Nêu tâm trạng của nhân vật Thanh khi trở về Dưới bóng hoàng lan trong đoạn trích

TS. Lê Thanh Nga

     Trong những truyện ngắn của Thạch Lam, có vẻ như “Dưới bóng hoàng lan” là một tác phẩm khá “lạc điệu”. Nó không viết về những nỗi khổ ải của kiếp nhân sinh trên một phố huyện tiêu điều, trong một xóm nhỏ vùng ngoại ô tăm tối, không về một nỗi niềm của cái tôi đầy mặc cảm trước thế giới, mà viết về cuộc trở lại của một tâm hồn thanh sạch, trong một kết thúc khá tươi sáng và gợi mở… Chạm vào thiên truyện là chạm vào thế giới trong lành của một kí ức chưa xa nhưng lại gợi những niềm cổ tích, khi nhân vật vừa được nếm trải, lại vừa bị đẩy xa khỏi thế giới của mình.Tất cả như xa như gần bởi những khoảng cách không gian với những cuộc đi về không theo một quy luật nào cả. Và mọi thứ vì thế, vừa lãng đãng lại vừa hiện hữu trong những cảm nhận tinh tế và khắc khoải. Bao trùm lên thế giới ấy là một tình cảm thanh cao và nhẹ nhõm nhưng không phải không chứa những nỗi niềm u uẩn.

Nêu tâm trạng của nhân vật Thanh khi trở về Dưới bóng hoàng lan trong đoạn trích

Nhà văn Thạch Lam (1910-1942)

    1. Dưới bóng hoàng lan kể lại hành trình của một chàng trai từ phố thị trở về tìm lại những phút giây ấm áp và thanh thản nơi khu vườn cũ và căn nhà cũ. Đấy là một tình cảm vô cùng đẹp (cũng như vẻ đẹp và nhân hậu trong cách đặt vấn đề và lựa chọn đề tài của tác giả truyện ngắn). Bởi lẽ đó, tất cả các nhân vật xuất hiện đều mang trong mình sự sáng trong, hồn hậu. Chỉ có bốn nhân vật, và tần suất xuất hiện về cơ bản đều như nhau. Bác Nhân - có vẻ là lão bộc - xuất hiện ít hơn, ở phần cuối tác phẩm nhưng cũng được nhắc tên ngay từ phần đầu. Tên gọi của họ tạo những liên tưởng nhẹ nhàng. Cần chú ý là trong văn học lúc bấy giờ cách đặt tên, gọi tên nhân vật thường phổ biến hai xu hướng: hoặc là quê mùa, ngờ nghệch, xấu xí, bé mọn, thậm chí quái đản nhằm thể hiện bi kịch “dưới đáy” của con người, kiểu chị Dậu, Chí Phèo, lão Hạc, cu Lộ, Lang Rận, Oẳn Tà Roằn, Trạch Văn Đoành… của văn học hiện thực; hoặc mĩ miều, đài các, “sang chảnh”, kiểu Tuyết, Loan, Mai… của Tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn; hay mỉa mai một chút, nhại một chút kiểu Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ. Thạch Lam dường như không thuộc về nơi nào trong hai khuynh hướng đó. Tên nhân vật của ông thường hướng đến sự hồn nhiên bình đạm, như là những trang văn bình đạm nhắm đến những phận người và bức tranh hiện thực cũng ít nhiều bình đạm của ông, là An, Liên, Sơn, bà cụ Thi, bác phở Siêu, Tâm, Diệu… Tên nhân vật trong Dưới bóng hoàng lan, về cơ bản vẫn giữ vẻ bình đạm hồn nhiên ấy, nhưng không phải không tỏ ý khuấy động một chút suy tư của người đọc. Cái tên Thanh của nhân vật trung tâm được xướng lên ngay mở đầu tác phẩm gợi một cảm nhận về sự thanh sạch của tình cảm. Thậm chí, còn vang khẽ một khát vọng thanh lọc tâm hồn trong ám ảnh của một hành trình trở về mang tính biểu tượng: “Thanh lách cánh cửa gỗ để khép, nhẹ nhàng bước vào” (tr.68)(1). Trong thế giới tràn ngập thứ rung cảm yên lắng của những vòng ánh sáng, mùi lá tươi non, mùi hoàng lan thoang thoảng với con đường lát gạch bát tràng rêu phủ, căn nhà và chiếc trường kỉ cũ kĩ ấy, các nhân vật đều xuất hiện với tên gọi nền nã và gợi lên những tình cảm nhân hậu hay một vẻ đẹp gần gũi và gợi một phẩm chất hay nỗi niềm: bác Nhân, cô Nga.

