Phần mềm sắp xếp câu tiếng Trung

Đối với nhiều bạn thi HSK thì phần viết luôn là một trở ngại lớn, bởi dạng đề này kiểm tra được nhiều phương diện của thí sinh, bao gồm từ vựng, ngữ pháp cho đến khả năng liên kết từ và cụm từ thành câu. Chính vì vậy, hôm nay Tiếng Trung Thượng Hải sẽ chia sẻ cụ thể toàn bộ bí quyết giúp các bạn vượt qua được mọi khó khăn của phần viết HSK.

Cả HSK 4 và HSK 5 đều được chia thành ba phần: nghe, đọc và viết. Trong đó, phần sắp xếp câu của phần viết được các thí sinh đánh giá là một dạng đề có độ khó khá cao.

Trong phần sắp xếp câu, đề bài sẽ cho một câu hoàn chỉnh nhưng thứ tự trong câu đã bị đảo lộn. Nhiệm vụ của chúng ta là sắp xếp lại thành câu hoàn chỉnh đúng ngữ pháp, ngữ nghĩa. Đề HSK 4 có 10 câu dạng đề này, còn đề HSK 5 có 8 câu nhưng với số lượng từ nhiều hơn và khó hơn.

I. Cách làm dạng bài 

Để làm tốt dạng bài này, yêu cầu chúng ta phải:

  • Biết hoặc phán đoán được ý nghĩa, từ loại và cách sử dụng từng từ vựng cho sẵn.
  • Nắm được kết cấu câu, dạng ngữ pháp điển hình: ví dụ như câu chữ 把, câu chữ 被, câu so sánh 比, 跟…一样…
  • Phân tích cụ thể thành phần câu: chủ ngữ, vị ngữ, định ngữ, trạng ngữ, bổ ngữ, trung tâm ngữ, giới từ, lượng từ…
  • Kiểm soát tốt thời gian làm bài và kiểm tra lại bài sau khi hoàn thành, tránh sai xót.
1. Đối với câu vị ngữ động từ

Các động từ thường đi kèm với những từ sau để tạo thành cụm động từ

  • 在/正在 + V
  • V +了/着/过
  • 已/已经 + V

Khi trong đề bài xuất hiện những cụm từ này, các bạn đã có căn cứ để xác định chúng là cụm động từ

Tiếp theo, xác định chủ ngữ và tân ngữ của động từ.

Chủ ngữ và tân ngữ thường là danh từ, chủ ngữ là đối tượng thực hiện động tức, tân ngữ là đối tượng chịu tác động của động tác, các bạn chỉ cần chú ý nghĩa của từ để xác định cho đúng. Tuy nhiên, trong trường hợp có nhiều hơn hai danh từ, các bạn cần xem xét lại khả năng kết hợp của các danh từ này thành một cụm có nghĩa.

Ví dụ: 一封    收到了     来自     我     国外的信 (HSK4)

             ③        ②         ④        ①        ⑤

2. Đối với câu vị ngữ là hình dung từ
  1. Đầu tiên cần tìm ra hình dung từ.
  2. Tìm chủ thể của hình dung từ đó, cũng chính là chủ ngữ của câu. Như đã nói ở trên, chủ ngữ thường là danh từ, vậy các bạn cần xác định đâu là trung tâm ngữ, đâu là định ngữ cho trung tâm ngữ đó.
  3. Xác định các phó từ chỉ mức độ, trạng từ có tác dụng bổ sung ý nghĩa cho hình dung từ.

Các động từ thường đi kèm với những từ sau để tạo thành cụm động từ

Ví dụ: 表演      很     精彩       这些演员的 (HSK4)

           ②         ③      ④               ①

3. Đối với câu kiêm ngữ

Câu kiêm ngữ là câu mà tân ngữ của động từ thứ nhất đóng vai trò là chủ thể của động từ thứ hai. Cũng có nghĩa trong câu này sẽ có hai động từ với kết cấu:

Chủ ngữ + Động từ 1 + Tân ngữ 1/chủ ngữ 2 + Động từ 2 (+Tân ngữ)

Động từ 1 của câu này thường bao gồm: 让, 叫, 派, 使, 令…

Ví dụ: 让他      感到       事情的发展     很惊讶 (HSK4)

            ②         ③               ①                 ④

4. Đối với câu vị ngữ động từ mang hai tân ngữ

Loại câu này có cấu trúc:

