Trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước.

Hiện nay ở Việt Nam có nhiều cách hiểu và quan điểm khác nhau về thuật ngữ “trách nhiệm”. Một số nghiên cứu tiếp cận thuật ngữ “trách nhiệm” theo nghĩa là nghĩa vụ, nhiệm vụ, bổn phận, quyền hạn. Tuy nhiên, có thể hiểu trách nhiệm không chỉ bao hàm những hậu quả bất lợi nào đó mà phải luôn gắn liền với nghĩa vụ của mỗi cá nhân đặc biệt là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Và như vậy, trách nhiệm phải là những việc nên làm, phải làm và được làm với kết quả tốt nhất, nếu kết quả không tốt sẽ phải gánh chịu hậu quả nhất định.  Cơ sở hình thành trách nhiệm rất phong phú. Tuy nhiên cơ sở hình thành trách nhiệm được phân loại thành hai loại chính đó là: những quy định của luật pháp, quy chế, thỏa thuận của tập thể, tổ chức, địa phương... và dư luận xã hội. Trách nhiệm của mỗi cá nhân luôn luôn gắn liền với kết quả, hiệu quả của công việc. Như vậy, nếu một cá nhân hoàn thành một công việc nhất định nhưng không đạt được yêu cầu đặt ra thì không được coi là đã hoàn thành công việc cũng như không hoàn thành trách nhiệm được giao. Điều này khẳng định rằng, bất kỳ công việc nào được đặt ra cũng phải được hoàn thành theo đúng (tức là bằng hoặc hơn) kết quả đã được ước tính trước, như vậy mới được coi là công việc đã hoàn thành. Qua những phân tích trên có thể thấy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước là những việc mà người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước nên làm, phải làm, được làm với kết quả tốt, nếu kết quả không tốt, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm. Căn cứ vào vị trí và vai trò của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước là người có nghĩa vụ và quyền cao nhất trong tổ chức thực hiện các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước nên trách nhiệm cũng gắn liền với nó mà trở nên nặng hơn.  Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước gồm ba yếu tố cấu thành cơ bản là Nghĩa vụ, Quyền, và việc Chịu trách nhiệm đối với việc thực hiện các nghĩa vụ và quyền đó. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước mang tính xã hội sâu sắc. Trước hết, về mặt lợi ích, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm với toàn thể nhân dân, toàn thể xã hội của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặc điểm này gắn liền với một nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp nước ta, đó là: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân...” (Khoản 1, 2, Điều 2). Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 bổ sung và phát triển nguyên tắc: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (khoản 3, Điều 2). Điều này thể hiện rằng, tất cả những người làm việc trong bộ máy của nhà nước đều phải có trách nhiệm đối với nhân dân và đất nước.

Thứ hai, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước là thiết chế trách nhiệm cá nhân. Trên thực tế “trong hoạt động của lĩnh vực công, càng tập trung bao nhiêu và càng làm việc tập thể với nguyên tắc đa số để ban hành quyết định bao nhiêu, thì càng tạo cơ sở nhiều hơn cho sự ỷ lại và không chịu trách nhiệm cá nhân bấy nhiêu”. Bởi vậy, cần có sự đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Mặt khác, mọi vấn đề được quyết định một cách nhanh chóng, tinh thần trách nhiệm được đặt cao trong mỗi quyết sách sẽ tránh được phần lớn tranh luận, bàn cãi, gây ra quá nhiều ý kiến trái chiều và không thể giải quyết được vấn đề.

Thứ ba, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước mang tính bao quát cao. Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm đối với hai nhóm chủ thể cơ bản đó chính là trách nhiệm đối với nội bộ và trách nhiệm đối với xã hội. 

Trách nhiệm đối với nội bộ là trách nhiệm đối với hệ thống các cơ quan nhà nước gồm các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Khi một nhiệm vụ không được hoàn thành, nó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan hành chính liên quan bởi hệ thống các cơ quan hành chính nước ta là một thể thống nhất, khi có hành động nào đó làm sai trái sẽ ảnh hưởng tới các công việc của các cơ quan khác trong tổng thể hệ thống hành chính.  Trước hết trách nhiệm xã hội là sứ mệnh cơ bản của nhà nước. Bởi vậy, trách nhiệm xã hội của người đứng đầu được hiểu là sự cam kết ứng xử của người đứng đầu phù hợp với lợi ích của xã hội trong các hoạt động liên quan đến lợi ích của xã hội, của người dân. Trách nhiệm xã hội hướng đến mục tiêu lớn nhất là lợi ích của người dân, của xã hội, vì sự phát triển bền vững, tốt đẹp của xã hội. Đây là loại hình trách nhiệm có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của nhân dân và mỗi cá nhân trong hoạt động hành chính nhà nước.

