Trong ca khú rửa mặt như mò vì sao khó

Đó là nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích (1940 - 2015), suốt đời ông là nhà giáo, sáng tác chỉ là "tay trái". Vậy nên số lượng tác phẩm không nhiều. Nhưng chất lượng thì không thua kém bất cứ một nhạc sỹ viết cho thiếu nhi thực thụ nào.

  • Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích: Kỷ lục gia giải thưởng âm nhạc thiếu nhi

Gia tài ca khúc dành cho tuổi thơ của Hàn Ngọc Bích chỉ vỏn vẹn chưa tới hai chục bài. Nhưng ông để lại được một nửa trong số đó là những bài rất nổi tiếng mà thế hệ thiếu nhi thời chống Mỹ không ai không biết, không thuộc. Nhiều bài vẫn có đời sống bền vững cho tới hôm nay.

Tại các cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ dành cho học sinh, những ca khúc của ông vẫn thường xuyên được vang lên. Có thể các ca sỹ nhí ngày hôm nay không biết gì về bối cảnh ra đời những bài hát ấy nhưng lại rất thích thú mỗi khi cất lên giai điệu.  

Hẳn là những người hôm nay đã làm cha, mẹ, thậm chí ông, bà không thể không nhớ một bài hát rất xinh xắn mà thuở đi học mẫu giáo ngày trước mình vẫn hát: “Eo eo eo! Rửa mặt như mèo. Xấu xấu lắm chẳng được mẹ yêu. Khăn mặt đâu mà ngồi liếm láp. Đau mắt rồi lại khóc meo meo” (Rửa mặt như mèo).

Chính tôi mãi tới khi tiếp xúc với Hàn Ngọc Bích vào khoảng năm 1977 rồi chơi thân với ông mới biết bài hát này của bạn mình trong khi con nhỏ của tôi khi ấy suốt ngày hát. Ngoài ra, ông còn một bài dành cho tuổi mẫu giáo khác cũng rất nổi tiếng (viết cùng Văn Dung) là bài “Em đố mẹ em”: “Em đố mẹ em Mỹ rơi bao máy bay…. Mẹ bảo chịu thôi làm sao đếm được máy bay giặc Mỹ nó rơi hàng ngày”.

Đó là hai bài dành cho tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Còn lại là viết cho tuổi nhi đồng, thiếu niên với những bài có phong vị đặc biệt, không thể lẫn  với bất cứ tác giả nào khác cũng viết cho thiếu nhi. Đương nhiên là giai điệu phải trong sáng, hồn nhiên như tuổi thơ nhưng nếu nghe kỹ, ta thấy có chiều sâu, phảng phất nỗi niềm suy tư.

Không hẳn là Hàn Ngọc Bích “già hóa” ca khúc thiếu nhi mà tôi cho rằng chính như vậy mới phù hợp với tuổi thơ Việt Nam luôn vất vả, chịu đựng cuộc sống khắc nghiệt trong sản xuất và chiến đấu. Đó là tuổi thơ của một dân tộc luôn phải gồng mình lên để đương đầu với mọi cam go lớn, nhất là trong thời chiến. Ta hãy nghe kỹ bài “Đưa cơm cho mẹ đi cày” - một trong những ca khúc thiếu nhi hay nhất trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước của nền âm nhạc Việt Nam: “…Mẹ ơi, mẹ nghỉ tay. Trời trưa vừa tròn bóng. Mẹ ăn cơm cho nóng. Mẹ để trâu cho con chăn…”.

Lời lẽ bình dị nhưng giai điệu nghe có cái gì đó hơi buồn buồn, ít nhiều trầm tư chứ không sôi động, nhí nhảnh, phơi phới như hầu hết những bài hát thiếu nhi cũng rất hay mà ta vẫn thấy. Khi tôi nói điều trên với Hàn Ngọc Bích thì ông lấy làm cảm động và thú vị, cho rằng tôi đã “lý luận hóa” một cách rất chí lý sáng tác của mình chứ thực ra lúc ông viết, không có ý thức đó mà là bài hát được ra đời sau khi đứa con gái đầu lòng mất.

