Xử lý khi trẻ nôn trớ

Xử lý khi trẻ nôn trớ

Khi trẻ nôn trớ, cha mẹ nên xem trẻ có những biểu hiện nào kèm theo không, ví dụ như sốt hay tiêu lỏng, ho, hay sổ mũi, phát ban v.v…

Nôn trớ  đơn thuần thường liên quan đến ăn uống. Hay gặp ở trẻ nhỏ do ép trẻ ăn quá nhiều, bú quá no, nằm liền sau khi bú, hoặc không dung nạp thức ăn  hoặc bắt đầu ăn bổ sung với thức ăn mới lạ, hoặc ăn nhiều quá 1 loại thức ăn nào đó. Nôn thường xuất hiện sớm, số lượng chất nôn ít, chủ yếu là thức ăn. Trẻ vẫn chơi bình thường, không ảnh hưởng đến tình trạng cơ thể. Do vậy, chỉ cần điều chỉnh cách cho ăn.

- Không ép trẻ ăn nhiều làm cho trẻ ngại khi nhìn thấy thức ăn.

- Khi cho 1 loại thức ăn mới nên cho từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc, chia  làm nhiều bữa nhỏ trong ngày .


- Ở những trẻ bú mẹ thì sau khi bú xong nên bế trẻ 10-15 phút rồi mới đặt trẻ nằm.


-  Khi cho trẻ bú  bình lưu ý  sao cho sữa ngập núm vú  bình để tránh nuốt không khí vào dạ dày.

- Ngoài ra có thể sử dụng thuốc chống nôn theo chỉ định của bác sĩ.


Nôn do bệnh tật: Hay gặp trong các bệnh nhiễm khuẩn tiêu chảy, viêm mũi họng, viêm phổi, viêm màng não... một số bệnh ngoại khoa như lồng ruột, tắc ruột, viêm ruột non hoại tử... 

Trẻ nôn đột ngột và kèm theo các triệu chứng đặc hiệu của từng bệnh. Cần đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế để xử trí kịp thời.

Khi bé nôn nhiều cũng giống như đi tiêu lỏng  , bé sẽ mất một lượng nước khá lớn. Do đó quan trọng là phải bổ sung lượng nước đã mất để  cơ thể bé không mất chất điện  giải. Tại nhà ta  có thể dùng dung dịch Oresol, nước chín hay  nước trái cây loãng.

Khi bé nôn nhiều, đừng cố gắng cho bé tiếp tục uống mà  cần thực hiện các biện pháp sau:

Lưu ý  : tư thế khi bé nôn nên để bé nằm nghiêng hoặc đỡ bé ngồi dậy , đề phòng khi bé nôn, chất nôn sẽ tràn vào khí quản , gây sặc rất nguy hiểm. Đã từng có trường hợp bé nôn trớ khi nằm ngữa , chất nôn tràn vào phổi gây ngừng thở, đến khi người nhà phát hiện đưa bé vào viện thì bé đã tím tái , không còn cứu chữa được.

 Khi đã lưu ý tư thế, thì nên chờ cho bé bớt nôn trớ, hãy cho uống một lượng nhỏ nước chín hoặc dung dịch Oresol, bé bị mất nước nhiều nên sẽ khát, khi đưa nước bé sẽ có khuynh hướng uống nhiều, sau đó sẽ nôn thốc tháo, do đó nên cho uống bằng muỗng nhỏ hoặc  từng ngụm một .

Nếu bé tiếp tục nôn nhiều, nên đưa bé đi khám. Nếu bé bớt nôn trớ thì cần cho uống luân phiên 50ml dung dịch Oresol và 50ml nước chín sau mỗi nửa giờ. Sau khi cho bé uống loại nước này mà bé không nôn trớ nữa thì cho bé bú sữa mẹ hoặc bú bình, tăng dần số lượng từ 80 - 100ml sau mỗi 3 - 4 giờ. Nếu bé không nôn trớ từ 12 - 24 giờ thì có thể cho bé ăn uống bình thường, nhưng vẫn cho bé uống nhiều nước. Bắt đầu với những thực phẩm dễ tiêu hoá như ngũ cốc hay sữa chua.

Nên nhớ khi bé nôn nhiều tức là bộ phận tiêu hóa đang có vấn đề cần nên nghỉ ngơi cho nên phụ huynh chỉ nên cho bé uống nước để không bị mất nước, đừng nên cố gắng ép ăn, không giúp được bé mà còn làm tăng triệu chứng và bé càng quấy khóc nhiều hơn.

