Tìm hiểu cách thiết lập mối quan hệ với thầy cô

Chương 20

Làm thế nào để tạo mối quan hệ tốt với thầy cô?

VÂN nói: “Tôi không chịu nổi một thầy giáo thiên vị”. Chắc chắn bạn cũng nghĩ thế. Tuy vậy, trong một cuộc thăm dò 160.000 thiếu niên Mỹ được thực hiện vào năm 1981, có đến 76 phần trăm nói rằng thầy cô của họ thiên vị!

Các thanh thiếu niên thường bực tức khi bị điểm thấp cho những bài mà họ nghĩ phải được điểm cao. Họ bất bình khi bị phạt có vẻ thái quá, không đáng hay có vẻ như là do phân biệt chủng tộc. Họ tức giận khi học trò ruột của thầy cô được chú ý đặc biệt hay ưu đãi.

Thật ra, thầy cô cũng có thể mắc sai lầm. Họ cũng có những tật xấu, có vấn đề, và cả thành kiến nữa. Tuy nhiên, Kinh Thánh cảnh giác: “Chớ vội giận”. (Truyền-đạo 7:9) Ngay cả thầy cô cũng “vấp-phạm nhiều cách lắm. Nếu có ai không vấp-phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn vẹn, hay hãm-cầm cả mình”. (Gia-cơ 3:2) Vậy, bạn có thể đánh giá thầy cô một cách rộng lượng hơn chăng?

Một bạn trẻ tên Phong để ý thấy thầy “nổi quạu với tất cả mọi người”. Phong tế nhị đến nói chuyện với thầy và tìm ra được nguyên nhân của thái độ cáu kỉnh này. Thầy giải thích: “Xe thầy trục trặc sáng nay. Nó bị nóng máy trên đường đến trường khiến thầy đến trễ”.

Thầy cô và những học trò ruột của họ

Còn việc các học trò ruột của thầy cô luôn được đối xử đặc biệt thì sao? Hãy luôn nhớ rằng thầy cô phải đối phó với những nhu cầu và áp lực rất đặc biệt. Sách Being Adolescent (Tuổi thiếu niên) mô tả các giáo viên phải đương đầu với một “tình huống hết sức phức tạp” là phải giữ sự chú ý của một nhóm học trò mà “đầu óc thường để đâu đâu... Trước mặt họ đây là những thiếu niên tính khí thất thường, dễ phân tâm, không quen tập trung đầu óc quá 15 phút”.

Vì thế, có nên ngạc nhiên chăng khi thầy cô đặc biệt lưu tâm đến một học sinh chăm chỉ, chú ý lắng nghe, hoặc biết tôn trọng thầy cô? Đồng ý là bạn có thể cảm thấy bực tức khi “những kẻ nịnh hót” dường như được quan tâm nhiều hơn. Nhưng tại sao lại ghen tị hay khó chịu khi một học sinh siêng năng nào đó được xem là học trò ruột của thầy cô trong khi nhu cầu học tập của bạn vẫn được chăm sóc? Ngoài ra, có lẽ bạn cũng nên cần mẫn hơn.

Cuộc chiến trong lớp học

Một học sinh nói về thầy mình như sau: “Thầy cứ luôn nghĩ rằng tất cả chúng tôi đều tuyên chiến với thầy và thế là thầy quyết định ra tay trước. Thầy là một người đa nghi”. Tuy nhiên, nhiều giáo viên nghĩ rằng họ có quyền “đa nghi” một chút. Như Kinh Thánh báo trước, đây là “những thời-kỳ khó-khăn”, và học sinh thường “không tiết-độ, dữ-tợn, thù người lành”. (2Ti-mô-thê 3:1-3) Vì thế, tờ U.S. News & World Report nói: “Giáo viên ở nhiều trường nội thành sống trong nỗi sợ hãi bạo lực”.

Cựu giáo viên Roland Betts nói về các giáoviên như sau: “Học sinh cho rằng nhiệm vụ đương nhiên của chúng là... [theo nghĩa bóng] dồn và đâm chọt họ để thử sức chịu đựng của họ... Khi bọn trẻ cảm thấy chúng đã đẩy được một ông thầy mới đến sát mức qui phục, chúng cànglàm tới”. Bạn hoặc các bạn cùng lớp có bao giờ hùa nhau chọc phá thầy cô chưa? Nếu có thì đừng ngạc nhiên khi thấy phản ứng của họ.