Nội dung pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước

Tại Điều 10, Luật Cán bộ công chức quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước như sau (1):  Chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức; Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở, văn hóa công sở trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân; Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cá nhân, tổ chức; Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra trách nhiệm người đứng đầu còn được quy định tại tại Điều 7, Nghị định 157/2007/NĐ-CP Quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ của chính phủ, quy định về nội dung chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu như (2): Chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý. Gương mẫu và nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của cấp trên; tổ chức, điều hành cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có chất lượng và đúng thời hạn được giao; quyết định chủ trương, giải pháp cần thiết đểhoàn thành nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Ban hành hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật bảo đảm tính hợp pháp của văn bản (bao gồm: văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt, công văn chỉ đạo, điều hành và nội quy, quy chế, điều lệ, quy định áp dụng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý). Căn cứ các quy định về phân công, phân cấp và nhiệm vụ, quyền hạn được giao, ban hành văn bản quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cấp phó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấu thành hoặc từng cán bộ,công chức, viên chức thuộc quyền; không để tình trạng chồng chéo, trùng lắp vềnhiệm vụ hoặc trách nhiệm không rõ ràng; bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và đúng pháp luật. Tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, nâng lương, cử dự thi nâng ngạch, quyết định nâng ngạch, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, cho nghỉ chế độ và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản công được giao; phòng, chống cháy nổ và bảo đảm an toàn lao động tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Khi sử dụng các nguồn tài chính, các tài sản, trang thiết bị phải thực hiện đúng chế độ, chính sách và đúng quy định của pháp luật; quản lý, kiểm tra thường xuyên, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, hư hỏng, mất mát, thất thoát. Thực hiện đúng quy định của pháp luật về văn hóa công sở; không để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý có thái độ hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; về phát ngôn, khai thác, quản lý và sử dụng mạng Internet trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Theo những quy định trên, người đứng đầu cơ quan nhà nước nói chung có nghĩa vụ rất cụ thể và rõ ràng. Mỗi trách nhiệm này đều phải được thực hiện đúng, đủ và hoàn thành hết khả năng để đem lại hiệu quả cao nhất. Cụ thể, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước bao gồm các nội dung sau: 

Một là, trách nhiệm về việc sử dụng các nguồn lực gồm nhân lực, tài chính công, tài sản công, thông tin

Bất kỳ nguồn lực công nào cũng phải được sử dụng một cách cẩn trọng và tiết kiệm. Tránh sử dụng nguồn lực một cách bừa bãi, hoang phí, sử dụng nguồn lực công vào việc cá nhân, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc được nhà nước giao phó. Trách nhiệm này còn được gọi là trách nhiệm sử dụng các nguồn lực đầu vào. Theo đó, mọi tổ chức dưới bất kỳ hình thức nào, vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận, thuộc chính phủ hay phi chính phủ, lớn hay nhỏ, đều dùng đến bốn nguồn lực chủ yếu: nhân lực, tài lực, vật lực và thông tin. Do đó, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước phải có trách nhiệm thực hiện việc quản lý, sử dụng các nguồn lực này trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước, bao gồm: Trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức thuộc đội ngũ nhân lực của nhà nước. Trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công. Trách nhiệm trong quản lý, sử dụng các tài sản công. Trách nhiệm trong quản lý, sử dụng thông tin nhà nước cung cấp để hoàn thành tốt nhất trách nhiệm của mình. Nhìn chung, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm quản lý, sử dụng các nguồn lực này trước hết đảm bảo tính hiệu lực, đúng quy định pháp luật, phục vụ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước, sau đó, có trách nhiệm đảm bảo tính hiệu quả, không để xảy ra lãng phí, thất thoát, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước và sự đóng góp của người dân.

