sâu thẳm mà người kiến trúc sư tận tuỵ tìm kiếm cũng có ở bất kỳ nghệ thuật không – thời – gian – nào khác. Không chỉ một lần Schinkel thốt lên: “Không có hội họa, âm nhạc cứng nhắc thì cũng không có kiến trúc cứng nhắc”. Chỉ riêng cung điện Orléans cũng đủ minh chứng cho luận điểm của thiên tài. Nữ họa sĩ Eva Borsh14 khi bàn về ý nghĩa âm nhạc trong kiến trúc của Schinkel có viết: “… Phép ma thuật đặc thù của những bản khắc kẽm thời trai trẻ của ông đã kết tinh sự tiếp thu một cách thâm thúy khái niệm cổ điển về âm nhạc, thường rất rõ ràng và ít bộc ra bên ngoài”. Quả tình, nhiều năm ròng Schinkel say mê hội họa, ít quan tâm đến “kiến trúc lớn”; cho đến 1815 mới nhận Tòa nhà dự báo khí tượng thủy văn trên đại lộ Unter den Linden ở quận Mitte lớn nhất Berlin. Công trình này na ná một pháo đài hình chữ nhật kín như bưng, với những khối tháp vững chãi. Sáu hàng cột kép dẫn vào tiền sảnh dựng antablemen kiểu dáng Hy Lạp làm cho mặt đứng, hình khối kiến trúc thêm nổi bật với việc ghép lên gờ tường nhà dự báo khí tượng thủy văn một số phù điêu Nữ thần Chiến thắng (ở đầu dầm dọc), thay cho các tấm ốp ba khía giữ vai trò tôn quy cổ điển. Schinkel lại cũng thích thú gothic Đức: sau khi xây dựng xong một số nhà thờ, tháp canh chấn hưng gothic, ông bắt tay vào trùng tu Nhà thờ chánh tòa Köln15.

Orpheus - Nhạc sĩ và nhà thơ vĩ đại

Acropole nhìn từ hướng bắc. Màu nước. Schinkel. Bảo tàng Berlin

Ngày công trình tu bổ Nhà thờ chánh tòa Köln đâu vào đấy cũng là ngày Schinkel bước lên bục vinh quang nghệ thuật Đức. Sau đó ông lần lượt giữ các chức vụ phụ trách xây dựng cơ bản của chính phủ Phổ, đặc biệt là chủ trì đại công cuộc kiến thiết Berlin. Để kỷ niệm công lao của Schinkel, năm 1852 chính phủ Phổ mở cuộc thi kiến trúc mang tên ông và từ đó đến nay đều đặn mỗi năm một lần.

Schinkel coi những chuyến công du là trường học chuyên nghiệp. Kho lưu trữ tài liệu đồ sộ của ông gồm vô số thư từ, bút ký, phác họa. Ông đã đến nước Ý hai lần, lần đầu khi còn trẻ vào năm 1803 – 1805, sau đó vào đầu những năm 1820 – thời kỳ ông thiết kế bảo tàng Berlin. Ở một trong số tập bút ký của ông người ta đọc được: “…Đó là ý muốn khao khát thăm nước Ý một cách bổ ích, mang về “kho báu” từ đó để thử thách tài năng của bản thân…” Kiến trúc sư Schinkel từng nhiều lần đến Anh, Pháp – hai nước công nghiệp phát triển đặc biệt hấp dẫn ông. Đáng lưu ý là lần đầu tiên khi Schinkel, người trẻ tuổi ngày ấy có năng khiếu nghệ thuật thơ ca kiệt xuất đến nước Ý, ngay lập tức cảnh tượng của nó đã làm ông choáng ngợp còn hơn cả di sản kiến trúc La Mã đồ sộ. Kiến trúc của nước Ý được Schinkel tiếp nhận như một sự nhấn mạnh và tô điểm cho phong cảnh bao la rộng lớn hùng hồn của xứ sở. Vì thế, sau này có người xem ông là kỳ quặc do thể hiện trên đất Đức quê hương những hình thù sống động hay phân đoạn gothic phong phú hơn là rập khuôn các kiệt tác cổ đại. Thiên tài tiền bối luôn là người thày tuyệt vời của các thế hệ trẻ. Ví như David Gilly16 – thày dạy của Schinkel, làm nên không chỉ một kiệt tác cổ điển là nhờ học hỏi Boulle & Ledoux. Bản thân Schinkel cũng là một tấm gương như vậy; những tập bút ký đi đường nhiều năm của Schinkel đã góp thành bộ Giáo khoa kiến trúc vô giá. Không lâu trước khi tạ thế, Schinkel tập trung vào việc đồ lại những bản vẽ sang khổ giấy lớn rồi chuyển thành tranh khắc gỗ hay in thạch bản. Đến 1840 thì xuất bản được 28 tập17. Tư tưởng của Schinkel giúp chúng ta hiểu được quan điểm thức thời của ông: “Thời đại nào cũng có phong cách kiến trúc riêng của mình. Tại sao chúng ta cứ phải xây dựng theo phong cách của thời đại khác? Ta cần sáng tạo nên phong cách đặc biệt, toàn diện, đầy đủ mà ưu việt của nó là tập hợp được những cách làm hoàn toàn không đối lập giữa muôn người và mỗi người”.

Orpheus - Nhạc sĩ và nhà thơ vĩ đại

Bảo tàng Altes trên Bảo tàng – tp Berlin 1823-1830

Sau chuyến công cán đến nước Ý, Schinkel hiểu rằng kiến trúc phi đối xứng chính là một thành tựu thời đại. Ông nghiên cứu, tìm hiểu cặn kẽ kiến trúc La Mã. Và, để làm nổi bật tính đa dạng của mối quan hệ đối xứng giữa kiến trúc với thiên nhiên, Schinkel đã đo vẽ lại từ đầu toàn bộ trường đua Circus18. Chính từ lập trường này ông đã phê phán một số biệt thự như: Medici (Florence, 1445, KTS Michelozzi19), Rusellai (Florence, 1450, KTS Alberti20), Strozzi (KTS Maiano21 và KTS Il Cronaca22), Mazzeri (KTS Barbaro23), kể cả Rotonda lừng danh của Paladio. Khi thiết kế biệt thự, dinh điện, kiến trúc sư Shikel luôn muốn truyền đạt các trạng thái tự nhiên xung quanh vốn có và làm sáng tỏ mối quan hệ giữa chúng với kiến trúc, đồng thời phê phán sự không phù hợp của lối quy hoạch tầm thường thiếu ngoạn mục từ quá khứ đến hiện tại của một số thành phố, khu đô thị cổ. Đó là cách nhìn sắc sảo Schinkel của chứ không phải tính khí nghệ sĩ thất thường. Trong cuốn sách giáo khoa của mình, Schinkel phê phán các nghệ sĩ khư khư bám lấy thủ pháp đối xứng thâm căn cố đế, không kém nghiêm khắc: “Không còn nghi ngờ gì đối xứng sinh ra từ sự lười biếng, háo danh, bế tắc không lối thoát”.