Kinh Thánh nói: “Hà hiếp biến người khôn thành kẻ dại”. (Truyền-đạo 7:7, Trịnh Văn Căn) Trong bầu không khí sợ hãi và vô lễ ở một số trường, việc một số giáo viên có phản ứng thái quá và thi hành kỷ luật gay gắt là điều dễ hiểu. Cuốn The Family Handbook of Adolescence (Cẩm nang về thiếu niên dành cho các gia đình) nhận xét: “Thái độ coi thường của các học sinh... đối với ý kiến của thầy cô thường được đáp lại bằng thái độ xem thường của giáo viên”. Thật vậy, đôi khi học sinh chính là nguyên nhân khiến thầy cô trở nên khó tính hay không thân thiện!

Cũng hãy xem xét hậu quả của những trò đùa quái ác trong lớp. Vân đã không phóng đại khi nói về “sự dằn vặt, hành hạ” của học sinh đối với thầy cô dạy thế. Ông Roland Betts nói thêm: “Các giáo viên dạy thế bị học sinh quậy phá một cách tàn nhẫn đến mức thường phải bỏ cuộc”. Học sinh rất thích những trò bất ngờ giả vờ vụng về, như đồng loạt đánh rơi sách hay viết chì, vì biết chắc chúng sẽ không hề hấn gì khi làm thế. Hoặc chúng có thể cố tình chọc tức thầy cô bằng cách ‘ngớ ra’, vờ như chúng chẳng hiểu thầy cô nói gì. Cậu trẻ tên Bình nói: “Chúng tôi chọc phá cho vui”.

Tuy nhiên, nếu bạn gieo sự độc ác trong lớp học thì chớ ngạc nhiên khi phải gặt lấy một ông thầy khó chịu, ác cảm. (So sánh Ga-la-ti 6:7). Hãy nhớ luật vàng: “Ấyvậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ”. (Ma-thi-ơ 7:12) Đừng dự phần vào những trò tinh quái trong lớp học. Hãy chú tâm đến bài giảng của thầy cô. Hãy tỏ thái độ hợp tác. Dần dần có lẽ thầy cô sẽ bớt ác cảm hơn—ít nhất là đối với bạn.

‘Thầy tôi chẳng ưa gì tôi’

Đôi khi sự khác biệt về nhân cách hay vì hiểu lầm có thể khiến thầy cô có ác cảm với bạn; sự thắc mắc muốn tìm hiểu có thể bị lầm tưởng là sự chống đối hay tính khôi hài có thể bị nhầm lẫn với sự giễu cợt. Và khi thầy cô không thích bạn, họ có thể có khuynh hướng muốn làm bạn xấu hổ. Từ đó sự ác cảm giữa hai bên có thể ngày một căng thẳng.

Kinh Thánh nói: “Chớ lấy ác trả ác cho ai... Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người”. (Rô-ma 12:17, 18) Hãy cố gắng đừng làm điều gì chọc tức thầy cô. Tránh những va chạm không cần thiết. Đừng để thầy cô có cớ than phiền về bạn. Thật vậy, hãy cố gắng tỏ ra thân thiện. Bạn có lẽ sẽ hỏi: ‘Thân thiện? Với ông ấy ư?’ Phải, hãy biểu lộ tư cách tốt của bạn bằng cách lễ phép chào thầy khi ông vào lớp. Thái độ luôn lễ phép của bạn—thỉnh thoảng kèm theo nụ cười—may ra có thể thay đổi cách nhìn của thầy về bạn.—So sánh Rô-ma 12:20, 21.

Đúng là không phải lúc nào nụ cười cũng giải quyết được vấn đề. Nhưng Truyền-đạo 10:4 khuyên: “Nếu người cai-quản [hay người có thẩm quyền] nổi giận cùng ngươi [bằng cách trừng phạt bạn], chớ lìa khỏi chỗ mình; vì sự mềm-mại ngăn-ngừa được tội-lỗi”. Cũng hãy nhớ rằng “lời đáp êm-nhẹ làm nguôi cơn-giận”.—Châm-ngôn 15:1.

‘Tôi đáng được điểm cao hơn’

Đây là một lời than phiền thường thấy. Hãy cố gắng giải thích vấn đề với thầy cô của bạn. Kinh Thánh kể lại cách Na-than thực hiện trọng trách khó khăn của ông là vạch trần một tội nghiêm trọng của Vua Đa-vít. Na-than đã không xông vào cung vua và la hét buộc tội, nhưng ông đến nói chuyện với Đa-vít một cách tế nhị.—2Sa-mu-ên 12:1-7.

