Bức tranh xử lý nợ xấu 2015-2022

Lạc quan về khả năng xử lý nợ xấu của các ngân hàng

Theo Thông tư 16/2021/TT-NHNN, kể từ ngày 15/1/2022, các ngân hàng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại các khoản vay có vấn đề/quá hạn.

Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho các công ty trong việc thay thế các khoản nợ xấu bằng trái phiếu mới phát hành. Ngoài ra, việc tái cơ cấu nợ theo Thông tư 14 dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2022, sau đó số liệu nợ xấu thực sự sẽ được hé lộ tại các ngân hàng. 

Do tác động mạnh của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam và 2 thời hạn quan trọng này, Công ty CP Chứng khoán SSI duy trì quan điểm cẩn trọng về rủi ro tín dụng đối với các ngân hàng yếu kém và/hoặc các ngân hàng có bộ đệm trích lập dự phòng mỏng.

Tuy nhiên, triển vọng của những ngân hàng đã trích lập dự phòng trước và/hoặc trích lập đầy đủ các khoản cho vay tái cơ cấu vẫn còn lạc quan. 

Cũng không loại trừ khả năng Thông tư 14 có thể tiếp tục được gia hạn. Đối với các nước trong khu vực, thời hạn tái cơ cấu nợ thường kết thúc vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, dù Thông tư 14 có được gia hạn hay không, nhóm phân tích vẫn kỳ vọng các ngân hàng mạnh hơn hiện có đủ năng lực để xử lý rủi ro nợ xấu.

Khi tác động của 3 đợt dịch bùng phát đầu tiên ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các nhà băng bắt đầu giảm bớt thì đợt dịch thứ 4 lại xuất hiện. Đợt dịch này ảnh hưởng nghiêm trọng hơn trước do năng lực tài chính của người vay yếu hơn. 

Theo Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu được công bố, VAMC và các khoản cho vay tái cơ cấu chiếm 7,3% tổng dư nợ vào cuối năm 2021 - mức tương đương với năm 2017.

Bức tranh xử lý nợ xấu 2015-2022
Nguồn: SSI

Tại nhiều ngân hàng, con số này dao động khoảng từ 3,5-4% vào cuối năm và có sự khác biệt đáng kể trong hồ sơ nợ xấu của các ngân hàng niêm yết mạnh hơn so với các ngân hàng cấp 3 yếu hơn.

Cùng với đó, ở các ngân hàng lớn đã xây dựng được bộ đệm rủi ro bảo đảm trong 2 năm qua, như tỷ lệ trích lập dự phòng của VCB (133%), ACB (101%), MBB (91%), CTG (75%) và TCB (73%). 

Nếu việc mở cửa lại hoàn toàn diễn ra vào nửa cuối năm 2022 mà không có thêm bất kỳ đợt giãn cách nào thì các khoản vay tái cơ cấu sẽ có sự hồi phục thuận theo sự phục hồi của nền kinh tế.

Ngoài ra, rủi ro giảm giá trị tài sản thế chấp chưa cao trong năm 2022. Hiện khoảng 60% tài sản thế chấp tại ngân hàng là bất động sản và thị trường này vẫn được kỳ vọng duy trì tăng trưởng, giá nhà và đất được dự báo duy trì ở mức cao. 

Kỳ vọng vào thay đổi khung pháp lý

Vấn đề chất lượng tài sản của các ngân hàng đang được đặt lên hàng đầu. Do đó khả năng các cơ quan chức năng sẽ thắt chặt hơn việc quản lý chất lượng tài sản đồng thời bổ sung các biện pháp hỗ trợ nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong năm 2022.

Dự thảo sửa đổi Thông tư 52/2018/TT-NHNN về đánh giá tổ chức tín dụng và Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐĐ-CP  về thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể thắt chặt hoạt động tín dụng.

Cũng có một số đề xuất nâng hệ số rủi ro đối với các khoản vay bất động sản thương mại và nhà ở giá trị cao để hạ nhiệt thị trường. 

Ngoài ra, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực vào năm 2022 nên hiện đang có các đề xuất về việc gia hạn hoặc luật hóa nghị quyết này để hỗ trợ các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu tồn động và nợ xấu liên quan đến Covid-19. 

Một số mốc thời hạn quan trọng có thể được nới lỏng giúp các ngân hàng đủ thời gian thích ứng, như việc lùi thời gian thắt chặt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn để các nhà băng có thể duy trì chi phí vốn ở mức thấp và tăng khả năng tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia (ví dụ một số dự án BOT nối liền với cao tốc Bắc Nam). 

Cổ phiếu ngân hàng còn đáng mua? 

Trên thị trường chứng khoán, SSI đánh giá những quan ngại về rủi ro nợ xấu và tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong 6 tháng 2022 đã phản ánh một phần vào giá cổ phiếu.

Mặc dù định giá đã quay về mức hợp lý hợp lý hơn sau mức đỉnh hồi tháng 7/2021 (PB dự phóng 1,8x), PB 2022 các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu hiện ở mức 1,6x, vẫn cao hơn so với mức trung bình lịch sử. 

SSI cho rằng việc điều chỉnh giảm phản ánh rủi ro nợ xấu chưa rõ ràng và triển vọng kém khả quan hơn của nửa cuối năm so với nửa đầu năm 2021.

Trong khi đó, phần bù cao hơn so với trung bình lịch sử là trả cho năng lực tài chính, khả năng phục hồi và ROE tốt hơn so với chu kỳ tín dụng trước đây. ROE 2022 đối với các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu ước tính đạt 19% so với 10,5% -18% trong giai đoạn 2015-2020.

Định giá hiện tại chưa phản ánh hết tăng trưởng khiêm tốn trong 6T2022, theo quan điểm của chúng tôi, và điều này có thể tạo cơ hội cho nhà đầu tư mua cổ phiếu ngân hàng tốt ở mức giá hấp dẫn trong thời gian này. Kết quả ngành ước tính mạnh hơn vào nửa cuối năm theo đà phục hồi kinh tế và so với mức thấp trong nửa cuối năm 2021. 

Một số mã chứng khoán như VCB, CTG, STB được SSI ước tính có thể có diễn biến khả quan ngay trong nửa đầu năm 2022.

"Sau khi hết hạn tái cơ cấu nợ theo Thông tư 14 và bức tranh nợ xấu thực sự rõ ràng hơn, chúng tôi cho rằng các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và dự phòng rủi ro tín dụng mạnh như TCB, MBB và ACB sẽ là lựa chọn hàng đầu", các  chuyên  gia của SSI  nhận  định.