Hai là, trách nhiệm về việc thực hiện các chức năng quản lý

Người đứng đầu cơ quan quản lý hành chính nhà nước có trách nhiệm thực hiện đúng, đủ những mục đích và hoạt động quản lý cần đạt được. Chức năng quản lý là hình thức biểu hiện sự tác động có chủ đích của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước lên đối tượng được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước quản lý. Là tập hợp rất nhiều những hành vi khác nhau mà chủ thể quản lý phải tiến hành trong quá trình quản lý công vụ, các hoạt động lãnh đạo, quản lý phải được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, đúng đắn và phải mang tính bao quát cao đối với công việc. Phải đạt được đúng mục đích của việc quản lý. Tức là, những người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước phải quản lý cơ quan của mình sao cho đúng, đưa ra những hướng đi đúng đắn cho cả tập thể cán bộ, công chức của cơ quan nhằm thực hiện đúng nhiệm vụ mà Nhà nước giao phó. Người đứng đầu đóng vai trò là người lãnh đạo, quản lý do đó họ có trách nhiệm thực hiện tốt vai trò này.  Trong trách nhiệm thực hiện chức năng lãnh đạo, quản lý thì các khía cạnh quan trọng nhất của quản lý, lãnh đạo bao gồm lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đồng thời, xác định tương lai sẽ như thế nào. Quan trọng hơn cả là làm thế nào để có thể truyền cảm hứng cho nhân viên là cán bộ, công chức để họ hoàn thành tốt nhất những mục tiêu đã đặt ra trước đó ngay cả khi gặp phải khó khăn. Nếu các chức năng này thực hiện không tốt sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực đầu vào đồng thời ảnh hưởng đến kết quả đầu ra của quá trình lãnh đạo, quản lý.  Như vậy, việc thực hiện chức năng quản lý đóng vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ được giao và trách nhiệm đối với những hoạt động quản lý mà người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước thực hiện.

Ba là, trách nhiệm về kết quả hoạt động lãnh đạo, quản lý

Bất kỳ hoạt động lãnh đạo, quản lý nào cũng cần có được những hiệu quả hoạt động nhất định. Nếu hiệu quả không được hoàn thành, thì bị coi là không hoàn thành nhiệm vụ và người lãnh đạo, quản lý hoạt động đó phải chịu trách nhiệm vì những gì chưa làm được hoặc chưa làm tốt. Trách nhiệm về kết quả của hoạt động lãnh đạo trong quá trình quản lý chính là những gì chúng ta nhìn thấy được hay đạt được sau quá trình thực hiện công tác lãnh đạo, quản lý.  Kết quả này cũng được chia làm hai loại chính: 

Thứ nhất là kết quả về khối lượng, số lượng công việc được hoàn thành hay lượng dịch vụ được cung cấp. Đây được gọi là kết quả trực tiếp từ hoạt động lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm đối với số lượng các quyết định quản lý được ban hành và số lượng, khối lượng dịch vụ công mà cơ quan hành chính nhà nước cung cấp cho xã hội. Trong phạm vi thẩm quyền, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm ban hành đầy đủ về số lượng các quyết định quản lý nhằm thực hiện các chức năngquản lý hành chính nhà nước. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm quản lý việc cung cấp cho xã hội các loại hình dịch vụ công cơ bản như: dịch vụ hành chính công (cấp phép, kiểm duyệt, công chứng, chứng thực…), dịch vụ sự nghiệp công (giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, thể thao, văn hóa xã hội…), dịch vụ công cộng (cung cấp điện, nước sạch, xử lý nước và chất thải, cây xanh, chiếu sáng công cộng, vận tải, tài chính ngân hàng, bảo hiểm…). 

