Hình ảnh sống ảo trên Facebook

Nhiều người hằng ngày góp nhặt bài viết rồi đăng lên Facebook 'đếm like' đến mức quên ăn, quên ngủ.

Theo khảo sát của Chương trình nghiên cứu internet và xã hội (VPIS), người sử dụng mạng xã hội (MXH) Việt Nam sử dụng bình quân 2h32 phút một ngày. Nhưng có nhiều hiện tượng cho thấy nhiều người dùng đã đi quá xa về tôn chỉ thông tin, giải trí, giao lưu, học hỏi.

Trở lại với thời lượng như vừa nêu trên, người Việt đang sử dụng MXH có điều gì đáng suy nghĩ?

Thực sự thì mạng xã hội tốt hay xấu, người dùng có lợi hay hại còn tùy thuộc vào cách ứng xử của mỗi người. Thực tế như đã nêu trên, người sử dụng mạng xã hội hôm nay phải đối mặt với mặt trái tiêu cực của nó nhiều hơn. Những thông tin xấu độc, tràn ngập; những phát ngôn cực đoan, thù ghét xuất hiện nhiều hơn.

Nạn tin giả là một vấn nạn làm cho người dùng lạc vào "mê hồn trận", làm xói mòn niềm tin của con người vào xã hội, thậm chí nó được coi như một thứ quyền lực của thuyết âm mưu làm khuynh đảo chính trường, gây chia rẻ trong cộng đồng, dân tộc, gây bất an trong xã hội.

Hiểu như vậy nên trước khi quyết định vào mạng xã hội, tôi đã xây dựng một "bộ lọc" rất rõ ràng: "Tôi là người bận rộn nhưng vẫn vào MXH để thư giãn cho riêng tôi. Tôi không phải là người vô công rồi nghề vào đó để like, để share, để comment. Tôi cũng không buồn, vui, ăn, ngủ, không phơi bày sở thích, hình ảnh, thông tin cá nhân với MXH như nhiều người đã làm.

Bởi không cần những thứ vô bổ ấy nên tôi rất thận trọng, hạn chế đến mức thấp nhất chia sẻ. Nếu thật cần thiết tôi sẽ xem xét cẩn thận nguồn, tính chính xác và ý đồ người viết bài hoặc clip đăng tải.

Ăn, ngủ với mạng xã hội, nói chung đã là không hay ho. Nhưng nếu lỡ comment hoặc share một cách vô ý thức sẽ mang tới cho xã hội một hệ lụy khôn lường, có thể dẫn tới tình trạng tổn thương cá nhân, gây bất ổn cho xã hội.

>> Bạn bè tôi ai cũng là người giàu trên Facebook

Những thông tin trái quan điểm dễ dàng được họ cho qua. Với những thông tin "hợp khẩu vị", họ không dừng lại mức độ like, mà tiếp tục comment, share một chiều. Một hiệu ứng " đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" nhanh chóng lan tỏa qua hàng trăm, hàng nghìn thậm chí nhiều hơn nữa trên cộng đồng mạng.

Trước hết là hội chứng hạ nhục tập thể. Đây là trường hợp mà những người trẻ chưa trải nghiệm rất dễ mắc phải.

Hạ nhục người khác, nhất là người nổi tiếng có lẽ đã trở nên một hội chứng trầm kha trên mạng. Khi người nổi tiếng sơ suất một điều gì đó trong lời ăn tiếng nói, trong hành vi hay đề xuất một công trình nghiên cứu mới lạ, mang tính đột phá, chỉ cần một người nào đó tìm ra một lý do để "nổ phát súng đầu tiên" hạ nhục thì đám đông nhào vô chửi.

Chửi hội đồng bằng những từ ngữ thiếu chuẩn mực. Chửi cho có tiếng của mình, cho bằng chị bằng em đang lang thang trên mạng. chửi cho thỏa lòng ganh tị... và thậm chí chửi cho thỏa đam mê. Nói chung được dịp nào chửi trên một công cụ miễn phí MXH thì không bao giờ đám đông từ chối.

Phản biện là hiệu ứng tốt trong xã hội. Nhưng phải phản biện như thế nào để thuyết phục người khác với cái đúng cái sai khách quan, phù hợp với đạo đức xã hội và luật pháp. Đừng để phản biện trở thành biến tướng là sự chửi bới, lăng nhục người khác, nhất là những người nổi tiếng.

Nguyên nhân vì đâu?

