Thời kỳ vượt qua thử thách giữ vững đường lối phương pháp cách mạng Việt Nam
(ĐCSVN) – Sáng 31/7, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 – 1/8/2010). Thay mặt Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Tô Huy Rứa, UVBCT, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đọc diễn văn khai mạc. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.



- Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, UVBCT, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN.

- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước!

- Thưa các đông chí lão thành cách mạng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng!

- Thưa các đồng chí và các bạn!

Hoà trong không khí sôi nổi của cả nước đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhất kế hoạch năm 2010, chào mừng những ngày lễ lớn của dân tộc, triển khai Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, hôm nay, chúng ta vô cùng phấn khởi họp mặt tại đây để kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01.8.1930 – 01.8.2010).

Thay mặt Ban Tuyên giáo Trung ương, tôi xin chân thành cảm ơn và nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước - những người đã thường xuyên chỉ đạo, quan tâm theo dõi và gắn bó trực tiếp với ngành Tuyên giáo trong nhiều năm qua.

Với tất cả sự trân trọng và tình cảm quý mến, tôi xin chào mừng sự có mặt của các đồng chí lão thành đã từng lãnh đạo và công tác nhiều năm ở Ban Tuyên giáo Trung ương, trong ngành Tuyên giáo toàn quốc. Tôi xin cảm ơn sự có mặt của đại diện các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, các Hội văn học, nghệ thuật, các Hội Khoa học và kỹ thuật, Hội nhà báo Việt Nam, các cơ quan thuộc khối đã từng phối hợp, giúp đỡ ngành Tuyên giáo trong thực hiện các nhiệm vụ của Đảng.

Xin gửi lời chào thân thiết đến tất cả các đồng chí đã và đang công tác trong ngành Tuyên giáo của chúng ta.

Trong buổi Lễ kỷ niệm trọng thể và sâu sắc nặng ân tình này, xin kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm hàng ngàn đồng chí đã hy sinh, đã qua đời - những người đã cống hiến trọn cuộc đời mình vì sự nghiệp tuyên giáo của Đảng.

Thưa các đồng chí và các bạn!

Năm 1930, ngay sau khi Đảng ra đời, Ban Cổ động và Tuyên truyền đã được thành lập. Nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hoà bình, bảo vệ Liên bang Xô-Viết, ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1/8” của Ban Cổ động và Tuyên truyền được xuất bản. Tài liệu này đã góp phần thổi bùng lên ngọn lửa tranh đấu, chỉ trong vòng 3 tháng (từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1930) hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình cách mạng đã nổ ra. Vai trò, sức mạnh của công tác tuyên truyền của Đảng đi vào lịch sử cách mạng nước ta cùng với ngày 01/8/1930. Từ đó, ngày 1.8 trở thành một mốc son trong lịch sử đấu tranh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đánh giá cao sự kiện có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị (Khoá VIII) đã quyết định lấy ngày 1/8 hàng năm làm Ngày Truyền thống công tác tư tưởng, văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi hợp nhất Ban Khoa giáo Trung ương và Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương , Ban Bí thư đã quyết định lấy ngày 1/8 hàng năm làm Ngày Truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng.

Thưa các đồng chí và các bạn!

Trải qua 80 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn cách mạng, ngành Tuyên

Trải qua 80 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn cách mạng, ngành Tuyên giáo của Đảng đã có những tên gọi khác nhau, có sự thay đổi, điều chỉnh, bổ sung và từng bước hoàn chỉnh, nhưng trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, công tác Tuyên giáo cũng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Đó là công việc của toàn Đảng. Ngay từ khi Đảng mới thành lập và còn hoạt động trong bí mật, Bác Hồ cùng các lãnh tụ của Đảng không chỉ lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên giáo mà còn là những người thầy, người mở đường, người chiến sĩ trực tiếp hoạt động trên mặt trận này. Hôm nay, trong buổi lễ long trọng này tất cả chúng ta xin kính dâng lên Người và các thế hệ cách mạng tiền bối lòng biết ơn vô hạn và hứa sẽ đi trọn con đường mà Đảng và Bác đã chỉ ra vì Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho đất nước ta.