Chủ ngữ + Động từ + Tân ngữ 1 + Tân ngữ 2

Động từ trong câu thường bao gồm: 给, 送, 还, 收, 借, 拿, 交, 问, 租, 寄. 教, 告诉, 通知, 嘱咐, 命令, 报告, 赢, 输,禁止…

Tân ngữ 1 là tân ngữ gián tiếp, là chủ thể tiếp nhận hành động. Tân ngữ 2 là tân ngữ trực tiếp, là sự vật mà hành động tác động lên. Khi làm dạng câu này, các bạn cần chú ý xác định đúng thứ tự của hai tân ngữ.

Ví dụ: 禁止      游客      开      闪光灯      博物馆 (HSK5)

            ②         ③        ④        ⑤             ①

5. Đối với câu so sánh

Các mẫu câu so sánh thường gặp:

* So sánh hơn nhất:

S + 最 + V (tâm lý) + Tân ngữ

S + 最 + Hình dung từ

* So sánh hơn kém:

Khẳng định:

A + 比 + B + 还/更 + Hình dung từ

A + 比 + B + Hình dung từ + 一点儿/一些

A + 比 + B + Hình dung từ + 得多/多了/多得很

Phủ định:

A + 没有 + B + Hình dung từ

A+ 不如 +B + Hình dung từ

Ví dụ: 这双皮鞋的      比那双        颜色      稍微深     一些 (HSK4)

                ①                  ③              ②          ④          ⑤

6. Đối với dạng câu đặc biệt

Các bạn cần nắm chắc hình thức câu

Câu chữ 把: S + 把 + tân ngữ + Động từ + thành phần khác

Câu chữ 被: S + 被 (+ tân ngữ) + Động từ + thành phần khác

Chú ý: Câu chữ “把”  là câu chủ động, chủ ngữ sẽ là đối tượng thực hiện hành động với tân ngữ.

Câu chữ “被” là câu bị động, chủ ngữ là đối tượng chịu tác động từ hành động của tân ngữ.

Ví dụ: 大部分顾客       价格        较低的      都被     吸引了 (HSK4)

                 ①                ④              ③            ②         ⑤

II. Những khó khăn trong quá trình làm bài

1. Không đủ thời gian làm bài 

Phần viết của đề thi HSK 4 được làm trong 25 phút, ngoài 10 câu sắp xếp từ vẫn còn có 5 câu nhìn tranh và dùng từ cho trước để đặt câu. Còn trong đề thi HSK 5, với thời gian làm bài là 40 phút, các bạn làm 8 câu sắp xếp từ và còn phải viết hai đoạn văn theo yêu cầu.

Có nhiều bạn không ôn tập kỹ, thấy số lượng câu hỏi ít hơn phần nghe và đọc trước đó nên chủ quan không phân bổ thời gian làm bài hợp lý nên đã bị thiếu thời gian làm bài.

Hãy nhớ, những người soạn đề tuyệt đối sẽ không cho các bạn có thời gian chơi trong khi làm bài thi, vậy nên đừng lãng phí bất kỳ một giây phút nào cả. Các bạn cần phân chia thời gian làm từng phần cho hợp lý, ví dụ như với 10 câu sắp xếp từ trong đề HSK 4 và 8 câu trong đề HSK 5, các bạn chỉ nên dành 8-12 phút để làm bài.

2. Có nhiều từ vựng không biết

Tất nhiên khi đi thi, chúng ta cần chuẩn bị đầy đủ hành trang kiến thức với từ vựng, ngữ pháp và kỹ năng làm bài. Nhưng số lượng từ vựng cần nắm vững để tham gia thi HSK 4 là khoảng 1200 từ, HSK 5 là 2500 từ. Chúng là những con số rất lớn, nhất là khi những từ vựng đó lại là loại chữ tượng hình như chữ Hán. Rất nhiều trường hợp các bạn bạn tham gia thi không thể nhớ được số lượng từ vựng lớn như vậy, hoặc do tâm trạng căng thẳng trong phòng thi mà quên mất nghĩa của từ.

