Nhóm 82 là gì

Nhóm 82 là gì

Thông tin về quan điểm xử lý và kết quả điều tra bước đầu vụ "bác sĩ Khoa rút ống thở người thân cứu sản phụ", ông Nguyễn Đức Thọ, chánh thanh tra Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM, cho biết ngày 9-8, Sở Thông tin và truyền thông đã làm việc với 2 chủ tài khoản Facebook chia sẻ thông tin này và tiến hành xử phạt.

Theo ông Thọ, Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM nhận định nhóm này được thành lập với sự tham gia của một số tài khoản giả nhưng hoàn toàn có tương tác thật. Nhóm này có hệ thống và "sống thực" trên mạng.

Sở Thông tin và truyền thông bước đầu đã phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, xác định việc các tài khoản này có hành vi giả mạo để trục lợi trong việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM.

Thông tin thêm về vụ việc, ông Từ Lương, phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông, cho biết sở đã kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin với Bộ Thông tin và truyền thông và các cơ quan TP, xin ý kiến chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Thành ủy.

Vụ việc được phát hiện vào tối 8-8 thì đã xử lý vào ngày 9-8. Ông Lương nhấn mạnh, đối với cá nhân vi phạm, không phân biệt bất kỳ ai, sẽ xử lý nghiêm.

Hiện tại, trên Facebook đang lan truyền thông tin về nhóm “bác sĩ Khoa” và “nhà 82” cũng như thông tin giả “bác sĩ rút ống thở người thân cứu sản phụ” đang được các cơ quan chức năng điều tra. 

Một bài viết trên trang Facebook của tài khoản H.M.A.Đ. nói: “Vì T. ở cùng nhà với mình nên mình cũng kết bạn với các bạn của T. trong đó có ‘nhóm 82’. ‘Nhóm 82’ theo lời T. nói là một nhóm bác sĩ ở chung một nhà tại địa chỉ 82 (mình không biết đường) thuộc phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức”. 

Liên quan vấn đề này, một nguồn tin của Tuổi Trẻ Online từ Công an TP Thủ Đức (TP.HCM) cho hay, địa phương đã rà hết các địa chỉ có số nhà 82 trên địa bàn phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức nhưng chưa xác định được có người tên T. tạm trú hoặc thường trú như tài khoản H.M.A.Đ. viết trên mạng xã hội. 

“Thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội nói nhóm 82 có ở trên địa bàn phường Hiệp Bình Phước thì an ninh mạng đang phối hợp làm rõ” - nguồn tin nói.

Trước đó, tối 7-8, trên mạng xuất hiện nội dung chia sẻ của một người tên Khoa, được cho là bác sĩ sản phụ khoa.

Theo nội dung lan truyền, người này đã quyết định "nhường đi chiếc máy thở" của ba mẹ mình đang dùng cho một sản phụ đang cần. Người này sau đó đã "kìm nỗi đau mất người thân, trực tiếp vào phòng mổ phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi này". Ngoài ra còn có hình ảnh 2 bé song sinh được lan truyền, được cho là hai bé mà bác sĩ này vừa phẫu thuật.

Thông tin này sau khi đăng tải được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, đa phần đều cảm phục trước hành động của "bác sĩ Khoa". "Tôi khóc cạn nước mắt trước hành động dũng cảm mà không phải ai đứng trước tình huống này cũng làm được" - một người chia sẻ.

Tuổi Trẻ Online đã nhắn tin cho tài khoản Facebook của "bác sĩ Khoa", người chia sẻ câu chuyện nhường máy thở cứu sản phụ song thai, để hy vọng được chia sẻ thêm về quyết định nêu trên. Tuy nhiên "bác sĩ Khoa" nói "cảm ơn" và không chia sẻ thông tin gì thêm.

Sáng 8-8, tất cả các thông tin mà "bác sĩ Khoa" đăng tải trên Facebook cá nhân cũng đều bị xóa.

Khi lòng tin con người bị chăn dắt

Câu chuyện “bác sĩ” rút ống thở cha mẹ được Sở Y tế Sài Gòn xác định là “hư cấu”, chưa đủ nói lên tầm mức tồi tệ của nó trong mùa đại dịch Covid. Nó không chỉ lấy đi nước mắt, tiền bạc của những người cả tin, mà còn bào mòn luôn lòng nhân ái, tính vị tha của người dân trước một hoàn cảnh đáng thương.