Nhìn lại chặng đường vẻ vang 80 năm qua, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo của Đảng phấn khởi và tự hào vì ở bất cứ giai đoạn nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

15 năm đấu tranh giành chính quyền (1930 -1945) trong bối cảnh kẻ thù đàn áp, khủng bố tàn khốc, điều kiện hoạt động hết sức hiểm nguy, đội ngũ những chiến sĩ làm công tác tư tưởng của Đảng đã nêu cao phẩm chất và khí tiết của người cộng sản, sẵn sàng hi sinh, bám sát phong trào cách mạng, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức quần chúng đấu tranh chống thực dân, đế quốc. Xô-viết Nghệ Tĩnh, Mặt trận dân chủ, cao trào giải phóng dân tộc tiến tới Tổng khởi nghĩa 8/1945 là những bằng chứng vô cùng sinh động về sức mạnh to lớn của công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo trong việc giác ngộ, tập hợp, tổ chức quần chúng, biến ý chí và tinh thần cách mạng thành sức mạnh vật chất, làm nên những cao trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả cuộc vận động cách mạng sâu sắc đó. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo thực sự là những chiến sĩ xung kích, có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy cao độ lòng yêu nước và truyền thống đoàn kết, anh hùng, bất khuất của dân tộc, xây đắp động lực tinh thần to lớn của quần chúng vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, công tác tuyên giáo đã tập trung nuôi dưỡng và phát huy ý chí kiên cường, bất khuất, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, động viên toàn dân tộc “Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập”, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam, cổ vũ nhân dân thực hiện ba nhiệm vụ lớn: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm; tuyên truyền sâu rộng, làm thấm sâu vào lòng dân Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Đảng và Bác Hồ, góp phần động viên cả nước dồn hết sức người, sức của cho kháng chiến, anh dũng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, công tác Tuyên giáo đã tham gia tổ chức và triển khai liên tục các phong trào cách mạng ở hai miền Nam – Bắc, cổ vũ, động viên quân và dân cả nước phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân toàn diện, triệt để, tạo nên sức mạnh tổng hợp “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào” giành thắng lợi có ý nghĩa dân tộc và thời đại sâu sắc trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Trong cuộc chiến đấu này, hàng vạn cán bộ tuyên giáo đã có mặt ở khắp mọi nơi, trên mọi mặt trận. Hàng ngàn cán bộ tuyên huấn, các nhà báo, văn nghệ sĩ, y bác sĩ, nhà giáo và cán bộ khoa học kỹ thuật… đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.

Trực tiếp phát hiện, nuôi dưỡng, khẳng định và truyền bá những giá trị văn hoá và sức mạnh tinh thần của con người Việt Nam trong cuộc đọ sức sống còn với các thế lực xâm lược tàn bạo là cống hiến to lớn của công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo của Đảng trong 30 năm kháng chiến giải phóng, bảo vệ và thống nhất Tổ quốc. Đúng như Lênin đã khẳng định: “Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, rốt cuộc là do trạng thái tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường quyết định”.

Những thành tựu mà nhân dân ta giành được trong gần 25 năm đổi mới là to lớn và có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi sâu sắc bộ mặt đất nước, tạo thế và lực mới để đất nước tiếp tục tiến lên, giành thắng lợi mới. Thực tiễn đổi mới đã chỉ ra rằng, sức mạnh của đổi mới, trước hết và có giá trị chỉ đạo hoạt động thực tiễn là đổi mới tư duy. Công tác tuyên giáo trong thời kỳ này đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới tư duy, động viên tinh thần, ý chí kiên cường, sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp còn nhiều thách thức ở phía trước, nhất là khi diễn ra các biến cố to lớn như cơn “chấn động chính trị” thế giới, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ vào những năm 1989 – 1991, cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực những năm 2008 -2009. Trước những thách thức cực kỳ gay gắt đó, công tác tuyên giáo đã nỗ lực hết mình, hoạt động không mệt mỏi góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng hợp lý để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Từ trong những hoạt động thực tiễn đó của 25 năm đổi mới, công tác tuyên giáo đã trưởng thành vượt bậc, gắn bó và phục vụ với hiệu quả ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Từ thực tiễn sinh động và phong phú của công tác Tuyên giáo qua 80 năm, chúng ta có thể rút ra một số bài học chủ yếu:

- Kiên định lý tưởng về lập trường cách mạng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao tính khoa học và cách mạng của công tác tuyên giáo trong quá trình xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Kiên định lý tưởng, mục tiêu cách mạng, kiên định những nguyên tắc cơ bản là nhân tổ quyết định đảm bảo cho công tác Tuyên giáo đúng hướng. Đồng thời, thực tiễn 80 năm chỉ ra rằng, kiên định phải đi liền với sáng tạo và phát triển. Sáng tạo và phát triển chính là để củng cố cho sự kiên định, làm cho nó vững chắc hơn, có sức thuyết phục hơn và gắn bó với thực tiễn đang vận động. Trong công tác Tuyên giáo, sự kiên định, tính khoa học và tính sáng tạo luôn luôn thống nhất. Đó là bài học lớn của công tác Tuyên giáo.

- Bám sát và am hiểu sâu sắc thực tiễn đất nước và tình hình thế giới, kịp thời dự báo các xu hướng, phát hiện vấn đề, đề xuất lý luận, chủ động tham gia định hướng, giải quyết những vấn đề tư tưởng, văn hoá và khoa giáo, tăng cường sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận xã hội. Tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, đề xuất, truyền bá, giáo dục lý luận đồng thời thường xuyên triển khai các hoạt động thực tiễn trên các lĩnh vực của công tác Tuyên giáo là hai mặt không thể tách rời nhau trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công tác Tuyên giáo suốt 80 năm qua. Cùng với hoạt động nghiên cứu lý luận của toàn Đảng, công tác tuyên giáo đã góp phần trực tiếp củng cố và xây dựng phẩm chất tiên phong đó.

-Phát huy sức mạnh của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị làm công tác tuyên giáo. Đó là nhiệm vụ của tất cả các đảng viên của Đảng đang có mặt ở mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó, trước hết, các cấp uỷ đảng và chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu phải quan tâm và trự tiếp chỉ đạo công tác Tuyên giáo, coi đó là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của mình. Đồng thời, Đảng cần huy động trí tuệ, tâm huyết, sức lực mọi mặt của toàn xã hội cùng Đảng hoạt động trên lĩnh vực tuyên giáo.

- Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, có năng lực, trình độ nghề nghiệp tốt, có đạo đức trong sáng, có tri thức và phương pháp công tác khoa học. Hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, ở mọi miền Tổ quốc, từ Trung ương đến cơ sở, trung thành với sự nghiệp cách mạng, bám sát thực tiễn, gắn bó mật thiết với nhân dân, có khả năng tập hợp, đoàn kết, thuyết phục quần chúng, thông thạo chuyên môn - nghiệp vụ... của các thế hệ cán bộ tuyên giáo là nhân tố trực tiếp quyết định hiệu quả công tác Tuyên giáo.

- Chủ động, kiên quyết phản bác có cơ sở khoa học và sức thuyết phục các quan điểm sai trái, phản động. Nắm vững bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng, văn hoá, tổ chức lực lượng, chủ động tiến công các quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... là bài học lớn của công tác Tuyên giáo, không chỉ có ý nghĩa trong quá khứ mà còn có giá trị thực tiễn trong thời kỳ mới.

Thưa các đồng chí và các bạn!

Tự hào về những thành tựu to lớn trong 80 năm qua, đứng trước yêu cầu của thời kỳ mới, ngành Tuyên giáo của Đảng và đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo ý thức rõ ràng và sâu sắc hơn về trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang của mình trong những năm tới.

Trải qua 80 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý báu, hun đúc nên những truyền thống vẻ vang. Đó là truyền thống trung thành vô hạn với lợi ích của giai cấp, của nhân dân và của cả dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; truyền thống đoàn kết thống nhất, ý thức tổ chức kỷ luật cao... Đây là cơ sở vững chắc để Đảng ta tiếp tục tiến tới, phát triển và thực hiện đưòng lối đổi mới đúng dắn, sáng tạo, tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc dưa cách mạng Việt Nam vươn lên giành đựoc những thành tựu to lớn hơn nữa. Sau 25 năm đổi mới, với thế và lực mới, đất nước ta có nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để phát triển, đẩy nhanh hơn nữa sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, trong những năm tới, thế giới đang biến đổi, biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường trên tất cả các lĩnh vực và trong các quan hệ quốc tế. Đời sống tư tưởng thế giới tiếp tục diễn ra ngày càng phức tạp, nhiều khuynh hướng khác nhau, đối lập nhau cùng ảnh hưởng và tác động đối với nước ta. Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn về nhiều mặt, song chất lượng phát triển kinh tế - xã hội còn rất hạn chế, chưa đảm bảo hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; phân hoá giàu nghèo còn lớn và có xu hướng tăng. Tình trạng thoái hoá, biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn nghiêm trọng. Các thế lực thù địch ráo riết hoạt động “diễn biến hoà bình” để chống phá cách mạng nước ta.

