Giá trị văn hóa trong các điệu hò

Trong hành trình vươn khơi, đời này sang đời khác, thế hệ này tiếp nối thế hệ kia, cư dân ven biển Quảng Bình vẫn truyền khẩu những điệu hò đặc sắc, như những thể thơ lục bát quen thuộc, phản ánh đời sống sinh hoạt, công việc đánh bắt hải sản thường ngày. Hò khoan, hò đẩy thuyền, hò kéo lưới... mỗi điệu hò mang một sắc thái riêng, có tác dụng cổ vũ tinh thần hăng say lao động, xua tan sự khó khăn, nặng nhọc của nghề biển. Chính các điệu hò như một mạch sống, tạo nên sự gắn kết cộng đồng trong sinh hoạt và trong sản xuất trên biển.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tú đã dày công nghiên cứu về sự đặc sắc của các điệu hò này. Theo ông, hò đẩy thuyền xuất phát từ yêu cầu của công việc lao động nặng nhọc, đòi hỏi sự tham gia của đông đảo bà con. Một người trong nhóm hò một câu lục bát liền mạch, khi hết câu thì “hè, hè, hè” lên, mọi người cùng nghe hò, chuẩn bị sức, đến câu cuối cùng ráng sức, ghé vai đẩy thuyền đi. Nghỉ lấy sức vài phút, đến người khác lại hò, lại tập trung sức đẩy thuyền, đưa con thuyền tới đích. Còn hò kéo neo, kéo buồm lại độc đáo ở chỗ những câu hò đánh nhịp, mỗi nhịp ngắn, chắc, khỏe dứt khoát. Cứ ba tiếng một, đủ cho quãng thời gian kéo dây từ ngoài vào trong (kéo neo) hoặc kéo dây từ trên xuống (kéo buồm), cộng thêm tiếng “dô ta... hò dô ta” hào sảng. Nhưng đặc sắc hơn cả là hò khoan - chèo cạn, gồm năm mái hò. Sự kết hợp năm mái hò đã diễn tả đầy đủ hoạt động của một con thuyền từ lúc rời bến rồi quay trở lại đất liền trong niềm vui khoang đầy cá. Hò khoan là do một tập thể người lao động cùng hát. Nơi thể hiện đầu tiên là trên thuyền ra khơi đánh cá, trong những lúc không thuận buồm xuôi gió, tất cả thủy thủ và thuyền trưởng cùng hò. Về sau trong những lần vui chơi, lễ hội, các nghệ nhân vùng biển ở Quảng Bình đem điệu hò này vào sinh hoạt và cách điệu hóa thành lối chèo thuyền trên cạn, gọi là hò khoan - chèo cạn. Trong lễ hội cầu ngư ở Quảng Bình bây giờ, sau phần nghi lễ đọc văn tế là các làn điệu hò khoan - chèo cạn đi kèm với múa bông.

Bên cạnh đó, cư dân ven biển Quảng Bình còn có điệu hò đưa linh, thường sử dụng trong đám ma cá Ông hoặc trong lễ hội cầu ngư. Bà Phạm Thị Kim Oanh, 75 tuổi, ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới kể lại, không khí một buổi lễ đưa linh cá Ông hoặc cầu ngư đều rất trang trọng, điệu hò do hai hò cái, gồm một nam và một nữ xướng, cùng với 12 người chèo cạn tham gia. Hò đưa linh Bảo Ninh sáng tác theo lối thơ ngũ ngôn, câu cuối khổ trước được lặp lại câu đầu khổ sau, mỗi khổ thơ một đoạn hò. Dù tuổi cao nhưng giọng hò bà Oanh cất lên vẫn trầm lắng, gợi nhớ thương trong từng câu từng chữ: “Hô khoan ơ ơ... Lòng thành thiết là lễ bạc... ơi hò/Hô khoan ơ ơ... Thiết lễ cầu ngư cho đắc lợi tài... ơi hò/Ơ hụi ơ bơ hò hụi... Là hô ơi hò khoan.../Cầu phúc phúc lai cầu tài tài tấn... Là hô ơ ơ hò khoan...”.

Với nhiều thế hệ người dân làng biển Nhân Trạch, hò khoan - chèo cạn, múa bông, hò đưa linh... như là hồn cốt của làng mình vậy.

Là người đam mê các điệu hò và thành thạo các điệu múa cổ từ nhỏ, từng được chọn để truyền dạy việc hát, múa truyền thống quê hương, giờ đây ở tuổi thất thập cổ lai hy mà giọng hò của nghệ nhân dân gian Phạm Thị Niếu vẫn khỏe khoắn, thanh trong lạ thường. Những năm 60 của thế kỷ trước, phong trào văn hóa văn nghệ ở Nhân Trạch phát triển rất mạnh, dù chiến tranh ác liệt, tiếng hát ở làng biển này vẫn át tiếng bom rền. Giờ đây, nó vẫn như mạch nguồn len lỏi trong tâm hồn người dân bên triền sóng này, để rồi có dịp bùng lên làm đắm say lòng người qua những lễ hội cầu ngư, hội diễn văn nghệ quần chúng hay dù chỉ là một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ văn nghệ truyền thống Nhân Trạch.

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngư dân đã có tàu to, máy lớn phục vụ đánh bắt hải sản xa bờ, làm thay đổi tập quán đánh bắt hải sản theo lối cũ. Dẫu vậy, có thể thấy rằng, yếu tố biển tuy chi phối mạnh mẽ đến nghề nghiệp của ngư dân, song các giá trị văn hóa tinh thần hầu như không thay đổi, các hình thức sinh hoạt tâm linh, lễ hội, câu hò, điệu hát vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Thời gian qua, các huyện ven biển Quảng Bình đã thành lập các câu lạc bộ văn nghệ truyền thống để sưu tầm, phục dựng lại lễ hội cầu ngư, các điệu hò biển. Nhiều câu lạc bộ tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ đưa những điệu múa, câu hát cổ xưa của quê hương. Hằng năm, hầu hết các xã ven biển Quảng Bình đều tổ chức lễ hội cầu ngư gắn liền tín ngưỡng thờ cá Ông tại đình làng, đền thờ hoặc lăng cá Ông.

Thành phố Đồng Hới là địa phương đầu tiên ở Quảng Bình đưa các giá trị văn hóa tinh thần - nét đặc sắc của cư dân vùng biển Đồng Hới - thành sản phẩm du lịch, thông qua Tuần lễ văn hóa - du lịch thành phố hằng năm. Các hoạt động như lễ hội cầu ngư, trình diễn hò khoan - chèo cạn, múa bông - chèo cạn, đến hội chợ ẩm thực truyền thống... diễn ra liên tục trong không gian rộng, đậm chất văn hóa biển, mà chủ thể các hoạt động ấy là người dân địa phương.

Cuộc sống của những người dân biển gắn với sông nước, con thuyền, mảnh lưới đã sản sinh ra nhiều âm điệu, lời ca gửi gắm tâm tư, tình cảm và sức lao động. Từ những giá trị tích lũy được, họ đã làm nên nét văn hóa truyền thống đặc sắc, riêng có của làng biển Quảng Bình, để hôm nay trên đường ra khơi vào lộng, vẫn vang vọng các điệu hò ân tình, ân nghĩa.