Bình luận phim Thương ngày nắng về

Bộ phim Thương ngày nắng về đang chiếm được lượng rating "khủng" trên màn ảnh nhỏ Việt Nam. Bộ phim đề cập đến những mâu thuẫn trong cuộc sống của các cô con gái nhà bà Nga "béo".

Tuy nhiên, những tập gần đây, khi phim đề cập đến quá nhiều bi kịch của nhân vật Khánh (Lan Phương) khán giả lại rộ lên nhiều ý kiến trái chiều. Không chỉ để nhân vật Khánh phải đối diện với sự khinh rẻ của mẹ chồng, biên kịch và đạo diễn Thương ngày nắng về còn khiến cô vướng phải rất nhiều rắc rối khi chồng nhu nhược, bất tài, chị chồng nham hiểm, vô liêm sỉ.

Đỉnh điểm của sự bức xúc là khi nhân vật Khánh bị chị chồng gài bẫy, dàn cảnh lăng loàn với nhân tình của chính chị ta. Động thái này đã đẩy gia đình Khánh, Đức đến bờ vực tan vỡ còn nhân vật Khánh lại phải chịu nỗi oan khó gột rửa.

Bình luận phim Thương ngày nắng về
Nhân vật Khánh phải chịu quá nhiều bi kịch (Ảnh: Chụp màn hình).

Những tập phim này gây bức xúc cho khán giả vì liên tục dồn một nhân vật vào đỉnh cao của bi kịch. Điều này khiến khán giả bị dồn nén cảm xúc, gây ra sự ức chế. Thêm vào đó, sự cam chịu, nhẫn nhịn đến vô lý của nhân vật Khánh cũng là một trong những yếu tố khiến bi kịch của cô trở nên nặng nề hơn.

Hàng loạt bình luận thể hiện sự bức xúc với biên kịch và đạo diễn của phim: "Phim chạm đến nỗi đau của nhiều người và cũng để mọi người biết cố gắng khi gặp sóng gió. Nhưng đạo diễn cũng không nên làm quá lên như vậy, khiến người xem ức chế"; "Phim đã mất đi tính giải trí. Cứ xem đến đoạn gia đình Khánh là thấy ngột ngạt, uất ức thay cho cả nhân vật và quá sức phi lý ngoài đời thật. Đạo diễn đã xây dựng nhân vật quá vô lý, nói thật ngoài đời chả có người phụ nữ nào nhẫn nhịn được như Khánh đâu".

Bình luận phim Thương ngày nắng về
Thậm chí, có khán giả nhận định phim quá mệt mỏi, gây ức chế nhiều khiến người xem không còn hứng thú theo dõi: "Ban đầu tôi rất thích sự nhân văn, nhẹ nhàng của các tình tiết phim. Ở phần 1 của phim rõ ràng là vẫn đầy mâu thuẫn và bi kịch đấy chứ, nhưng nó được tiết chế phù hợp hơn rất nhiều.

Chúng ta vẫn thấy được sự đau khổ của người phụ nữ bị chính gia đình ruột thịt dồn đến bước đường cùng, phải chấp nhận bỏ lại con ruột để lấy tiền trả nợ cho cả nhà, đó là mẹ ruột của Vân Trang. Chúng ta vẫn thấy nỗi đau, sự bơ vơ của đứa trẻ bị bỏ rơi, và có cả sự yêu thương, đùm bọc đầy bao dung của vợ chồng bà Nga "béo".

Bản thân bà Nga "béo" ở phần đầu cũng phải chịu sự rẻ rúng của gia đình chồng vì có chửa trước khi cưới. Tất cả những chi tiết đó đều rất vừa phải, đủ để người ta thấm nỗi đau và sự nhân văn.

Bình luận phim Thương ngày nắng về
Phần 1 của phim được nhận xét là nhân văn, những bi kịch được tiết chế vừa phải (Ảnh: Chụp màn hình).

Nhưng ở phần 2 thì biên kịch và đạo diễn đã quá ham việc khắc họa bi kịch cho nhân vật Khánh. Khánh là bản sao nhưng đầy bi kịch của bà Nga "béo". Tất nhiên là phim cần có sự cường điệu hóa, cần được đẩy lên cao trào nhưng cũng nên quan tâm đến cảm nhận của khán giả.

