Theo quan điểm của tâm lý học duy vật biện chứng tâm lý cá nhân là

(Last Updated On: 02/11/2021)

Khái niệm: Tâm lí học là một khoa học chuyên nghiên cứu các hiện tượng tâm lý người.

Đối tượng của tâm lý học

Trong tác phẩm “Phép biện chứng của tự nhiên” Ph. Ăngghen đã chỉ rõ thế giới luôn luôn vận động, mỗi một khoa học nghiên cứu một dạng vận động của thế giới. Các khoa học phân tích các dạng vận động của thế giới tự nhiên thuộc nhóm khoa học tự nhiên. Các khoa học phân tích các dạng vận động của xã hội thuộc nhóm các khoa học xã hội. Các khoa học nghiên cứu các dạng vận động chuyển tiếp trung gian từ dạng vận động này sang dạng vận động kia được gọi là các khoa học trung gian, chẳng hạn lí sinh học, hóa sinh học, tâm lí học… Trong đó tâm lí học nghiên cứu dạng vận động chuyển tiếp từ vận động sinh vật sang vận động xã hội, từ thế giới khách quan vào mỗi con người sinh ra hiện tượng tâm lí – với tư cách một hiện tượng tinh thần.

Trong lịch sử xa xưa của nhân loại, trong tiếng Latinh: “Psyche” là “linh hồn”, tinh thần” và “logos” là “học thuyết”, là “khoa học”, vì thế “tâm lí học (Psychologie) là khoa học về tâm hồn. Nói một cách khái quát nhất: Tâm lí bao gồm tất cả những hiện tượng tinh thần xảy ra trong đầu óc con người, gắn liền và điều hành mọi hành động, hoạt động của con người. Các hiện tượng tâm lí đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong đời sống con người, trong quan hệ giữa con người với con người và con người với cả xã hội loài người.

Như vậy, đối tượng của tâm lí học là các hiện tượng tâm lí với tư cách là một hiện tượng tinh thần do thế giới khách quan tác động vào não con người sinh ra, gọi chung là các hoạt động tâm lí. Tâm lí học nghiên cứu sự hình thành, vận hành và phát triển của hoạt động tâm lí.

Nhiệm vụ của tâm lí học

Nhiệm vụ cơ bản của tâm lí học là nghiên cứu bản chất của hoạt động tâm lí, các quy luật nảy sinh và phát triển tâm lí, cơ chế diễn biến và thể hiện tâm lí, quy luật về mối quan hệ giữa các hiện tượng tâm lí. cụ thể là nghiên cứu:

+ Những yếu tố khách quan, chủ quan nào đã tạo ra tâm lí người.

+ Cơ chế hình thành, biểu hiện của hoạt động tâm lí.

+ Tâm lí của con người hoạt động như thế nào?

+ Chức năng, vai trò của tâm lí đối với hoạt động của con người.

– Có thể nêu lên các nhiệm vụ cụ thể của tâm lí học như sau:

+ Nghiên cứu bản chất của hoạt động tâm lí cả về mặt số lượng và chất lượng.

+ Phát hiện các quy luật hình thành phát triển tâm lí.

+ Tìm ra cơ chế của các hiện tượng tâm lí.

Trên cơ sở các thành tựu nghiên cứu, tâm lí học đưa ra những giải pháp hữu hiệu cho việc hình thành, phát triển tâm lí, sử dụng tâm lí trong nhân tố con người có hiệu quả nhất. Để thực hiện các nhiệm vụ nói trên, tâm lí học phải liên kết, phối hợp chặt chẽ với nhiều khoa học khác.

Các quan điểm cơ bản trong tâm lí học hiện đại

Tâm lí học hành vi

Chủ nghĩa hành vi do nhà tâm lí học Mĩ J. Oatsơn (1878 – 1958) sáng lập. J. Oatsơn cho rằng tâm lí học không mô tả, giảng giải các trạng thái ý thức mà chỉ nghiên cứu hành vi của cơ thể ở con người cũng như ở động vật. Hành vi được hiểu là tổng số các cử động bên ngoài nảy sinh ở cơ thể nhằm đáp lại một kích thích nào đó. Toàn bộ hành vi, phản ứng của con người và động vật thể hiện bằng công thức:

S – R

(Stimulus – Reaction)