     Cũng như trong một số tác phẩm khác của Thạch Lam, Dưới bóng hoàng lan không quá chú trọng việc miêu tả tính cách nhân vật, mà chủ yếu từ nhân vật để gợi tình cảm và giá trị. Các nhân vật không có một cá tính, một tính cách rõ ràng trong sự miêu tả trực tiếp, mà người đọc chỉ có thể cảm nhận trạng thái tâm hồn họ trong cách họ cư xử với nhau và cảm nhận về thế giới. Đấy là sự đối xử ân cần, đầy tin yêu, không chỉ giữa bà cháu Thanh, mà cả bác Nhân, và nhất là cô Nga - hàng xóm. Sự nhẹ nhàng, thân mật và tôn trọng đã xóa nhòa mọi khoảng cách để họ thực sự trở thành những người trong một gia đình. Tình cảm gia đình sâu nặng ấy khởi từ tiếng gọi trong nghẹn ngào (mà cũng mãi mới cất lên được) “Bà ơi” của Thanh, đến những cử chỉ ân cần, âu yếm của bà, những quan tâm có phần ngập ngừng, e lệ của Nga, bữa cơm thân mật và cuộc chuyện trò dưới ánh đèn mãi tận tới khuya…

     Các nhân vật của truyện đều xuất hiện không hề đường đột. Hình như Thạch Lam rất có ý thức chuẩn bị cho sự góp mặt của họ một cách kĩ lưỡng khi mô tả những tín hiệu - nhất là tín hiệu âm thanh báo trước rằng có ai đó đang đến: trước khi người bà bước vào là một vật chắc chắn rất thân thiết: “Một cái bóng lẹ làng từ trong vụt ra, rơi xuống mặt bàn; Thanh định thần nhìn rõ: con mèo của bà chàng, con mèo già vẫn chơi đùa với chàng ngày trước” (tr.68). Tiếp đó, bà chàng mới xuất hiện, song, còn được dẫn dắt bởi những tiếng bước chân: “Thanh bước xuống giàn thiên lí. Có tiếng người đi, rồi bà chàng, mái tóc bạc phơ, chống gậy trúc, ở ngoài vườn vào” (tr.68-69). Và rồi, Nga xuất hiện sau tiếng nói, tiếng cười... Việc để những nhân vật này xuất hiện một cách chậm rãi và có chuẩn bị, dường như là sự cố ý đặt Thanh vào tâm thế phải đợi chờ, hoặc để chàng kịp sửa soạn tâm lí cho những hạnh ngộ hẳn đang rất được chờ đợi; để dung dị hóa sự tồn tại của con người… Và dĩ nhiên, thông qua sự chậm rãi, từ tốn ấy, người đọc cũng cảm được cái khiêm nhường, điềm tĩnh của các nhân vật.