Dẫu sao người ta xem phim cũng là để giải trí, và nghệ thuật cũng phải xuất phát từ thực tế, đừng đưa ra những điều quá sức chịu đựng của khán giả. Không phải ngẫu nhiên mà những bộ phim có cách giải quyết vấn đề nhanh gọn, vừa phải như Lối về miền hoa, Mùa hoa ở lại hay 11 tháng 5 ngày lại được khán giả hưởng ứng đến thế.

Bản thân tôi đã bỏ xem phim Thương ngày nắng về từ tập cô chị chồng dọn về nhà Khánh, Đức ở rồi. Đến giờ tôi cũng không còn hứng thú để quan tâm tới tập cuối của phim nữa vì thấy quá mệt mỏi.

Tôi không chê bai đạo diễn hay biên kịch, càng không trách móc các diễn viên nhưng tôi nghĩ mình xem phim để giải trí chứ không phải để phải chịu thêm căng thẳng, bức xúc".

Bình luận phim Thương ngày nắng về

Bé Bảo Linh, vai Sam phim "Thương ngày nắng về" (Ảnh: Chụp màn hình).

Trước những phản hồi của khán giả, chị Nguyễn Phương Hồng - mẹ ruột bé Bảo Linh (vai Sam) chia sẻ:

"Tôi là người đọc kịch bản và theo dõi con gái trong quá trình quay phim nên tôi có biết thêm một chút về kịch bản so với những khán giả thông thường. Quả thực ban đầu tôi thấy phim cũng khá nặng về tâm lý nên từng lo ngại rằng liệu có quá sức với con mình không.

Thế nhưng con đã hoàn thành rất tốt vai Sam với những phân đoạn về bi kịch gia đình và còn nhận được lời khen từ khán giả. Sau những cảnh quay này, con vẫn vui vẻ, hoạt bát, nên tôi nghĩ bi kịch của phim cũng không có ảnh hưởng gì tới tâm lý của con cả.

Còn về việc có quá nhiều bi kịch dành cho nhân vật Khánh, thì có lẽ mọi người nên nhìn nhận một cách khái quát hơn. Trước những bi kịch này, gia đình Khánh, Đức vô cùng hạnh phúc, yêu thương nhau.

Bình luận phim Thương ngày nắng về
Chị Phương Hồng, mẹ bé Bảo Linh vai Sam (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Với tính cách nhẫn nhịn, vì chồng vì con của Khánh, chắc chắn cô ấy sẽ không dễ dàng để từ bỏ gia đình, buông tay người chồng mà mình từng hết mực yêu thương. Chính vì vậy, những bi kịch này là để Khánh có đủ can đảm, đủ uất ức để đứng lên, vứt bỏ cuộc hôn nhân bị tác động quá nhiều từ mẹ chồng, chị chồng.

Tôi nghĩ những bi kịch này là cần thiết với nhân vật Khánh, vì như vậy mới thấy đôi khi, mâu thuẫn gia đình, sự đổ vỡ của hôn nhân không phải từ việc người ta hết yêu nhau mà là từ việc họ không biết cách cân bằng cuộc sống riêng với gia đình chung, không biết cách bảo vệ hạnh phúc của mình.

Vậy nên xin khán giả đừng vội quay lưng với phim Thương ngày nắng về. Hãy kiên nhẫn thêm chút nữa để các nhân vật được thể hiện hết số phận, tính cách của họ.

Hơn hết, bộ phim là về những cô con gái của bà Nga, nên sau khi khai thác nhân vật Vân Trang thì tới lượt những vấn đề của Vân Vân, Vân Khánh. Chúng ta chỉ có thể hiểu tổng thể kịch bản sau khi đã xem đầy đủ bộ phim mà thôi".

Bình luận phim Thương ngày nắng về
Diễn viên Minh Cúc khẳng định đạo diễn và biên kịch có lý do để xây dựng bi kịch của Khánh (Ảnh: Facebook nhân vật).