Ông viết trong tâm trạng tiếc thương, đau buồn nên mới tuôn ra giai điệu như vậy. Những ca khúc khác của ông như “Cây bàng trước ngõ”, “Tiếng chim trong vườn Bác”, “Em bay trong đêm pháo hoa”, “Tre ngà bên lăng Bác” đều được tuổi thơ truyền tụng đến ngày hôm nay.

Có thể nói bài hát nào của Hàn Ngọc Bích cũng hay, giai điệu trong trẻo, ca từ giàu chất thơ mà vẫn gần gũi dung dị. Sở dĩ ông không để lại số lượng nhiều vì công việc dạy học rồi sau đó là nghiên cứu choán hết thời gian, sáng tác chỉ có thể là tay trái. Nhưng đó chỉ là một phần. Phần quan trọng hơn là ông viết một bài không dễ dàng mà khó khăn, trăn trở, sửa đi sửa lại, tu chỉnh quá kỹ lưỡng.

Sự khó tính trong sáng tác chính là nguyên nhân khiến ông không nhiều về số lượng nhưng các tác phẩm của ông khi ra đời lại đạt chất lượng cao như ta đã thấy và công chúng đón nhận. Không phải tác giả nào cũng có được phẩm chất rất cần thiết này. Có những năm tháng tôi và ông ở gần nhau, chỉ cách chừng mấy trăm mét nên có điều kiện thường xuyên gặp nhau, thù tạc.

Cũng như tôi, ông không biết uống rượu, bia, thuốc lá, cà phê. Nhưng đàm đạo về âm nhạc, văn chương thì không bao giờ cạn chuyện. Viết được bài nào, ông lại đến hát cho tôi nghe. Hỏi sáng tác bao giờ thì ông nói viết xong đã mấy tháng. Lại hỏi sao không cho nhau biết ngay mặc dù vài ngày gặp nhau một lần. Ông bảo viết xong nhưng chưa vừa ý, cứ để đó ngẫm nghĩ thêm, đến khi thật vừa ý mới có thể cho tôi nghe.

Có bài tôi góp đôi điều, ông tiếp thu liền nhưng không sửa hoàn toàn theo ý tôi mà thay đổi theo hướng khác. Lại mất mấy tháng nữa mói xong. Ông thú thật với tôi là “mình sáng tác như đánh vật”. Nhưng ở khâu sửa lại, chứ ngay từ đầu thì cũng khá nhanh khi cho ra phần “thô”. Tôi rất nể Hàn Ngọc Bích khi ông có phẩm chất không nhiều người sáng tác có. Đó là rất cầu thị, phục thiện, chịu khó lắng nghe mọi lời góp ý của người khác, kể cả đó chỉ là một người rất bình thường, trình độ hiểu biết thấp như anh thợ cắt tóc, ông sửa xe đạp, bà ve chai.

Trong ca khú rửa mặt như mò vì sao khó
Cố nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích và vợ.

Tôi nhớ mãi một lần chúng tôi hàn huyên tại một quán trà chén. Hàn Ngọc Bích hát cho tôi nghe một bài mới. Ông muốn nghe ý kiến của tôi. Rồi ông quay sang hỏi bà chủ quán: “Chị nghe thấy bài vừa rồi thế nào? Có nghe được không?”. Bà ta trả lời: “Tôi thì biết gì mà các anh hỏi”. “Không. Chị cứ nói đúng cảm nghĩ của mình. Nghe thấy hay, hay là ngang, không thích?”. Lúc này bà ta mới nói: “Tôi thấy trúc trắc, nghe không xuôi tai”.

Thế là sau đó, Hàn Ngọc Bích vứt hẳn bài đó đi mặc dù ông nói trước đó đã mất công cả tháng để viết nên. Ông còn trách tôi là không nói thẳng như bà bán quán kia. Nhưng ông nói: “Thực ra, ông tế nhị không nói ra nhưng cứ quan sát cái cách nghe của ông là tôi thấy bài của mình ra sao rồi”. Tuy nhiên có lần tôi nói với ông: “Bài Đưa cơm cho mẹ đi cày có câu “Mẹ để trâu cho con chăn, con chăn”.