     Cùng với sự xuất hiện điềm tĩnh, khiêm nhường ấy, các nhân vật của Dưới bóng hoàng lan cũng luôn nói năng, hành động nương nhẹ, trong quan hệ với nhau hoặc trong công việc của mỗi người. Ngay từ khi xuất hiện, Thanh không đẩy cánh cửa gỗ, mà là “lách” cánh cửa gỗ, rồi tiếp đó chàng “nhẹ nhàng bước vào” như một cố gắng để khỏi phá tan không gian yên tĩnh và thời gian bình yên như đọng lại trong tất cả mọi thứ ở khu vườn cũ, căn nhà cũ, để tránh làm thảng thốt “mùi lá tươi non phảng phất trong không khí” (tr.68). Dường như người con xa quê ấy không muốn gây ra một sự xáo trộn, dù nhỏ nhất đối với “sự yên lặng trầm tịch đến nỗi Thanh trở nên nghẹn họng”, “tựa như bao sự ồn ào ở ngoài kia đều ngừng lại trên bậc cửa” (tr.69). Trong không gian mà ngay đến con mèo cũng chỉ xuất hiện trước tiên bằng cái bóng trong trạng thái lẹ làng và động thái rơi xuống, chứ không phải là hiện thân thế tục của nó nhảy xuống. Không chỉ Thanh, mà cả người bà, cả thiếu nữ hàng xóm cũng đều gượng nhẹ trong mỗi cử chỉ, lời nói. Thật ấm áp biết bao với hình ảnh “Bà cụ thôi nhai trầu, đôi mắt hiền từ dưới làn tóc trắng đưa lên nhìn cháu” (tr.69). Không phải là đưa mắt theo cách nói thông thường kiểu “chỉ tay, đưa mắt”, mà là đưa lên - từ tốn và khắc khoải. Dường như bao mến yêu, lo lắng dành cho cháu tập trung trong “nhãn tự” này! Còn Nga, tất cả mọi cử chỉ, lời nói của cô đều toát lên cái nhẹ nhàng, kín đáo, duyên dáng của một “gái quê”; lúc ăn cơm thì “vén áo ngồi bên cạnh bà cụ”, “ăn nhỏ nhẹ, cầm chừng”. Khi hai người ra vườn, “Thanh chẳng biết nói gì; chàng vít một cành lan xuống giữ trong tay để Nga tìm hoa, rồi nhẹ nhàng buông ra cho cành lại cong lên” (tr.73). Hành động nhẹ nhàng trong một tình cảm âu yếm của hai con người hẳn chưa bao giờ bị vướng bởi những ý nghĩ trần tục ấy làm đẹp và thanh cao hơn tâm hồn họ.

Để không khuấy động cuộc trở về của Thanh, và không khuấy động cái bình yên của khu vườn, căn nhà và thậm chí, có thể còn là giấc ngủ của con mèo già nua, dường như người trở về và người chờ đợi đều chung ý nghĩ phải nói với nhau bằng những gì nhẹ nhàng nhất, âu yếm nhất có thể. Những gì họ nói ra vừa đủ thân mật để không suồng sã, vừa đủ khách sáo để không xa lạ, và dường như trong mỗi phát ngôn của nhân vật đều lấp lửng một điều gì chưa nói hết, để đối phương chờ đợi và cũng tự mình chờ đợi. Tất cả vì thế, đều vừa phải, tạo nên cảm giác vừa thân thương vừa dịu ngọt.

     Các đối thoại dạng câu hỏi trong tác phẩm thường không kết thúc bằng chữ “à”, “hả” mà kết thúc bằng “ư” - một nguyên âm hẹp, hàng giữa, âm sắc trung hòa cùng với thói quen sử dụng của nó tạo nên niềm trắc ẩn, mến thương. Nó hình thành một liên kết nhẹ nhàng nhưng bền chặt giữa những người trong gia đình và những người vừa chớm nở một tình cảm tinh khôi.

     Một điểm đáng chú ý nữa là các nhân vật của Dưới bóng hoàng lan đều đẹp. Bác Nhân đẹp ở sự đôn hậu tận tụy; Thanh đẹp với tấm lòng lương thiện luôn hướng về cội nguồn, với những tình cảm sáng trong vô trùng; cả thể chất và tinh thần của người bà khiến ta dễ liên tưởng đến một bà tiên bước ra từ cổ tích; Nga đẹp vẻ đẹp của một thiếu nữ đương độ xuân e ấp; nàng đẹp một cách khiêm nhường nhưng quyến rũ - một vẻ đẹp phảng phất màu hoa chanh hoa bưởi đã từng khiến Nguyễn Bính xao lòng: cô “xinh xắn trong tà áo trắng, mái tóc đen lánh buông trên cổ nhỏ” (tr.71). Sự xuất hiện của Nga khiến không gian, sự vật chung quanh cũng đẹp lây: “Lá rau tươi xanh ngắt bên bàn tay trắng hồng nhỏ nhắn” (tr.71).