Nữ diễn viên Minh Cúc đồng thời cũng là một khán giả của Thương ngày nắng về cũng có những chia sẻ rất khách quan về bộ phim:

"Tôi cũng rất quan tâm tới phim Thương ngày nắng về và được biết đây là bộ phim có lượt rating cao nhất trong số các phim đang phát sóng. Tôi hiểu sự bức xúc của khán giả khi mạch phim quá dồn dập, có quá nhiều bi kịch đổ dồn vào một nhân vật trong phim.

Khi khán giả yêu thương nhân vật Khánh thì thấy nhân vật bị uất ức, họ sẽ thương. Khi khán giả theo dõi phim một cách chăm chú, sát sao thì mạch phim đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của họ.

Bản thân phim Hương vị tình thân mà tôi tham gia trước đó cũng từng gặp phải tình huống khán giả phản ứng về những tình tiết, nội dung trong kịch bản rồi. Và tôi cho rằng đó cũng là điều tích cực, là tín hiệu vui cho thấy khán giả yêu mến bộ phim.

Nhưng để đánh giá về 1 bộ phim, khán giả sẽ cần xem hết phim thì mới có cái nhìn rõ ràng, khái quát nhất. Tôi tin rằng biên kịch và đạo diễn của Thương ngày nắng về nói riêng và của VFC nói chung chắc chắn có lý do để xây dựng kịch bản phim với đầy đủ các phân đoạn vừa qua".

Anh Nguyễn Hoàng Dương, người chịu trách nhiệm truyền thông của bộ phim Thương ngày nắng về cũng lên tiếng về những dư luận trái chiều xung quanh nhân vật Khánh:

"Tôi đã xem đi xem lại nhiều lần. Lần đầu là uất ức, nhưng những lần sau đó là cảm giác thương cảm đến tận cùng. Đó là lúc Khánh cố gắng chống chọi với gã đàn ông khốn nạn cũng là chồng của bạn.

Đó là lúc Khánh gọi cho cô em gái trong hoảng loạn: "Trang ơi cứu chị với". Là lúc về nhà sau biến cố, câu đầu tiên hỏi là "các con đâu". Là lúc Khánh cố thanh minh với Đức rằng cô bị oan thế nào để rồi sụp đổ trong cay đắng khi Đức xé kết quả xét nghiệm, buông một câu "tôi mệt rồi" và bỏ đi.

Cả lúc Khánh đứng trong nhà tắm, soi mình trong gương, tự ôm lấy bản thân. Có thể nhiều người sẽ cảm thấy quá sức chịu đựng với những gì xảy ra với Khánh. Cũng dễ hiểu. Tôi cũng thấy vậy.

Nhưng có lẽ đây cũng là biến cố để Khánh thoát khỏi vũng lầy bi kịch này".

Liên quan đến tình tiết nhân vật Khánh (Lan Phương) suýt bị cưỡng bức trong tập 20, khán giả tranh cãi gay gắt.

Thương ngày nắng về (đạo diễn Bùi Tiến Huy) được chuyển thể từ kịch bản phim Hàn Quốc Mother of mine. Bộ phim đề tài gia đình xoay quanh cuộc sống khắc khổ của một bà mẹ đơn thân. Chồng mất sớm, bà một mình tần tảo nuôi ba con gái khôn lớn.

Ở phiên bản Việt, vai bà mẹ Nga do NSƯT Thanh Quý đảm nhận. Ba nhân vật con gái lần lượt là Vân Khánh (Lan Phương), Vân Trang (Huyền Lizzie) và Vân Vân (Ngọc Huyền). Đến khi trưởng thành, mỗi người con lại gặp những biến cố riêng.

Phim đã kết thúc phần một và đang đi đến tập 20 của phần hai.

Lý do phim gây tranh cãi

Ở phần một, Thương ngày nắng về xoay quanh hành trình tìm lại mẹ đẻ của Vân Trang. Trang được bà Nga nhận nuôi sau khi mẹ cô (nhân vật Kim Nhung - NSND Minh Hòa) bỏ đi. Sau hơn 20 năm, Trang gặp lại mẹ nhưng bà không nhận ra cô. Phim có nhiều tình tiết xúc động về tình cảm mẹ con, cũng như diễn biến tâm lý phức tạp của Trang khi đứng giữa mẹ ruột và mẹ nuôi - người hết mực yêu thương cô.

