Ba người mua chung lô đất sẽ như thế nào

(TN&MT) - Đại gia đình nhà tôi cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất. Nay gia đình tôi muốn làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất? Xin hỏi, pháp luật có giới hạn số lượng người đứng tên trên sổ đỏ không? Khi nhiều người đứng tên trên sổ đỏ thì ghi thế nào?

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Sổ đỏ) là Chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Pháp luật cũng quy định cụ thể về nguyên tắc cấp sổ đỏ, số lượng và cách thức ghi nhận số người đứng tên trên sổ đỏ.

Ba người mua chung lô đất sẽ như thế nào
Ảnh minh họa

Số lượng người đứng tên trên sổ đỏ

Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 quy định, một trong những nguyên tắc cấp sổ đỏ là: Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì sổ đỏ phải ghi đầy đủ tên của những người chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 1 sổ; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một sổ và trao cho người đại diện.

Như vậy, theo nguyên tắc này, nếu thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người chung tài sản gắn liền với đất thì sổ đỏ phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền. Điều đó có nghĩa rằng pháp luật không có quy định giới hạn số lượng cụ thể là bao nhiêu người được người đứng tên trên sổ đỏ. Chỉ cần là người có chung quyền sử dụng hợp pháp thì buộc phải ghi đầy đủ tên trong sổ đỏ theo quy định và dù có bao nhiêu người, danh sách có rất dài đi chăng nữa thì cũng phải được liệt kê đầy đủ trên sổ đỏ.

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp cùng chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất thì sẽ đều được cấp sổ đỏ ghi tên của tất cả những người có chung quyền, mà trường hợp nếu thửa đất có chung quyền sử dụng có đủ điều kiện tách thửa theo quy định và xác định được cụ thể phần diện tích của từng người thì những người chung quyền có thể tiến hành thủ tục tách thửa và đề nghị cấp sổ riêng đối với thửa đất đã tách thuộc quyền sử dụng của mình.

Cách thức ghi nhiều người trên sổ đỏ

Sổ đỏ do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo mẫu thống nhất và áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Giấy chứng nhận gồm một tờ có 4 trang. Trong đó, có các thông tin như: Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được ghi ở trang 1.

Tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT hướng dẫn về việc ghi tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong trường hợp có nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng có quyền như sau:

Trường hợp thửa đất có nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (trừ trường hợp nhiều người được thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà những người được thừa kế có văn bản thỏa thuận chưa phân chia và đề nghị cấp một sổ đỏ cho người đại diện) thì sổ đỏ được cấp cho từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sau khi đã xác định được quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất của từng người.

Trên mỗi Giấy chứng nhận ghi thông tin đầy đủ về người được cấp Giấy chứng nhận và phải ghi nội dung như sau: "Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (Hoặc cùng sử dụng đất/cùng sở hữu tài sản) với.... ghi lần lượt tên của những người còn lại có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)".

Trường hợp thửa đất có nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất mà có thỏa thuận bằng văn bản cấp một sổ đỏ cho người đại diện (văn bản này phải có công chức hoặc chứng thực theo quy định) thì sổ đỏ được cấp cho người đại diện đó.

Cụ thể như sau: Trên sổ đỏ ghi thông tin của người đại diện, dòng tiếp theo ghi "Là người đại diện cho những người cùng sử dụng đất (hoặc cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) gồm: .... (ghi lần lượt tên của những người cùng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất)…

Tháng 9/2021, anh Nguyễn Đức Mạnh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) góp vốn 1,1 tỷ đồng với 2 người bạn để mua chung lô đất tại Bắc Ninh. Diện tích lô đất 150m2, nằm ở ngay trục đường lớn.

Giá trị của lô đất tại thời điểm mua bán là 3,3 tỷ đồng, mỗi người góp 1,1 tỷ đồng và cùng đứng tên đồng sở hữu trên sổ đỏ.

Để có 1,1 tỷ đồng góp vốn, anh Mạnh phải thế chấp sổ hồng căn chung cư đang ở. Dự tính của nhóm nhà đầu tư này sẽ lướt sóng trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, diễn biến của thị trường bất động sản đã không xảy ra như kỳ vọng khi bước sang năm 2022, thanh khoản sụt giảm.