     2. Tất cả những hành động, những đối thoại, chi tiết kể trên cũng chính là những yếu tố cơ bản của cốt truyện. Nói vậy để khẳng định thêm  một lần nữa rằng cũng như phần lớn các tác phẩm của Thạch Lam, Dưới bóng hoàng lan là một truyện không có cốt. Tất cả đều tiến triển, vận động theo cách hết sức nhẹ nhàng, không phải để kể, mà để gợi một tình cảm, một trạng thái tâm hồn và cả một trạng thái của hiện thực. Xin nói thêm rằng, Dưới bóng hoàng lan không chỉ miêu tả niềm vui, sự bắt gặp tâm hồn mình trong hành trình trở về của nhân vật, mà còn báo hiệu một điều gì đó có thể xảy ra trong một dự cảm chẳng lành. Những dự cảm ấy xuất hiện ngay trong cái “nghẹn lại” của cổ họng Thanh, trong những mảnh trời xanh tan tác dưới đáy bể lúc chàng rửa mặt, và trong cả câu chuyện ba bà cháu nói với nhau dưới bóng đèn mãi tới khuya với cuộc tạm biệt đầy e ấp khiến “Thanh đi trở vào rất thong thả. Có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây, khiến chàng vương phải. Chàng đến trường kỉ ngồi ở bên đèn” (tr.73-74). Một dáng ngồi khắc khoải gợi nỗi buồn vô hạn!

     Khác với những nhân vật trong Hai đứa trẻ, các nhân vật của Dưới bóng hoàng lan dường như yên ổn trong khu vườn cũ và căn nhà cũ, nhưng sự bình lặng đáng ngạc nhiên đó chẳng phải không gợi một chút băn khoăn cho người đọc. Trong cái vẻ lành hiền ấy là một cái gì cam chịu. Vả chăng, những con người ấy, khung cảnh ấy liệu có giữ mãi được cái vẻ lành hiền theo năm tháng? Hình ảnh Thanh tới cổng “còn đứng lại nhìn cây hoàng lan và các cây khác trong vườn” vừa nhấn mạnh sự gắn bó của chàng với chốn đi về, lại vừa dấy lên một mơ hồ bất an trong những người đọc nhạy cảm, đa đoan?

     3. Con người cố hương, con người lần tìm vẻ đẹp trong quá khứ ấy, dĩ nhiên thể hiện một cách đầy đủ nhất ở Thanh - một chàng trai mồ côi cha mẹ, thuở nhỏ được bà ấp yêu, chăm bẵm, lớn lên ra tỉnh làm rồi cứ các ngày nghỉ lại trở về thăm bà. Với Thanh, mỗi lần trở về là một lần được tắm trong không khí ấm áp, thân thương và trong trẻo của những ngày xưa. Hành trình trở về của Thanh là hành trình trở về tuổi thơ, trở về để tìm những giây phút bình yên, thanh thản sau những va đập trong đà sống xô bồ đô thị. Nơi anh về, ngôi nhà vẫn y nguyên như ngày anh ra đi, con đường lát gạch bát tràng ấy hẳn ngày xưa rêu đã phủ, và những vòng ánh sáng hẳn cũng đã lọt qua vòm cây tự ngày xưa? Có điều không biết ngày xưa chúng cũng từng nhảy múa, hay chỉ hôm nay chúng mới nhảy múa để đợi Thanh về? Về với bà, với cô Nga hàng xóm, với bác Nhân, những ồn ào náo nhiệt ngoài kia được Thanh để lại trên bậc cửa.

     Trở về quá khứ, với khu vườn cũ và căn nhà cũ, nhưng không gian nhân vật là một không gian mở. Đấy là cánh cửa gỗ để khép mà không đóng, đấy là con đường lát gạch bát tràng rêu phủ mở ra để đón từng bước chân kỉ niệm; bức tường hoa không phải là kéo dài mà là chạy thẳng đến đầu nhà và ngay thềm nhà là chiếc trường kỉ đợi sẵn… Trong không gian ấy, tất cả đều mang đến dấu hiệu của sự yên bình, luôn sẵn sàng mở lòng đón lấy sự hoài nhớ của chàng. Đó là con mèo già nằm trên trường kỷ “mắt lim dim trong sự bình yên và nhàn nhã”. Không gian ấy dường như ít có sự xáo trộn bởi “Lần nào trở về với bà chàng, Thanh cũng thấy bình yên và thong thả như thế. Căn nhà với thửa vườn này đối với chàng như một nơi mát mẻ và hiền lành, ở đấy bà chàng lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu chàng”.