Trong khi những điều kiện và đặc điểm trên tác động cả tích cực và tiêu cực đến hoạt động của chúng ta, thì bản thân công tác Tuyên giáo, bên cạnh những thành tự rất đáng ghi nhận, vẫn còn nhiều mặt bất cập, yếu kém và khuyết điểm. Tham mưu trên một số lĩnh vực công tác còn chưa kịp thời, nhạy bén. Công tác tư tưởng văn hoá còn thiếu sắc bén; tính chiến đấu, tính giáo dục và thuyết phục chưa cao. Công tác lý luận chưa giải đáp đúng, trúng và thuyết phục nhiều vấn đề mới nảy sinh từ cuộc sống. Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học – công nghệ và các vấn đề xã hội còn nhiều việc chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Trong đấu tranh tư tưởng còn chưa kịp thời, chưa nhạy bén phản bác các luận điệu tuyên truyền thù địch, xuyên tạc, phản động.

Đó là những cơ hội lớn và cả những thách thức mới, gay gắt đối với công tác Tuyên giáo thời gian tới. Phát huy truyền thống 80 năm, toàn ngành Tuyên giáo cần nỗ lực vươn lên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tập trung sức thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư giao phó.

Công tác tuyên giáo là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng tinh thần của chế độ, khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, tư tưởng, lý luận, trí tuệ, văn hoá, đạo đức. Lý luận thật sự khoa học và cách mạng là cơ sở để giáo dục lý tưởng, củng cố và khẳng định niềm tin. Chưa bao giờ thực tiễn đặt ra những đòi hỏi bức xúc đối với công tác lý luận như hiện nay. Vì vậy, công tác Tuyên giáo phảo thực hiện tốt chức năng định hướng và góp phần đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, giải đáp những vấn đề đặt ra trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tích cực góp phần trực tiếp xây dựng Đảng trên tất cả các lĩnh vực về chính trị, tư tưởng, đạo đức và văn hoá; gắn chặt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả và phát triển Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong thời kỳ mới.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đường lối đổi mới của Đảng, tăng cường tính chiến đấu, tầm văn hoá và sức thuyết phục, chú trọng tính hiệu quả của các hoạt động tuyên giáo, gắn bó chặt chẽ với nhân dân và thực tiễn đất nước, nhân rộng, tạo sức lan toả của các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; giữ gìn và phát huy những giá trị nhân văn cao đẹp trong cuộc sống.

Chủ động góp phần trực tiếp với hiệu quả cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên quan điểm khẳng định công tác tuyên giáo phải là một bộ phận, một thành tố hữu cơ, gắn chặt với toàn bộ quá trình triển khai các nhiệm vụ và hoạt động kinh tế - xã hội.

Công tác tuyên giáo phải tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, xây dựng và truyền bá rộng rãi những giá trị mới của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Góp phần xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ to lớn của thời kỳ mới (cán bộ lãnh đạo, quản lý, các nhà văn hoá, khoa học, đội ngũ người lao động có trình độ tốt, các nhà doanh nghiệp tâm huyết với đất nước, có tài và đức...), chú trọng nâng cao chất lượng tham mưu trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, các vấn đề xã hội và trong nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước để các lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ phát triển mạnh mẽ, phát huy vai trò tích cực trong đời sống xã hội của từng cơ quan, đơn vị; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong các lĩnh vực rất quan trọng này.

Triển khai đồng bộ, chủ động đấu tranh có hiệu quả trên mặt trận tư tưởng, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước.

Về xây dựng đội ngũ, những năm tới, cần tập trung kiện toàn tổ chức, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, bản lĩnh chính trị năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá các hoạt động tuyên giáo.

Công tác tuyên giáo phải đổi mới toàn diện, mạnh mẽ về nội dung và phương thức, không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng và hiệu quả cụ thể, góp phần làm cho mặt tích cực, cái mới, cái tiến bộ trở thành xu hướng chỉ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội, nêu cao khát vọng vươn lên của các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần đại đoàn kết, sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận lớn trong xã hội để xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc VIệt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thưa các đồng chí và các bạn!

Những thành tựu đáng tự hào của công tác Tuyên giáo của Đảng 80 năm qua đã cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu, tạo niềm tin và sự phấn khởi của toàn ngành quyết tâm hoàn thành tốt hơn nữa những trọng trách mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao phó. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ đó, đội ngũ cán bộ tuyên giáo phải ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tiếp tục kiên định và thuỷ chung với lý tưởng cách mạng, gắn bó máu thịt với nhân dân và thực tiễn đất nước, nêu cao tinh thần và năng lực sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là những chiến sỹ xung kích trên mặt trận tuyên giáo của Đảng.

Nắm bắt thời cơ, vượt qua thử thách, vững vàng và không ngừng tiến lên, đó là phương hướng tư tưởng và phương châm hành động của chúng ta!

Một lần nữa, xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng Nhà nước và toàn thể các đại biểu dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!

Xin trân trọng cảm ơn!

(*) Đầu đề do Báo điện tử ĐCSVN đặt.