Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ Việt Nam trong xã hội hiện nay

Skip to content

Trang chủ Tin tức Khẳng định vị thế, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội

Nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong hội nhập quốc tế

Ngày phát hành: 06/03/2020 Lượt xem 2417

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã thực hiện nhiều bước đột phá về nhận thức và hành động, từ đó đạt được nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới, tăng quyền cho phụ nữ và tạo điều kiện cho nữ giới. Với những nỗ lực không ngừng và những thành tích đáng ghi nhận trong nhiều lĩnh vực công tác, phụ nữ Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình trên chặng đường hội nhập quốc tế.


* Vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Điểm nổi bật trong việc bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Khoảng cách giới trong các lĩnh vực của đời sống chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội được quy định tại Luật Bình đẳng giới (2006) đã được rút ngắn đáng kể. Nhiều chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, đặc biệt là chỉ tiêu về kinh tế, lao động và việc làm đã đạt được chỉ tiêu của kế hoạch đề ra.
Thực tế cho thấy, phụ nữ ngày càng tham gia và phát huy vai trò trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới mà trước đây chỉ dành cho nam giới: tham gia quản lý nhà nước, tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc, tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, tham gia hoạt động đối ngoại… Ngày càng có nhiều người trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của Đảngcó 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị và cả 3 người đều là đại biểu Quốc hội. Tại cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 đã có 132 nữ đại biểu trúng cử, đưa tỷ lệ nữ đại biểu lên 26,%, tăng 2,3% so với nhiệm kỳ trước.
Trong lĩnh vực kinh doanh, kể từ khi thực hiện Luật Doanh nghiệp mới, số doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng tăng lên. Theo số liệu nghiên cứu của Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HAWASME), hiện nay, có khoảng 24,8% doanh nghiệp do phụ nữ quản lý (riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có 25% doanh nghiệp do phụ nữ quản lý).
Trong lĩnh vực giáo dục, hơn 90% phụ nữ biết đọc, biết viết; tỷ lệ tốt nghiệp đại học là 36,24%, thạc sĩ là 33,95% và tiến sĩ là 25,69%. Trong các cơ quan nghiên cứu, quản lý khoa học và đào tạo, tỷ lệ nữ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đều tăng. Điểm nổi bật của phụ nữ là, dù ở cương vị công tác nào, chị em cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn về bản thân, gia đình, không ngừng phấn đấu, vươn lên, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Đặc biệt, trong quân đội, gần đây Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga, nữ sĩ quan thuộc Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Xuđăng. Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga là nữ sĩ quan đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Trong các lĩnh vực khác như y tế, khoa học-kỹ thuật, văn hoá, thể thao và du lịch… phụ nữ cũng có những đóng góp to lớn.
Hiện nay có một số Giải thưởng quốc gia có uy tín dành cho phụ nữ như Giải thưởng Kovalevskaia dành cho các nhà nữ khoa học tự nhiên, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam dành cho phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực. Ngoài ra còn một số giải thưởng khác, ví dụ như cúp Bông hồng vàng dành cho Doanh nhân nữ, giải thưởng L’Oréal, UNESCO dành cho các nhà nghiên cứu khoa học là nữ trẻ. Tất cả các giải thưởng này nhằm tôn vinh, động viên, khích lệ phụ nữ ở trên các lĩnh vực, đồng thời qua các giải thưởng làm cho bạn bè quốc tế có cái nhìn hiện đại hơn về phụ nữ Việt Nam.
Có thể nói rằng, phụ nữ Việt Nam đã rất hội nhập, rất chủ động, sáng tạo, tự tin, trí tuệ. Tất cả những hình ảnh đó có trong công việc, trong cuộc sống. Bên cạnh đó, phụ nữ Việt Nam cũng tiếp thu những cái văn minh, tiến bộ của nhân loại để đưa vào trong lối sống, trong tư duy, trong ứng xử gia đình và ứng xử trong xã hội. Tất cả những điều đó cũng góp phần để khẳng định sự hiện đại, sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam ngày nay.