Giúp trẻ ngủ sẽ làm cho bé  nhanh hồi phục hơn, vì dạ dày trống trong suốt thời gian này sẽ giúp bé dễ chịu hơn. Không cho bé dùng bất kỳ loại thuốc chống nôn nào khi chưa được sự cho phép của bác sĩ.

Trường hợp trẻ nôn trớ kéo dài hoặc nôn do bệnh lý mà trẻ có biểu hiện các triệu chứng như: sốt, đau bụng, lơ mơ, co giật, hay nôn ói liên tục,  có dấu hiệu mất nước như: miệng khô, ít nước mắt, tiểu ít,... thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.

Trường hợp trẻ bị sặc , đừng cố lấy tay móc thức ăn hay chất nôn ra, nên làm nghiệm pháp Heimlich ở trẻ lớn, đứng sau lưng trẻ, quàng 2 tay ra ôm lấy bụng trẻ và ấn mạnh vào, áp lực mạnh sẽ làm trẻ nôn ói ra dị vật đường thở. Ở trẻ nhỏ hơn thì nên để nằm sấp trên đùi chúng ta và vỗ mạnh vào lưng trẻ như hình vẽ. Dị vật , chất nôn sẽ được tống ra.

Sau khi tống chất nôn ói ra được nếu bé còn mệt thì nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất.

✳️ Nguyên nhân gây nôn ói ở trẻ là gì?

Các nguyên nhân thường gặp khác nhau tuỳ vào độ tuổi của trẻ:

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ < 12 tháng tuổi: 

  • Trào ngược dạ dày thực quản sinh lý hoặc bệnh lý. Điều này khó phân biệt nên cần đưa trẻ đi khám để bác sĩ chẩn đoán và điều trị.
  • Bịnh lý ngoại khoa như: hẹp môn vị dạ dày, lồng ruột, tắc ruột,…Nếu trẻ nôn ói nhiều hay dịch ói có màu bất thường cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay.
  • Nôn ói kèm với sốt, có thể trẻ bị nhiễm siêu vi, nhiễm trùng đường ruột hoặc nhiễm trùng nơi khác trong cơ thể.
  • Cũng có thể đơn giản là do tư thế cho bé bú chưa đúng cách hoặc ăn dặm chưa đúng cách.

Ở trẻ > 12 tháng tuổi:

  • Thường gặp nhất là nhiễm siêu vi, viêm dạ dày ruột, hay ngộ độc thực phẩm. Nôn ói thường bắt đầu đột ngột và hết trong vòng 24 đến 48 giờ. Ngoài ra, trẻ còn có một số triệu chứng khác như: đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, sốt. 
  • Một số nguyên nhân khác có thể gặp như: trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm màng não, nhiễm trùng đường ruột, tắc ruột, lồng ruột, viêm ruột thừa,…

✳️  Cần làm gì khi trẻ nôn ói?

1️⃣ Xử trí khi nôn ói:

  • Khi trẻ nhỏ bị nôn trớ, cần nghiêng đầu trẻ sang một bên để tránh hít sặc chất nôn. Nhanh chóng làm sạch chất nôn trong miệng mũi trẻ bằng cách hút mũi, quấn gạc ngón tay thấm hết chất nôn trong miệng trẻ. Nếu trẻ trớ khi đang ngủ, nên để trẻ nằm yên, kê đầu cao và nghiêng qua bên để tránh trào ngược và hít sặc. 
  • Vệ sinh thân thể sạch sẽ
  • Tránh bế xốc trẻ lên khi đang nôn trớ vì tăng nguy cơ trào dịch ói vào phổi

2️⃣ Theo dõi dấu hiệu mất nước

  • Dấu hiệu mất nước nhẹ: cảm giác khát nước, môi hơi khô. Trẻ bị mất nước nhẹ thường không cần đi khám ngay nhưng ba mẹ cần theo dõi diễn tiến để phát hiện kịp thời các dấu hiệu của tình trạng mất nước nặng hơn.
  • Dấu hiệu mất nước vừa và nặng:

+ Môi khô nhiều, mắt trũng

+ Khóc không thấy nước mắt

+ Tiểu ít 

+ Tay chân lạnh

+ Lừ đừ 

 + Mạch nhanh, sốc trụy tim mạch

Khi trẻ có một trong các dấu hiệu này, phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.