Đến giữa năm 2022, nhóm nhà đầu tư này thống nhất, nếu bán bằng giá vốn sẽ quyết định thoát hàng do mức lãi suất vay ngân hàng đang tăng mạnh.

“Tôi vay ngân hàng 500 triệu đồng. Lãi suất thả nổi hiện tại lên tới hơn 13%/năm. Trung bình mỗi tháng phải trả gần 6 triệu/tháng, chưa kể trung bình mỗi quý phải lo thanh toán khoản gốc”, anh Mạnh kể. “Chúng tôi vẫn rao bán miếng đất. Nhưng nhiều người trả giá giảm 20-30% giá trị lô đất. Vì không được giá, chúng tôi quyết định không bán”.

Đến tháng 9/2023, một khách hàng đã chấp nhận trả 3,4 tỷ đồng giá lô đất này. “Tôi muốn bán để thu hồi vốn về nhưng bạn tôi lại chưa muốn bán. Họ kỳ vọng thị trường hồi phục sẽ bán được giá cao. Trong khi, hiện tại, tôi đang chịu áp lực trả gốc lãi rất lớn. Với tình hình thị trường như hiện tại, rất khó có thể bán được lô đất với giá tăng 20-30% trong vòng 1 năm. Cũng bởi lý do này mà nhóm chúng tôi bất đồng quan điểm”.

Câu chuyện của anh Mạnh không phải hiếm gặp. Ở thời điểm sốt đất, không ít nhà đầu tư cùng hùn vốn mua đất. Tuy nhiên, đến thời điểm rao bán, chốt giá, nhiều bất đồng xảy ra giữa các nhà đầu tư. Bởi sổ đỏ đứng tên đồng sở hữu nên việc giao dịch phải được sự chấp thuận từ tất cả các chủ sở hữu.

Làm thế nào khi một người muốn bán nhưng đồng sở hữu còn lại không đồng ý

Trường hợp nhiều người cùng góp tiền mua chung thửa đất về bản chất là “sở hữu chung theo phần” nên sẽ xác định được diện tích của các bên theo số tiền mà các bên đã góp hoặc theo sự thỏa thuận của các bên.

Nhiều người mua chung thửa đất nhưng khi có nhu cầu tách thửa thì được phép tách thửa nếu đáp ứng đủ điều kiện.

Căn cứ Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và quyết định quy định về diện tích tối thiểu được phép tách thửa của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nếu thửa đất đáp ứng đủ điều kiện về diện tích tối thiểu được phép tách thửa thì được tách thửa.

Về nguyên tắc khi chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất chung thì phải được sự đồng ý bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực của tất cả những người có chung quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, trên thực tế khi muốn chuyển nhượng nhưng một hoặc một số người không đồng ý thì phải tách thửa để chuyển nhượng phần đất của mình. Nội dung này được quy định rõ tại điểm b khoản 2 Điều 167 Luật Đất đai 2013 như sau:

“b) Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Như vậy, trong trường hợp này phải có đủ điều kiện tách thửa thì mới chuyển nhượng được phần đất của mình.

Trong trường hợp mảnh đất không đủ điều kiện tách thửa, người muốn bán cần phải gửi thông báo về việc bán tài sản, nội dung thông báo thể hiện việc bạn định bán phần đất của mình với giá bao nhiêu, phương thức và thời hạn thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên... trước ít nhất 03 tháng tính đến ngày bạn bán cho người khác.

Nếu sau khi thông báo nhưng đồng sở hữu còn lại không có nhu cầu mua phần đất của bạn thì bạn soạn sẵn văn bản từ chối mua tài sản với nội dung những người này từ chối mua phần đất này và đồng ý để bạn bán cho người khác, nhờ những đồng sở hữu này ký. Nếu bạn đề nghị nhưng họ không ký thì sau 3 tháng những người đồng sở hữu không có văn bản trả lời thì bạn có quyền bán cho người khác.