3 công cụ để thu thập thông tin trong phương pháp quan sát là gì?

THU THẬP DỮ LIỆU SƠ CẤP BẰNG PHƯƠNG PHÁP QUAN SÁT

1. Định nghĩa

Quan sát là phương pháp tri giác có mục đích, có kế hoạch một sự kiện, hiện tượng, quá trình (hay hành vi cử chỉ của con người) trong những hoàn cảnh tự nhiên khác nhau nhằm thu thập những số liệu, sự kiện cụ thể đặc trưng cho quá trình diễn biến của sự kiện, hiện tượng đó. Quan sát là phương thức cơ bản để nhận thức sự vật. Quan sát sử dụng một trong hai trường hợp: phát hiện vấn đề nghiên cứu hoặc đặt giả thuyết kiểm chứng giả thuyết.

Quan sát thường bao gồm các hành vi: quan sát có hệ thống, ghi âm, mô tả, phân tích và giải thích các hành vi của con người.

2. Phân loại

Tuỳ theo vấn đề nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu mà người nghiên cứu có thể lựa chọn các hình thức quan sát cho phù hợp.

Theo mức độ chuẩn bị:

+ Quan sát có chuẩn bị: Là dạng quan sát mà người đi nghiên cứu đã tác động những yếu tố nào của hướng nghiên cứu có ý nghĩa cho đề tài và từ đó tập trung sự chú ý mình vào yếu tố đó. Thường sử dụng cho việc kiểm tra kết quả cho thông tin nhận được từ phương pháp khác.

+ Quan sát không chuẩn bị: Là dạng quan sát trong đó chưa xác định được các yếu tố mà đề tài nghiên cứu quan tâm, thường sử dụng cho các nghiên cứu thử nghiệm.

Theo sự tham gia của người quan sát:

+ Quan sát có tham dự: Điều tra viên tham gia vào nhóm đối tượng quan sát.

+ Quan sát không tham dự: Điều tra viên không tham gia vào nhóm đối tượng quan sát mà đứng bên ngoài để quan sát.

Theo mức độ công khai của người đi quan sát:

+ Quan sát công khai: người bị quan sát biết rõ mình đang bị quan sát. Hoặc người quan sát cho đối tượng biết mình là ai, mục đích công việc của mình.

+ Quan sát không công khai: người bị quan sát không biết rõ mình đang bị quan sát. Hoặc người quan sát không cho đối tượng biết mình là ai, đang làm gì.

Căn cứ vào số lần quan sát:

+ Quan sát một lần

+ Quan sát nhiều lần

3. Ưu điểm Hạn chế

Ưu điểm:

+ Thông tin phong phú và đa dạng về đối tượng nghiên cứu

+ Dễ sử dụng và ít tốn kém

Hạn chế:

+ Thông tin thu được mang tính chủ quan, có thể có nhiều sai lệch

4. Các bước tiến hành

Bước 1: Xác định đối tượng, mục đích quan sát: trả lời câu hỏi Quan sát ai, Quan sát để làm gì?

Mục đích quan sát cần rõ ràng, cụ thể, tập trung vào các nội dung chính cần thiết cho nghiên cứu. Cần xác định sơ bộ các đặc tính của đối tượng quan sát, chỉ ra những đặc trưng, tình huống, điều kiện hoạt động của đối tượng quan sát và những biến đổi chúng.

Bước 2: Xác định nội dung quan sát và phương pháp quan sát

Trả lời câu hỏi: Quan sát cái gì, Quan sát như thế nào và Quan sát bằng cái gì?

Nếu mục đích quan sát rõ ràng thì nội dung quan sát sẽ dễ dàng được ấn định. Nội dung quan sát thể hiện qua việc lựa chọn đối tượng quan sát (mẫu quan sát), số lượng mẫu, định thời điểm quan sát và độ dài thời gian quan sát. Căn cứ vào qui mô của đề tài và độ phức tạp của mẫu mà quyết định phương pháp, phương tiện quan sát.

Bước 3: Lập phiếu quan sát và kế hoạch quan sát

Ðể việc quan sát được chủ động và thống nhất giữa các lần quan sát hoặc giữa những cộng tác viên quan sát, chủ đề tài phải thiết kế bảng yêu cầu các nội dung cụ thể khi đi quan sát. Bảng này gọi là phiếu quan sát. Phiếu quan sát được cấu trúc thành 3 phần:

+ Phần thủ tục: Ðối tượng, địa chỉ, ngày giờ quan sát, người quan sát.

+ Phần nội dung: Ðây là phần quan trọng nhất của phương pháp, nó quyết định sự thành công của đề tài nghiên cứu. Có thể gọi đây là phần yêu cầu ghi chép, thu hình cụ thể khi đi làm việc. Vì vậy các yêu cầu phải thật cụ thể, sao cho người đi quan sát có thể đo, đếm, ghi được bằng số bằng chữ có hoặc không (không mang tính chất nhận định cá nhân).

+ Phần bổ sung bằng câu hỏi phỏng vấn: Phần này do chủ đề tài quyết định để có thể xác minh, làm rõ hơn một số thông tin có thể chưa được rõ khi quan sát

Bước 4: Tiến hành quan sát

Trước khi tiến hành quan sát, chủ nhiệm đề tài cần tập huấn cho các thành viên về cách quan sát và ghi chép. Sau khi quan sát nên kiểm tra lại kết quả quan sát.

Bước 5: Xử lí dữ liệu

Tập hợp các phiếu quan sát, sắp xếp số liệu mã hóa, phân tích để đi đến một nhận định khoa học. Quan sát cần được chuẩn bị cẩn thận, các tài liệu cần được xử lí khách quan.

5. Tài liệu tham khảo

  1. Thị Ngọc Lan, V. and Văn Tuấn, N. (2007). Phương Pháp Nghiên Cứu Khoa Học Giáo Dục. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
  2. Anon. (n.d.). Phương pháp quan sát. [online] Available at: http://phuongphapnghiencuukhoahoc.com/phuong-phap-quan-sat/ [Accessed 8 Jul. 2018].
  3. Anon. (n.d)Phương pháp quan sát, trò chuyện, phỏng vấn.[online] Available at: https://123doc.org//document/2587324-tieu-luan-phuong-phap-nghien-cuu-khoa-hoc-chuyen-de-phuong-phap-quan-sat-tro-chuyen-phong-van.htm [Accessed 8 Jul. 2018].
  4. Trúc Tiến (2013). Trình bày phương pháp quan sát trong nghiên cứu xã hội học. [online] tailieuontap. Available at: https://www.tailieuontap.com/2013/02/trinh-bay-phuong-phap-quan-sat-trong.html [Accessed 8 Jul. 2018].