Facebooker Van Bu Bi Phan đặt câu hỏi: “Nghề chăn dắt ăn xin đã lỗi thời. Thời đại 4.0 là chăn dắt ‘bác sĩ’!?” nghe đau, nhưng vẫn chưa đủ nói lên thực trạng hiện nay. Bọn ma cô ngày nay (kể cả bọn được bảo kê) đang chuyển từ “chăn dắt ăn xin” sang “chăn dắt lòng tin”, để lỡ bị phát hiện, chúng chỉ cần nói “lòng tin của tôi đặt không đúng chỗ”, hoặc “tôi sai khi chưa kiểm chứng”,…

Chuyện “bác sĩ Khoa” bắt đầu bằng một status của Trần Khoa (Bác Sỉ Khoa Cute – chữ Sĩ bị viết sai dấu ngã thành dấu hỏi) – kể việc anh ta phải rút máy thở của cha mẹ anh ta đưa qua cho một sản phụ đang chờ mổ song sinh. Câu kết của status là: “Ngày tôi mồ côi! 82 còn lại ai?”

Từ những người được Trần Khoa tag trong status này, Facebooker Dương Quốc Chính truy ra được mối liên hệ giữa Trần Khoa và nhóm “từ thiện” tên Quỹ 82. Chuyện này sẽ nói ở phần sau.

Nhóm 82 là gì
Hình đại diện trên facebook của “bác sĩ Khoa” (trái) là của một bác sĩ nha khoa ở Singapore có tên là Toh Wei Seong làm việc tại đại học NUHS Singapore.

Ngày 7 Tháng Tám, sau khi xuất hiện status rút ống thở cha mẹ của Trần Khoa, nhà văn Huỳnh Mai An Đông viết trên Facebook “thấy thương bạn Khoa quá nên có viết một bài đăng trên Fb, nội dung cũng chỉ dừng lại là một chia sẻ mang tính cá nhân (mình viết sau khi nhắn tin an ủi Khoa). Bài viết không nhắc tới trực tiếp ai, cũng không đăng ảnh ai.”

Nhà báo Ngân Hà Trần cũng vì đọc status của Trần Khoa mà “cứ bàng hoàng mãi không làm gì được. Rồi tôi gọi cho An Đông, cô ấy kể chuyện ba mẹ Khoa đi làm thiện nguyện thế nào, các bạn ấy làm thiện nguyện ra sao. Tôi lại càng cảm kích.”

“Tôi quyết định viết, nhưng để giữ cho bạn sự riêng tư, tôi kể một câu chuyện không ghi tên người thật, việc thật. Tôi chỉ kể một trong hàng ngàn câu chuyện đau buồn đang diễn ra giữa dịch bệnh Covid-19 của một gia đình bạn mà tôi tin rằng cậu ấy không bao giờ đem cha mẹ mình ra để ‘lừa đảo’.”

Nhà văn An Đông và nhà báo Ngân Hà trình bày và thanh minh như thế còn mù mờ lắm. Về phía cơ quan chức năng vẫn chưa có có động thái nào trong việc xác định nhân thân thật sự của “bác sĩ Khoa” và vì sao lại có câu chuyện “thương cảm” này? Hà chỉ kể “một câu chuyện đau buồn, mang tính sẻ cá nhân”, chứ không “dám” đề cập đến một nhân vật cụ thể nào.

Rồi thì nhà báo Nguyễn Đức Hiển, tức Năm Mực, nhào vô “ăn theo”. Hiển hỏi Ngân Hà về chi tiết câu chuyện, xin tên tuổi và facebook Trần Khoa viết bài để tạo “sóng”.

Quả thật, nhờ “tai tiếng danh trấn giang hồ, hắc-bạch đều nể sợ” nên bài viết của Hiển được share khắp chốn, không chỉ gây “sóng” mà còn gây luôn “bão táp”. Sau đó là nhà báo Hoàng Nguyên Vũ nhào vô “đánh hôi” với câu: “Bác sĩ Khoa, chúng tôi nợ anh và bố mẹ anh sự sống!” mà nghe thôi có lẽ cũng làm hai ông bà vừa mất ngồi bật dậy. Rồi Vũ còn huyên thuyên “cập nhật tình hình sản phụ: Đã được chính bác sĩ Khoa mổ. Hai bé trai chào đời, mẹ và bé đều an toàn,” y như anh ta có mặt tại bệnh viện đó.

Ngay trong đêm 7 Tháng Tám, một nhân vật “cộm cán” khác xuất hiện, là Jang Kều, Chủ Tịch Quỹ từ thiện có tên là Sống. Jang Kều ngay lập tức share bài của Hiển, rồi sau đó có một status ngắn loan báo, đã nói chuyện với “bác sĩ Khoa”, người đang công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy và cho biết Nhóm Be Strong Viet Nam của Jang sẽ tặng một máy thở cho bệnh viện ngay khi trời sáng.

