Làm điện tử có độc hại không

Hiện nay, có hơn 500 nhà máy, công ty điện tử tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm 20-30%. Những năm gần đây, Việt Nam đang dần trở thành điểm đến chính của nhiều tập đoàn điện tử lớn trên thế giới như Sony, Samsung, Sanyo…

Các tập đoàn đa quốc gia này chọn lựa Việt Nam, bởi Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, chi phí nhân công rẻ (thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/người/tháng), chi phí tài nguyên thấp cùng với những chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn…

Độc hại vô hình

Toàn ngành hiện có khoảng 200 nghìn lao động, (trong đó có tới 80-85% là lao động nữ từ 18-30 tuổi) chủ yếu tập trung vào lĩnh vực lắp ráp sản phẩm điện tử tiêu dùng và sản xuất phụ tùng, linh kiện xuất khẩu.

Hiện nay, 50% các sản phẩm điện tử được sản xuất tại châu Á và nhiều công ty điện tử ở đây vẫn sử dụng các hóa chất độc hại đã bị cấm ở châu Âu. Có khoảng 68.000 loại hóa chất bao gồm nhiều loại axit, kiềm, khí đông lạnh, xyanua, chất phụ gia, chất độn, kim loại, chất oxy hóa, chất bán dẫn, dung môi… đang được sử dụng trong ngành công nghiệp điện tử nhưng chưa hề được kiểm chứng tác động đến con người và ngay cả kiểm chứng trên động vật cũng rất ít.

Các loại hóa chất độc hại này về lâu dài có thể gây nên các bệnh ung thư, bệnh liên quan đến sinh sản và trước mắt là gây nên các bệnh căng thẳng thần kinh, đau mỏi cơ thể, giảm khả năng thị giác, thính giác.

Nghiên cứu của Trung tâm phát triển và hội nhập(CDI) về “Tác động ban đầu về an toàn môi trường và sức khỏe nghề nghiệp trong một số nhà máy sản xuất, lắp ráp điện tử ở Việt Nam” cho thấy: Điều kiện lao động của ngành sản xuất và lắp ráp điện tử tại Việt Nam đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người lao động.

Đặc biệt là ở một số công đoạn như sản xuất pin, con chíp, test chức năng, tiếp xúc với các hóa chất nguy hiểm, bức xạ ion hóa và không ion hóa, những công việc căng thẳng, làm đêm với thời gian kéo dài 9-12 giờ… có thể ở mức đặc biệt độc hại, nguy hiểm.

CDI kiến nghị đưa nghề sản xuất, lắp ráp điện tử vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.

Làm điện tử có độc hại không

Hiện nay, có hơn 500 nhà máy, công ty điện tử tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm 20-30%

Nguy cơ hiện hữu

Trong quá trình khảo sát, nhiều lao động đã phản ánh việc thường xuyên đau mỏi xương khớp do tư thế làm việc, ù tai, thậm chí suy giảm thị lực từ 10/10 xuống còn 5/10. Qua nghiên cứu thực tiễn thời gian các công nhân gắn bó với công việc này thường ngắn, nguyên nhân là do tâm lý e ngại công việc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Đa số lao động được khảo sát đều có tuổi nghề dưới 3 năm.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục là địa điểm thu hút đầu tư của nhiều tập đoàn điện tử lớn trên thế giới. Trong hai ngày 16 – 17/6/2015, CDI đã tổ chức tập huấn về phát hiện rủi ro và nguy cơ trong ngành sản xuất và lắp ráp điện tử tại tỉnh Bắc Ninh.

CDI cũng đã tổ chức hai khoá trước ở Hà Nội và Hải Phòng cho các cán bộ an toàn vệ sinh lao động tại các công ty_sản xuất và lắp ráp điện tử và cán bộ thuộc một số ban ngành như sở Lao động Thương binh và Xã hội.

