Tội buôn lậu xe ô tô

Từ hành vi giả vờ mua ô tô rồi phóng bỏ chạy, chiếm đoạt xe của người bán, cảnh sát phát hiện ra đường dây buôn lậu "xế hộp" hạng sang từ Lào về Việt Nam.

Tội buôn lậu xe ô tô
Bị can Chiến bị cáo buộc tội danh buôn lậu xe ô tô hạng sang. Ảnh: M.Hiền.

Ngày 29.3, Công an huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, quá trình điều tra mở rộng vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn, đơn vị phát hiện ra một đường dây buôn lậu xe ôtô từ Lào vào Việt Nam thông qua hình thức tạm nhập tái xuất.

Đến nay, Công an huyện Tam Dương đã khởi tố, tạm giam 2 đối tượng Đinh Mạnh Hùng (28 tuổi, Tuyên Quang) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Mai Thành Chiến (33 tuổi, huyện Chương Mỹ) về hành vi buôn lậu.

Theo cảnh sát, nảy sinh ý định lừa đảo, Hùng lập một tài khoản Facebook lấy tên là “Hau Doan” rồi tìm mua xe ôtô nhập lậu.

Hùng liên lạc với chủ chiếc xe ở tỉnh Bắc Giang. Anh này đang rao bán chiếc xe ôtô Camry có nguồn gốc tạm nhập tái xuất từ Lào vào Việt Nam.

Chiếc xe đã hết hạn sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam. Hai bên thống nhất giá bán là 410 triệu đồng. Hùng hẹn anh này mang xe đến đường 36m thuộc xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương để giao dịch mua bán xe.

Lợi dụng lúc chạy thử, Hùng điều khiển xe bỏ chạy về tỉnh Tuyên Quang. Sau đó, Hùng bị bắt giữ.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án,  Công an huyện Tam Dương đã xác minh nguồn gốc xe ôtô, qua đó phát hiện đường dây buôn lậu xe ôtô từ Lào về Việt Nam thông qua hình thức tạm nhập tái xuất. Cảnh sát đã bắt Chiến.

Chiến khai nhận, do không nghề nghiệp ổn định làm lao động tự do nên đối tượng có thời gian lên mạng xã hội. Chiến vào trang “Hội mua bán xe Lào - Campuchia” làm quen với một người đàn ông Lào đặt mua xe ôtô đắt tiền như BMW, Camry…

Sau đó, Chiến lên mạng xã hội đăng bán cho người có nhu cầu. Trung bình mỗi một xe ôtô bán lại Chiến thu lợi nhuận từ 50 đến 100 triệu đồng.

TAND TP Hà Nội vừa xét xử đường dây buôn bán ô tô từ Lào về Việt Nam, chủ mưu là Nguyễn Đình Biết, SN 1982, quê Nghệ An...

Cùng hầu toà với Biết là Nguyễn Anh Đức, SN 1995, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội và Phan Công Miên, SN 1989, quê Hà Tĩnh. Các cơ quan tố tụng làm rõ, đầu năm 2017, qua mạng xã hội facebook, Biết quen người đàn ông tên Thiệp. Thiệp có nhắc đến việc, có nguồn xe ô tô từ Lào về Việt Nam để bán.

Hai bên thống nhất, khi nào có xe, Thiệp sẽ chụp gửi ảnh gửi cho Biết rồi đăng lên facebook rao bán. Nếu có khách đặt mua, Thiệp sẽ gửi ô tô về Việt Nam để Biết giao dịch, rồi nhận được tiền công. Khoảng tháng 10/2017, Thiệp gửi ảnh chiếc xe ô tô Huyndai Elantra. Một tháng sau, có người phụ nữ quê Lai Châu đồng ý mua chiếc xe này giá 242 triệu đồng, Biết báo cho Thiệp, chuẩn bị hàng chuyển về Việt Nam.

Tại Lào, Thiệp bảo Miên (người làm thuê tại xưởng sửa chữa của Thiệp) làm thủ tục tạm nhập chiếc xe nhãn hiệu trên, chuyển về TP Vinh, Nghệ An. Ngày 25/11/2017, chị Trịnh Thị Ngọc, SN 1988, quê Lai Châu, cùng chồng là anh Nguyễn Viết Hảo, SN 1988, đến TP Vinh gặp Biết để mua xe. Biết đã giao xe và nhận 242 triệu đồng.

Sau khi bán xe, Biết giữ lại 2 triệu đồng tiền công, còn lại chuyển cho Thiệp và Miên chưa được Thiệp chia tiền. Sau đó, sợ bị phát hiện, ngày 25/6/2019, Miên đến CA TP Hà Nội đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội.

Tội buôn lậu xe ô tô

Các bị cáo tại toà.

Tại CQĐT, chị Ngọc và anh Hào khai, sau khi mua chiếc xe ô tô trên, hai vợ chồng điều khiển xe về thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu vẫn để nguyên biển số Lảo sử dụng thì bị CQCA TP Hà Nội tạm giữ.

Ngoài hành vi trên, Biết còn đứng ra bán hộ cho Nguyễn Anh Đức chiếc ô tô Kia K5, tạm nhập từ nước Lào về Việt Nam. Theo tài liệu, Đức mua chiếc xe trên với giá 10.000 USD từ Lào rồi mang về Việt Nam nhưng cơ quan chức năng cho hay, xe chỉ được sử dụng trong vòng 1 tháng theo quy định pháp luật.