* Tăng quyền và tạo điều kiện cho phụ nữ
Tuy nhiên, trong những thời khắc được xã hội vinh danh, nhiều phụ nữ đã bật khóc vì vui sướng và cũng vì những cay đắng đã phải trải qua. Nhiều người, do đặc thù công việc đã không giữ được cho mình một gia đình trọn vẹn, trong khi điều này ít xảy ra với nam giới. Chính vì vậy, làm thế nào để dung hòa được gia đình và công việc luôn là câu hỏi được các chị em đặt ra, đặc biệt là những người phụ nữ thành đạt.
Các chính sách về giới của nước ta đã được ban hành nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Hiện nay vẫn còn tồn tại sự kỳ thị trong đánh giá khả năng, đào tạo và đề bạt phụ nữ trong nhiều cơ quan, tổ chức. Các chính sách được ban hành chưa thực sự phù hợp với sự khác biệt về giới giữa nam và nữ, bởi vậy trong nhiều trường hợp chưa đem lại sự công bằng thực sự cho phụ nữ.
Để đạt được mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, theo các chuyên gia cần những giải pháp tuyên truyền định hướng của các cơ quan chức năng, sự hỗ trợ của giới truyền thông và cả ngay trong trường học. Thúc đẩy hoạt động giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo, xã hội, gia đình và phụ nữ về quyền của phụ nữ, trong đó chú trọng thường xuyên mở các lớp đào tạo về giới, bình đẳng giới và quyền cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo nữ của các ban ngành, đoàn thể, cán bộ Hội phụ nữ các cấp và nhân dân.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền của phụ nữ: luật hóa đầy đủ, kịp thời các chuẩn mực quốc tế về quyền của phụ nữ trong các công ước quốc tế Việt Nam đã tham gia; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị về bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, tạo sự vận hành đồng bộ của các thiết chế từ Trung ương đến cơ sở, trong đó có Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực để bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam hiện nay. Chú trọng tăng cường hoạt động nghiên cứu pháp luật, thông qua việc thường xuyên tổ chức các hội thảo khu vực và quốc tế nhằm tìm hiểu nội dung các Công ước của Liên hợp quốc liên quan trực tiếp và gián tiếp đến việc bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Bên cạnh đó, bản thân người phụ nữ phải nỗ lực vươn lên, vượt qua rào cản để tiếp cận và hưởng thụ quyền. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, phụ nữ Việt Nam có nhiều cơ hội và cũng gặp nhiều thách thức để có thể khẳng định và phát huy vai trò của mình. Do đó, bản thân phụ nữ trước hết phải ý thức được đầy đủ vai trò về giới của mình mới có thể nắm bắt được những cơ hội, cùng với xã hội, hướng tới cách ứng xử bình đẳng giới./.

Diệp Linh (TTXVN)

Những đóng góp của phụ nữ không chỉ tạo ra một xã hội tiến bộ, văn minh mà còn phát triển chính bản thân người phụ nữ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn sự chênh lệch khá lớn giữa vai trò và vị thế xã hội của phụ nữ. Vì vậy, để tạo ra sự cân bằng giữa vị trí và vai trò của phụ nữ, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giới và vấn đề bình đẳng giới.



Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ Việt Nam trong xã hội hiện nay

Tỷ lệ đại biểu nữ là đại biểu Quốc hội ngày càng tăng. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Bảo đảm sự bình đẳng của phụ nữ

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Điều đó được thể hiện xuyên suốt trong các Nghị quyết Đại hội Đảng, các Nghị quyết và Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ như: Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 16-5-1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; Nghị quyết số 11- NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Chỉ thị số 21-/CT-TW ngày 20-1-2018 về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới…

Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới. Sự nghiệp giải phóng phụ nữ để “Nam nữ bình quyền” được khẳng định nhất quán từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới”, “Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”, “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”. Đồng thời, Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) và từng bước luật hoá các quy định của CEDAW trong các văn bản pháp luật và các chính sách có liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; Bộ luật Hình sự… và nhiều luật khác. Trong các văn bản luật pháp hiện hành, quyền của phụ nữ, trẻ em gái đã được ghi nhận đảm bảo sự phù hợp với Công ước CEDAW, cũng như truyền thống pháp lý tốt đẹp của dân tộc nhằm hướng tới đạt mục tiêu và các chỉ tiêu bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ. Chính phủ có Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương đối với công tác phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới với mục tiêu bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Với sự quan tâm của Đảng, sự thống nhất hành động trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, nhất là sự tích cực của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp và Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam, sự tham gia của phụ nữ vào cấp ủy Đảng, Quốc hội, HĐND các cấp nói riêng trong thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu. Nhiều cán bộ nữ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã bầu 19 nữ Ủy viên Trung ương Đảng, chiếm tỷ lệ 9,5%. Đại hội Đảng cấp tỉnh, tỷ lệ nữ đạt 16% và tăng 3% so với nhiệm kỳ trước. Đại hội Đảng bộ cấp huyện đạt 17% và tăng 2% so với nhiệm kỳ trước. Đại hội đảng bộ ở cấp cơ sở, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 21% tăng 2% so với nhiệm kỳ trước và đã có hơn 4.200 cán bộ nữ được lựa chọn, giới thiệu và bầu giữ chức vụ cán bộ chủ chốt trong Đảng và chính quyền ở cả 3 cấp này. Tỷ lệ đại biểu nữ là đại biểu Quốc hội ngày càng tăng, trong đó Quốc hội khóa XIV có tỷ lệ nữ đại biểu lên 27,12%, tăng 2,3% so với nhiệm kỳ trước. Quốc hội khóa XV có 151/499 đại biểu là nữ, chiếm tỷ lệ 30,26%. Đây là lần thứ hai tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đạt trên 30%.

Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia trong bộ máy hành chính nhà nước cấp Trung ương và địa phương cũng được chú trọng. Tính đến hết tháng 7-2020, tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo nữ đạt 36,6% (11/30), trong đó có 11/16 nữ thứ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tỷ lệ UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã lần lượt là: 32,14%; 32,64%; 21,95%. Đây là minh chứng ưu việt cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, giải phóng con người của Đảng, Nhà nước, sự vươn lên của phụ nữ Việt Nam, đưa vị thế phụ nữ tham gia Quốc hội đứng thứ 2 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và đứng thứ 6 ở châu Á, vượt qua mức trung bình 19% của các nước châu Á và 21% của thế giới.

Đặc biệt những năm gần đây, được sự quan tâm của cấp ủy đảng các cấp, công tác bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức nữ trong hệ thống chính trị các cấp, nhất là cán bộ nữ DTTS ở cấp tỉnh, cấp huyện ngày càng tăng. Cụ thể, tỉnh Điện Biên có tỷ lệ cán bộ, công chức trong khu vực công chiếm 36%, trong đó cán bộ, công chức nữ DTTS chiếm 18,7%. Tương tự, tỉnh Lào Cai, tỷ lệ là 62,2% và 15%; tỉnh Kon Tum tỷ lệ này là 56,84% và 12,5%... đã minh chứng cho đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần phụ nữ DTTS từng bước được cải thiện rõ rệt, vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam cũng đã được nâng cao. Các nữ đại biểu tham gia Quốc hội, HĐND các cấp đã và đang tham gia đóng góp tích cực trong các hoạt động của cơ quan dân cử, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của quốc gia, địa phương và sự nghiệp bình đẳng giới.

Một số giải pháp nâng cao vị thế của phụ nữ

Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, việc thực hiện các chính sách bình đẳng giới của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới vẫn còn những tồn tại mà nguyên nhân chủ yếu là do:

Một là, nhận thức, trách nhiệm của một số cấp uỷ, chính quyền, nhất là của người đứng đầu còn chưa đầy đủ; còn thiếu văn bản chỉ đạo và biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

Hai là, công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên; vai trò tham mưu của Hội Liên hiệp Phụ nữ một số nơi còn hạn chế; Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở một số bộ, ngành, địa phương hoạt động chưa hiệu quả.