Nếu đọc thì biết “chăn” ở đây là động từ. Nhưng nghe thì có thể nghĩ là danh từ, tức con trăn. Vậy nên chăng hãy sửa lại là “Mẹ để trâu cho con chăn, chăn trâu”. Tất nhiên, sửa lại về ý nghĩa không hay bằng trước nhưng tránh được ý nghĩ con trăn như đã nói. Hàn Ngọc Bích lấy làm tâm đắc, đồng ý ngay. Nhưng ông nói: “Tiếc là mình gặp ông muộn quá. Bài hát này thu thanh từ lâu, phổ biến mất rồi. Làm sao sửa lại được đây”.

Hàn Ngọc Bích có nhiều phẩm chất, nét tính cách khác người khiến tôi quý, nể. Trong khi nhiều người cũng có sáng tác ca khúc nhưng chẳng ai để ý, luôn tự xưng là nhạc sỹ ở mọi nơi thì ông lại chỉ coi mình là người yêu thích âm nhạc, sáng tác nghiệp dư mặc dù nổi tiếng, là hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam từ lâu.

Ở đâu, nếu ai giới thiệu ông là nhạc sỹ, ông lập tức cải chính: “Tôi là nhà giáo, không phải nhạc sỹ”. Có người cho rằng kiểu cách của ông mới thực là kiêu. Ông bảo đó là vì tâm đắc với điều tôi vẫn nói: “Ở Việt Nam, chỉ có chừng mấy chục người xứng đáng được gọi là nhạc sỹ (compositeur) vì sáng tác được khí nhạc (nhạc không lời). Còn lại chỉ là người viết ca khúc (chansonnier)".

Lại có lần, nghe danh, người ta mời ông tham gia cuộc đi thực tế để sáng tác ca khúc dành cho người lớn. Ông nói luôn: “Tôi chỉ viết được bài hát cho thiếu nhi, không viết được cho người lớn”. Họ nể vì trót mời nên nói ông có thể viết đúng sở trường. Ông lại thẳng thắn: “Trong số các nhạc sỹ được mời có nhiều người viết cho thiếu nhi cũng rất hay. Họ có thể kết hợp sáng tác nếu các đồng chí thực sự cần. Nhưng tôi nghĩ ngành của các đồng chí chẳng nên vẽ ra ca khúc thiếu nhi làm gì”.

Người nhạc sỹ được các thế hệ thiếu nhi rất yêu quý này có người vợ thật tuyệt vời. Bà tên là Nguyễn Thị Thanh, đồng nghiệp với chồng, cùng là giáo viên, là người xinh xắn và hiền hậu, đứng mũi chịu sào trong suốt những năm tháng khó khăn, gian truân nhất để chồng yên tâm công tác và sáng tác. Mối tình “sét đánh” của ông với vợ cùng với tình bạn với nhạc sỹ Hoàng Long - cũng là một nhạc sỹ chuyên viết cho thiếu nhi nổi tiếng - đã thôi thúc ông đến với sáng tác nhạc cho tuổi thơ.

Cách đây 3 năm, Hàn Ngọc Bích qua đời tại Bệnh viện 354 bởi bệnh ung thư phổi. Khi gia đình đã biết ông sắp ra đi vĩnh viễn thì nhạc sỹ vẫn không hay biết gì, vẫn hồn nhiên với những dự định về công việc nghiên cứu và sáng tác. Bạn bè đến thăm, ông vẫn vui cười, rôm rả đàm đạo mọi chuyện, vẫn âm ư hát bài của các bạn thân là nhạc sỹ. Đến lúc 2h30 ngày 1/5/2015, ông thanh thản ra đi, để lại những giai điệu sống mãi với các thế hệ tuổi thơ Việt Nam, không bao giờ có thể phai nhòa.

