Hỗ trợ người khuyết tật như thế nào

Chào tổng đài! Tôi được biết là nhà nước mới tăng mức trợ cấp xã hội cho những người thuộc diện bảo trợ xã hội nhưng không rõ mức hỗ trợ mới cho người khuyết tật là bao nhiêu. Mong anh, chị giải đáp thắc mắc này giúp cho tôi. Xin cảm ơn anh, chị rất nhiều!

Hỗ trợ người khuyết tật như thế nào

Hỗ trợ tư vấn Chế độ chính sách trực tuyến 1900 6172

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối tượng người khuyết tật được nhận trợ giúp xã hội hàng tháng.

Căn cứ Khoản 6, Điều 5 của nghị định số 20/2021/NĐ-CP có quy định như sau:

“Điều 5. Đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng

6. Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật.”

Theo quy định nêu trên, người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng thuộc đối tượng được trợ giúp xã hội hàng tháng.

Thứ hai, Mức hỗ trợ của đối tượng người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng.

Căn cứ quy định tại điểm e, Khoản 1, Điều 6 của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP có quy định như sau:

“Điều 6. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng

1. Đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này được trợ cấp xã hội hàng tháng với mức bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Điều 4 Nghị định này nhân với hệ số tương ứng quy định như sau:

e) Đối với đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định này:

– Hệ số 2,0 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;

– Hệ số 2,5 đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng;

– Hệ số 1,5 đối với người khuyết tật nặng;

– Hệ số 2,0 đối với trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng.”

Theo quy định nêu trên Mức hưởng của người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng được tính là mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số tương ứng. Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01 tháng 07 năm 2021 được quy định tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định 20/2021/NĐ-CP như sau:

“Điều 4. Mức chuẩn trợ giúp xã hội

1. Mức chuẩn trợ giúp xã hội là căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; mức trợ cấp nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội và các mức trợ giúp xã hội khác.

2. Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 là 360.000 đồng/tháng.”

Như vậy, người khuyết tật nặng và khuyết tật đặc biệt nặng sẽ có các mức hưởng như sau:

– Mức hưởng của người khuyết tật nặng  = 360.000*1.5=540.000 Đồng/tháng.

– Mức hưởng của người khuyết tật nặng là trẻ em hoặc người cao tuổi =360.000*.2.0=720.000/tháng.

– mức hưởng của người khuyết tật đặc biệt nặng = 360.000*2.0 =720.000/tháng.

– Mức hưởng của trẻ em hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng =360.000*2.5=900.000/tháng.

Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn chế độ chính sách trực tuyến 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.

Trong 30 năm qua, Chính phủ Hoa Kỳ đã đóng góp hơn 140 triệu đô la cho các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam. Kể từ năm 1989, với việc thành lập Quỹ Nạn nhân Chiến tranh Patrick Leahy của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), USAID đã nỗ lực mở rộng phạm vi bao phủ và khả năng tiếp cận tới nhiều chương trình hỗ trợ khác nhau đem lại lợi ích cho người khuyết tật ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột. Tại Việt Nam, hỗ trợ của Hoa Kỳ đã giúp nâng cao chất lượng sống cho người khuyết tật thông qua giải quyết các nhu cầu về y tế và xã hội, cải thiện chính sách về người khuyết tật và giảm thiểu các rào cản xã hội và môi trường.

USAID Việt Nam hiện đang tập trung hỗ trợ cung cấp các dịch vụ cho người khuyết tật nặng ở những khu vực bị phun rải nặng chất da cam. Dự án này là một phần trong những nỗ lực của Chính phủ Hoa Kỳ nhằm khắc phục hậu quả từ cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Hoạt động này đóng góp vào nỗ lực của cả hai quốc gia trong việc vượt lên quá khứ, xây dựng lòng tin và củng cố quan hệ song phương, đồng thời tạo thuận lợi cho quan hệ hợp tác an ninh không ngừng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và củng cố mối quan hệ bền chặt nhằm đạt được những mục tiêu phát triển khác của USAID.

TÁC ĐỘNG

Các dự án hỗ trợ người khuyết tật (NKT) của USAID đã phát triển theo thời gian, từ hoạt động cung cấp dịch vụ trực tiếp nhằm đáp ứng các nhu cầu nhân đạo như chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình đến xây dựng một hệ thống cung cấp những dịch vụ thiết yếu dành cho người khuyết tật, hỗ trợ xây dựng các chính sách và quy định về người khuyết tật và tăng cường vận động vì quyền và hòa nhập dành cho người khuyết tật. Những dự án này đã góp phần cải thiện chất lượng sống cho người khuyết tật ở Việt Nam với những tác động như: 1) Hỗ trợ trực tiếp cho hơn 46.000 NKT ở Việt Nam; 2) Cải thiện các dịch vụ PHCN và dịch vụ xã hội dành cho NKT; 3) Cải thiện chính sách và vận động chính sách vì NKT; và 4) Tăng cường năng lực cho các đối tác về quản lý, thực hiện và hỗ trợ dành cho NKT.