Bạn cũng có thể đến nói chuyện với thầy cô một cách khiêm tốn và bình tĩnh như thế. Cựu giáo viên Bruce Weber nhắc nhở chúng ta: “Sự nổi loạn của học sinh khiến cho giáo viên trở nên cứng rắn bảo thủ. Sẽ không đi đến đâu cả nếu bạn nói năng giận dữ hay tuyên bố rằng giáo viên bất công và thề trả thù”. Hãy thử một phương pháp chín chắn hơn. Có lẽ bạn có thể bắt đầu bằng cách nhờ giáo viên giúp bạn hiểu về thang điểm của họ. Theo ông Weber, sau đó bạn có thể “cố gắng chứng minh điểm của mình bị cộng nhầm hay sót thay vì cho rằng bài bị chấm sai. Hãy sử dụng chính thang điểm của thầy cô để chỉ cho họ thấy chỗ sai sót”. Ngay dù điểm của bạn không thay đổi đi nữa, thì sự chín chắn của bạn có thể sẽ gây ấn tượng tốt nơi thầy cô.

Hãy cho cha mẹ biết

Tuy nhiên, đôi khi những cuộc nói chuyện không đem lại kết quả gì. Chẳng hạn như trường hợp của Sương. Là một học sinh giỏi, em sửng sốt khi một cô giáo bắt đầu cho em điểm loại. Vấn đề ở đây là gì? Sương là Nhân Chứng ­Giê-hô-va, và cô giáo của em hầu như công khai cho thấy rằng bà không thích Sương vì lý do này. Sương nói: “Chuyện đó thật bực mình nhưng tôi không biết phải làm gì”.

Sương kể lại: “Tôi thu hết can đảm nói cho mẹ tôi [một người mẹ đơn chiếc] biết về cô giáo này. Mẹ nói: ‘Có lẽ mẹ có thể nói chuyện với cô giáo của con’. Và vào ngày tiếp phụ huynh, mẹ đã đến nói chuyện với cô giáo về vấn đề của tôi. Tôi nghĩ mẹ sẽ bực mình, nhưng không. Mẹ chỉ bình tĩnh nói chuyện với cô giáo”. Cô giáo đó đã sắp đặt cho Sương được học với một giáo viên khác.

Thật ra, không phải rắc rối nào cũng kết thúc êm đẹp, và đôi khi điều duy nhất bạn có thể làm là chịu đựng. Nhưng nếu bạn có thể học tập yên ổn với thầy cô của bạn năm nay, bạn luôn có thể bắt đầu lại năm sau, có lẽ với những người bạn mới và ngay cả với thầy cô mới nữa.

Câu hỏi để thảo luận

◻ Bạn nghĩ thế nào về một thầy giáo đối xử bất công với bạn?

◻ Tại sao thầy cô thường hay đặc biệt lưu tâm đến các học trò ruột của mình?

◻ Làm thế nào bạn có thể học với một giáo viên dạy chán?

◻ Tại sao một số thầy cô có vẻ ác cảm đối với học sinh của họ?

◻ Làm thế nào bạn có thể áp dụng luật vàng trong lớp học?

◻ Bạn có thể làm gì nếu cảm thấy mình bị chấm điểm hay bị đối xử bất công?

[Câu nổi bật nơi trang 158]

Việc các học trò ruột của thầy cô được chú ý đặc biệt thường khiến các học sinh khác bất bình

[Câu nổi bật nơi trang 163]

“Giáo viên ở nhiều trường nội thành sống trong nỗi sợ hãi bạo lực”.—Theo tờ U.S. News & World Report

[Khung/​Hình nơi trang 160, 161]

Ông thầy tôi dạy chán ngắt!’

Cuốn The Family Handbook of Adolescence nói: “Một số cuộc thăm dò cho thấy rằng phần lớn học sinh ở tuổi thiếu niên đều phê phán thầy cô của chúng là dạy dở hay không có óc khôi hài”. Không sớm thì muộn, bạn cũng sẽ gặp một thầy giáo khiến bạn chán đến ‘chảy nước mắt’. Khi đó bạn có thể làm gì?

Một cuộc thí nghiệm mới đây cho thấy là mức độ tập trung của học sinh rất cao trong các giờ nữ công, thể dục, và nhạc. Tuy nhiên, các em rất ít tập trung trong các giờ ngôn ngữ và lịch sử.

