Học Business Analyst ở trường nào

Học Business Analyst ở trường nào

Business Analysis Là Ngành Gì?

  • November 19, 2020
  • by

Hello các bạn,

Dạo gần đây Blaoman lại được inbox hỏi là em học lớp 12 mới nghe về Business Analyst. Em muốn theo nghề này thì nên chọn ngành này ở trường nào?

Theo mình tìm hiểu hiện nay 2020-2021 thì tại Việt Nam chưa có ngành Business Analysis (Phân tích nghiệp vụ). Có nhiều bạn đang nhầm lẫn với Business Analytic (phân tích kinh doanh). Ngành Business analystic thì hiện tại có nhiều trường đào tạo, còn phân tích nghiệp vụ thì chưa có. Mình có nghe nhiều bạn nói hiện tại có Đại học BK Hà Nội, DH KTQD có ngành Business Analysis, mình có đọc qua khung chương trình đào tạo thì chương trình thiên hướng về phân tích kinh doanh. Nội dung sẽ tập trung về việc phân tích dữ liệu để đưa ra những giải pháp trong kinh doanh. Một ngành sẽ đào tạo ra các bạn làm nghề phân tích dữ liệu rất tốt. Đây cũng là một nghề hot ở thời điểm hiện tại và tương lai.

Học Business Analyst ở trường nào
Tham khảo chương trình DH BK

Với khung chương trình này cũng có các học phần BA thường làm việc. Học ngành này cũng làm BA tốt.

Công việc phân tích nghiệp vụ thì thiên về tìm hiểu nhu cầu, phân tích yêu cầu và đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển. Để phân biệt rõ hơn giữa phân tích nghiệp vụ và phân tích kinh doanh bạn đọc bài viết của mình tại đây

Vì sao chưa có ngành Business Analyst tại các trường đại học tại Việt Nam

Thực ra theo mình quan sát thì Business analyst mới nổi khoảng 5-6 năm gần đây. Mình may mắn làm trong lĩnh vực đào tạo chuyên về BA từ sớm nên mình có cơ hội tiếp xúc với nhiều bạn chuyển nghề BA và đặc biệt là từ các bạn làm BA lâu năm cũng như các doanh nghiệp nên có góc nhìn tổng quan về ngành này. Mình hi vọng những bài viết tại đây sẽ giúp các bạn có thêm 1 nguồn tham khảo.

Thời gian gần đây các doanh nghiệp bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng của Business analyst nên nhu cầu tuyển dụng nhiều hơn. Tuy nhiên số lượng vẫn còn khá nhỏ để mở ngành đào tạo. Trước đây có RMIT VietNam đào tạo ngành này nhưng hiện tại thì mình thấy không còn nữa. Chỉ có vài khóa học ngắn hạn từ các trung tâm hoặc cá nhân đào tạo.

Ngoài nhu cầu thị trường chưa đủ lớn. Kiến thức và kĩ năng của nghề BA vẫn còn đang xây dựng. Những quy trình này cần có thời gian để xây dựng để hoàn thiện hơn. Nhắc đến BA hiện tại thì có tổ chức lớn tổng hợp kiến thức và bộ kĩ năng là IIBA. IIBA ra bộ chứng chỉ và quyển kinh thánh Babok v3.  

Vì vậy theo góc nhìn của mình để mở được 1 ngành thì cần có nhiều thời gian phát triển khung kiến thức và kĩ năng, công cụ tổng quát và chuẩn. Và nhu cầu thị trường đủ lớn để có thể đào tạo nhân sự có đầu ra. Vì thế hiện tại chưa có chuyên ngành đào tạo BA riêng biệt tại các trường DH. Tương lai chắc cũng khó.

Business analysis bản chất là tổng hợp những kĩ năng nhằm tìm hiểu nhu cầu thực sự của tổ chức và các bên liên quan. Từ đó phân tích và cùng phối hợp với các bên liên quan khác nhau để đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển theo hướng tích cực. Business analyst là 1 role trong tổ chức, giúp áp dụng những kĩ năng phân tích nghiệp vụ để giải quyết vấn đề của doanh nghiệp. Vì thế sẽ có những tổ chức sẽ không có 1 người BA chuyên biệt nhưng đâu đó những vị trí khác họ đang làm công việc của người BA. Đó có thể là CEO, có thể là CIO, có thể là PM, PO, QC hay cả các bạn lập trình viên vừa phân tích vừa code luôn.

Vì đặc điểm trên nên hiện nay trên thị trường có nhiều title, role, tên gọi khách nhau của BA. Hoặc cùng một vai trò BA nhưng mỗi tổ chức thì chức năng và nhiệm vụ cũng khác nhau. Vì vậy khi các bạn lên cộng đồng hỏi thì kiểu như thầy bói xem voi, mỗi ông nói mỗi kiểu. Mình thấy ai làm công việc gì thì mô tả công việc đấy thì đúng nhưng chưa đủ. Để có được một khung kiến thức chuẩn và rõ ràng áp dụng được nhiều lĩnh vực thì đó là một thách thức lớn.

