Tháng 7 tăng lương như thế nào

Đề xuất tăng lương của Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa được Chính phủ thông qua. Sau hai năm rưỡi giữ nguyên, từ 1/7, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 180.000 đồng đến 260.000 đồng/tháng, tùy vùng.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng. Đối tượng áp dụng gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động gồm: Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này.

Lương tối thiểu theo vùng sẽ tăng từ 1/7/2022

Theo đó, việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6% trình Chính phủ của Hội đồng Tiền lương quốc gia, phương án tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 được áp dụng như sau:

- Mức 4,68 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I (hiện đang là 4,42 triệu đồng/tháng)

- Mức 4,16 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II (hiện đang là 3,92 triệu đồng/tháng)

- Mức 3,63 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III (hiện đang là 3,43 triệu đồng/tháng).

- Mức 3,25 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV (hiện đang là 3,07 triệu đồng/tháng).

Tháng 7 tăng lương như thế nào
Kể từ ngày 1/7 sắp tới những nhóm người lao động dưới đây sẽ được tăng lương theo quy định mới của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Ảnh minh họa

Theo đó, nếu đề xuất tăng lương của Hội đồng Tiền lương quốc gia được Chính phủ thông qua thì sau 2,5 năm giữ nguyên, từ ngày 1/7/2022, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 180 nghìn đồng đến 260 nghìn đồng/tháng, tùy vùng.

Như vậy, mức tăng lương tối thiểu vùng sẽ là mức lương thấp nhất người lao động được trả khi làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp (chưa bao gồm phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác).

Theo Điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc, hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận, phải bảo đảm: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Trường hợp doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp có thể tăng lương hoặc không tăng lương.

Đề xuất tăng lương tối thiểu theo giờ

Bên cạnh mức lương tối thiểu theo tháng như hiện hành, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất từ ngày 1/7 tới sẽ có quy định thêm mức lương tối thiểu tính theo giờ với mức từ 15.600-22.500 đồng/giờ tuỳ theo từng khu vực.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có quy định về tiền lương tối thiểu theo giờ, tuy nhiên nhiều ý kiến còn băn khoăn rằng mức lương được đề xuất đang thấp so mặt bằng giá cả.

Về mức lương tối thiểu giờ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: Vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

Lương của công nhân viên chức năm 2022 thay đổi thế nào?

Theo tinh thần tại Nghị quyết 27 của Bộ chính trị, mức lương công chức sẽ được cải cách theo hướng bỏ cách tính lương hiện nay theo lương cơ sở và hệ số.

Thay vào đó, mức lương công chức sẽ tính theo số tiền cụ thể, căn cứ vào vị trí việc làm của từng đối tượng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc cải cách tiền lương đã liên tiếp bị lùi lại.

Lương = Hệ số x Mức lương cơ sở.

Trong đó:

- Hệ số lương: Vẫn được quy định trong Nghị định 204/2004/NĐ-CP căn cứ vào ngạch công chức, các loại công chức như hiện nay, hệ số lương sẽ dao động từ mức 1,35 - 4,98.

- Mức lương cơ sở năm 2022: Quốc hội cũng như các các cơ quan hiện chưa có văn bản mới ban hành cũng như đề xuất mới về mức lương cơ sở 2022.

Mức lương cơ sở của công chức vẫn được áp dụng mức 1,49 triệu đồng/tháng tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP từ 01/7/2019 đến nay.

Ghi nhận bước đầu cho thấy, tuy số tiền lương tăng không nhiều nhưng ở thời điểm hiện tại cũng giúp cho người lao động (NLĐ) bù đắp được phần nào chi phí sinh hoạt hay một chút chi phí trượt giá, ví dụ như tiền xăng xe, tiền gas…

“Trước đây khi giá xăng chưa tăng, tôi đổ 50.000 đồng tiền xăng để đi cả tuần, bây giờ mua 100.000 đồng đi đến ngày cuối tuần đã thấy vơi gần hết. Khi giá cả chưa tăng, lúc đó tôi tằn tiện chi tiêu cho gia đình gồm 2 vợ chồng và 2 con, mỗi tháng hết 7,5 triệu đồng (không phát sinh ốm đau, bệnh tật, du lịch và các khoản đột xuất khác) thì nay phải khoảng 11 triệu đồng do các mặt hàng tăng giá.

Việc tăng lương từ 1/7 sẽ giúp chúng tôi có thêm một khoản để chi tiêu cho gia đình. Thực hiện Nghị định 38 của Chính phủ, hiện nay công ty đang lên kế hoạch, đầu tiên là điều chỉnh thang lương theo mức lương mới, sau đó sẽ tiến hành thủ tục điều chỉnh lương cho toàn thể cán bộ, công nhân viên theo mức tăng lương tối thiểu vùng”- chị Hà Thị Phương Anh đến từ Công ty May liên doanh Plummy bộc bạch.