CÁC DỰ ÁN

USAID có danh mục dự án đa dạng trên địa bàn 8 tỉnh bị phun rải nặng chất da cam (Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh và Kon Tum) do 10 đối tác trong nước và quốc tế thực hiện bao phủ nhiều dịch vụ dành cho NKT như can thiệp sớm ở trẻ, hỗ trợ trực tiếp tại bệnh viện và tại nhà riêng và xây dựng các hướng dẫn quốc gia và các chương trình giáo dục. Chương trình mới nhất với ngân sách 65 triệu đô la (thời gian thực hiện: 2020-2024) trong khuôn khổ Bản Ghi nhớ Ý định được ký vào tháng 4/2019 giữa USAID và Văn phòng Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh tại Việt Nam (Văn phòng 701) trước sự chứng kiến của 9 Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ cũng như Thỏa thuận Tài trợ khung có giới hạn (LSGA) ký với Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất động hóa học và môi trường (NACCET) vào tháng 12/2019. Đây là dấu mốc mở ra một chương mới trong quan hệ đối tác hợp tác giữa USAID Việt Nam và Bộ Quốc phòng Việt Nam - cơ quan quản lý Văn phòng 701 và NACCET.

  • Dự án Tăng cường chăm sóc y tế và đào tạo phục hồi chức năng: nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc cho người bị suy giảm chức năng não bộ, tăng cường năng lực cho cán bộ y tế công tác trong lĩnh vực phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng các chương trình đào tạo về phục hồi chức năng ở cấp quốc gia và tại 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đồng Nai. [Thời gian thực hiện: 2015- 2023; Ngân sách: 10,3 triệu đô la]
  • Dự án Hỗ trợ Thực thi Điều phối Chính sách và Quyền của Người Khuyết tật: thúc đẩy thực thi các quyền của người khuyết tật và chính sách về người khuyết tật, cải thiện các dịch vụ hoạt động trị liệu và đào tạo về hoạt động trị liệu tại 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai. [Thời gian thực hiện: 2015-2023; Ngân sách: 10,7 triệu đô la]
  • Dự án Tăng cường Năng lực Mạng lưới Dịch vụ và Trị liệu cho Trẻ em Khuyết tật: cung cấp dịch vụ phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai. [Thời gian thực hiện: 2015-2022; Ngân sách: 5,6 triệu đô la]
  • Dự án Vượt lên Tất cả: cung cấp dụng cụ hỗ trợ chất lượng cao và phù hợp cho NKT, tăng cường năng lực của các chuyên gia y tế và tăng cường vận động chính sách và thông tin về dịch vụ cung cấp dụng cụ hỗ trợ tại 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Bình Định. [Thời gian thực hiện: 2015-2021; Ngân sách: 7,9 triệu đô la]
  • Dự án Hãy nắm Tay tôi II: phát huy thành công của dự án Hãy nắm tay tôi I, dự án pha II sẽ hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật thông qua tăng cường dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ cho người khuyết tật nặng tại các tỉnh Bình Định, Kon Tum và Quảng Nam. [Thời gian thực hiện: 2021-2023; Ngân sách: 1,9 triệu đô la]
  • Dự án Tôi lớn mạnh: cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng cho trẻ em và người lớn bị khuyết tật về trí tuệ và phát triển ở các tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. [Thời gian thực hiện: 2018-2022; Ngân sách: 1,9 triệu đô la]
  • Dự án Nâng cao Tiếng nói, tạo Cơ hội cho Người khuyết tật - giai đoạn 2: phát huy thành công của dự án pha I, pha II sẽ tiếp tục tạo ra những thay đổi tích cực trong nhận thức, thái độ, thể chế và chính sách với mục tiêu xóa bỏ rào cản hòa nhập dành cho người khuyết tật tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. [Thời gian thực hiện: 2021-2024; ngân sách: 2 triệu đô la]
  • Dự án Hòa nhập: nâng cao chất lượng sống của NKT ở 8 tỉnh bị phun rải chất da cam (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Bình Phước, Tây Ninh và Đồng Nai) thông qua mở rộng và cải thiện các dịch vụ PHCN, dịch vụ xã hội; tăng cường thực thi chính sách và nâng cao năng lực cho các đối tác. [Giai đoạn I: 2020-2022, Ngân sách: 19 triệu đô la]