Để giải quyết những từ không biết này, các bạn có thể thử phán đoán nghĩa hoặc chức năng ngữ pháp của từ trong câu. Ví dụ như với một từ bạn không biết, nhưng từ đó lại đứng trước 地, bạn có thể đoán ra ngay đó là một cụm trạng ngữ, cần đặt nó trước động từ hoặc hình dung từ khác để bổ sung ý nghĩa. Hoặc nếu đằng sau từ bạn không biết xuất hiện “了, 着, 过”, vậy chắc chắn từ đó là động từ, đảm nhiệm vị trí vị ngữ trong câu.

3. Gặp khó khăn với giới từ

Các bạn chưa nắm chắc ngữ pháp rất có thể sẽ gặp khó khăn trong việc sắp xếp vị trí của các cụm giới từ. Trọng tâm kiểm tra về giới từ trong đề HSK cấp 4 và cấp 5 là các giới từ “向, 对, 跟, 为, 从…”

向: Danh từ đứng sau “向” là đối tượng động tác muốn hướng đến. Cụm giới từ bắt đầu bằng “向” sẽ đứng trước động từ.

对: Dùng để giới thiệu đối tượng hoặc mục tiêu của hành động. Cụm giới từ bắt đầu bằng “对” thường đứng sau chủ ngữ.

跟: Hai danh từ đứng trước và sau “跟” có chức năng như nhau, có thể đổi chỗ cho nhau. Cụm từ chứa “跟” thường sẽ đóng vai trò làm chủ ngữ trong câu.

为: Dùng để chỉ mục đích hoặc đối tượng hành động nhắm đến. Cụm giới từ chứa “为” thường đứng trước chủ ngữ.

从: Biểu thị địa điểm bắt đầu tính theo thời gian, phạm vi, nơi chốn. “从” thường kết hợp với  “到,往,向”, hoặc trong các cụm cố định như

  • 从…… 开始/ 起: bắt đầu từ…trở đi
  • 从…… 来看/ 来说: xét từ góc độ nào đó.

Cụm giới từ “从” có thể đảm nhiệm chức năng làm trạng ngữ, đứng sau chủ ngữ. Ngoài ra, nó cũng có thể làm thành phần biệt lập đầu câu và được ngăn cách với những thành phần khác bằng dấu phẩy.

Ngoài ra còn có rất nhiều giới từ khác cũng có thể xuất hiện trong câu mà các bạn nên chú ý, bởi vì dù sao đi nữa, sử dụng kiến thức trong đầu mình vẫn tốt nhất mà phải không?

III. Phân tích lỗi sai thường gặp và sửa lỗi

Sau đây, chúng ta sẽ đi cụ thể vào các lỗi sai thường gặp khi làm dạng đề này và cách tránh chúng, để giúp các bạn đạt điểm cao trong phần thi này.

Các lỗi hay gặp ở phần này là các bạn thiếu kiến thức về kết cấu ngữ pháp trong câu, viết thiếu dấu chấm câu và viết sai chữ.

1. Lỗi không sử dụng hết các từ đã cho trong đề

Khi làm bài, do có nhiều từ cần sắp xếp mà thời gian làm bài không đủ, nhiều bạn thường bỏ sót những từ cần sắp xếp. Đây là một lỗi không đáng có nhưng lại xuất hiện trong danh sách những lỗi thường gặp.

Để tránh gặp phải lỗi sai này, sau khi sắp xếp một từ ngữ nào đó vào vị trí mà các bạn cho là hợp lý, hãy gạch chéo từ đó đi. Làm như vậy, vừa giúp các bạn đỡ bị rối mắt khi phải đối diện với nhiều từ, cùng vừa giúp tránh được lỗi bỏ sót từ, bởi vì nếu còn bỏ sót từ nào, bạn sẽ phát hiện ra chúng chưa được gạch chéo ngay.

2. Lỗi sử dụng những từ đề bài không cung cấp

Lỗi này trái ngược với lỗi thứ nhất. Khi làm bài thi, có thể các bạn cảm thấy sao mình đã sắp xếp đủ các từ thành câu rồi mà vẫn thấy thiếu thiếu một cái gì đó, và rồi để bù vào phần “thiếu thiếu” đó, các bạn tự ý thêm một số từ nào đó mà đề bài không cho vào câu.

Đề thi đã được kiểm tra lại rất nhiều lần trước khi đến được tay các bạn, vậy nên không có gì là thiếu ở đề bài cả. Nếu xảy ra trường hợp này, hoặc là cảm giác của bạn sai, hoặc là bạn đã thực sự sắp xếp sai ở đâu đó rồi. Vậy nên hãy soát lại bài thật kỹ chức đừng tự do phát huy thêm từ vào bài thi nhé.