Trước hết là thói a dua

Đó là cái tính xấu ganh tị luôn tiềm ẩn trong con người. Chúng ta thường không muốn ai giỏi hơn mình, đẹp hơn mình, giàu hơn mình. Vì thế mà khi tìm ra được gót chân Achilles của ai đó, người nổi tiếng chẳng hạn, thì đó là một cơ hội tốt để làm một anh hùng bàn phím.

Đây là nguyên nhân mà các facebooker luôn luôn tìm kiếm những thông tin mang tính "hot". Những thông tin dạng này mang tính nhạy cảm, đôi khi thiếu xác thực, đôi khi lệch lạc, nhóm, cục bộ, tiêu cực.

Chỉ cần một thông tin " hot" một bài viết " nhạy cảm" trên cộng đồng mạng chứa nội dung tiêu cực, chưa được kiểm chứng tính xác thực, được kẻ xấu tung lên mạng, là hiệu ứng "đồng thanh tương ứng" nhanh chóng lan tỏa qua hàng trăm, hàng nghìn thậm chí nhiều hơn nữa trên cộng đồng mạng.

Giữa một không gian đầy những "thượng vàng hạ cám", người đến với MXH càng phải thận trọng và tỉnh táo hơn. Thực tế cho thấy, do bất đồng quan điểm trên Facebook mà đã xảy ra những cuộc ẩu đả ngoài đời thật.

Nguy hiểm hơn, do bị "ném đá" hội đồng mà có nạn nhân đã trở nên trầm cảm, không dám tiếp xúc với xã hội bên ngoài, có người quá bức xúc nảy sinh ý định tự tử.

Thứ hai là muốn làm một nhà thông thái trên mạng

Tôi có hai người bạn, vốn là giáo viên nên khi rời bục giảng, hai anh rất buồn, luôn nhớ trường nhớ lớp nhớ học trò. Để lấp dần khoảng trống, cả hai cùng làm quen với Facebook để giải khuây.

Không biết từ bao giờ hai anh đã trở nên một người biên khảo nghiệp dư, thường xuyên chia sẻ hình ảnh và bài viết trên vài trăm người bạn, đa số là người già hơn kém nhau khoảng một thập niên, bạn trẻ cũng có.

Thú vui của hai anh là post bài, ngồi chờ like, comment và phản hồi. Lâu dần anh trở nên đam mê và trực Facebook với khoảng thời gian gần như không rời cái điện thoại ngày cũng như đêm.

>>Tôi lãng phí nhiều thời gian cho Facebook, Youtube

Công việc của hai anh là vào Google chịu khó góp nhặt nhiều bài viết, hình ảnh, hệ thống lại thành bài hoàn chỉnh rồi post và ngồi chờ đếm like, comment.

Bài viết nào, comment nào hai anh cũng khoe với cùng tôi và vô cùng tự hào. Trong khi đó vợ hai anh mỗi khi có dịp gặp tôi thì thay câu đầu tiên chào hỏi nhau, hai chị không ngớt than phiền: "Anh ấy giờ là người của thế giới ảo rồi, không còn biết thực tế mình đang sống là gì nữa, quên ăn, quên ngủ, chỉ có Facebook thôi".

Đi tìm sự thoải mái sau những giờ căng thẳng với những mục đích củng cố, trao dồi kiến thức, trao đổi quan điểm sống trên thế giới mạng để sống vui, khỏe là việc làm đáng trân trọng, đáng khuyến khích.

Nhưng không vì thế mà không tự kềm chế bản thân để sa đà vào một thế giới ảo với nhiều hệ lụy là không hay chút nào.

Tóm lại, nếu không tỉnh táo và quá sa đà trên các trang mạng xã hội, chúng ta hoặc là thủ phạm hoặc là nạn nhân của những bất ổn trong xã hội.

Sử dụng mạng xã hội chúng ta lúc nào cũng tự hỏi mình đã làm được cái gì tốt cho bản thân, đã để lại cái gì tốt cho thế hệ trẻ và nghiêm khắc với bản thân tự hỏi: " đã nhiễm bao nhiêu cái xấu, cái độc hại trên mạng có thể ảnh hưởng xấu đến bản thân, gia đình và xã hội!".

Từ đó chúng ta mới thấy sự cần thiết phải có những thiết chế pháp luật dành cho mạng xã hội. Một là điều chỉnh tư tưởng, hành vi phù hợp với đạo đức, hai là có cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm, giảm dần những bất ổn với xã hội, đưa xã hội tiến tới công bằng, văn minh, dân chủ và tiến bộ.

Nguyễn Minh Út

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.