     Nếu không gian trong Dưới bóng hoàng lan là không gian mở ra sau khi cánh cửa gỗ khép lại, thì thời gian dường như là thời gian đóng, thời gian đứng im để chiều lòng một khách bộ hành trên con đường trở về quá khứ, trở về với những giá trị xưa. Chỉ có một lần thời gian tương lai được nhắc đến trong câu Thanh nói với Nga khi được hỏi về việc bao giờ lên tỉnh: “Ngày mai thôi. Kì này được nghỉ ít. Nhưng mà mai kia, tôi sẽ về đây lâu hơn” (tr.73), một vài từ nhắc đến thời gian quá khứ như “ngày nào bước chân Nga đi trên đó” không có từ nào miêu tả thời gian quá khứ, còn về cơ bản, thời gian ở đây được không gian hóa. Thời gian hiển hiện đặc biệt ấn tượng trong hình ảnh người bà. Nếu hình ảnh người già là một trong những phương tiện để thể hiện quá khứ(2) thì Thạch Lam trong Dưới bóng hoàng lan đã sử dụng “chiêu thức” này một cách rất thành công. Hình ảnh người bà, trong quan hệ gia tộc, quan hệ thời gian, dĩ nhiên là quá khứ, là biểu tượng quá khứ. Nhưng tính chất này được gia tăng, sự cũ kĩ xưa xa được gia tăng khi người bà ấy tóc bạc phơ, lưng còng, chống gậy trúc. Quá khứ hiện rõ hơn khi hình ảnh người được đặt bên cạnh đứa cháu người thẳng, mạnh… Từ trung tâm là hình ảnh người bà, tất cả đồ vật chung quanh đều phủ bụi thời gian: chiếc trường kỉ cũ kĩ, chiếc điếu cũ kĩ, căn nhà cũ kĩ, thời gian ngưng đọng ngay cả trong cái dáng khoanh tròn nằm, lim dim mắt của con mèo già… Và điều đặc biệt là khu vườn, căn nhà… dường như đều đứng yên, bất động từ bao giờ, từ cái ngày xưa cũ hoặc ít nhất là lần trước Thanh về thăm. Chữ vẫn(3) được nhắc lại 21 lần (cùng với đó là cũng, vẫn còn) chính là phương tiện neo quá khứ lại trong mọi biểu hiện của không gian. Phần lớn, chữ “vẫn”, không phải để chỉ một trạng thái “cũng thế” của sự vật, mà sau rốt là hướng đến chỉ trạng thái ngưng tụ của thời gian. Khi đọc câu văn “Thanh vắng nhà đã gần hai năm nay, vậy mà chàng có cảm giác như vẫn ở nhà tự bao giờ. Phong cảnh vẫn y nguyên, gian nhà vẫn tịch mịch và bà chàng vẫn tóc bạc phơ và hiền từ”, tất nhiên người đọc đều hiểu đấy là trạng thái xưa cũ, nhưng chưa dễ mấy ai hiểu rằng khi Thạch Lam viết “ngoài vườn, trời vẫn nắng”, thì không phải là vẫn như ban nãy, lúc Thanh về, mà vẫn là cái nắng của ngày xưa. Cái nắng cũng theo tâm hồn thanh neo lại một cách bền vững, cho đến lần này chàng trở về.

Trở lên, bài viết đã chỉ ra một cách khá sơ lược những đặc điểm thi pháp nổi bật của Dưới bóng hoàng lan theo sự cảm thấy của người viết. Còn nhiều biểu hiện có thể coi như là những đặc sắc thi pháp của tác phẩm này như lời văn, thủ pháp đối lập… Tuy nhiên, do khuôn khổ của bài viết, chúng tôi chưa thể đề cập (cũng như chưa thể phân tích sâu những điểm đã thống kê. Mong rằng chúng tôi sẽ có dịp trở lại.

Chú thích

  1. Tất cả các trích dẫn trong bài viết đều rút từ Thạch Lam tuyển tập, Nxb. Văn học, H.2012.
  2. Trần Đình Sử, Giáo trình Dẫn luận thi pháp học, Nxb. GD, H.1998, tr.71.
  3. Việc quan tâm đến chữ “vẫn” trong Dưới bóng hoàng lan đã được thể hiện trong một bản thảo chép tay của Lê Nguyên Long vào năm 2000, nhưng không hiểu vì sao, cho đến nay bài nghiên cứu này vẫn không được công bố.