Cũng theo bà Vân Anh, Giám đốc CDI, nguy cơ bệnh nghề nghiệp vẫn tiềm ẩn trong môi trường làm việc tại các nhà máy lắp ráp điện tử rất cao, vì vậy trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu đánh giá toàn diện về an toàn, vệ sinh lao động trong ngành điện tử của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cũng cần rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về tiêu chuẩn an toàn lao động trong ngành điện tử. Đối với các doanh nghiệp phải công khai hóa các loại hóa chất được sử dụng trong sản xuất, nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin ATVSLĐ của người lao động.

Sự phối hợp chặt chẽ của chủ sử dụng lao động, người lao động và các cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa nguy cơ mất an toàn lao động về những tác động xấu của ngành công nghiệp điện tử với người lao động như mệt mỏi tức thời, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe sinh sản và bệnh nghề nghiệp là rất cần thiết, đặc biệt đối với lao động nữ, bởi vì đa số lao động này đều đang ở độ tuổi sinh sản nên yêu cầu đảm bảo an toàn lao động lại càng cấp thiết hơn.

CDI cũng kiến nghị đưa nghề sản xuất, lắp ráp điện tử vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.

Ngọc Cầm

“Mặt tối” đằng sau sự phát triển

Điện tử đang là một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất hiện nay. Phát triển công nghiệp điện tử đã thu hút nhiều nước đang phát triển vì nó đã được coi là tốt hơn so với ngành dệt may hấp thụ lực lượng lao động lành nghề hơn.

Ông Sajniv Pandita – Giám đốc Trung tâm giám sát nguồn nhân lực châu Á (ARMC) nhấn mạnh, châu Á đang nổi lên như là điểm đến chính của công nghiệp điện tử. Trong đó, Việt Nam cũng đang nổi lên như một điểm đến quan trọng của ngành điện tử. Ông dẫn chứng: Kim ngạch xuất khẩu điện tử của Việt Nam bao gồm máy tính, điện thoại di động, máy ảnh và các linh kiện tăng gần 90% trong năm 2012, đạt mức 22,25 tỷ đô la, chiếm khoảng 20% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Cùng với đó, Việt Nam là một nước đang có sự phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô các nhà máy điện tử.

Nghiên cứu “Bước đầu đánh giá ảnh hưởng của điều kiện lao động đến người lao động nhà máy sản xuất, lắp rắp điện tử ở Việt Nam” của Trung tâm phát triển và Hội nhập (CDI) cũng khẳng định: Hiện nay, trên cả nước có hơn 500 nhà máy, công ty điện tử và 2/3 trong số đó là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, 3/4 công nhân tại các công ty là nữ.

Bà Ngô Vân Hoài – Trưởng nhóm nghiên cứu của CDI cho hay, hiện nay, các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử từ Trung Quốc và các nước châu Á đang có xu hướng chuyển sang Việt Nam. Điều nhìn thấy rõ nhất là sự hiện diện của nhiều tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới như: Samsung (Hàn Quốc), Intel (Mỹ), Panasonic, Canon, Fujitsu (Nhật Bản)… đã đầu tư vốn lớn hàng chục tỷ USD để sản xuất lắp rắp các sản phẩm điện tử tại Việt Nam.

Việc phát triển ngành lắp ráp điện tử đã có những đóng góp tích cực trong giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động phổ thông khu vực nông thôn và góp phần tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo... Tuy nhiên, đằng sau ánh hào nhoáng của các sản phẩm điện tử và phát triển công nghiệp là những mặt tối mà chúng ta không dễ nhìn thấy.

Ông Sajniv Pandita - Giám đốc ARMC và Tiến sĩ – Bác sỹ Thomas H.Gassert (Khoa Y tế công cộng – Đại học Harvard) đều khẳng định, hóa chất độc hại là nguyên liệu cần thiết cho thiết bị điện tử, và hàng ngàn hóa chất đang được sử dụng trong quá trình sản xuất đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người lao động, cộng đồng và môi trường. Vấn đề này đã được nhiều quốc gia trên thế giới từ Mỹ, đến Scotland, Hàn Quốc đều đưa ra cảnh báo.