Sang phần 2, bà Nhung đau khổ khi biết Trang chính là đứa con gái bé bỏng năm xưa. Bà hối hận, mong được bù đắp tình cảm cho con. Song, lúc này, vì tổn thương, Trang không thể nhận mẹ. Nhưng ngược lại, Trang đã mở lòng để đón nhận tình yêu từ Hoàng Duy (Đình Tú).

Bên cạnh nhân vật Vân Trang, gần đây, nội dung phần 2 xoáy vào cuộc sống hôn nhân rối rắm của Vân Khánh. Khánh vốn không hợp mẹ chồng (vai bà Hiền - NSND Lan Hương). Giờ đây, bi kịch liên tiếp ập xuống đầu cô khi xuất hiện thêm bà chị chồng (Thương) quái đản. Thương nợ nần chồng chất, làm liên lụy vợ chồng Khánh - Đức (Hồng Đăng). Nhưng Thương không biết điều, luôn tìm cách chèn ép, lăng mạ Khánh, xúi giục bà Hiền. Bà Hiền thẳng tay đánh Khánh vì nghe lời con gái.

Mâu thuẫn giữa bộ ba bà Hiền - Khánh - Thương đẩy cao trào phim. Nhân vật mẹ chồng và chị chồng bị khán giả "ném đá" dữ dội.

Trong tập 20, Thương dàn dựng một vở kịch để hại Khánh. Với lý do mời em dâu đi ăn, Thương đã chuốc thuốc mê, khiến Khánh bất tỉnh, rồi đưa cô đến nhà nghỉ. Sau đó, Thương sắp xếp để bồ cũ của cô (đồng thời là chồng của đồng nghiệp Khánh) đến và giờ trò đồi bại với Khánh. Do ngấm thuốc mê, Khánh chống trả yếu ớt. May mắn, tên sở khanh chưa làm hại được Khánh. Nhưng đúng lúc này bà Hiền, Đức và đồng nghiệp của Khánh chạy đến. Khánh khóc hết nước mắt khi bị đẩy vào cảnh tình ngay lý gian. Đau lòng hơn nữa là Đức, người đầu ấp tay gối trong 10 năm, cũng không tin cô.

Sau khi nội dung này lên sóng, phim gây tranh cãi gay gắt. Dù Lan Phương diễn xuất tốt, thể hiện được chiều sâu tâm lý nhân vật, nỗi đau tột cùng và sự giằng xé, người xem vẫn đặt ra nhiều câu hỏi.

Bi kịch bị đẩy quá đà và gây nhàm chán?

Trích đoạn Khánh bị chị chồng giăng bẫy, đăng tải trên fanpage VTV, đến lúc này nhận được hơn 12.000 lượt bình luận. Nhiều khán giả bày tỏ ức chế khi bi kịch của nhân vật bị đẩy đến tận cùng. Họ cho rằng ê-kíp đang tận dụng sức hút từ chuyện mẹ chồng - nàng dâu, vấn đề muôn thuở, để tạo hiệu ứng. Do đó, tuyến nhân vật xung quanh Khánh được mở rộng và có chiều hướng quá đà. Vô hình trung, câu chuyện mấu chốt từ phần một - bà Nhung và Vân Trang - bị loãng.

Những ý kiến khác cho rằng phim mang đến góc nhìn u ám, ngột ngạt về cuộc sống hôn nhân.

"Phim về tình mẫu tử mà thành thế này thì quá đà rồi. Đang từ một bộ phim hay ở phần một, hứa hẹn sẽ truyền tải hay và cảm động về tình mẫu tử và có thể giành giải thưởng phim truyền hình. Nhưng sang phần 2, bà Nga không có nhiều đất diễn, phim trở thành sống chung với mẹ chồng 2", một khán giả bình luận.

Khán giả Nguyễn Nhung chia sẻ: "Xem phần hai, phim hay, diễn viên Lan phương diễn đạt. Nhưng thấy buồn và căng thẳng, mệt. Kịch bản phim hơi quá sâu và xa, khiến người xem bị ngộp thở và ức chế theo phim".

Tài khoản mạng Vu Thuy Linh nêu quan điểm: "Điều bộ phim muốn truyền tải là gì? Mình không biết ngoài đời có trường hợp thế này không nhưng thời nay người ta đã cư xử văn minh lên rất nhiều. Phim cố gắng tạo tình huống kịch tính nhưng thành dở".

"Mình xem phim vì tình mẫu tử thiêng liêng. Chứ phim bẻ lái thế này, mình xin phép ngừng theo dõi bộ phim tại đây. Phim đang đi chệch hướng so với kịch bản phần một nhiều quá rồi", tài khoản tên Thu Ha chia sẻ.

Bình luận phim Thương ngày nắng về

Nội dung phim phần 2 khiến khán giả ức chế.

Theo một bộ phận người xem khác, bi kịch hôn nhân như Khánh không phải là không có ngoài đời thực. Tuy nhiên, vấn đề của phim là các tình tiết gần đây bị dài dòng, lan man. Chưa kể, mô-típ nhân vật bị đẩy vào bi kịch cưỡng bức, làm nhục vốn xuất hiện không ít trong các phim truyền hình Việt trước đây, có thể kể đến Hướng dương ngược nắng, Cô gái nhà người ta, 11 tháng 5 ngày, Tình yêu và tham vọng... Còn nhớ, thời điểm Hướng dương ngược nắng lên sóng, chi tiết nhân vật Châu (Hồng Diễm đóng) bị cưỡng bức từng gây phản ứng mạnh.

Khi một tình huống lặp đi lặp lại tất yếu dẫn đến nhàm chán và khiến khán giả đặt câu hỏi về sức sáng tạo của kịch bản.

Biên kịch lên tiếng: "Ê-kíp đón nhận những chỉ trích và góp ý"

Ngày 18/5, biên kịch Thu Thủy chia sẻ về quá trình ê-kíp xây dựng nhân vật Khánh cùng những biến cố. Thu Thủy cho biết khi làm kịch bản, ê-kíp đã cân nhắc tình huống Khánh bị làm nhục. Cuối cùng, họ lựa chọn để nhân vật đi đến tận cùng nỗi đau.

"Đi đến cùng nỗi bất hạnh của một người phụ nữ như Khánh, không phải đợi khi khán giả phản ứng là 'này các bạn làm quá rồi', thì chính chúng mình cũng đã luôn đặt câu hỏi 'có nhất thiết thế này không?', 'liệu có lựa chọn khác không?'. Hơn ai hết, thứ chúng mình mong muốn là một câu chuyện đến được yêu thương, được đồng cảm, được ủng hộ chứ không phải là phản đối hay chê trách", Thu Thủy lý giải.

Cô nói thêm: "Nhưng là một người làm nghề, chúng mình cũng muốn khai thác tới cùng, muốn tới nơi tới chốn, muốn cho nhân vật có một hành trình dẫu tận cùng cay đắng, thì thứ hạnh phúc sau này họ nhận được, cũng sẽ thật lòng xứng đáng".

Cũng theo biên kịch, Khánh giống Khuê của Hoa hồng trên ngực trái, luôn đặt tình yêu thương con lên đầu. Nếu không rơi vào tận cùng tuyệt vọng, họ sẽ không đủ can đảm để bước khỏi cuộc hôn nhân ngột ngạt kia.

"Khánh, ở khía cạnh nào đó, cô ấy giống Khuê. Nếu không ở bước đường cùng, cô ấy cũng sẽ vẫn vì những đứa con mà ở trong vũng lầy cuộc đời mình, dù nó tăm tối và ngạt thở đến đâu đi nữa".

Thu Thủy cho biết ê-kíp đón nhận ý kiến đóng góp và cả những lời chê từ khán giả để hoàn thiện bộ phim ở chặng đường sắp tới.