3. Lỗi viết sai từ

Không bạn nào hi vọng mình làm sai bài cả, nhưng trong phòng thi, bầu không khí căng thẳng dễ khiến não bạn hơi bị “lag” chút xíu, hoặc là do thời gian vội quá, bạn chỉ kịp nhìn lướt qua những từ đề bài cho, và trong khoảnh khắc nhìn lướt qua đó, thông tin truyền từ mắt vào não bạn hơi bị sai lệch, rồi mệnh lệnh não đưa ra cho tay để viết thành chữ không được chuẩn xác cho lắm, thế là bạn đã viết sai ngay cả khi chỉ cần chép lại chữ Hán từ dòng trên xuống dòng dưới.

Để tránh lỗi sai này, hãy viết nháp câu bạn sắp xếp được ra đề rồi mới viết vào phiếu trả lời. VIẾT  nhé, đừng đánh dấu thứ tự. Khi viết ra thành câu, bạn sẽ có thể kiểm tra lại chữ mình viết, cũng kiểm tra được thứ tự câu mình sắp xếp. Việc đánh dấu số thứ tự các từ chỉ khiến đề thi càng thêm rối mắt và mất thời gian kiểm tra lại của bạn thôi.

4. Lỗi không viết đáp án vào phiếu trả lời

Nhiều bạn lại chỉ làm nháp ra đề thi, không viết đáp án vào phiếu trả lời. Đến khi sắp hết thời gian làm bài, các bạn mới cuống cuồng điền câu trả lời vào phiếu. Khi đó các bạn rất dễ viết sai chữ, không kịp viết hết hoặc viết chữ xấu.

Lời khuyên Tiếng Trung Thượng Hải dành cho các bạn là ngay khi xác định chắc chắn đáp án của mình, hãy viết nó vào phiếu trả lời ngay nhé. Hội đồng thi chỉ chấm phiếu trả lời của bạn thôi, không chấm đề đâu!

5. Lỗi viết nhiều đáp án

Đáp án trong phần thi sắp xếp từ chỉ có duy nhất. Trong trường hợp đảo ngược vị trí giữa hai từ tương đương ví dụ như  我和爸爸 với 爸爸和我 , hay đảo tân ngữ lên đầu câu như 我可以看这本书吗? với 这本书我可以看吗?, cả hai đáp án đều được chấp nhận. Nhưng đừng vì thế mà cẩn thận viết cả hai đáp án vào đề nhé! Các bạn chỉ cần viết một đáp án, nếu đáp án đó đúng, Hội đồng thi sẽ tính đủ điểm câu đó cho bạn. Hay có trường hợp bạn không chắc chắn về đáp án của mình, không biết sắp xếp như thế này đúng hay như thế kia đúng nên viết cả hai vào cho chắc ăn, vậy thì xin chia buồn, cả hai đáp án của bạn đều sẽ bị tính là không hợp lệ.

6. Lỗi sắp xếp sai vị trí

Đây chắc chắn là lỗi dễ gặp nhất, nhưng lại khó sửa nhất. Với những lỗi sai trên, bạn chỉ cần chú ý thêm một chút là có thể tránh được thì lỗi sắp xếp sai vị trí lại cần dựa vào thực lực, vào kiến thức của bạn mới được. Muốn sửa lỗi sai này, chúng ta không thể làm gì khác ngoài việc nỗ lực học tập, nắm chắc từ vựng và ngữ pháp, tìm hiểu đọc nhiều sách báo tiếng Trung hơn.

Hãy cũng Tiếng Trung Thượng Hải nỗ lực học tập nào!!!

TẢI SÁCH BỘ ĐỀ MÔ PHỎNG HSK4 MỚI NHẤT

TẢI GIÁO TRÌNH CẨM NANG LUYỆN THI HSK CẤP ĐỘ 3-4

TỔNG HỢP TÀI LIỆU LUYỆN THI HSK3

TỔNG HỢP TÀI LIỆU LUYỆN THI HSK4

TỔNG HỢP TÀI LIỆU LUYỆN THI HSK5

TỔNG HỢP TÀI LIỆU LUYỆN THI HSK6