Là Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SWCC Showa, anh Nguyễn Minh Sơn cũng chia sẻ, Công ty TNHH SWCC Showa trả lương cơ bản cho công nhân mới được tuyển vào làm việc là 5,3 triệu đồng/tháng. Đầu năm nay, DN đã điều chỉnh tăng lương, tháng 7 tới lại tăng lương theo quy định của Chính phủ thì quỹ này đội lên khá nhiều. Hiện nay các DN đang xem xét, tìm nguồn kinh phí cũng như rục rịch tổng hợp ý kiến để có buổi đối thoại với NLĐ cùng giải bài toán tăng lương.

Nâng cao năng lực đàm phán tăng lương

Việc tăng lương ở thời điểm này hết sức thiết thực và cải thiện đời sống cho NLĐ. Tuy nhiên, đọc kỹ Nghị định số 38/NĐ-CP nhiều người không khỏi băn khoăn khi không còn quy định những NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề có mức lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng, như Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động. Nghị định số 38/NĐ-CP chỉ quy định: Mức lương tối thiểu tháng là mức thấp nhất để làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với NLĐ áp dụng hình thức trả lương theo tháng.

“Trong Nghị định 38 quy định tăng lương 6% nhưng không bắt buộc chủ sử dụng lao động cộng 7% lương qua đào tạo. Đây sẽ là kẽ hở để DN không cộng 7% lương cho NLĐ. Nếu trường hợp lương tối thiểu tăng 6% nhưng DN lại cắt khoản 7% qua đào tạo thì NLĐ bị âm 1%”- Chủ tịch công đoàn một công ty bày tỏ lo lắng.

Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Quang Thọ cho rằng: “Nếu bỏ 7% lương qua đào tạo thì không phân biệt được NLĐ qua đào tạo và không có tay nghề. Như vậy, NLĐ bị thiệt chứ không phải được tăng lương 6%”.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lao động cho rằng, về nguyên tắc Chính phủ bỏ quy định 7% là đúng để tuân thủ khái niệm về lương thị trường; những người đã học nghề muốn có lương cao hơn phải qua thỏa thuận với chủ sử dụng lao động và phụ thuộc vào cung – cầu lao động.

“Vấn đề là NLĐ và công đoàn phải có năng lực thỏa thuận. Người sử dụng lao động muốn có lao động qua học nghề phù hợp với yêu cầu công việc thì phải trả lương cao hơn thị trường. Quan trọng nhất là sự điều tiết của thị trường lao động do quan hệ cung – cầu lao động quyết định giá cả lao động, trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên” – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ LĐTB&XH Nguyễn Hữu Dũng cho hay.

Trả lương theo thỏa thuận đã được quy định trong Bộ luật Lao động, Điều 93: Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho NLĐ.

Trước đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư nêu rõ quan điểm: Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN. Như vậy, với việc Chính phủ ra Nghị định số 38 quyết định tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022, Bộ LĐTB&XH cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn triển khai để các DN trên cơ sở đó thực hiện.

“Luật đã quy định DN được xây dựng thang bảng lương. Cho nên NLĐ và tổ chức công đoàn đại diện cho NLĐ đàm phán với chủ sử dụng lao động để có hệ thống lương phù hợp. Bây giờ phải tăng cường nâng cao năng lực của tổ chức công đoàn để đàm phán tăng lương” – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân nói.

Trong khi đó, nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính nhấn mạnh đến việc kiểm soát các DN thực hiện tăng lương như thế nào. Nếu DN nào có công đoàn mạnh, khả năng đàm phán tốt thì thực hiện tăng lương nhưng không cắt giảm phúc lợi. Nhưng thực tế trước đây, có những DN tăng lương lại cắt phúc lợi. Vì thế, tổ chức công đoàn phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ LĐTB&XH.

 

Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm trực tuyến “Mức lương đủ sống – Góc nhìn đa chiều”

9 giờ sáng nay (16/6), báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức tọa đàm với chủ đề “Mức lương đủ sống – Góc nhìn đa chiều” tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn. Buổi tọa đàm có sự tham dự của các chuyên gia, đại diện người sử dụng lao động, NLĐ. Các diễn giả tham dự tọa đàm sẽ trao đổi, bàn luận xoay quanh 3 nội dung chính: Cách tính mức lương tối thiểu ở Việt Nam; Lương tối thiểu đã đủ sống; So sánh mức lương tối thiểu của Việt Nam với các nước ASEAN. Thông qua ý kiến của các chuyên gia, đại diện người sử dụng lao động và NLĐ sẽ làm rõ hơn các thông số cũng như bức tranh đời sống về mức lương tối thiểu ở Việt Nam. Các quan điểm cần luận bàn của các chuyên gia… góp phần đưa ra những góc nhìn đa chiều về chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống kinh tế, xã hội – chính sách tiền lương, đóng góp các ý kiến để cải cách chính sách tiền lương nhằm nâng cao đời sống cho NLĐ.