Nguyễn Đình San

Huyền sử của nhiều dân tộc trên thế giới đều cho rằng, thuở xa xưa, con người và muôn loài muông thú vốn sống chan hòa như anh em trong một mái nhà. Sự phát triển ngày càng đi lên của xã hội loài người dần dần mới tạo ra thế lưỡng khả sâu sắc giữa người và vật.

Nhưng cảm thức của con người về các loài vật rõ ràng có sự khác nhau. Có những loài khiến con người phải tránh xa, sợ hãi hoặc đôi khi là căm thù; lại có những loài vô cùng gần gũi, dễ thương, được con người yêu mến, nuôi nấng và chăm sóc. Chúng còn đi vào thi ca, trở thành các “nhân vật trữ tình” đặc biệt, đôi khi được lồng vào đó không ít những ẩn dụ, ngụ ý hay hàm ngôn của người sáng tạo. Một trong những loài vật được dành nhiều sự ưu ái ấy là con mèo.

1. Đối với người Việt, con mèo là vật nuôi gần gũi, thương mến ở trong nhà. Mèo có thể để làm cảnh, nhưng có lẽ công dụng lớn nhất của chúng là bắt chuột. Mèo từ đó đã đi vào các bài ca dao một cách thật tự nhiên, ngộ nghĩnh: “Con mèo mà trèo cây cau/Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/Chú chuột đi chợ đường xa/Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo”. 

Mèo đi vào thành ngữ tục ngữ với những ẩn dụ tích cực, liên quan đến bắt chuột, chẳng hạn câu “Mèo nhỏ bắt chuột cống” hàm ý chỉ những người tuổi trẻ tài cao, câu “Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ” chỉ sự phù hợp trong công việc tùy theo năng lực từng người, câu “Rình như mèo rình chuột” để chỉ sự kiên nhẫn và siêng năng trong công việc. Trong miêu tả phụ nữ, “Ăn nhỏ nhẻ như mèo” là một đánh giá tốt, giống như lời khen về đường ăn nết ở, về sự ý tứ của người phụ nữ trong một bữa cơm. 

Con mèo còn xuất hiện trong những câu chỉ triết lý đời sống, thể hiện kinh nghiệm sống hoặc những quan sát phản ánh hiện thực xã hội. Mèo cũng gắn với những sự phê phán thói hư tật xấu, hoặc đôi khi là những châm biếm mỉa mai trào lộng, chẳng hạn các câu: “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa; Im ỉm như mèo ăn vụng, Mèo mả gà đồng, Mèo đàng chó điếm. Mèo mù vớ cá rán, Mèo khen mèo dài đuôi”…

2. Con mèo xuất hiện nhiều trong ca từ nhiều bài hát của người Việt. Nhưng lạ ở chỗ, mèo xuất hiện chủ yếu trong các bài hát thiếu nhi chứ ít khi được đi vào các ca khúc trữ tình dành cho người lớn. Điều này đặc biệt đúng với các nhạc sĩ sinh sống và trưởng thành tại miền Bắc. 

Có thể kể đến một loạt các bài hát nổi tiếng về con mèo dành cho thiếu nhi như: “Rửa mặt như mèo” (Nhạc và lời: Hàn Ngọc Bích), Vì sao con mèo rửa mặt (Nhạc và lời: Hoàng Long), “Ai cũng yêu chú mèo” (Nhạc và lời: Kim Hữu), “Chú mèo con” (Nhạc và lời: Nguyễn Đức Toàn), “Gà trống, mèo con và cún con” (Nhạc và lời: Thế Vinh)… 

Trong những bài hát trên, con mèo chủ yếu được khai thác ở khía cạnh ngộ nghĩnh, đáng yêu và khả năng bắt chuột: “Nhà em có con mèo, chú mèo kêu meo meo. Mắt tròn trong như nước, ai cũng yêu chú mèo” (Kim Hữu); Nhà em có con gà trống, mèo con và cún con. Gà trống gáy ò ó o, mèo con luôn rình bắt chuột, cún con chăm canh gác nhà” (Thế Vinh); “Chú mèo con lông trắng tinh mắt tròn xoe và trông rất xinh meo meo. A con mèo nó rất ngoan bắt chuột đôi chân nhanh thoăn thoắt. A con mèo nó rất ngoan, suốt ngày em đùa chơi với mèo mèo” (Nguyễn Đức Toàn). 