3️⃣ Bù dịch bằng đường uống

  • Dung dịch bù nước tốt nhất là Oresol, giúp bù lại nước và các chất điện giải (natri, kali, clorua) bị mất do nôn và tiêu chảy. Oresol không dùng điều trị nôn ói, nhưng giúp ngăn ngừa và điều trị mất nước là hậu quả có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
  • Đối với trẻ bị mất nước nhẹ: ba mẹ có thể cho trẻ uống Oresol tại nhà. Cần kiên nhẫn cho trẻ uống từng ngụm nhỏ, đút chậm mỗi 1-2 phút, bằng muỗng nhỏ để hạn chế bị ói. Lượng oresol trẻ cần uống trong vòng 4 giờ là 50ml cho mỗi ký cân nặng. ( Ví dụ: trẻ 10 ký, lượng oresol cần bù = 50 x 10= 500ml). 
  • Đối với trẻ không bị mất nước hay khi đã hết dấu mất nước: có thể tiếp tục cho uống Oresol hoặc nước đun sôi để nguội giữa các đợt nôn ói để ngăn ngừa tình trạng mất nước.
  • LƯU Ý: không nên cho trẻ uống các loại nước trái cây và các đồ uống khác  để bù dịch cho trẻ (nước khoáng có chất điện giải, các loại nước ngọt, nước có ga).
  • Cách pha Oresol: pha hết 1 gói với 1 lít nước đun sôi để nguội (không pha 1/2 gói với 1/2 lít nước,…)

4️⃣ Chế độ ăn

Nếu trẻ không có dấu hiệu mất nước có thể tiếp tục cho trẻ ăn. Nếu có dấu mất nước, sau khi bù nước trong vòng 2-3g trẻ bớt ói có thể bắt đầu cho ăn lại. Nguyên tắc là cho trẻ ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hoá và chia thành nhiều cử nhỏ.

  • Đối với trẻ còn bú mẹ: tiếp tục cho bú sữa mẹ vì sữa mẹ dễ tiêu hóa hơn so với các dung dịch bù nước. Cho con bú từng chút một, nhiều lần vì trẻ rất dễ bị nôn ói khi có thức ăn vào miệng. Nên cho bé bú 5-10 phút, ngưng 30 phút rồi bú tiếp. Theo dõi khoảng 2-3 giờ, nếu nôn ói giảm, trẻ ổn định: có thể cho bú như bình thường. Nếu không cải thiện, nên cho trẻ đi khám.
  • Đối với trẻ lớn hơn: 

+ Không cố gắng ép trẻ ăn, nhất là trong 24 giờ đầu. Nên khuyến khích trẻ uống nước bù dịch (như trên).

+ Cho trẻ ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa như cháo thịt nạc, súp, sữa chua,... Hạn chế các thức ăn nhiều chất béo vì khó tiêu.

5️⃣ Cho trẻ uống thuốc gì khi nôn ói?

Vì nôn ói là một phản ứng có lợi, giúp cơ thể loại bỏ yếu tố gây bệnh, các chất có hại. Do đó, chỉ nên dùng các thuốc chống nôn khi trẻ nôn ói quá nhiều gây nguy cơ mất nước hoặc dùng để giảm say tàu xe. Tuy nhiên những loại thuốc này cần được bác sĩ chỉ định, không nên tự ý dùng cho trẻ.

6️⃣ Cần đưa trẻ đi khám ngay khi nào?

Khi trẻ có một trong các dấu hiệu nguy hiểm sau:

  • Trẻ sơ sinh nôn ói nhiều, bú kém, bỏ bú
  • Nôn ói kéo dài hơn 24 giờ
  • Dịch ói có màu bất thường: có máu (đỏ hoặc nâu) hoặc màu vàng xanh (dịch mật)
  • Dấu hiệu mất nước vừa đến nặng: khô môi miệng, khóc không có nước mắt, mắt trũng, tiểu ít hoặc không đi tiểu trong 6-8 giờ đối với trẻ lớn hoặc tã không ướt trong 4-6 giờ đối với trẻ nhỏ
  • Đau bụng nhiều
  • Đi tiêu ra máu
  • Sốt ≥ 38,5 độ C trong 3 ngày, hoặc sốt cao > 39 độ C
  • Bé li bì, lừ đừ hoặc kích thích, quấy khóc bất thường
  • Co giật