Ngày 8 Tháng Tám, câu chuyện “bác sĩ Khoa giết cha mẹ, cứu người dưng” bị vạch trần sự dối trá. Trần Khoa biến mất trên facebook, trang nhóm từ thiện Nhà 82 cùng những thành viên liên quan cũng “lặn không sủi tăm”. Nhiều người mới hôm qua cùng khóc thương cho chàng bác sĩ trẻ, dốc tiền đưa cho Quỹ 82 để an ủi “bác sĩ Khoa”, cùng anh lo hậu sự cho cha mẹ… nay như bị sụp hầm.

Điều đau hơn cho những fans của “bác sĩ Khoa” là: Cộng đồng mạng đã điều tra ra tấm ảnh đại diện trên facebook của “bác sĩ Khoa” là của một bác sĩ nha khoa ở Singapore có tên Toh Wei Seong, làm việc tại Đại học NUHS Singapore.

Sau đó, Đức Hiển phải đăng tút xin lỗi vì “không kiểm chứng thông tin”,  Hoàng Nguyên Vũ cũng xin cộng đồng bỏ qua. Cả hai chấp nhận đóng phạt. Chủ tịch Jang Kều cũng xin lỗi vì “chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng”.

Nhóm 82 là gì
Status của Jang Kều (Quỹ Sống) tặng máy thở cho bệnh viện Chợ Rẫy, nơi “bác sĩ Khoa” làm việc.

Tuy nhiên, hình như lời xin lỗi của Jang Kều chưa được dân mạng chấp nhận. Họ thấy còn nhiều điều chưa được Jang làm sáng tỏ. Facebooker Van Bu Bi Phan đặt thẳng câu hỏi:

“Chị Jang Kều ơi! Mọi người vẫn đang chờ/hy vọng chị công khai tin nhắn chị đã liên lạc với bác sĩ Khoa – có ngày giờ nhé chị.”

Nhà báo Ngân Hà Trần, người được cho là có mối quan hệ bạn bè với “bác sĩ Khoa”, khi cô luôn khăng khăng câu chuyện của Khoa là có thật, nhưng bị “dẫn dắt khác đi”. Tuy nhiên, sau hai ngày tin tưởng, hình như áp lực từ dư luận, từ những nghi vấn chưa được giải đáp khiến cô nghĩ lại rằng mình đang bị “đặt niềm tin sai”. Trong status mới nhất  ngày 9 Tháng Tám, Ngân Hà viết:

“Ngay từ đầu, tôi đã không nói rõ nhưng sau khi cộng đồng mạng đòi câu trả lời, tôi cũng đã hỏi An Đông và liên lạc nhắn tin để gặp Khoa, không thấy cậu ấy trả lời. Tôi đã viết status sáng nay nói rõ mình tạm đóng hai bài viết bảo vệ bạn mình như vậy để chờ câu trả lời chính thức.”

Mối quan hệ của tôi trên Facebook với Facebook có nick name Trần Khoa là vậy, sự tin tưởng của tôi vào một người bạn Facebook xuất phát từ lòng cảm mến và không chút nghi ngờ, thậm chí có lúc rất cảm phục những việc làm thiện nguyện của bạn.”

“Còn Trần Khoa có thật không? Câu chuyện của Trần Khoa có thật không thì cho đến giờ, vì chưa được gặp nên tôi không trả lời các bạn được…”

Như thế theo giải thích này, có thể hiểu rằng mối quan hệ “bạn bè” giữa nhà báo Ngân Hà và “bác sĩ Khoa” chỉ có trên Facebook. Tuy nhiên, trong một tình huống khác, nhà báo Ngân Hà được cho là đã thuyết phục nhà báo Hiển-Năm Mực hãy tin “bác sĩ Khoa” là có thật, đồng thời khẳng định với Hiển “bác sĩ Khoa” là bạn thân của nhà văn Huỳnh Mai An Đông.

Thế mới éo le.

Ngân Hà viết tiếp:

“Tôi có thể đã đặt niềm tin sai vào một người bạn Facebook của mình, tôi có lỗi vì đã làm rất nhiều người thất vọng vì mong muốn đó là sự thật. Nhưng tôi cũng cần sự thật hơn cả các bạn nữa”.

Đi tìm “trùm cuối” – người “lượm” tiền bá tánh

Nhóm 82 là gì
Thành viên nhóm từ thiện Quỹ 82, hiện đã đóng fanpage.

Từ câu chuyện “bác sĩ Khoa”, dân mạng tìm ra một sự thật khủng khiếp hơn chuyện “bác sĩ ‘giết’ cha mẹ”, đó là đường dây từ thiện Quỹ 82 do một nhóm người tổ chức, mà cho đến nay, người ta vẫn chưa biết có bao nhiêu người, nhân vật nào thật, nhân vật nào được dựng lên để câu view, móc tiền bá tánh.

Theo Facebooker Dương Minh Tuấn, anh lượm lặt trên mạng được danh sách “diễn viên” Nhà 82 như sau:

– BÁC SĨ KHOA: Nhân vật sáng nhất hôm nay nhưng trong hệ thống này thì lại chỉ là nhân vật phụ thôi. Lúc chưa khóa Facebook thấy bảo là giáo sư bên Úc. Không hiểu sao công tác ở Chợ Rẫy.

– PHONG LAM: Nhân vật chính, cô bác sĩ Singapore bị ung thư máu từ nhỏ. Mở Quỹ 82 kêu gọi ủng hộ các bệnh nhân ung thư.

– LONG THIÊN: Con trai Phong Lam. 4 tuổi đã biết viết tâm thư cho mẹ trên facebook dài loằng ngoằng nhưng cách hành văn thì như biên tập viên VTV. Chỉ số IQ 140. Thần đồng nhí. Bị u não, vừa phẫu thuật xong.

– VÕ THÙY LINH: Mẹ Phong Lam. Nhân vật mờ nhạt vì chỉ ở nhà nội trợ.

– TÂN LÊ: Giáo sư bác sĩ bên Singapore, anh trai nuôi Phong Lam. Mới phát hiện ra bị ung thư não.

– NGUYỄN MINH THY: Quê ở Bến Tre, người quản lý toàn bộ tiền từ thiện, chủ của tài khoản Nguyễn Thị Minh Thy.

– THANH HÙNG LÊ: Lại cũng là giáo sư, Pháp hay Úc gì đó.

– PHONG LÊ: Bố Phong Lam. Lớ ngớ thế nào từ phụ hồ lại thành giáo sư bác sĩ đầu ngành của bệnh viện bên Singapore. Hiến tủy cứu con nên bị liệt chân. Vừa đi lại được rồi. Chẳng biết lương tháng bao nhiêu mà tháng nào cũng ủng hộ vào Quỹ 82 mấy trăm triệu.

– PETERSON LÝ: Chồng Phong Lam, lai mấy dòng máu. Giáo sư làm việc bên Thụy Sĩ.

– BỐ CHỒNG PHONG LAM: Giáo sư đầu ngành, đồng nghiệp của Phong Lê. Vừa bị u gì đó, Phong Lê đang liệt chân tự nhiên đứng được mấy tiếng để mổ cho.

Nhóm 82 là gì
Lời “kêu gọi” của Thanh Hùng Lê, thành viên Quỹ 82 “giúp” bà bán vé số bị ung thư qua đời.

Theo báo Tiền Phong, câu chuyện về nhóm từ thiện Nhà 82 (hay Quỹ 82) của Phong Lam biết tạo ra những câu chuyện thương tâm để “moi” tiền bá tánh, như chuyện nuôi bà cụ bán vé số không nơi nương tựa, sau khi chồng và con mắc bệnh ung thư qua đời, bà cụ sau đó cũng bị đột tử. Dưới lời kêu gọi quyên góp tiền làm đám tang cho bà cụ là số tài khoản của một người tên Nguyễn Thị Minh Thy. Rất nhiều người đã chuyển tiền ủng hộ vì lời kêu gọi đẫm nước mắt này. Sau một thời gian đóng góp, đã có người nhìn ra được điều bất thường của Quỹ 82 nên lặng lẽ từ bỏ.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, tất cả facebook trong “nhóm từ thiện ảo” này, đều có chung một đặc điểm, phần lớn là nhân vật ảo, lấy hình của các giáo sư đầu ngành về y khoa của Singapore, Đài Loan hay Úc ghép vào. Chỉ có nhân vật Nguyễn Minh Thy là thật, được công khai để “gom” tiền của các mạnh thường quân, người giàu lòng trắc ẩn.

Đáng chú ý là nhân vật tên Thy này lại ở chung nhà với nhà văn Huỳnh Mai An Đông, có mối quan hệ khá mật thiết, nên An Đông cũng bị đưa vào “tầm ngắm” của cộng đồng mạng.

Nhóm 82 là gì
Nhà văn Huỳnh Mai An Đông và status của cô về “bác sĩ Khoa”

Tuy nhiên, trong status ngày 9 Tháng tám, An Đông khẳng định chỉ biết nhóm Quỹ 82 qua Facebook, trong đó có Trần Khoa, và việc có người cho rằng cô đứng sau đạo diễn vở kịch “đẫm lệ” này là “sự vu khống trắng trợn”.

Ở một góc khác, sau khi đóng phạt năm triệu đồng, Hoàng Nguyên Vũ bèn mở cuộc điều tra “phục hận”. Trong status ngày 9 Tháng Tám, Vũ cho biết nhà văn An Đông đã thuyết phục Vũ rằng “bác sĩ Khoa” là có thật. An Đông chat với Vũ:

“Khoa trốn rồi. Chấp nhận mọi im lặng. Sự thật bị bóp méo”; “Bạn ấy đang suy sụp. Khoa hứa bình tâm đáp trả một ngày gần”.

Điều này khác hẳn những gì An Đông chia sẻ trong Facebook của mình, khi viết: “Bản thân mình cũng thật sự muốn biết Trần Khoa là ai và có thật hay không, hồi nào tới giờ người mình tương tác trên Facebook và nhắn tin qua lại là ai… mình cũng thật sự muốn biết”.

Theo Hoàng Nguyên Vũ, “Huỳnh Mai An Đông không hề vô tư trong câu chuyện về ‘bác sĩ Khoa’. Cô ta hoàn toàn liên quan, và liên quan trực tiếp.” Còn nhân vật cuối, Nguyễn Minh Thy, người đứng tên tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ mạnh thường quân, đương nhiên là nhân vật thật. Câu hỏi đặt ra là trong nhóm từ thiện Quỹ 82, ngoài Nguyễn Minh Thy ra, còn ai là thật nữa không?

Nhóm 82 là gì
Nhân vật Nguyễn Minh Thy – Ảnh: Facebook

Facebook Dương Minh Chính nhận định rằng “nhóm từ thiện ảo” này chỉ có hai thành viên thật mà thôi. Tuy nhiên, anh lại chưa đưa ra lập luận để bảo vệ ý kiến này.

Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ phân tích nhóm này qua nhân vật nữ tên Thương, một người buôn bán trái cây. Cô Thương tham gia nhóm này vì có người em thích nghề y và lĩnh vực ung thư. Trong thời gian tham gia nhóm như “khách danh dự”, Thương nhận thấy có nhiều điều “mờ ám”, như việc chỉ được nói chuyện audio (không được video phone) với Phong Lam và Minh Thy.

“Một điều đặc biệt theo Thương, là giọng nói của hai chị em dù không liên quan cha mẹ, trong đó có một người sống ở nước ngoài từ nhỏ, lại giống nhau đến ngỡ ngàng.”

Tham gia nhóm một thời gian, “Thương bừng tỉnh nhận ra điều gì bất thường và nhóm kia quá ảo với nhiều người chẳng bao giờ thấy hình ảnh sống, với nhiều câu chuyện ly kỳ, kèm theo cái tài khoản từ thiện to đùng đoàng, Thương rút lui.” Cô Thương cho biết thêm, trước khi cô rút lui ít lâu, nhà văn An Đông đã xuất hiện trong nhóm này.

Hoàng Nguyên Vũ đặt nghi vấn rằng, “người lên kịch bản, người làm đạo diễn cho cái vở tuồng dài hạn lâm li bi đát này, chỉ có hai người, còn các diễn viên thủ vai đều ảo.” Hiện nay, toàn bộ Facebook của Quỹ 82 và các thành viên đều “đóng cửa nghỉ hè” nên chẳng ai tìm hiểu hay hỏi han thêm được. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người, Nguyễn Minh Thy có thể là nhân vật bị nghi ngờ nhiều nhất, vì “chỉ có ‘trùm cuối’ mới được quyền giữ tiền”.

Tạm kết

Chuyện lập một nhóm từ thiện online để lừa đảo những người tốt cả tin đang là xu hướng “làm ăn” của kẻ gian hiện nay. Chúng có thể dựng lên một vở kịch não lòng, rồi tạo ra nhiều nhân vật ảo, từ nạn nhân, đến nhà hảo tâm, để gợi lòng thương xót của người đọc trong tình trạng loạn thông tin thật-giả trên mạng xã hội hiện nay.

Chuyện “bác sĩ Khoa”, hay Quỹ 82 thật hư thế nào, các nhân vật liên quan thật giả ra sao, chắc chắn sẽ bị phơi bày. Chính quyền không thể đứng ngoài cuộc, khi ngày càng nhiều Facebooker đưa ra các nghi vấn khả tín và rõ ràng, cũng như đã đưa ra bằng chứng xác đáng giúp cơ quan chức năng phá án.