Thế nhưng, khi khảo sát các ca khúc có xuất hiện hình ảnh chú mèo của các nhạc sĩ phía Nam, tôi nhận thấy tình hình hơi khác. Con mèo không chỉ xuất hiện trong các bài hát thiếu nhi mà còn xuất hiện cả trong nhiều tình khúc dành cho người lớn. 

Ở đó, mèo đã trở thành một nhân vật trữ tình, làm đẹp thêm cho con người, gắn với những kỷ niệm của một thời đầy yêu thương nay đã trở thành xa vắng: “Hỡi cô gái ngồi xõa tóc bên chú mèo làm bước chân tôi ngủ quên. Khiến tôi muốn mình là cỏ non ướt mềm hiền lành nằm dưới chân son” (Nếu em là người tình – Nhạc và lời: Nguyễn Ngọc Thiện), “Phố có nhớ đôi mèo con năm xưa, vẫn hay nô đùa mỗi ngày và hay hái me cho nhau. Phố có biết câu chuyện yêu vu vơ, như thể con mèo dịu hiền, thường hay cắn đôi tay tôi” (Góc phố dịu dàng – Nhạc và lời: Trần Minh Phi). 

Chú mèo đã đi vào phần lời của các tình khúc một cách tự nhiên, duyên dáng đáng yêu và điều quan trọng nữa là, hai ca khúc điển hình mà chúng tôi vừa nhắc đến đều là những tác phẩm thành công, in dấu khá sâu đậm trong lòng công chúng nghe nhạc. 

Trong khi đó, ngoài Bắc, nếu nhạc sĩ có đưa được mèo vào tình khúc thì cũng chưa thấy xuất hiện những tác phẩm thực sự gây được ấn tượng, chẳng hạn bài “Những ngày ta yêu nhau” của nhạc sĩ Phú Quang rõ ràng chưa bao giờ được xếp vào danh sách những ca khúc tiêu biểu của ông: “Những ngày ta yêu nhau, em nũng nịu trên vai anh. Con mèo hoang đang trốn nỗi buồn dưới vòm trời mùa hè”. 

Lý giải điều này, chúng tôi cho rằng, tính truyền thống và thủ cựu của miền Bắc mạnh hơn nên khoảng cách, ranh giới giữa người và vật nuôi cũng trở nên xa cách hơn. Trong khi miền Nam là vùng đất mới khai phá, lại có nhiều sự tiếp xúc với phương Tây (người phương Tây rất yêu quý vật nuôi, điều này ai cũng đã rõ), thế nên dường như đối với người miền Nam, khoảng cách giữa người và vật nuôi có sự gần gũi hơn, con mèo vì thế đi vào các ca khúc trữ tình một cách dễ dàng và có nhiều thành công hơn.

3. Bên cạnh âm nhạc, mèo đi vào nhiều thi phẩm của người Việt từ thời trung đại tới hiện đại với nhiều biểu hiện phong phú, qua miêu tả mèo mà bộc lộ thế giới nội tâm của con người. Nguyễn Bỉnh Khiêm (thế kỷ XVI) đã hơn một lần nhắc đến mèo trong thơ: “Phơ phơ đầu bạc ông câu cá/Leo lẻo dòng xanh con mắt mèo” (Mùa thu đi chơi thuyền), “Có thuở được thời mèo đuổi chuột/ Đến khi thất thế kiến tha bò” (Vô sự là hơn). 

Nhưng dù sao thơ trung đại nhắc đến mèo vẫn mang nhiều tính ước lệ, có phần mòn sáo. Phải đợi đến thời hiện đại, cụ thể là từ nửa đầu thế kỷ XX trở đi mới xuất hiện nhiều câu thơ hay về chú mèo. 