Hiện tại trên thế giới nghề BA sẽ có 2 tổ chức lớn đó là IIBA và PMI. Trong đó IIBA là sớm nhất và họ cũng đã đưa ra được 1 giáo trình hướng dẫn là Babok version 3 phát hành năm 2015. Các bạn có thể đọc quyển này tại đây. Bên cạnh đó IIBA cũng đã đưa ra các kì thi và cấp chứng chỉ cho những người làm BA chuyên nghiệp như chứng chỉ ECBA, CCBA, CBAP. Nên IIBA cũng được coi là 1 chuẩn quốc tế của nghề BA. Các bạn làm BA có thể tham khảo khung babok v3 để có thể tự học và phát triển.

Nếu không có ngành đào tạo chuyên về Business Analyst (phân tích nghiệp vụ) thì nên chọn ngành nào để có thể theo nghề BA.

Đầu tiên thì với thống kê và tham khảo của mình thì học ngành nào làm BA cũng được? Khá thú vị là bữa mình nói chuyện với BA manager của một công ty top về Outsourcing thì thì đến 70% đội BA của anh là không học ngành IT. Xuất phát điểm các bạn nhiều từ kinh tế đến ngoại ngữ…Xuất phát thuần từ IT hay Business thì đều có thuận lợi và khó khăn riêng.

Tuy nhiên để chọn 1 ngành mình thấy phù hợp và có nhiều điều kiện phù hợp để làm BA thì mình nghĩ các bạn nên chọn ngành Hệ thống thông tin quản lý.

Vì sao các bạn nên chọn ngành này? Theo mình ngành HTTTQL đào tạo kiến thức cơ bản là kinh tế và cntt. Có nhiều người nói ngành này học lan man, không trọng tâm và đào sâu. Nhưng theo mình sâu đến đâu thì phải tự học và tìm hiểu. Bạn muốn sâu kĩ thuật thì cứ học thêm code, database… Bạn muốn theo business thì cứ tự học thêm quản trị, tài chính, marketing. Việc đào tạo cả 2 mảng và sự phố hợp giữa 2 mảng sẽ giúp bạn đỡ bỡ ngỡ khi làm BA. Đặc biệt các môn như phân tích thiết kế hệ thống, ERP, KPI-OKR, BI, Database,… sẽ có ứng dụng nhiều trong thực tế.

BA cần 2 mảng kĩ năng chính đó là kĩ năng cứng BA và kiến thức nghiệp vụ. Đó là lý do vì sao các bạn sinh viên mới ra trường khó làm BA vì cả 2 nhóm kĩ năng trên các bạn thiếu. Nếu làm dự án thì cần sự hỗ trợ nhiều của các leader. Blaoman có viết một bài những kĩ năng cần thiết, cốt lõi của Business analyst, các bạn có thể tham khảo tại đây.

Và theo mình để làm BA thì các bạn cứ trải nghiệm 1,2 năm bất cứ lĩnh vực nào đó. Từ đó có nghiệp vụ, kinh nghiệm công việc, kinh nghiệm sống. Và điều quan trọng hơn là yêu công nghệ và muốn học hỏi khám phá công nghệ. Làm BA mà sợ cntt thì thua nhé. Sẽ rất khó phát triển nếu bạn không có kiến thức công nghệ.

BA tương đối dễ để bắt đầu nhưng khó để làm tốt. Đừng theo nghề này vì trend và mức lương qua lời đồn nha. Mức lương bạn tham khảo tại đây

Nghề BA này nó cũng hay và cũng có chua cay ngọt bùi đủ cả 😊

Chốt lại theo mình muốn theo nghề BA thì nên học hệ thống thông tin quản lý hoặc bất cứ ngành nào về CNTT hoặc Business. Đầu tư thật ngon tiếng anh, kĩ năng mềm, đam mê công nghệ. Nếu bạn thích và đam mê nghiêm túc với BA thì sẽ không quá khó đâu. Nếu bạn cần hỗ trợ về nghề này có thể nhắn page mình hỗ trợ nhé. Mục tiêu mình viết blog này để biết đâu đó sẽ có bạn cần tìm hiểu nghề BA mà tại VN ít nguồn quá. Với kinh nghiệm làm trong lĩnh vực BA mình hi vọng sẽ giúp ích đến các bạn mới một phần nhỏ nào đó. Cảm ơn các bạn đã đọc hết bài viết. Chúc các bạn sức khỏe!

Note: Các bài viết tại đây là của cá nhân mình, không liên quan đến tổ chức, cá nhân nào khác vì vậy các đơn vị, cá nhân trích bài viết vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog. Nếu các bạn content của trang khác lấy nội dung bài viết vui lòng để backlink bài viết này để tôn trọng tác giả và giúp người đọc nắm được thông tin tốt hơn. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình!

Blaoman

Post Views: 457