Đức đã nhờ Biết rao bán trên mạng xã hội facebook. Biết bán chiếc xe này giá 320 triệu đồng, hưởng chênh lệch 50 triệu đồng và được Đức cho 1 triệu đồng tiền công.

Các cơ quan tố tụng xác định, hành vi của các bị cáo là buôn lậu. Theo quy định về tạm nhập, tái xuất ô tô về Việt Nam, không được tiêu thụ và trong vòng 30 ngày phải tái xuất. Các bị cáo đã thực hiện hành vi tạm nhập ô tô từ Lào về Việt Nam, sau đó không tái xuất mà tiêu thụ trong nội địa, trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, kiếm lời. Liên quan đến hành vi buôn lậu hai chiếc ô tô trên, trước đó Biết bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 4 năm tù tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức".

HĐXX của TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Biết 9 năm tù, Đức 6 năm tù, Miên 2 năm cùng về tội "Buôn lậu".

Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện, triệt phá đường dây buôn lậu ô tô cực lớn từ Lào về Việt Nam, thu giữ 26 xe ô tô có tổng trị giá 40 tỉ đồng.

Tội buôn lậu xe ô tô


Theo tài liệu của cơ quan điều tra, vào đầu tháng 11-2018, Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện đường dây mua bán làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức và buôn lậu xe ôtô từ Lào về Việt Nam với quy mô lớn, thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook… nên lập chuyên án để triệt phá.

Quá trình thu thập chứng cứ, điều tra vụ án, lực lượng chức năng phát hiện đường dây này có sự tham gia của nhiều đối tượng ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Các đối tượng đã dùng chiêu thức làm giả giấy tờ và con dấu của cơ quan, tổ chức để hợp thức hóa các xe ôtô nhập lậu từ Lào và xe trộm cắp để bán cho những người có nhu cầu, thu về hàng chục tỉ đồng.

Tội buôn lậu xe ô tô


Sau khi có đầy đủ tài liệu, chứng cứ, Công an Hà Tĩnh bắt giữ Trịnh Sỹ Hùng (26 tuổi, trú ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), Trần Quang Đông (28 tuổi, trú ở huyện Long Thành, Đồng Nai), Nguyễn Kim Long (39 tuổi, trú ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) về hành vi buôn lậu, làm giả giấy tờ của các cơ quan tổ chức. Mở rộng vụ án, lực lượng chức năng bắt giữ Nguyễn Hữu Sỹ (36 tuổi, trú ở huyện Tiên Du, Bắc Ninh), Nguyễn Trung Kiên (42 tuổi, trú ở Hà Nội), Lê Trần Vĩnh Thịnh (25 tuổi, trú TP Đà Nẵng) và Hoàng Đức Ý (36 tuổi, trú ở Quảng Trị) về hành vi làm giả tài liệu cơ quan tổ chức, sử dụng tài liệu giả cơ quan tổ chức. Tiếp đó, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố đối với Nguyễn Thao (39 tuổi, trú ở tỉnh Bắc Ninh), Vũ Thế Hiệp (40 tuổi, trú ở TP Nha Trang, Khánh Hòa) và Nguyễn Đức Điệp (41 tuổi, trú ở tỉnh Bắc Ninh).

Lực lượng chức năng bước đầu xác định Trần Quang Đông (28 tuổi, trú tại xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), là nghi phạm cầm đầu nhóm đối tượng làm giả tài liệu và con dấu để cung cấp cho đường dây này. Còn Đinh Thị Vân (51 tuổi, trú tại phường Hưng Bình, TP Vinh, tỉnh Nghệ An), là nghi phạm cầm đầu mắt xích sản xuất BKS ôtô giả.

Tội buôn lậu xe ô tô


Tội buôn lậu xe ô tô


Khám xét nơi ở của các nghi phạm, cơ quan công an cũng thu giữ 26 ô tô các loại có trị giá khoảng 40 tỉ đồng, trên 201 biển kiểm soát ô tô, xe máy giả, 357 con dấu giả và nhiều thiết bị sản xuất tài liệu, con dấu giả.

Hiện, chuyên án trên vẫn đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục mở rộng điều tra.

Theo quy định của pháp luật về hình sự, các hành vi của nhóm đối tượng trên sẽ bị xử lý như sau:

"Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức 348

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: 

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng."

Như vậy, với hành vi sử dụng giấy tờ giả để đi buôn lậu xe hơi, thu lợi hàng tỷ đồng, các đối tượng này sẽ phải chịu hình phạt theo khoản 3 của Điều này, có khung hình phạt từ 03 đến 07 năm tù.

Đối với hành vi buôn lậu xe ô tô, thu lợi với số lượng rất lớn, các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm cho tội buôn lậu, được quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:

"Điều 188. Tội buôn lậu

1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

h) Phạm tội 02 lần trở lên;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm."

Như vậy, với mức độ thu lợi rất lớn, các đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt của khoản 4 Điều này, phải chịu hình phạt tù với khung từ 12 đến 20 năm tù.

Tổng cộng, các đối tượng phải chịu mức hình phạt từ 15 đến 27 năm tù.

Ngoài ra, các đối tượng còn phải chịu hình phạt bổ sung là hình phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 341 và khoản 5 Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài, gọi số: 1900.6248