Ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp

Chuyển đổi số trong nông nghiệp - xu thế tất yếu

Sáng 2/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, tổ chức Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VI với chủ đề: Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp.

Đây là sự kiện thường niên nằm trong khuôn khổ chương trình Tự hào nông dân Việt Nam năm 2021 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt là đơn vị tổ chức.

Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ sáu với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, nhà khoa học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 để cùng trao đổi về bức tranh chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay, thảo luận những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp; vai trò, vị trí của nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp, những khuyến nghị của các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, chuyên gia đối với quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp
 Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ sáu với chủ đề: Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp.

Phát biểu tại Diễn đàn Nông dân quốc gia, ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: Hiện nay kinh tế số đang là xu thế tất yếu của thời đại, được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Đặc biệt, dưới tác động của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số đã không còn là giải pháp lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và từng lĩnh vực, từng người dân.

Với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế quốc dân, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là một trọng những yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định: Diễn đàn rất thú vị, đi đúng vào trọng tâm đó là quá trình chuyển đổi số của người nông dân đối với chuỗi sản xuất nông nghiệp.

“Như chúng ta đã biết, hiện cả nước có 4,1 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng lại được chia nhỏ ra thành 7 triệu mảnh ruộng, trải dài trên 14 vĩ độ của 7 vùng sinh thái khác nhau. Hằng năm, Việt Nam cũng xuất khẩu tới 42-43 tỷ USD các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tới trên 180 nước, vùng lãnh thổ; trong đó có 10 mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên như lúa gạo, tôm, cá tra, cao su, hồ tiêu, hạt điều, cà-phê, sắn, đồ gỗ… Đây thực sự là một số liệu, dữ liệu khổng lồ đòi hỏi nếu không được "số hóa" hay chuyển đổi số từ các dữ liệu đơn lẻ, từ cách hình thức ghi chép, thống kê khác nhau thành một kho dữ liệu để phục vụ cho chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Nông dân Việt Nam xuất sắc đi đầu trong công cuộc chuyển đối số

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định, thực tế, thời gian vừa qua Hội Nông dân Việt Nam và Hội nông dân các cấp đã có nhiều chương trình hành động để hỗ trợ, giúp đỡ, động viên các hội viên nông dân vươn lên làm giàu. Nhiều nông dân đã thu được tiền tỷ trên chính những mảnh vườn, thửa ruộng, vuông tôm, chuồng trại của mình. Nhưng thực tế để hỏi, thế nào là chuyển đổi số, không nhiều người nắm rõ.

Ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp
 Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại diễn đàn.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để công cuộc chuyển đổi số của ngành nông nghiệp thành công hay không phụ thuộc vào gần 100 nông dân xuất sắc có mặt tại diễn đàn.

"Chúng ta sẽ là những người đi đầu, những người dẫn dắt để cho hàng triệu hội viên nông dân cùng bước vào công cuộc chuyển đổi số đầy gian nan, thách thức nhưng cũng là cơ hội rất lớn để làm cuộc "đại thay đổi" cho ngành nông nghiệp”, Thứ trưởng bày tỏ kỳ vọng.

Đánh giá về những kết quả bước đầu trong việc thực hiện số hóa nông nghiệp tại Việt Nam, tiến sĩ Tan Siang Hee - Giám đốc CropLife châu Á nhận định: Việt Nam đang có những bước tiến đầu tiên trong việc thực hiện số hóa nông nghiệp và để làm được điều này cần sự chung sức của tất cả những đơn vị liên quan trong ngành nông nghiệp.

Theo tiến sĩ Tan Siang Hee Trong 18 tháng qua với tình hình đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp đã tự chuyển mình rất nhanh. Trong đó nổi lên sự kết nối giữa nông dân và người tiêu dùng.

Tiến sĩ Tan Siang Hee cũng cho biết: Vào quý 1 năm 2021, CropLife Asia đã thực hiện một cuộc khảo sát với trên 130 nông dân trồng lúa, trái cây, cà-phê và rau, chúng tôi nhận thấy rằng có 42% nông dân mong muốn chuyển sang ứng dụng nông nghiệp kỹ thuật số. Nhưng họ băn khoăn phải làm gì, làm như thế nào để có thể áp dụng những công nghệ mới. Theo khảo sát, có hơn 89% người Việt Nam sử dụng điện thoại di động và 68% trong số đó là điện thoại thông minh, vì vậy đây là cơ hội to lớn để người nông dân có thể phổ cập và áp dụng các công nghệ nông nghiệp cải tiến.

“Chính phủ Việt Nam cũng có những chiến lược phát triển 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với sự hỗ trợ của cơ sở hạ tầng chính phủ. Đây trở thành cơ hội cho những nông dân sản xuất nhỏ tiếp nhận với công nghệ” Tiến sĩ Tan Siang Hee khẳng định.

Ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp
Trung tâm Khuyến nông tỉnh trình diễn ứng dụng thiết bị máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật tại cánh đồng mẫu lớn xã Định Tiến (Yên Định).

Canh tác hơn 1.000m2 dưa lưới vốn được coi là cây trồng khái tính nhất nhưng anh Nguyễn Xuân Thiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36, xã Đông Tiến (Đông Sơn) không mất quá nhiều công sức. Bởi, các phần việc nặng nhọc nhất như bón phân, chăm sóc, tưới nước cho cây đã được tự động hóa. Khi thời tiết nắng nóng hay mưa nhiều, thiết bị cảm biến nhiệt độ tự điều chỉnh, điều hòa chế độ tưới để bảo đảm cây dưa sinh trưởng, phát triển ổn định nhất. Bên cạnh đó, khi dưa đến kỳ thu hoạch thiết bị sẽ báo, hình ảnh sản phẩm được chuyển về đầu mối ký hợp đồng liên kết thu mua. Doanh nghiệp thu mua chỉ cần đánh mã số trên tem truy xuất mọi thông tin về sản phẩm, gồm: giống, quy trình chăm sóc, chất lượng sản phẩm sẽ hiển thị đầy đủ. Anh Thiên cho biết: Mặc dù công ty mới thử nghiệm quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ số cho một phần diện tích sản xuất nhưng đã nhận thấy hiệu quả rõ rệt. Công ty không tốn quá nhiều chi phí chăm sóc, sản phẩm dưa làm ra đạt chất lượng cao nhất nên dễ dàng đi vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị trên địa bàn tỉnh và thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, kinh phí để đầu tư đồng bộ hóa hệ thống sản xuất này tương đối lớn nên hiện tại công ty đang liên hệ với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, phát triển sản xuất.

Theo phân tích của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đã được thực hiện trên nhiều lĩnh vực. Điển hình, như: lắp đặt thiết bị đo mưa tự động để cảnh báo, dự báo thiên tai; quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản; quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi ở những trang trại quy mô lớn; việc áp dụng máy móc để điều khiển hệ thống chăm sóc, phun tưới tự động trong trồng trọt... Việc ứng dụng công nghệ số không chỉ giúp quản lý hiệu quả mà còn là giải pháp hữu hiệu để các trang trại trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ các phương tiện đi vào khu vực sản xuất. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ; kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp; trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp; nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có trình độ kỹ thuật chưa cao... nên những mô hình chuyển đổi số của tỉnh còn khá khiêm tốn, việc chuyển đổi số chỉ được áp dụng ở một số khâu nhất định.

Không chỉ các doanh nghiệp, HTX, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ động tìm kiếm, ứng dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất mà ngành nông nghiệp và nhiều đơn vị liên quan của tỉnh cũng từng bước hỗ trợ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp. Tiêu biểu, như: Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã nhiều lần trình diễn thiết bị máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật; ngành thủy sản hỗ trợ triển khai lắp thiết bị theo dõi hành trình cho các tàu cá khai thác hải sản; ngành lâm nghiệp hỗ trợ thí điểm lắp hệ thống 11 camera được cấp thông số để dừng lấy ảnh chuẩn liên tục ở 24 vị trí góc khác nhau, truyền hình ảnh trực tiếp và rõ nét tại các khu rừng dễ cháy về máy tính và điện thoại thông minh của các chủ rừng, cán bộ quản lý lâm nghiệp, cán bộ địa phương... Từ những hỗ trợ, tập huấn đó, các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật mới, từng bước ứng dụng vào sản xuất linh hoạt, hiệu quả.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Nền nông nghiệp Thanh Hóa đang có sự mù mờ về thông tin. Người sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa liên kết được với nhau nên chuỗi liên kết cung – cầu thường bị ngắt quãng. Đã đến lúc ngành nông nghiệp cần thực hiện chuyển đổi số để sản phẩm nông nghiệp được định vị và minh bạch dữ liệu thông tin, tạo hành lang thông thoáng mở rộng thị trường và hướng tới xuất khẩu. Hiện, sở đang chỉ đạo các chi cục, đơn vị trực thuộc tìm hiểu, nắm rõ những nội dung của chuyển đổi số nhằm xây dựng kế hoạch ứng dụng vào các lĩnh vực sản xuất một cách phù hợp, hiệu quả. Toàn ngành sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu số, phổ cập kỹ năng số cho doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất, chế biến nông sản và người nông dân. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh tham mưu, đề xuất những cơ chế hỗ trợ nhằm khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp, HTX và người dân hưởng ứng, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số vào sản xuất.

Bài và ảnh: Lê Hòa