Thứ hai là kết quả gián tiếp hay nói cách khác là hành động lãnh đạo, quản lý công vụ của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có tạo nên sự thay đổi tích cực nào đó đến xã hội, môi trường hay điều kiện sống của con người hay không. Khi thực hiện hoạt động quản lý, người đứng đầu cơ quan nhà nước hướng tới những mục tiêu gần đó là bảo vệ quyền, lợi ích của nhà nước, thực hiện những nhiệm vụ mà nhà nước giao phó. Còn những mục tiêu lớn hơn như người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm nâng cao chất lượng và mức sống của con người, tạo ra được một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực mình quản lý. Những kết quả này khó mà đánh giá được. Tuy nhiên, chúng ta sẽ nhìn thấy nó thông qua những “hậu quả”. Ví dụ, môi trường càng ngày càng ô nhiễm. Nguyên nhân là do đâu? Do ý thức của người dân kém hay công tác quản lý chưa tốt. Vấn đề này rất khó để nhận ra, tuy nhiên, người ta vẫn mong rằng Nhà nước ta có những hoạt động tốt nhất để làm giảm ô nhiễm môi trường. Kết quả gián tiếp này chỉ ra từ góc độ xã hội và là trách nhiệm cao nhất, quan trọng nhất của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước. Kết quả này còn được đánh giá thông qua chỉ số phúc lợi xã hội đạt được qua mỗi thời kỳ, nó có thể không rõ ràng ngay từ ban đầu nhưng nếu có thành quả, thì đây được coi là đích đến đáng chú ý nhất của những nhà lãnh đạo cốt cán. Đây cũng là kết quả cuối cùng mà nhà nước và nhân dân cũng như bản thân người đứng đầu mong muốn.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc hiện thực hóa trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Hiện thực hóa trách nhiệm người đứng đầu là sự thể hiện cụ thể, chi tiết kết quả của toàn bộ trọng trách, nhiệm vụ được giao trên thực tế chứ không chỉ trên giấy tờ hay những bài phát biểu hội thảo. Các yếu tố này bao gồm cả những yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan. Các yếu tố khách quan bao gồm các yếu tố thuộc về nhà nước (thể chế, tổ chức bộ máy, tài chính, nhân sự); các yếu tố về điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội và yếu tố công dân. Để người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước thực hiện tốt công việc được giao, hệ thống pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu phải đảm bảo các yêu cầu: xác định rõ vị trí, vai trò; các yếu tố nghĩa vụ, quyền và cơ chế chịu trách nhiệm của người đứng đầu cũng như phải đảm bảo được sự thống nhất tương thích giữa các yếu tố trên.  Các yếu tố chủ quan gồm năng lực và đạo đức của bản thân người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Đây là một yếu tố quan trọng để góp phần giúp người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Sống đúng theo tấm gương của Hồ Chủ tịch vĩ đại.  Bên cạnh những trách nhiệm nêu trên, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cần tuân thủ những quy tắc nhất định trong hoạt động thực thi công quyền. Các nguyên tắc trong thi hành công vụ bao gồm có năm nguyên tắc cơ bản sau (3): Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật: Hiến pháp và pháp luật là những yếu tố cơ bản để xây dựng nhà nước vững mạnh và bền chặt. Vì vậy, những người lãnh đạo nhất định phải tiên phong trong việc tuân thủ Hiến pháp cũng như tất cả các quy định của nhà nước để trở thành những tấm gương sáng để cán bộ cấp dưới cũng như nhân dân noi theo. Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Để dân giàu, nước mạnh thì nhất định quyền và lợi ích của Nhà nước và công dân phải được đảm bảo, từ đó chúng ta có thể xây dựng đất nước từ những nền móng vững chắc. Công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát. Tất cả mọi hoạt động công quyền đều cần thiết phải được công khai, minh bạch đảm bảo một bộ máy nhà nước trong sạch và vững mạnh. Có thể, Nhà nước mới có được sự ủng hộ của nhân dân trong quá trình phát triển đất nước. Bất kỳ hoạt động nào cũng cần có đội ngũ kiểm tra và giám sát. Mọi sai phạm trong việc sử dụng quyền lực nhà nước đều phải được phát hiện kịp thời để xử lý. Đội ngũ kiểm tra, giám sát này cũng xuất phát từ nhân dân, vì thế, cơ quan hành chính nhà nước cũng như các cơ quan công quyền khác có thể làm việc cho một nhà nước ‘của dân, do dân và vì dân”. Bảo đảm tính hệ thống, thống nhất, liên tục, thông suốt và hiệu quả. Bộ máy nhà nước nào cũng cần có sự hệ thống, thống nhất giữa các bộ phận với nhau. Tránh những trường hợp chồng chéo công việc, dẫn đến những sai phạm không đáng có hoặc khi có sai phạm thì đổ trách nhiệm cho nhau. Bộ máy hành chính nhà nước cần phân định rõ ràng ai, làm gì, nhiệm vụ ra sao, giúp cho việc quản lý của người đứng đầu trở nên hiệu quả hơn. Người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước nhất định phải nắm giữ chắc chắn những vấn đề liên quan đến hệ thống của mình để quản lý, cho bộ máy hoạt động thông suốt và mang lại hiệu quả cao. Bảo đảm thứ bậc hành chính và sự phối hợp chặt chẽ. Như vậy, nội dung pháp luật về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước được thể hiện khá ngắn gọn. Có sự tùy nghi theo hoàn cảnh cụ thể do người đứng đầu lựa chọn phù hợp với sự phát triển cũng như điều kiện của cơ quan mình quản lý. Khi Nhà nước cung cấp các nguồn lực (nhân lực, tài chính công, tài sản công, thông tin) thì người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước phải thực hiện các hoạt động như: lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra và cuối cùng là xác định kết quả của việc thực hiện nhiệm vụ đó. Kết quả của hoạt động chính là thể hiện năng lực của người đứng đầu./. ---------------------------

Tài liệu tham khảo:

(1). Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Cán bộ công chức, thông qua 13-11-2008, có hiệu lực thi hành ngày 01-01-2010 (2). Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị định 157/2007/NĐ-CP về chế độc trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ; ban hành ngày 27-10-2007, có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ban hành. 

(3). Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Cán bộ công chức 2008, Điều 3.

Học viện Hành chính Quốc gia

Theo tapchicongsan.org.vn