Bà Ngô Vân Hoài cho hay, kết quả nghiên cứu của CDI cũng chỉ rõ điều kiện lao động trong dây chuyền lắp rắp điện tử đang tồn tại một số yếu tố không thuận lợi. “Điều kiện lao động của ngành sản xuất và lắp rắp điện tử có thể nói là ở mức nặng nhọc độc hại, nguy hiểm và ở một số công đoạn như sản xuất pin, con chip có thể ở mức độ đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm” – bà Hoài nhấn mạnh.

Theo bà Hoài, thời gian qua, đã ghi nhận một số phản ánh về những tác động xấu của ngành công nghiệp điện tử với người lao động như mệt mỏi tức thời, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản, điển hình là vụ lao động ngất xỉu hàng loạt tại công ty Samsung Bắc Ninh vào tháng 5/2012 đã khiến nhiều công nhân lo lắng và các cơ quan chức năng thấy cần phải xem xét về an toàn vệ sinh lao động trong các nhà máy này.

Ngoài vấn đề sức khỏe, ông Sajniv Pandita cho rằng chất thải điện tử cũng là một vấn đề cần lưu tâm. Theo ông, mỗi năm đã phát sinh hàng triệu tấn chất thải điện tử. Châu Á vừa là nhà sản xuất, vừa là người tiêu thụ vì thế trở thành trung tâm phát thải.

Cần nghiên cứu toàn diện về an toàn vệ sinh lao động trong ngành điện tử

Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục là địa điểm thu hút đầu tư của nhiều tập đoàn điện tử lớn trên thế giới. Vấn đề đặt ra là làm gì để Việt Nam phát triển một nền công nghiệp điện tử an toàn, bền vững?

Theo bà Ngô Vân Hoài, trước tiên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cần đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến Luật Lao động, trong đó chú trọng đưa các nội dung về an toàn vệ sinh lao động cho ngành điện tử; tiến hành nghiên cứu chuyên sâu để xác định rõ các ảnh hưởng của điều kiện lao động đến sức khỏe người lao động; rà soát đưa công việc sản xuất, lắp ráp điện tử vào danh mục nghề/công việc độc hại nguy hiểm; xây dựng hệ thống quy chuẩn an toàn vệ sinh lao động về hóa chất, điện tử trường, phóng xạ đảm bảo an toàn cho người lao động…

Đối với doanh nghiệp, bà Hoài đề nghị: Công khai các loại hóa chất được sử dụng nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người lao động; xây dựng chính sách trách nhiệm xã hội doanh nghiệp nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động; tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật vệ sinh để giảm thiểu các tác hại của điện từ trường, các hóa chất độc hại….

Còn theo ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) bản thân doanh nghiệp chưa tự giác công khai danh mục các hóa chất độc hại đang sử dụng nên công đoàn không có đủ thông tin để cảnh báo người lao động tự bảo vệ bản thân. Vì vậy, ông Điều cho rằng trong dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động do Bộ LĐ-TB&XH đang soạn thảo cần phải quy định cụ thể việc công khai thông tin để có cơ sở, phương án bảo vệ người lao động.

“Doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử phải tăng cường khám sức khỏe cho người lao động để phát hiện sớm những bệnh do ảnh hưởng của hóa chất, sóng điện từ…” ông Điều nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Như Văn - Phó Chủ tịch Liên hiệp hội các hội khoa học và kỹ thuật, Hội khoa học – kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam thì giải pháp quan trong nhất hiện nay là nâng cao công tác tuyên truyền để bản thân các doanh nghiệp ý thức được việc công khai, minh bạch các loại hóa chất độc hại trong sản xuất các sản phẩm điện tử. Đồng thời, hệ thống pháp luật về an toàn lao động cũng cần được kiện toàn hơn nữa, tăng cường thanh tra các nhà máy sản xuất và lắp ráp điện tử để có chế tài phù hợp xử lý ngay các trường hợp không công khai các hóa chất độc hại./.