Phải chăng vì giáo viên dạy nhạc hoặc thể dục có tài hơn giáo viên dạy môn lý thuyết? Chắc là không. Rõ ràng, chỉ vì nhiều học sinh có thái độ tiêu cực đối với các môn lý thuyết. Và nếu học sinh đã có định kiến là môn học này chán, thì dù giáo viên có tài như Socrates đi nữa cũng khó mà giữ được sự tập trung của các em! Vậy, có lẽ thái độ của bạn về một số môn học cần được điều chỉnh chăng? Chú ý hơn đến những điều bạn học có lẽ sẽ giúp bạn đỡ thấy chán.

Đôi khi ngay cả học sinh ham học cũng than phiền rằng họ gặp giáo viên “dở”. Nhưng thế nào là một giáo viên “giỏi”? Một bạn nữ nói: “Tôi thích cô dạy toán vì cô rất vui”. Một cậu khác thì khen thầy Anh văn vì thầy ‘kể nhiều chuyện tiếu lâm’.

Mặc dù khả năng pha trò hoặc một nhân cách dễ mến là một lợi thế của người giáo viên, nhưng nó không thể thay thế cho việc “có tài dạy-dỗ kẻ khác”. (2Ti-mô-thê 2:2) Tuy ở đây Kinh Thánh muốn nói đến khả năng thiêng liêng, nhưng nó cũng nhấn mạnh rằng một giáo viên giỏi cần hiểu rõ môn mình dạy.

Đáng buồn thay, kiến thức và sự linh hoạt thường không đi đôi với nhau. Chẳng hạn như sứ đồ Phao-lô là một người dạy dỗ siêu đẳng Lời Đức Chúa Trời. Thế nhưng một số tín đồ Đấng Christ vào thời ông đã phê phán rằng “đến khi có mặt thì người yếu đuối và lời nói chẳng có giá trị gì”. Phao-lô đã trả lời: “Về lời nói, tôi dầu là người thường, nhưng về sự thông-biết, tôi chẳng phải là người thường”. (2Cô-rinh-tô 10:10; 11:6) Nếu người ta xem thường những điều Phao-lô nói và chỉ nhìn thấy những khiếm khuyết trong cách nói của ông, họ bỏ mất cơ hội thu thập những hiểu biết quí giá. Đừng phạm sai lầm tương tự ở trường học! Trước khi đánh giá một giáo viên nào đó là “dở”, hãy tự hỏi: ‘Thầy có hiểu những điều thầy đang dạy không? Tôi có thể học hỏi nơi thầy không?’.

Có lẽ bạn phải tập trung nhiều hơn bình thường đối với những giáo viên giảng dạy thiếu sinh động. Hãy thử ghi chép để tập trung hết mức vào bài giảng. Hãy bổ sung những buổi thảo luận buồn tẻ trong lớp bằng việc học thêm ở nhà.

Giáo viên Barbara Mayer nói thêm: “Những giáo viên đã lặp đi lặp lại bài giảng quá nhiều lần thường có khuynh hướng dạy theo thói quen”. Bạn có thể làm gì để giờ học được sống động hơn? “Hãy giơ tay hỏi thêm để thay đổi không khí... Làm cho thầy phải nói mọi điều thầy biết”. Thầy có khó chịu về điều này không? Không, nếu bạn làm thế một cách lễ phép. (Cô-lô-se 4:6) Cô Mayer nói: “Bạn sẽ thấy thầy của bạn chuẩn bị bài kỹ hơn, chứ không chỉ với kiến thức sơ sài”.

Sự nhiệt thành cũng có thể lan sang người khác, và sự ham học của bạn có thể truyền thêm nhiệt huyết cho thầy cô. Dĩ nhiên, đừng trông chờ thầy cô thay đổi gì nhiều. Vẫn sẽ có những giờ học bạn buộc phải chịu đựng. Nhưng nếu bạn là một người biết lắng nghe và thật sự chú ý đến bài giảng, bạn vẫn có thể học được—ngay cả khi gặp một thầy dạy chán.

[Hình nơi trang 162]

Làn sóng bạo lực gia tăng ở học đường làm cho nghề dạy học trở thành một nghề cam go

[Hình nơi trang 164]

Nếu bạn cảmthấy có điều gì không đúng, hãy lễphép đến gặp thầy bạn