Kích thích – Phản ứng

Với Công thức trên, J. Oatsơn đã nêu lên một quan điểm tiến bộ trong tâm lí học: coi hành vi là do ngoại cảnh quyết định, hành vi có thể quan sát được, nghiên cứu được một cách khách quan, từ đó có thể điều khiển hành vi theo phương pháp “thử – sai”. Nhưng chủ nghĩa hành vi đã quan niệm một cách cơ học, máy móc về hành vi, đánh đồng hành vi của con người với hành vi của con vật, hành vi chỉ còn là những phản ứng máy móc nhằm đáp lại kích thích, giúp cho cơ thể thích nghi với môi trường xung quanh. Chủ nghĩa hành vi đồng nhất phản ứng với nội dung tâm lí bên trong làm mất tính chủ thể, tính xã hội của tâm lí con người, đồng nhất tâm lí con người với tâm lí động vật, con người chỉ phản ứng trong thế giới một cách cơ học, máy móc. Đây chính là quan điểm tự nhiên chủ nghĩa, phi lịch sử và thực dụng.

Về sau này các đại biểu của chủ nghĩa hành vi mới như: Tonmen, Hulo, Skinơ… có đưa vào công thức S – R những “biến số trung gian” bao hàm một số yếu tố như: nhu cầu, trạng thái chờ đón, kinh nghiệm sống của con người, hoặc hành vi tạo tác “operant” nhằm đáp lại những kích thích có lợi cho cơ thể, nhưng về cơ bản chủ nghĩa hành vi mới vẫn mang tính máy móc, thực dụng của chủ nghĩa hành vi cổ điển Oatsơn.

Tâm lí học Gestall (còn gọi là tâm lí học cấu trúc)

Dòng phái này ra đời ở Đức, gắn liền với tên tuổi các nhà tâm lí học: Vécthaimơ (1880 – 1943), Côlơ (1887 – 1967), Côpca (1886 – 1947). Họ đi sâu nghiên cứu các quy luật về tính ổn định và tính trọn vẹn của tri giác, quy luật “bừng sáng” của tư duy. Trên cơ sở thực nghiệm, các nhà tâm lí học Gestalt khẳng định các quy luật của tri giác, tư duy và tâm lí của con người do các cấu trúc tiền định của não quyết định. Các nhà tâm lí học Gestalt ít chú ý đến vai trò của vốn kinh nghiệm sống, kinh nghiệm xã hội lịch sử.

Phân tâm học

Thuyết phân tâm do S. Phrơt (1859 – 1939), bác sĩ người áo xây dựng nên. Luận điểm cơ bản của Phrơt là tách con người thành ba khối: cái ấy (cái vô thức), cái tôi và cái siêu tôi. Cái ấy bao gồm các bản năng vô thức: ăn uống, tình dục, tự vệ, trong đó bản năng tình dục giữ vai trò trung tâm quyết định toàn bộ đời sống tâm lí và hành vi của con người, cái ấy tồn tại theo nguyên tắc thoả mãn và đòi hỏi: Cái tôi – con người thường ngày, con người có ý thức tồn tại theo nguyên tắc hiện thực. Cái tôi có ý thức theo Phrớt là cái tôi giả hiệu, cái tôi bề ngoài của cái nhân lõi bên trong là “cái ấy” Cái siêu tôi – là cái siêu phàm, “cái tôi lí tưởng” không bao giờ vươn tới được và tồn tại theo nguyên tắc kiểm duyệt, chèn ép. Như vậy, phân tâm học đã đề cao quá đáng cái bản năng vô thức dẫn đến phủ nhận ý thức, phủ nhận bản chất xã hội, lịch sử của tâm lí con người đồng nhất tâm lí của con người với tâm lí loài vật Học thuyết Phrớt là cơ sở ban đầu của chủ nghĩa hiện sinh, thể hiện quan điểm sinh vật hóa tâm lí con người.

Tóm lại, ba dòng phái tâm lí học nói trên ra đời ở cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX góp phần tấn công vào dòng phái chủ quan trong tâm lí học, đưa tâm lí học đi theo hướng khách quan. Nhưng do những giới hạn lịch sử, ở họ có những hạn chế nhất định như thể hiện xu thế cơ học hóa, sinh vật hóa tâm lí con người, bỏ qua bản chất xã hội lịch sử và tính chủ thể của đời sống tâm lí con người.

