Bấm huyệt nhiều có tốt không

Nhiều năm nay, mỗi khi “trái gió trở trời” chị Hương Giang (37 tuổi, ở Từ Liêm, Hà Nội) lại thấy các khớp xương tê buồn như có kiến bò ở các khớp gối, cổ tay. Lâu dần sinh ra đau nhức rất khó chịu, có lúc chỉ vận động nhẹ các khớp xương đã phát ra tiếng kêu. Đặc biệt vào mùa đông, những cơn đau hành hạ chị thường xuyên hơn. Chị đã thử cả thuốc nam, thuốc tây đủ loại nhưng bệnh không có gì biến chuyển, thậm chí các khớp còn đau hơn. Tình cờ chị được giới thiệu đến một danh y có chuyên môn trong lĩnh vực châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, chị Hương Giang quyết định theo để điều trị. Không ngờ trong thời gian ngắn, những cơn đau xương, nhức khớp cũng giảm hẳn.

Trị nhiều bệnh bằng xoa bóp bấm huyệt

Xoa bóp bấm huyệt không chỉ điều trị hiệu quả các bệnh cơ xương khớp mà còn có tác dụng với nhiều căn bệnh khác như đau cổ - vai - gáy, mất ngủ, đau nửa đầu, tê chân, táo bón...Đối với bệnh đau nhức xương khớp, xoa bóp, bấm huyệt kết hợp với châm cứu là những kích thích vật lý tác động tại chỗ vào da, cơ, thần kinh, mạch máu có tác dụng tại chỗ là giảm đau, giãn cơ và lưu thông khí huyết. Xoa bóp làm tăng tuần hoàn tại chỗ nên có tác dụng tăng cường dinh dưỡng, giảm đau, hạn chế quá trình thoái hóa của xương khớp. 

Đối với bệnh mất ngủ, y học cổ truyền định nghĩa, xoa bóp là những thủ thuật xoa nắn các mô của cơ thể một cách khoa học và hệ thống, tác động lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tuần hoàn tổng thể giúp giảm triệu chứng cứng cơ ở vùng cổ, cơ ở vai và bụng nên sẽ giúp bạn thoải mái hơn, thư giãn các cơ bắp nên dễ ngủ hơn.

Việc xoa bóp, bấm huyệt giúp thư giãn các cơ còn có tác dụng giảm tê cứng chân, tay, kích thích nhu động ruột đúng cách có tác dụng cải thiện tuần hoàn, tăng nhu động ruột nên hạn chế được tình trạng táo bón.

Tuy nhiên, xoa bóp tại đâu và bấm huyệt nào lại cần phải được thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ chứ không thể theo yêu cầu của bệnh nhân. Sau một lần xoa bóp, nếu hôm sau bệnh nhân thấy mệt mỏi nghĩa là phương pháp đó không hợp, cần điều chỉnh lại.

Xoa bóp, bấm huyệt phòng bệnh hiệu quả

Ứng dụng phương pháp xoa bóp bấm huyệt không chỉ điều trị hiệu quả nhiều bệnh mà còn có tác dụng phòng bệnh. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Toàn, Bệnh viện châm cứu Trung ương thì xoa bóp bấm huyệt là dùng bàn tay, ngón tay tác động trực tiếp vào da thịt, thần kinh, mạch máu, các cơ quan cảm thụ làm thay đổi về thần kinh, thể dịch, nội tiết. Đối với mạch máu, việc xoa bóp làm giãn mạch máu, tăng tuần hoàn tại chỗ góp phần chống viêm, giảm phù nề, tăng cường trao đổi chất. Đối với cơ xương khớp, xoa bóp làm giãn cơ, đặc biệt là những nhóm cơ đã bị co cứng trước đó. Trong các bệnh khớp, gân, dây chằng bao giờ cũng có hiện tượng co cứng các nhóm cơ xung quanh khớp, từ đó gây đau, hạn chế vận động. Xoa bóp thường xuyên làm tăng tính linh hoạt của khớp và làm giảm khả năng bị chấn thương, cải thiện tư thế.

Ngoài ra, xoa bóp còn kích thích làm tăng miễn dịch và cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Xoa bóp tác động trực tiếp lên các thụ cảm thần kinh dày đặc ở dưới da tạo ra các đáp ứng phản xạ thần kinh làm thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung, giảm đau, giãn cơ, điều hòa chức năng nội tạng, tăng cường nhu động của dạ dày, ruột, cải thiện chức năng tiêu hoá, tăng dinh dưỡng của da làm da bóng đẹp, có tác dụng tốt đối với chức năng bảo vệ của da.

Chính nhờ những tác dụng của xoa bóp, bấm huyệt mà phương pháp chữa bệnh này cũng có tác dụng phòng bệnh. Tuy nhiên, nếu xoa bóp, bấm huyệt không đúng cách và không phù hợp với thể trạng từng người thì có thể còn gây bầm tím, thậm chí ê ẩm hơn hoặc nếu làm những động tác mạnh tác động vào phần xương, khớp thì có thể gây ra nhiều tác hại xấu, thậm chí liệt cột sống.

Tuy nhiên, hiện có nhiều “thầy” tay ngang khiến liệu pháp không dùng thuốc này dễ gây thương tật, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Tự xoa bóp thành… tật

Bà Nguyễn Thị T., 68 tuổi, ở Q.6, bị bệnh đái tháo đường, đau khớp. Người bạn khuyên bà nên đi xoa bóp, bấm huyệt ông thầy ở H.Bình Chánh. Thầy làm phước, kêu thầy đến nhà chỉ phải trả tiền xe vài trăm ngàn. Nghe vậy, bà T. mời thầy chữa cho mình.

Ngay hôm sau, người đàn ông gần 60 tuổi xưng là thầy Tư cầm túi đồ nghề với chiếc… búa gỗ tìm đến nhà. Sau khi hỏi bà T. vài câu, thầy phán bà bị phong tà xâm nhập và vôi hóa cứng khớp gối, rồi dùng hai bàn tay xoa đầu gối của bà T. để “vôi tan”, dùng hai ngón tay cái và trỏ ấn sâu huyệt hai bên gối.

Bà T. la đau, thầy phán “có phong nên mới đau vậy đó, bà ráng chịu nghen”. Nói rồi ông càng ấn mạnh hơn. Sau đó, ông kê chân bà dưới một miếng gỗ nhỏ rồi dùng búa đập từ trên xuống, từ dưới lên và hai bên hông. Hôm sau, đầu gối của bà sưng vù, đỏ bầm, phải đến bệnh viện (BV) khám. Bác sĩ (BS) chẩn đoán bà bị chấn thương phần mềm đầu gối, tụ máu bầm…

Bấm huyệt nhiều có tốt không
Xoa bóp, bấm huyệt không được đào tạo đúng cách có thể gây thương tật

Bà T. vẫn còn may mắn hơn nhiều bệnh nhân khác. BS Huỳnh Tấn Vũ, Khoa Y học cổ truyền BV Đại học Y Dược TP.HCM, kể mỗi năm ông tiếp nhận hàng chục ca bị thương tật do xoa bóp, bấm huyệt không đúng cách. Có bệnh nhân nữ ngoài 50 tuổi, do đi mưa về bị cảm lạnh, đau vai gáy nên đến thầy lang chuyên cạo gió và xoa bóp, bấm huyệt. “Thầy” nói bà bị trúng phong nên cạo gió đỏ bầm lưng, cánh tay, rồi sau đó xoa bóp, bấm huyệt. Thầy làm hai ngày thì bà không nhấc tay lên được. Bà tìm đến BS Vũ khi tay đã teo cơ và liệt hoàn toàn. 

Bị chấn thương, bị liệt, thậm chí tử vong sau khi đi xoa bóp, bấm huyệt thầy lang không phải là hiếm. Vừa qua, BV Việt Đức (TP.Hà Nội) đã tiếp nhận nữ bệnh nhân 50 tuổi ở Hà Nam trong tình trạng liệt tứ chi. Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm vùng cổ và thấy đau, nhức nên nhờ một người xoa bóp, bấm huyệt…

Sau khi về, bà thấy khó chịu, chân tay tê bì, mất hẳn cảm giác. Trước đó, một bệnh nhân nam 26 tuổi, bị thoái hóa đốt sống cổ, do thầy lang bấm huyệt đã khiến anh bị liệt tại chỗ và hôn mê, ngừng thở. Bệnh nhân được đưa vào BV địa phương cấp cứu, nhưng tình trạng quá nặng nên được chuyển lên tuyến trên. Khi đến BV Việt Đức thì bệnh nhân đã tử vong.

Kêu trời với “thầy” ngang hông

Một thực tế cần báo động là ở nhiều vùng quê, có những người sau khi học lỏm được một ít cách xoa bóp, bấm huyệt đã chữa bệnh miễn phí. “Thầy” muốn cứu người, vô tình lại hại người; còn bệnh nhân không biết mình đang coi thường sức khỏe.

Chị Đặng Thị N., 52 tuổi, ở xã An Thạnh Trung, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang, bị hội chứng ống cổ tay. BS BV Chợ Rẫy chỉ định mổ. Tuy nhiên, chị nghe theo nhiều người đi xoa bóp, bấm huyệt ở thầy D. (thị trấn Mỹ Luông, H.Chợ Mới). Thầy cam đoan xoa bóp, bấm huyệt hai tuần chị sẽ khỏi. Nhưng sau gần ba tháng điều trị, tay chị N. vẫn không đỡ tê bì nên chị trở lại BV Chợ Rẫy. BS xác định chị đã bị teo cơ cả hai tay, dự báo không có kết quả phục hồi tốt như lần trước.

Nói về tình trạng này, BS Vũ bày tỏ: “Có nhiều bệnh nhân xoa bóp ở những nơi không uy tín, thầy tay ngang nên bị chấn thương, bị liệt. Khi đó, bệnh nhân được đưa vô BV, hình ảnh của y học cổ truyền cũng phần nào bị méo mó trong mắt BS Tây y. Thầy lang không được đào tạo bài bản khiến người bệnh chịu hậu quả nặng nề”.

Bên cạnh đó, BS Vũ cũng chỉ ra thực tế: “Xoa bóp, bấm huyệt xưa nay chỉ dùng tay. Nhưng hiện nay, nhiều người nổi lên làm thầy đã tự chế những dụng cụ theo nghề nghiệp mình trước đó. Như người làm mộc, khi chuyển qua làm xoa bóp, bấm huyệt sẽ “đẻ” ra cái búa để dần những nơi người bệnh đau nhức. Người làm cơ khí chuyển qua làm thầy lại chế ra máy bấm huyệt…”.

Như thầy Võ Văn C. ở Hà Nội vốn là thợ mộc. Sau ba năm đi xuất khẩu lao động ở Nhật về tự chuyển qua làm xoa bóp, bấm huyệt và bắt mạch đoán bệnh. Đồ nghề của thầy là một giỏ chứa búa gỗ và nhiều thanh tròn bằng gỗ dùng để kê vào chỗ đau nhức rồi lấy búa đóng vào. 

Y sĩ Đoàn Diệp Trọng, giảng viên Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, tác giả những đầu sách về xoa bóp, bấm huyệt, khẳng định: “Xoa bóp, bấm huyệt mà dùng cách trên là sai, rất dễ gây thương tật, tàn phế cho bệnh nhân. Xoa bóp, bấm huyệt phải được đào tạo bài bản, và nắm rõ các chỉ định cũng như chống chỉ định.

Nếu xoa bóp nhẹ nhàng thì có thể không sao, nhưng làm mạnh, hay vặn khớp, bẻ khớp, mà gặp trúng người bị loãng xương, trật, bong gân, cao huyết áp… thì rất dễ gây thương tật, tàn phế, thậm chí tử vong. Chỉ cần bấm không đúng kỹ thuật, không đúng huyệt là bệnh nhân có thể choáng váng, mệt mỏi”.

BS xương khớp Lê Văn Tư cũng cho biết với những trường hợp bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ, hay đau khớp, nếu xoa bóp, bấm huyệt không đúng kỹ thuật rất dễ xảy ra chấn thương, làm bệnh nhân tàn tật suốt đời.

Những trường hợp không nên xoa bóp, bấm huyệt

Xoa bóp, bấm huyệt có tác dụng rất tốt nhưng cần được tư vấn bởi các nhà chuyên môn. Cần thận trọng trong các trường hợp sau: có vết thương ngoài da và mất nhiều máu; khớp sưng, đỏ và dù nghỉ ngơi vẫn đau; trật khớp, gãy xương; sốt cao; giãn tĩnh mạch chi dưới nhất là có huyết khối; phát ban đột ngột hay có chỗ lở loét, mụn nhọt trên da; ung thư; cao huyết áp thể nặng; hạch bạch huyết sưng to; tiểu ra máu. Đặc biệt, người đã uống nhiều rượu. 

Cụ thể, nếu xoa bóp khi có huyết khối tĩnh mạch chi dưới làm cho huyết khối di chuyển, nguy cơ gây thuyên tắc phổi. Xoa bóp trong trường hợp đau bụng do đau ruột thừa có nguy cơ gây vỡ ruột thừa. Xoa bóp khi vừa bị bong gân gây sưng to và đau nhức hơn. Khi uống nhiều rượu bia, chất kích thích sẽ bị giãn mạch, xoa bóp tiếp tục làm giãn mạch máu khiến nhịp tim rối loạn dẫn đến khó thở, chân tay bủn rủn, mệt mỏi và choáng váng. Ngoài ra, cần thận trọng với phụ nữ có thai, người cao tuổi.