Trong thơ Đoàn Văn Cừ, mèo là yếu tố không thể thiếu, góp phần làm cho bức tranh quê trở nên sống động, đẹp một cách thanh bình: “Ông lão nằm chơi ở giữa sân/ Tàu cau lấp loáng ánh trăng ngân/ Thằng cu đứng vịn bên thành chõng/Ngắm bóng con mèo quyện dưới chân” (Trăng hè). Sau này, vẻ đẹp ngộ nghĩnh của chú mèo trong những câu thơ giàu họa tính còn được gặp lại trong thơ Ngô Văn Phú: “Gió cù khe khẽ anh mèo mướp/ Rủ đàn ong mật đến thăm hoa” (Gió). 

Thơ thiếu nhi về chú mèo không thể không nhắc đến bài lục bát bốn câu nổi tiếng của Phan Thị Vàng Anh: “Hôm nay trời nắng chang chang/Mèo con đi học chẳng mang thứ gì. Chỉ mang một chiếc bút chì. Và mang một mẩu bánh mì con con” (Mèo con đi học). 

Nhưng những câu thơ khắc khoải nhất về mèo vẫn phải là những câu đi sâu vào thế giới nội tâm của con người chứ không chỉ giản đơn dừng lại ở miêu tả sự vật. Bình Nguyên Trang trong nỗi nhớ về mẹ đã không quên nhắc đến con mèo tam thể như một người bạn an ủi tâm tình trong lúc cô đơn: “Có thể bao năm một thứ duy nhất còn/An ủi mẹ là chú mèo tam thể/Nó già quá nó nương tựa mẹ/Trong hiu hắt ngày tàn mẹ có nó làm vui” (Thư gửi mẹ). 

Thơ của Giáng Vân và Đoàn Mạnh Phương đều nhắc đến mèo hoang với những trống trải cô đơn rợn ngợp, dường như là một đợi chờ vô vọng, dường như là một sợ hãi hoang mang: “Đêm trú ngụ trong hồn máu ứa/ Đêm thánh thiện hát ca. Đêm nức nở/ Lũ mèo hoang gào lên. Ngõ tối. Rêu mờ” (Hoa thạch thảo – Giáng Vân), “Chuột đuổi nhau trên căn gác cũ/ Mắt mèo hoang lấp lánh như sao/ Gió như muốn gọi nhau thành bão/ Chém vào đêm những nhát ngọt ngào” (Đêm tối trời – Đoàn Mạnh Phương). 

Trong thơ tình, Nguyên Sa không hề ngần ngại khi buông bút: “Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm/ Như con mèo ngái ngủ trên tay anh” (Nga). Còn với Vi Thùy Linh, mèo là những khát khao ẩn ức đầy nhục cảm: “Lũ mèo đi rất êm vẫn làm người đàn bà giật mình/ Ôi tiếng kêu rên mùa động tình/ Làm những viên ngói rêu muốn bay lung tung khắp trời để trốn” (Lũ mèo thích đi trên mái nhà)

Mèo trong thi ca Việt Nam hiện đại, ngoài việc miêu tả như một thực thể thì thường thấy gắn với tâm sự của người nữ, hoặc đặt trong những so sánh tương quan với nữ giới nói chung. Nhưng có một lần thật đặc biệt, mèo xuất hiện như một ẩn dụ dành cho người đàn ông. Ở đó, người đọc thấy được một tình cha con đầy hy sinh và nhẫn nại, thầm lặng bước đi trong muôn vàn gian khó cuộc đời. Đó chính là mấy câu thơ của thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm mà tôi muốn dùng để tạm khép lại bài viết này: “Ta đã đi như mèo trên phố vắng/ Gọi tên con như gọi các thiên thần/ Có một nốt chưa bao giờ con biết tới/ Là nốt buồn cha đã nuốt thay con” (Nhớ ngày mai). 

Đỗ Anh Vũ