Tâm lí học nhân văn

Dòng phái tâm lí học nhân văn do C. Rôgiơ (1902 – 1987) và Maxlâu (1908 – 1972) sáng lập. Các nhà tâm lí học nhân văn quan niệm rằng bản chất con người vốn tốt đẹp, con người có lòng vị tha, có tiềm năng kì diệu.

Maxlâu đã nêu lên 5 mức độ nhu cầu cơ bản của con người xét thứ tự từ thấp đến cao:

  • Nhu cầu sinh lí cơ bản,
  • Nhu cầu an toàn;
  • Nhu cầu về quan hệ xã hội;
  • Nhu cầu được kính nể, ngưỡng mộ…
  • Nhu cầu phát huy bản ngã, thành đạt.

Rôgiơ cho rằng con người ta cần phải đối xử với nhau một cách tế nhị, cởi mở, biết lắng nghe và chờ đợi, cảm thông với nhau. Tâm lí học cần phải giúp cho con người tìm được bản ngã đích thực của mình, để có thể sống một cách thoải mái, cởi mở, hồn nhiên và sáng tạo. Tuy nhiên, tâm lí học nhân văn đề cao những điều cảm nghiệm, thể nghiệm chủ quan của bản thân mỗi người, tách con người khỏi các mối quan hệ xã hội, chú ý tới mặt nhân văn trừu tượng trong con người, vì thế thiếu vắng con người trong hoạt động thực tiễn.

Tâm lí học nhận thức

Hai đại biểu nổi tiếng của tâm lí học nhận thức là G. Piagiê (1896 – 1980) (Thuỵ Sĩ) và G. Brunơ (trước ở Mĩ, sau đó ở Anh). Tâm lí học nhận thức coi hoạt động nhận thức là đối tượng nghiên cứu của mình. Đặc điểm tiến bộ nổi bật của dòng phái tâm lí học này là nghiên cứu tâm lí con người, nhận thức của con người trong mối quan hệ với môi trường, với cơ thể và với não bộ. Vì thế, họ đã phát hiện ra nhiều sự kiện khoa học có giá trị trong các vấn đề tri giác, trí nhớ, tư duy, ngôn ngữ… làm cho các lĩnh vực nghiên cứu nói trên đạt tới một trình độ mới. Đồng thời họ cũng đã xây dựng được nhiều phương pháp nghiên cứu cụ thể đóng góp cho khoa học tâm lí ở những năm 50 – 60 của thế kỉ XX. Tuy nhiên dòng phái này cũng có những hạn chế, họ coi nhận thức của con người như là sự nỗ lực của ý chí để đưa đến sự thay đổi vốn kinh nghiệm, vốn tri thức của chủ thể, nhằm thích nghi, cân bằng với thế giới, chưa thấy hết ý nghĩa tích cực, ý nghĩa thực tiễn của hoạt động nhận thức.

Tất cả những dòng phái tâm lí học nói trên đều có những đóng góp nhất định cho sự hình thành và phát triển của khoa học tâm lí. Song do những hạn chế lịch sử, họ thiếu một cơ sở phương pháp luận khoa học biện chứng, vì vậy họ vẫn chưa có quan điểm đầy đủ và đúng đắn về con người, về hoạt động tâm lí của con người… Sự ra đời của tâm lí học mácxit hay còn gọi là tâm lí học hoạt động đã góp phần đáng kể vào việc khắc phục hạn chế nói trên và tiếp tục đưa tâm lí học lên đỉnh cao của sự phát triển.

Tâm lí học hoạt động

Dòng phái tâm lí học này do các nhà tâm lí học Xô viết sáng lập như L.X. Vưgốtxki (1896 – 1934), X.L. Rubinstêin (1902 – 1960),

A.N. Lêônchiép (1903 – 1979), A.R. Luria (1902 – 1977)… Đây là dòng phái tâm lí học lấy triết học Mác – Lênin làm cơ sở lí luận và phương pháp luận, xây dựng nền tâm lí học lịch sử người: coi tâm lí học là sự phản ánh thế giới khách quan vào não, thông qua hoạt động.

Tâm lí người mang tính chủ thể, có bản chất xã hội, tâm lí người được hình thành, phát triển và thể hiện trong hoạt động và trong các mối quan hệ giao lưu của con người trong xã hội. Chính vì thế tâm lí học mácxit được gọi là “tâm lí học hoạt động”.