Ba là, hiện nay, trong xã hội định kiến giới vẫn tồn tại, nhất là đối với phụ nữ là người dân tộc thiểu số. Mặc dù pháp luật quy định trong gia đình vợ chồng đều bình đẳng với nhau về mọi mặt, cùng nhau bàn bạc, quyết định mọi vấn đề chung, cùng chia sẻ mọi công việc cũng như chăm lo cho con cái, cha mẹ... nhưng trên thực tế, nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng.

Bốn là, quan niệm “nam trưởng, nữ phó” vẫn còn tồn tại trong nhiều tổ chức là rào cản đối với phụ nữ trong bồi dưỡng, qui hoạch và bổ nhiệm, đặc biệt là trong bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu. Ngoài ra, việc quy định khác biệt giữa nam và nữ về độ tuổi nghỉ hưu, tuổi đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đã làm giảm cơ hội được đào tạo, luân chuyển để trau dồi kinh nghiệm hoặc thăng tiến của nữ giới; dẫn đến khả năng trúng cử thấp hơn so với nam giới.

Để tăng số lượng và chất lượng phụ nữ tham gia trong hệ thống chính trị, việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển và giao việc cho cán bộ nữ trong giai đoạn hiện nay phải gắn với yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chỉ có nâng cao vai trò, năng lực thực sự của phụ nữ mới có thể tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về bình đẳng giới trên thực tế. Do vậy, cần có những giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới một cách rộng rãi, thường xuyên, liên tục. Chú trọng công tác phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để thực thi bình đẳng giới. Xây dựng mạng lưới, câu lạc bộ dành cho nữ lãnh đạo, quản lý để các chị em có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.

Thứ hai, khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý cấp Trung ương và cấp địa phương; xây dựng kế hoạch, quy hoạch bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý hệ thống chính trị ở Trung ương và địa phương trên cơ sở tạo nguồn và quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ trẻ, có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, có triển vọng phát triển để đào tạo nhằm tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia hệ thống chính trị các cấp.

Thứ ba, tăng cường cơ chế phối hợp với Ban Tổ chức, Bộ Nội vụ và cấp ủy, chính quyền các địa phương nhằm thống nhất và thực hiện hiệu quả công tác cán bộ nữ theo các mục tiêu đề ra của Chương trình quốc gia về bình đẳng giới. Tham gia xây dựng, góp ý, phản biện, giám sát các chế độ, chính sách có liên quan về công tác cán bộ nữ trong tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, biệt phái; kỷ luật, khen thưởng, thôi việc, nghỉ hưu và các chế độ, chính sách khác để bảo đảm bình đẳng giới tôn vinh vị thế phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì chúng ta cần tạo điều kiện để phụ nữ phát huy được hết vai trò của mình trong xã hội. Để phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ đối với sự phát triển của xã hội, bên cạnh sự nỗ lực của chính bản thân, chị em phụ nữrất cần được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực từ phía gia đình và xã hội. Bởi để tham gia các hoạt động xã hội người phụ nữ cũng phải hy sinh rất nhiều đó là thời gian, tình cảm dành cho gia đình. Nếu không có được chia sẻ, hỗ trợ từ người thân thì người phụ nữ khó có thể toàn tâm, toàn ý cống hiến, phát triển năng lực bản thân để có được vị trí trong xã hội.

Tính đến hết tháng 7-2020, tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo nữ đạt 36,6% (11/30), trong đó có 11/16 nữ thứ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tỷ lệ UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã lần lượt là: 32,14%; 32,64%; 21,95%. Đây là minh chứng ưu việt cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, giải phóng con người của Đảng, Nhà nước, sự vươn lên của phụ nữ Việt Nam, đưa vị thế phụ nữ tham gia Quốc hội đứng thứ 2 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và đứng thứ 6 ở châu Á, vượt qua mức trung bình 19% của các nước châu Á và 21% của thế giới.

Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam